Khi làn sóng lây nhiễm COVID-19 càn quét khắp Trung Quốc, chính quyền vẫn không đưa ra được kế hoạch kiểm soát dịch bệnh. Thay vào đó, họ đã ngừng thống kê số ca nhiễm trên toàn quốc cũng như không chia sẻ dữ liệu với Tổ chức Y tế Thế giới (WHO). Họ đã từ chối đề nghị giúp đỡ của cộng đồng quốc tế đồng thời còn hạ thấp mức độ nghiêm trọng của dịch bệnh. Đồng thời, chính quyền Trung Quốc cũng gỡ bỏ cách ly đối với khách du lịch và mở cửa với quốc tế.
Sự bùng phát của đại dịch COVID-19 ở khắp nơi tại Trung Quốc với các báo cáo tràn ngập trên mạng xã hội và truyền thông quốc tế đã xuất hiện kể từ khi Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) bất ngờ dỡ bỏ chính sách “Zero-COVID”. Chính sách phòng dịch hà khắc này đã gây ra vô số bi kịch và thống khổ cho người dân Trung Quốc trong suốt 3 năm qua.
Không có kế hoạch hay sự chuẩn bị nào
Sự thay đổi chính sách đột ngột mà không có kế hoạch của chính quyền đã khiến hệ thống y tế không có thời gian để chuẩn bị. Trong khi đó, hầu hết bệnh nhân trong đợt lây nhiễm này có các triệu chứng nặng như sốt cao, ho và viêm phổi, không giống như những trường hợp nhiễm biến thể Omicron.
Các bệnh viện phải đối mặt với tình trạng thiếu giường chăm sóc đặc biệt, máy thở, thuốc và các thiết bị chăm sóc khác. Nhân viên y tế bị nhiễm bệnh vẫn phải tiếp tục làm việc vì thiếu nhân lực.
Chính quyền Trung Quốc đã thất bại trong việc chấm dứt chính sách Zero- COVID. Điều này đã gây hoang mang và hoảng loạn cho người dân. Việc tập trung quá mức vào chính sách Zero-COVID và truy vết các ca bệnh đã gây áp lực nặng nề cho cơ sở hạ tầng y tế Trung Quốc trong suốt 3 năm qua.
Chính quyền còn chi những khoản tiền khổng lồ cho các cơ sở cách ly và xét nghiệm thay vì nâng cao năng lực của các bệnh viện và phòng khám cũng như đào tạo cho nhân viên y tế.
Không thông báo trước cho công chúng
Người dân không được thông báo trước để chuẩn bị cho việc tự điều trị COVID-19 tại nhà. Do vậy, khi có thông báo, người dân đã đổ xô đến các hiệu thuốc để tìm mua thuốc hạ sốt và thuốc điều trị cảm cúm.
Tuy nhiên, theo chính sách Zero-COVID trước đó, việc bán các loại thuốc như hạ sốt, ho, cảm bị kiểm soát nghiêm ngặt trong suốt 3 năm qua. Mục đích là ngăn người dân che giấu tình trạng sốt, để có thể phát hiện các trường hợp nhiễm bệnh và tiến hành xét nghiệm. Bởi đa số người dân đều không muốn làm xét nghiệm PCR hay bị đưa đi cách ly tập trung. Vì những quy định này nhiều công ty dược phẩm, các công ty sản xuất và phân phối thuốc đã phá sản. Các nhà máy còn lại thì không được thông báo trước để có kế hoạch ứng phó với nhu cầu tăng cao đột ngột khi các hạn chế phòng dịch được dỡ bỏ.
Hệ quả là người dân không thể dự trữ các loại thuốc cơ bản tại nhà trước khi chính sách phòng dịch COVID được nới lỏng. Mặc dù làn sóng lây nhiễm đã bắt đầu bùng phát trước đó nhưng người dân vẫn không thể mua được thuốc do lượng thuốc sản xuất vẫn thiếu hụt.
Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Trung Quốc đã đưa ra lời khuyên cho các công dân Hoa Kỳ tại Trung Quốc về tình huống xấu nhất có thể xảy ra:
“Chúng tôi khuyến khích tất cả công dân Hoa Kỳ dự trữ thuốc men, nước uống đóng chai và thực phẩm đủ dùng trong 14 ngày cho bạn và gia đình”. Đại sứ quán Hoa Kỳ đã ra tuyên bố này vào ngày 28/11 trên trang web chính thức và tài khoản mạng xã hội Weibo.
Một số người dân Trung Quốc đại lục làm theo hướng dẫn và sau đó họ đã để lại tin nhắn cảm ơn trên tài khoản Weibo của Đại sứ quán Hoa Kỳ vì được thông báo về làn sóng lây nhiễm.
Một người trong số đó cho biết: “Thật may mắn, tôi đã làm theo lời khuyên ngày 28/11 và chuẩn bị những thứ quan trọng như thuốc hạ sốt”.
Số ca nhiễm tăng cao, mất kiểm soát kể từ tháng 11
Theo một chuyên gia của WHO, số ca nhiễm đã bắt đầu tăng đột biến vào tháng 11, trước khi chính quyền Trung Quốc dỡ bỏ các biện pháp phòng dịch. Giám đốc điều hành Chương trình y tế khẩn cấp của WHO – ông Michael Ryan cho biết việc từ bỏ chính sách Zero-COVID không phải là nguyên nhân dẫn đến sự bùng nổ các ca nhiễm Covid-19 tại Trung Quốc bởi vì sự lây lan của virus đã vượt khỏi tầm kiểm soát của chính sách này.
Các thành phố lớn trên khắp Trung Quốc như Bắc Kinh, Trùng Khánh đều báo cáo số ca nhiễm COVID-19 tăng cao vào tháng 11 dù chính quyền đã thực hiện các đợt phong tỏa để cố gắng kiểm soát tình hình.
Ông Hồ Tích Tiến – Phát ngôn viên tuyên truyền đối ngoại của ĐCSTQ tiết lộ trên một bài đăng Weibo rằng, số ca nhiễm bệnh ở Bắc Kinh đã tăng lên nhanh chóng kể từ tháng 11.
Ông viết rằng: “Tóm lại, dịch bệnh đã nằm ngoài tầm kiểm soát”
Tuy nhiên, bài đăng này đã nhanh chóng bị xóa.
Ngừng báo cáo số liệu
Vào ngày 25/12, Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc thông báo rằng họ sẽ ngừng công bố số ca mắc COVID-19 hàng ngày trên toàn quốc trong bối cảnh số ca nhiễm đang gia tăng.
Tuy nhiên, ông Du Tân Lạc – Phó chủ nhiệm Ủy ban Y tế tỉnh Chiết Giang phát biểu tại cuộc họp về công tác phòng chống dịch Covid-19 tại tỉnh Chiết Giang được tổ chức cùng ngày (ngày 25/12) nói rằng, số ca nhiễm COVID-19 ở tỉnh Chiết Giang đã vượt quá 1 triệu ca mỗi ngày. Dự kiến, số ca nhiễm mới ghi nhận tối đa ở tỉnh này sẽ đạt khoảng 2 triệu ca mỗi ngày vào những ngày đầu của năm mới.
Các báo cáo không nhất quán với nhau làm tăng thêm sự hoài nghi về tình hình thực tế của đợt bùng phát dịch bệnh ở Trung Quốc hiện nay.
Kể từ khi nới lỏng các biện pháp phòng dịch vào ngày 7/12, chính quyền đã ngừng xét nghiệm hàng loạt và ngừng báo cáo các ca bệnh không có triệu chứng vào ngày 14/12.
Dữ liệu của Trung Quốc cũng không được gửi cho WHO trong vòng hai tuần, bất chấp yêu cầu từ cơ quan y tế và Chính phủ Hoa Kỳ về việc chia sẻ dữ liệu về đợt bùng phát mới của đại dịch COVID-19.
Từ chối trợ giúp quốc tế
Phần lớn người dân Trung Quốc đã tiêm vaccine COVID-19 do Trung Quốc sản xuất. Loại vắc xin này được nhiều chuyên gia cho là kém hiệu quả hơn so với vaccine của phương Tây. Cộng đồng quốc tế gồm cả WHO và các quốc gia phương Tây đã đề nghị hỗ trợ y tế cho người dân Trung Quốc trong bối cảnh số ca nhiễm gia tăng mạnh.
Tuy nhiên, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Mao Ninh đã bác bỏ đề nghị của Mỹ trong cuộc họp báo thường kỳ ngày 21/12.
Ngày 20/12, Tổng thống Đức Frank-Walter Steinmeier đã trao đổi trong một cuộc điện đàm với nhà lãnh đạo ĐCSTQ Tập Cận Bình rằng Đức có thể cung cấp ngay lập tức cho Trung Quốc hàng trăm triệu liều vaccine BioNTech. Tuy nhiên ông Tập đã từ chối đề nghị này. Chính quyền chỉ cho phép Đức chuyển đến số vaccine cho 20.000 công dân Đức đang sinh sống tại Trung Quốc.
Dỡ bỏ cách ly hoàn toàn đối với khách du lịch quốc tế
Trung Quốc sẽ hủy bỏ toàn bộ các yêu cầu cách ly đối với khách du lịch quốc tế kể từ ngày 8 tháng 1. Đây được xem là động thái thể hiện bước chuyển của họ trong việc sống chung với Covid. Dù rằng không thể tránh khỏi một thực tế rằng người dân Trung Quốc chưa thực sự sẵn sàng cho điều này.
Trước đây, các du khách quốc tế khi đến Trung Quốc phải cách ly ít nhất ba tuần, sau đó giảm dần xuống năm ngày tại khách sạn và ba ngày ở nhà.
Bộ Y tế Trung Quốc cho biết, mặc dù quy định cách ly này được dỡ bỏ vào 8/1 tới, du khách đến Trung Quốc vẫn cần có chứng nhận xét nghiệm âm tính với COVID-19 hiệu lực trong vòng 48 giờ, trước khi di chuyển trong nội địa.
Tính đến nay, Chính phủ Trung Quốc đã rút lại đáng kể các chính sách hạn chế COVID-19. Sự thay đổi này đến từ các cuộc biểu tình bất thường của công chúng hồi cuối tháng 11.
Sự thay đổi này được thực hiện như một phần của việc hạ cấp rủi ro do virus gây ra ở quốc gia này khi nền kinh tế đang suy yếu và người dân Trung Quốc trở nên quá mệt mỏi với các biện pháp phong tỏa nghiêm ngặt.
Chính quyền Trung Quốc đã cố gắng hạ thấp mức độ nghiêm trọng của làn sóng lây nhiễm hiện nay. Bởi vì cho rằng biến thể đang gây ra đợt bùng phát ở Trung Quốc vẫn là Omicron với tỷ lệ tử vong khoảng 0,1% và tương đương với bệnh cúm mùa thông thường, ông Chung Nam Sơn – nhà virus học hàng đầu Trung Quốc đã nói trong một bài phát biểu trực tuyến ngày 16/12 rằng: “Đợt bùng phát COVID- 19 hiện nay nên được gọi đơn giản là Cảm lạnh COVID”.
Ông Lý Nguyên Hoa, một nhà sử học sống ở Úc, nói với tờ The Epoch Times rằng chính sách của ĐCSTQ hiện tại là chuyển hướng từ “Zero-COVID” sang “lây nhiễm cộng đồng”. Cách làm của chính phủ hoàn toàn không đúng và tình hình đã trở nên vô cùng hỗn loạn.
“Sự thay đổi chính sách của ĐCSTQ hoàn toàn là vì mục tiêu chính trị. Chính quyền hoàn toàn không quan tâm đến việc sống chết của người dân. Chính quyền muốn để mọi người đều nhiễm bệnh và sau đó quay lại làm việc nhằm phục hồi nền kinh tế sau phong toả. Cách làm này sẽ gây ra cái chết của rất nhiều người lớn tuổi.”
Theo Epoch Times tiếng Anh
Thanh Trúc (NTDVN) biên dịch