spot_img
19 C
Vietnam
Thứ bảy,23 Tháng mười một
spot_img

Trung Quốc triển khai cảnh sát chống bạo động để dập tắt biểu tình

Trung Quốc triển khai cảnh sát chống bạo động để dập tắt biểu tình
Hơn 100 sinh viên Trung Quốc tổ chức một cuộc biểu tình phản đối chính sách zero-COVID và ĐCSTQ độc tài, tại Tòa thị chính, Sydney, Úc, ngày 28/11/2022. (Ảnh: Ling Xiao/ Epoch Times)

Trong một video trên Twitter, hàng chục cảnh sát chống bạo động Trung Quốc được nhìn thấy đang cầm khiên tiến lên, trong khi các đồ vật bị ném về phía họ. Sau đó, người ta nhìn thấy cảnh sát đưa những người bị còng tay ra khỏi hiện trường.

Một video khác cho thấy người biểu tình ném đồ vật vào cảnh sát. Video thứ ba cho thấy mọi người bỏ chạy sau khi một hộp hơi cay đáp xuống giữa họ và phun khói.

Các video đã được quay tại quận Haizhu của Quảng Châu, Reuters cho biết , mặc dù hãng tin này không thể xác định trình tự các sự kiện hoặc điều gì đã gây ra các cuộc đụng độ.

Nhiều bài đăng trên các phương tiện truyền thông xã hội chỉ ra rằng các cuộc đụng độ nổ ra do dân chúng không thể tiếp tục chịu đựng các phong tỏa chống COVID-19 của địa phương.

Quận Haizhu là nơi diễn ra một cuộc biểu tình lớn vào giữa tháng 11, với hơn 1.000 cư dân xuống đường phản đối các biện pháp phong tỏa kéo dài tại đây. Họ đã tìm cách để có thể tiếp cận nhiều hơn với thực phẩm, các nhu yếu phẩm khác và điều trị y tế.

Nhiều cuộc biểu tình đã nổ ra trên khắp Trung Quốc vào cuối tuần trước, từ ngày 26-27/11, một phần đến từ sự tức giận của dân chúng về vụ hỏa hoạn kinh hoàng ở khu vực Tân Cương xa xôi phía tây của Trung Quốc; vụ hỏa hoạn này đã khiến 10 người thiệt mạng, theo số liệu được báo cáo chính thức. Các hạn chế về COVID-19 tại địa phương dường như đã ngăn cản cư dân thoát khỏi đám cháy và khiến lính cứu hỏa không thể kịp thời tiếp cận hiện trường.

Lý do lớn hơn đằng sau các cuộc biểu tình là sự bất bình của công chúng ngày càng gia tăng đối với chính sách zero-COVID của chế độ Bắc Kinh. Trong thời gian này, mọi người phải xét nghiệm nhiều lần và bị cách ly tại nhà.

Những người biểu tình đã sử dụng các cuộc mít tinh để kêu gọi có được các quyền tự do lớn hơn, trong khi một số người yêu cầu nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình và Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) hạ đài.

Theo thống kê của Nathan Ruser, nhà nghiên cứu tại Viện Chính sách Chiến lược Úc, kể từ sau vụ hỏa hoạn chết người, đã có 43 cuộc biểu tình công khai trên 22 thành phố ở Trung Quốc .

Sự im lặng của ông Biden về làn sóng biểu tình là món quà quý cho ông Tập
Người biểu tình tuần hành phản đối các hạn chế khắc nghiệt do COVID-19 của Trung Quốc tại Bắc Kinh, Trung Quốc, vào ngày 28/11/2022. (Ảnh: Noel Celis/AFP qua Getty Images)

Đàn áp

Trước làn sóng bất tuân dân sự lớn nhất mà các nhà lãnh đạo ĐCSTQ ở Bắc Kinh từng chứng kiến ​​trong nhiều thập kỷ, giới chức Trung Quốc đã bắt đầu truy tìm người biểu tình và thậm chí bắt giữ họ.

“Một trong những người bạn của tôi, người đã đăng video những người kêu gọi ông Tập từ chức, đã bị cảnh sát bắt đi vào đêm qua”, một cư dân Bắc Kinh yêu cầu giấu tên nói với Reuters.

“Những người bạn khác đăng video tương tự đã phải đến đồn cảnh sát. Hầu hết bị giữ lại trong vài giờ và được yêu cầu ký vào một biên bản hứa rằng họ sẽ không tái phạm. Và hầu hết hiện đã xóa bài đăng của họ”.

Vào ngày 28/11, một người biểu tình ở Bắc Kinh, yêu cầu giấu tên vì sự an toàn của cô, nói với AFP rằng cô và năm người bạn của mình đã được cảnh sát địa phương liên lạc.

“Anh ấy nói tên tôi và hỏi tôi có đến sông Lương Mã (Liangma) đêm qua không… anh ấy hỏi rất cụ thể có bao nhiêu người ở đó, tôi đi lúc mấy giờ, làm sao tôi biết về nó”, người biểu tình nói.

Ít nhất 1.000 người, chia thành hai nhóm, đã tập trung dọc theo Đường vành đai 3 của Bắc Kinh gần sông Lương Mã vào sáng sớm ngày 28/11.

“Chúng tôi không muốn đeo mặt nạ, chúng tôi muốn tự do. Chúng tôi không muốn xét nghiệm COVID, chúng tôi muốn tự do”, một trong những nhóm hô vang, theo Reuters.

Cơ quan thực thi pháp luật hàng đầu của chính quyền Trung Quốc, Ủy ban Chính trị và Pháp luật Trung ương, đã đưa ra một tuyên bố vào ngày 29/11; trong đó cảnh báo về cái mà họ gọi là “các thế lực thù địch”, sau cuộc họp do Bí thư Đảng ủy, ông Trần Văn Thanh (Chen Wenqing), chủ trì.

“Cuộc họp nhấn mạnh rằng các cơ quan chính trị và pháp luật phải thực hiện các biện pháp hiệu quả để… kiên quyết bảo vệ an ninh quốc gia và ổn định xã hội”, tuyên bố cho biết, theo  Associated Press.

“Chúng ta phải kiên quyết trấn áp các hoạt động xâm nhập và phá hoại của các thế lực thù địch theo quy định của pháp luật, kiên quyết trấn áp các hành vi phạm pháp và tội phạm gây rối trật tự xã hội và duy trì hiệu quả sự ổn định chung của xã hội”, theo tuyên bố.

Trong khi tuyên bố không đề cập đến các cuộc biểu tình, ông Hồ Tích Tiến (Hu Xijin), cựu Tổng biên tập tờ Global Times (Hoàn Cầu) của nhà nước Trung Quốc, đã lên Twitter để nói rằng đó là một lời cảnh báo chống lại những người biểu tình.

“Các quan chức Trung Quốc đã sử dụng ngôn ngữ ẩn ý, ​​nhưng họ cũng truyền tải một thông điệp cảnh báo rõ ràng”, ông Hồ viết. “Những người biểu tình hẳn đã hiểu điều đó. Nếu họ lặp lại những cuộc biểu tình đó, rủi ro sẽ tăng lên mức nghiêm trọng”.

Trung Quốc triển khai cảnh sát chống bạo động trong nỗ lực dập tắt các cuộc biểu tình COVID-19
Một người đàn ông bị bắt khi mọi người tụ tập trên đường phố ở Thượng Hải để phản đối vào ngày 27/11/2022. (Hector Retamal/AFP qua Getty Images)

Bày tỏ mối quan tâm

Nhiều nhà lập pháp từ khắp nơi trên thế giới đã bày tỏ sự quan tâm của họ với những người biểu tình ở Trung Quốc.

Trong khi đó, các nhóm nhân quyền đã kêu gọi chính quyền Trung Quốc tôn trọng quyền biểu tình ôn hòa.

“Thay vì trừng phạt người dân, chính phủ nên lắng nghe lời kêu gọi của họ”, bà Hana Young, Phó giám đốc khu vực của Tổ chức Ân xá Quốc tế, cho biết trong một tuyên bố đưa ra ngày 27/11.

“Chính phủ Trung Quốc phải ngay lập tức xem xét các chính sách COVID-19 của họ để đảm bảo rằng chúng phù hợp và có thời hạn. Tất cả các biện pháp kiểm dịch đe dọa đến an toàn cá nhân và hạn chế quyền tự do đi lại một cách không cần thiết phải bị đình chỉ”.

“Chính phủ cũng cần điều tra kịp thời, hiệu quả và kỹ lưỡng vụ cháy ở Ô Lỗ Mộc Tề (Urumqi), để tránh tái diễn, mang lại công lý cho các nạn nhân và gia đình họ, đồng thời cho người dân thấy rằng chính phủ phản hồi trước những bất bình của họ”.

Nguồn The Epoch Times

Bản dịch từ NTDVN

 


Xem thêm

- Quảng cáo -spot_img

Xem nhiều