spot_img
18 C
Vietnam
Thứ sáu,22 Tháng mười một
spot_img

Trường dự chi nửa tỷ đồng/năm, huyện yêu cầu trả lại tiền, phê bình hiệu trưởng

Tân Thế Kỷ – Dự toán chi quỹ cha mẹ học sinh của Trường THCS Tứ Hiệp, Thanh Trì, Hà Nội lên đến 437-518 triệu đồng/năm học, cho 24 khoản. Kế hoạch này đã bị yêu cầu dừng, hiệu trường bị phê bình.

Trường ở Hà Nội dự chi quỹ nửa tỷ đồng cho một năm học

Mấy ngày qua, nhiều trang mạng xã hội chia sẻ một bài viết nêu nghi vấn lạm thu quỹ cha mẹ học sinh.

Đính kèm bài viết này là nhiều hình ảnh chụp bản kế hoạch thu chi kinh phí hoạt động của ban đại diện cha mẹ học sinh năm học 2023-2024 tại một Trường THCS Tứ Hiệp, Thanh Trì, Hà Nội.

Theo nội dung của loạt ảnh chụp này, quỹ cha mẹ học sinh trường được chi cho 24 hạng mục. Tổng chi dự kiến cho năm học 2023-2024 là 437-518 triệu đồng.

Các hạng mục này có: Hỗ trợ học sinh tập nghi lễ, văn nghệ khai giảng; hỗ trợ học sinh tập luyện thi giai điệu tuổi hồng; hỗ trợ tổ chức trung thu cho học sinh; hỗ trợ chi phí học tập cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn; chi bồi dưỡng học sinh tham gia thi thể dục thể thao; thưởng các lớp đạt giải lớp học hạnh phúc; hỗ trợ học sinh dịp 20/11; tri ân thầy cô 20/11; tri ân thầy cô Tết Nguyên Đán…

Untitled 1gnm
Nội dung dự toán chi từ quỹ của Ban đại diện cha mẹ học sinh Trường THCS Tứ Hiệp năm học 2023-2024 (Ảnh: Chụp màn hình bài đăng trên mạng xã hội).

Ngoài ra, quỹ cũng chi cho bồi dưỡng học sinh tham gia thi học sinh giỏi thành phố, thưởng các lớp nộp kế hoạch nhỏ vượt chỉ tiêu, tặng quà Tết cho học sinh hoàn cảnh khó khăn, đóng kinh phí cho học sinh bồi dưỡng tại Trường Chu Văn An, thực hiện chuyên đề giáo dục lòng biết ơn, bồi dưỡng học sinh tham gia làm sản phẩm STEM, thưởng học sinh giỏi các kỳ thi…

Kinh phí hoạt động của ban đại diện cha mẹ học sinh còn chi cho các kỳ họp đại diện các lớp, hỗ trợ các lớp trực tuần thuê trang phục biểu diễn văn nghệ, bồi dưỡng học sinh biểu diễn văn nghệ tổng kết năm học, thuê trang phục biểu diễn cho học sinh tập văn nghệ hội thi giáo viên giỏi môn sử, ngữ văn…

Các nội dung chi của quỹ ban đại diện cha mẹ học sinh trong hình ảnh nêu trên gây tranh cãi. Trong đó, nhiều khoản chi bị đặt câu hỏi về tính hợp lý và tính giáo dục.

Dẫn chứng là khoản chi 12-15 triệu đồng cho các kỳ họp ban đại diện cha mẹ học sinh toàn trường. Số tiền này chi vào việc gì không được làm rõ trong bảng kế hoạch.

Chi phí bồi dưỡng cho các học sinh tập luyện văn nghệ, ôn thi học sinh giỏi, tập luyện cho các kỳ thi năng khiếu, thể dục thể thao với mức từ 100-400.000 đồng tùy hoạt động cũng được xem là vô lý.

“Các con đang độ tuổi trẻ em, việc tập luyện cho các hoạt động của nhà trường là lợi ích, cũng là nhiệm vụ học tập rèn luyện. Chi tiền bồi dưỡng cho các con là tạo thói quen xấu xí và không có ý nghĩa giáo dục”, chị Trần Thị Huyền Trang, phụ huynh học sinh sống tại quận Thanh Xuân, Hà Nội, bày tỏ quan điểm.

Bên cạnh đó, dư luận cũng đặt câu hỏi về số tiền thuê trang phục biểu diễn văn nghệ các dịp, trong đó bao gồm cả kỳ thi giáo viên giỏi sử và ngữ văn, là 10-12 triệu đồng/dịp. Một năm có 5 dịp chi hết 50-60 triệu đồng. Hoạt động là của nhà trường nhưng phụ huynh phải chi trả 100% được xem là bất hợp lý.

Theo nội dung hình ảnh, toàn trường có 1.508 học sinh. Với mức chi 518 triệu đồng/năm học, trung bình mỗi học sinh đóng số tiền khoảng 343.000 đồng.

“Điều quan trọng là mỗi học sinh đều phải đóng hai lần quỹ phụ huynh. Một khoản là quỹ phụ huynh trường, một khoản là quỹ phụ huynh lớp. Quỹ phụ huynh lớp cũng chi những nội dung tương tự, cũng khen thưởng học sinh giỏi, cũng tri ân thầy cô giáo các dịp lễ Tết, cũng tặng hoa cho thầy cô, nhà trường.

Lợi ích các con nhận về có tăng gấp đôi hay không khi mỗi cha mẹ phải đóng hai lần quỹ phụ huynh cho mỗi con?”, chị Trần Thị Huyền Trang đặt câu hỏi.

Huyện Thanh Trì yêu cầu dừng thu chi, trả lại toàn bộ số tiền đã thu

Sau khi nhận thông tin phản ánh từ báo chí, UBND huyện Thanh Trì đã thành lập Đoàn thanh tra liên ngành kiểm tra, xác minh vụ việc. Theo đó, hình ảnh và thông tin được chia sẻ trên mạng xã hội được xác định là của Trường THCS Tứ Hiệp.

imagesgiaoducthoidaivn uploaded 2023 yzjui 20230929 tuhiep 1 7933
UBND huyện Thanh Trì cũng phê bình Hiệu trưởng Trường THCS Tứ Hiệp, chấn chỉnh, nhắc nhở Ban đại diện cha mẹ học sinh trong việc tổ chức vận động quỹ hội cha mẹ học sinh. – Ảnh: doisongphapluat.com

Theo thông tin từ UBND huyện, trước phản ứng của cha mẹ học sinh, nhà trường đã phối hợp với Ban đại diện cha mẹ học sinh dừng triển khai kế hoạch trên và trả lại toàn bộ số tiền đã đóng của 14/25 lớp, tổng số tiền là 162.040.000 đồng.

UBND huyện Thanh Trì cũng phê bình Hiệu trưởng Trường THCS Tứ Hiệp, chấn chỉnh, nhắc nhở Ban đại diện cha mẹ học sinh trong việc tổ chức vận động quỹ hội cha mẹ học sinh.

Huyện yêu cầu nhà trường cùng Ban đại diện cha mẹ học sinh dự kiến lại các nội dung chi theo đúng Thông tư 55 của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) và Quyết định 51 của UBND thành phố Hà Nội. Đồng thời tổ chức họp Ban đại diện cha mẹ học sinh các lớp để công khai, thống nhất các nội dung chi trước khi thực hiện.

Huyện Thanh Trì cũng yêu cầu tất cả các trường trên địa bàn phải nghiêm túc thực hiện việc thu chi theo đúng Thông tư 55 và Quyết định 51. Nếu trường nào để xảy ra sai phạm sẽ xử lý nghiêm người đứng đầu đơn vị.

Đừng để lạm thu gây tổn hại con trẻ

Xem bản kế hoạch thu chi quỹ phụ huynh này, một vị hiệu trưởng chia sẻ quan điểm: “Kinh phí hoạt động của Ban đại diện cha mẹ học sinh phải đảm bảo thực hiện theo đúng Thông tư số 55 của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT).

Nhìn vào bảng kế hoạch này, dư luận sẽ đặt câu hỏi vai trò của nhà trường ở đâu trong các hoạt động nội sinh. Bởi về nguyên tắc, nhà trường được cấp ngân sách cho các hoạt động này.

Các khoản thu chi xã hội hóa phải đặt trên tinh thần tự nguyện, không cào bằng, bổ đầu đóng góp cho phụ huynh toàn trường. Nhà trường và ban đại diện cha mẹ phụ huynh cũng cần thay đổi cách làm cũ, chỉ thu tiền để phục vụ học sinh nếu cần thiết, không biến nó thành gánh nặng với các phụ huynh khác.

Người Việt Nam có truyền thống “dành hết cho con”. Nên dù có khó khăn kinh tế, các gia đình vẫn lo liệu chạy vạy cho con “bằng bạn bằng bè”. Do đó, việc thu quỹ phụ huynh càng cần đặt trên nền tảng của sự thấu hiểu, không nên chạy theo những mục tiêu ngoài giáo dục.

Chúng ta luôn cố gắng làm sao để gia đình, nhà trường trao truyền các giá trị về đạo đức, lối sống, về lòng nhân ái, đùm bọc, chia sẻ lẫn nhau cho các con. Không nên để những vấn đề tiền bạc không thỏa đáng tồn tại trong nhà trường, gây tổn hại đến con trẻ”.

Vị hiệu trưởng cũng nêu giải pháp để giải quyết vấn đề lạm thu diễn ra lâu nay: Một là ngân sách cho giáo dục cần được quan tâm đúng mức, không để các trường tự “bơi”, tự xã hội hóa dẫn tới lệch hướng.

Hai là nhà trường cần tập trung cho chuyên môn bằng nguồn lực sẵn có, sử dụng tài chính đúng người đúng việc.

Ba là gia đình cần đồng hành với nhà trường trong các hoạt động giáo

dục và rèn luyện, không phó mặc con em cho nhà trường, đóng góp bằng nhân lực, tài lực, vật lực theo khả năng của mình.

Hàng loạt trường bị phụ huynh tố ‘lạm thu’, đừng chỉ xử lý phần ngọn

Thực tế thời gian qua, tình trạng “lạm thu” đã diễn ra tại nhiều địa phương, thường dưới danh nghĩa Ban đại diện cha mẹ học sinh. Tuy nhiên, sau sự việc có nơi xử lý rốt ráo nhưng có nơi chỉ làm chiếu lệ.

Song câu hỏi lớn dư luận đặt ra là: Thanh tra Bộ GD&ĐT ở đâu khi vấn nạn này “đến hẹn lại lên” mỗi dịp đầu năm học mới? Phải chăng Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ ra văn bản mà thiếu kiểm tra, giám sát việc xử lý nghiêm các vi phạm ở địa phương, hay việc hiệu trưởng các cơ sở giáo dục để xảy ra thu – chi sai quy định chủ yếu bị nhắc nhở rút kinh nghiệm… không đủ sức răn đe?

Năm học mới 2023 – 2024 đã bắt đầu, mới đây, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đề nghị các địa phương, trường phổ thông tăng cường thanh tra, kiểm tra để tránh hiện tượng lạm thu đầu năm học dưới mọi hình thức.

Cụ thể, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Hoàng Minh Sơn cho biết, với khối giáo dục phổ thông, Bộ đã ban hành đầy đủ văn bản, thông tư hướng dẫn về vấn đề này.

Các địa phương, trường phổ thông tăng cường thanh tra, kiểm tra để tránh hiện tượng “lạm thu” dưới mọi hình thức. Tiến tới mọi khoản thu không dùng tiền mặt, qua đó sẽ khắc phục một phần vấn đề này.

Nhưng hiệu quả của tất cả các phương pháp này đến đâu? Đã chấm dứt được nạn lạm thu từ căn bản hay chưa vẫn còn là câu hỏi bỏ ngỏ…

Tịnh Yên (t/h)

op2

Quỹ lớp tiêu hơn 260 triệu đồng trong chưa đầy 1 tháng, phụ huynh bức xúc

Trường quốc tế có học phí 700 triệu bị phụ huynh vây đòi nợ hàng tỷ đồng

Tân Thế Kỷ Truyền Thống – Nhân Văn – Trung Thực

Xem thêm

- Quảng cáo -spot_img

Xem nhiều