Chiều thứ Sáu ngày 17/03/2023 – Sự kiện Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC) ra lệnh bắt giữ tổng thống Nga Vladimir Putin vì tội ác chiến tranh, được dư luận hết sức chú ý.
ICC cáo buộc ông Putin phải chịu trách nhiệm về các tội ác chiến tranh, bao gồm cả việc bắt nhiều trẻ em từ Ukraine đưa về Nga.
Tòa án này nói rằng tội ác đã xảy ra ở Ukraine ít nhất là từ ngày 24 tháng 2 năm 2022 – khi Nga phát động cuộc chiến.
Theo giáo sư Julia Grignon, đại học Laval ở Canada, việc Tòa án phát lệnh bắt cho thấy đã có đủ những yếu tố để truy tố Vladimir Putin. Nhưng do Nga không chấp nhận quy chế Roma, cơ hội đưa được ông chủ điện Kremlin ra trước tòa hết sức mỏng manh.
ICC không thể gửi một đơn vị đặc nhiệm để áp giải Putin sang La Haye, cũng không có chuyện Ông ấy tự nộp mình hay cảnh sát Nga đưa sang, hoặc một nước thứ ba can thiệp. Mọi việc còn tùy thuộc vào diễn biến cuộc chiến, và sự hợp tác của các Nhà nước khác.
Tuy nhiên, đây không phải là lần đầu tiên một nguyên thủ quốc gia bị cáo buộc phạm tội. Trong lịch sử, đã có rất nhiều lãnh đạo cao cấp bị kết án và xử tử vì tội ác diệt chủng và chống lại loài người.
Kể từ năm 1945, nhiều nhà lãnh đạo và các nhân vật chủ chốt đã bị truy tố và đưa ra tòa án trong nước và quốc tế để trả lời về các cáo buộc, bao gồm tội diệt chủng và tội ác chống lại loài người, trong bối cảnh thúc đẩy một cuộc đấu tranh lớn hơn nhằm thực thi pháp quyền trên toàn thế giới.
Các thủ lĩnh Đức Quốc xã bị kết án trong phiên tòa Nuremberg năm 1945
Vào giữa Thế chiến II, quân Đồng minh đã đưa ra một tuyên bố chung vào năm 1942, ghi nhận rằng dưới chế độ Đức Quốc xã đã xảy ra các vụ hành quyết hàng loạt người Do Thái, và kêu gọi những kẻ phạm tội phải chịu trừng phạt.
Nạn diệt chủng với tên gọi Holocaust do Đức Quốc xã tiến hành, đã dẫn tới cái chết của khoảng 6 triệu người Do Thái bao gồm 3 triệu đàn ông, 2 triệu phụ nữ và 1 triệu trẻ em.
Đến năm 1945 – Phiên tòa Nuremberg – phiên tòa xét xử tội phạm chiến tranh quốc tế đầu tiên, đã cố gắng đưa các thủ lĩnh còn sống sót của chế độ Đức Quốc xã, cùng các kỹ sư của Holocaust ra trước công lý.
Tất cả có 403 phiên xử, 116 nhân chứng được mời, hơn 5.000 hồ sơ chứng cứ, 200 tấn giấy trong đó chứa đựng cái chết của hàng triệu sinh mạng.
Mười một trong số hai mươi bốn bị cáo bị kết án tử hình. Sau đó, Hoa Kỳ tiến hành 12 phiên tòa bổ sung dẫn đến 65 bản án và hơn 20 bản án tử hình.
Thủ tướng Tojo Hideki bị xử tử trong phiên tòa xét xử tội phạm chiến tranh Tokyo
Vào ngày 3 tháng 5 năm 1946, ở Tokyo, Nhật Bản – Dưới sự giám sát của Tư lệnh Tối cao Hoa Kỳ Douglas MacArthur, Tòa án Quân sự Quốc tế Viễn Đông đã xét xử 28 quan chức chính phủ và sĩ quan quân đội Nhật Bản bị cáo buộc vi phạm các tội ác chiến tranh và chống lại loài người trong Thế chiến II, bao gồm giết hại và đối xử vô nhân đạo với tù nhân chiến tranh và dân thường bị quản thúc, cũng như tàn phá và sát hại hàng loạt dân thường ở các quốc gia khác.
Trong đó, nổi tiếng nhất là vụ kết án và xử tử cựu Thủ tướng Nhật Bản Tojo Hideki. Một số quan chức cấp cao khác, trong đó có Đại tướng Matsui Iwane, người tổ chức vụ Thảm sát Nam Kinh, và Kimura Heitarō, người tiến hành bạo hành tù binh chiến tranh của quân đội Đồng Minh cũng đã bị truy tố.
16 người khác bị kết án tù chung thân, 2 người còn lại phải chịu án tù. Ngày 23 tháng 12 năm 1948, Tōjō và 6 người khác đã bị hành quyết (bằng cách treo cổ) tại Tokyo, Nhật Bản.
Cựu nguyên thủ quốc gia đầu tiên bị xét xử vì tội ác chiến tranh tại Tòa án Hình sự Quốc tế về Nam Tư cũ
Ngày 25 tháng 5 năm 1993 – Nghị quyết 827 của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc đã thành lập Tòa án Hình sự Quốc tế cho Nam Tư cũ, để xét xử những người chịu trách nhiệm về các vụ giết người hàng loạt người Hồi giáo Bosnia, người Croatia và người Albania ở Kosovo, cũng như các vụ ngược đãi người dân tộc Serb, ở Balkan bắt đầu từ năm 1991.
Trong đó bị cáo nổi tiếng nhất là cựu Tổng thống Slobodan Milosevic, người đã bị xét xử lần đầu vào năm 2002. Milosevic là cựu nguyên thủ quốc gia đầu tiên bị xét xử vì tội ác chiến tranh, tội ác chống lại loài người cũng như tội ác diệt chủng. Tuy nhiên, ông đã chết trong một trung tâm giam giữ của Liên Hợp Quốc vào năm 2006, trước khi phiên tòa xét xử ông ta kết thúc.
Tòa án đặc biệt Iraq kết án Saddam Hussein
Vào tháng 12 năm 2003 – Một tòa án đặc biệt được thành lập bởi Hội đồng Quản trị Iraq do Hoa Kỳ chỉ định, với mục đích xét xử những người Iraq phạm các tội ác về nhân quyền, dưới thời cai trị của cựu độc tài Saddam Hussein từ năm 1968 đến năm 2003.
Đến năm 2005, Chính phủ lâm thời đã hợp nhất tòa án này vào hệ thống pháp luật trong nước và đổi tên nó thành Tòa án Tối cao Iraq.
Saddam Hussein bị cáo buộc đã ra lệnh hành quyết khoảng 150 người Iraq theo dòng Shiite ở phía bắc thị trấn Dujail, giết khoảng 5.000 người Kurd bằng khí hóa học ở Halabja vào năm 1988, và xâm lược Kuwait vào năm 1990.
Năm 2006 tòa án đã kết án Saddam Hussein và vào tháng 12 năm đó, ông ta đã bị tử hình bằng cách treo cổ tại một điểm thi hành án bí mật ở thủ đô Baghdad (Iraq).
Cựu lãnh đạo Trung Quốc Giang Trạch Dân bị truy tố trong nước và bị kiện trên toàn cầu
Vào ngày 21/5/2004 – “Tổ chức Thế giới Điều tra Cuộc Đàn áp Pháp Luân Công” (viết tắt là WOIPFG), đã ban hành một thông tư có tiêu đề “Truy tìm Giang Trạch Dân, Thủ phạm chính của Tội ác Diệt chủng, Tra tấn và Chống lại loài người”.
Thông tư đề cập rằng các học viên Pháp Luân Công đã kiện Giang Trạch Dân tại Tòa án Tối cao ở Bắc Kinh vào ngày 29/8/2000, cáo buộc Giang đã chà đạp nghiêm trọng Hiến pháp và cần phải bị truy cứu trách nhiệm pháp lý và hình sự.
Vào tháng 10/2002, Giang Trạch Dân bị buộc tội diệt chủng, tra tấn và chống lại loài người tại Hoa Kỳ. Kể từ đó, các học viên Pháp Luân Công đã liên tiếp đệ đơn kiện Giang Trạch Dân ở Thụy Sĩ, Bỉ, Úc, Tây Ban Nha, Đức, Đài Loan, Hàn Quốc, Tòa án Công lý Quốc tế ở The Hague và Liên Hợp Quốc.
Kể từ tháng 5/2015, hơn 210.000 học viên Pháp Luân Công ở Trung Quốc và hải ngoại đã gửi đơn khiếu nại hình sự đến Tòa án Tối cao Bắc Kinh và Viện Kiểm sát Tối cao bằng tên thật của họ, cáo buộc tội ác bức hại của Giang Trạch Dân.
Tính đến tháng 6/2021, WOIPFG đã công bố 730 bản ghi âm liên quan đến nạn thu hoạch nội tạng sống của ĐCSTQ. Trong số đó, 58 bằng chứng trực tiếp liên quan đến việc thu hoạch nội tạng sống của các học viên Pháp Luân Công, bao gồm bằng chứng thu thập được từ các đoạn ghi âm điện thoại của 5 thành viên Ủy ban Thường vụ Bộ Chính trị của Ủy ban Trung ương ĐCSTQ, Phó Chủ tịch Ủy ban Quân sự, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Bộ Y tế, Ủy ban Chính trị Pháp luật, “Phòng 610”, tòa án, nhân chứng tại hiện trường mổ lấy tạng sống, 45 trưởng khoa, giám đốc, bác sĩ của 41 bệnh viện ghép tạng trên toàn quốc ghi âm các cuộc điện thoại để thu thập chứng cứ, v.v.
Ngày 30/11/ 2022 – Chủ tịch của WOIPFG cho biết, dù Giang Trạch Dân đã chết, nhưng tội ác của ông ta đã hủy hoại nghiêm trọng nền tảng đạo đức của người dân Trung Quốc và toàn nhân loại, đặc biệt là chính sách diệt chủng đối với các học viên Pháp Luân Công. Ông khẳng định WOIPFG sẽ điều tra đến cùng tội ác của Giang và đưa ra trước vành móng ngựa.
Mục đích của WOIPFG là: dù ở cùng trời cuối đất, dù thời gian dài hay ngắn, WOIPFG nhất định sẽ thuận theo ý trời và điều tra đến cùng tội ác của Giang Trạch Dân, lập lại công lý trên toàn thế giới.
Các thành viên cấp cao Khmer Đỏ bị kết án tại tòa án diệt chủng Campuchia
Năm 2003, các Phòng đặc biệt tại Tòa án Campuchia (ECCC) đã được thành lập theo luật pháp Campuchia. Việc làm này tuân theo một hiệp ước giữa chính phủ Campuchia và Liên Hợp Quốc, nhằm xét xử các thành viên cấp cao của Khmer Đỏ và những người chịu trách nhiệm cao nhất về tội ác chống lại loài người, tội ác chiến tranh và tội ác diệt chủng người Campuchia, trong thời kỳ Khmer Đỏ cầm quyền vào cuối những năm 1970.
Nhà lãnh đạo Khmer Đỏ Pol Pot, người đã chết trong khi bị quản thúc tại gia bởi một phe trong chính đảng của ông ta vào năm 1998, sẽ không bao giờ bị đưa ra xét xử hoặc bị kết án vì cho phép các tội ác này được thực hiện.
Tuy vậy, ECCC tiếp tục xét xử các lãnh đạo còn sống sót của Khmer Đỏ. Vào cuối năm 2011, ba trong số những nhà lãnh đạo cấp cao nhất – Nuon Chea, Khieu Samphan và Ieng Sary – đã phải chịu trách nhiệm trước tòa án.
Sary qua đời vào năm 2013 trong khi phiên tòa đang diễn ra. Năm 2014, Chea và Samphan nhận bản án chung thân vì tội ác chống lại loài người , và năm 2018 họ nhận thêm bản án chung thân cho tội diệt chủng. Năm 2019, Chea đã chết trong khi kháng cáo bản án diệt chủng của mình.
Nhà lãnh đạo Tunisia bị lật đổ trong Mùa xuân Ả Rập
Vào giữa tháng 12 năm 2010, Các cuộc biểu tình rầm rộ nổ ra khắp Tunisia, kêu gọi Tổng thống Zine El Abidine Ben Ali – người đã tại vị hơn 20 năm phải từ chức. Sau vài tuần, các lực lượng vũ trang bao vây dinh tổng thống, và Ben Ali cùng gia đình đã chạy trốn đến Ả Rập Xê Út. Chính phủ lâm thời kêu gọi tổ chức cảnh sát quốc tế Interpol phát lệnh truy nã ông về tội biển thủ công quỹ.
Ả Rập Xê Út từ chối yêu cầu dẫn độ, Ben Ali và vợ đã bị xét xử vắng mặt và mỗi người bị kết án 35 năm tù. Sau đó, ông tiếp tục bị kết án về các tội danh khác, bao gồm tàng trữ ma túy và vũ khí bất hợp pháp cũng như ra lệnh giết người biểu tình. Vào tháng 9 năm 2019, Ben Ali đã qua đời khi đang lưu vong mà không phải ngồi tù.
Tại Tunisia, Ai Cập, sau biểu tình “Mùa xuân Ả Rập”, người ta không hài lòng với lãnh đạo mới lên thay người đã bị lật đổ nên tiếp tục biểu tình lần thứ hai. Đặc biệt là tại Ai Cập, sau khi cựu Tổng thống Mubarak bị lật đổ, bị bắt và xét xử, người lên thay là Tổng thống Morsi cũng bị lật đổ, bị bắt và xét xử tương tự.
Hoàng Dung tổng hợp