spot_img
20 C
Vietnam
Thứ sáu,22 Tháng mười một
spot_img

Truyền Kỳ 18 đời Hùng Vương (P1): Nguồn gốc Rồng Tiên, Thần bảo hộ 

vuahung18
Tượng đài Vua Hùng – Internet

   Niên đại của các vua Hùng và triều đại kéo dài suốt 26 thế kỷ của họ vẫn còn gây nhiều tranh cãi khi các học giả cho rằng chỉ có 18 đời vua Hùng không thể nào cai trị suốt 2.600 như thế, vì tuổi thọ của con người không bao giờ dài mấy trăm năm. Vậy phải chăng sự tích các vua Hùng cần phải có lý giải khác khả tín hơn chăng?

May mắn thay, chúng ta gần đây đã tìm lại được những Thần phả cổ xưa nhất của dân tộc về thời đại huyền thoại của các vua Hùng. Có lẽ thông qua những Thần phả này ta có thêm được nhiều manh mối khả dĩ sáng tỏ được nhiều điều bí ẩn về tổ tiên dân tộc mình, để lý giải được sự trường tồn của 1 triều đại huy hoàng nhất đã vùi sâu trong cát bụi thời gian.

Dòng dõi Thần Nông, khai mở quốc thống

Khai tổ sinh ra vị vua đầu tiên của nước Nam ta vốn 1 vị vua tên là Đế Minh [chữ Hán 帝明], ông là cháu ba đời của Thần Nông. Ông có một con trai đầu gọi là Đế Nghi ở phương Bắc rồi sau đó đi tuần du xuống phương nam, đến núi Ngũ Lĩnh (giới hạn ở động Bạch Hổ tỉnh Vân Nam – xưa gọi là động Xích Quỷ) thì gặp nàng Vụ Tiên thần nữ, sinh ra con đặt tên là Lộc Tục (sau lên ngôi xưng là Kinh Dương vương) ở đây. Sau đó Kinh Dương Vương lên ngôi vua ở phương Nam, là vua đầu tiên của triều đại Hùng Vương.

Kinh Duong Vuong co that su la thuy to cua nguoi Viet 1 2
Vua Kinh Dương Vương – Ảnh: Hosodanhnhan

Lúc bấy giờ Đế Minh đã có một con lớn là Đế Nghi đang ở phương Bắc. Sau khi lấy nàng Vụ Tiên Thần nữ thì sinh ra con thứ hai tên là Lộc Tục, sau xưng là Kinh Dương Vương. Vua thông minh thánh trí, vượt trội hơn tầm của Đế Nghi nên rất được lòng vua cha. Vì thế Đế Minh muốn truyền ngôi báu cho Kinh Dương Vương cai quản cả thiên hạ phương Bắc và phương Nam, để làm chính thống cho muôn nước. Nhưng Kinh Dương vương lại không phải là người tham quyền cố vị nên cố từ chối để nhường cho anh. Thế là Đế Minh quyết định lập Đế Nghi nối ngôi, cai trị phương Bắc, phong cho Kinh Dương vương làm vua phương Nam. Nước ta lúc ấy gọi tên là nước Xích Quỷ.

Kinh Dương vương kính tuân chỉ dụ của Vua cha, đem quân lính đi về phía nam. Trên đường ngắm xem phong thủy, chọn nơi hình thế thắng địa để đóng đô. Qua đất Hoan Châu (vùng Nghệ An Thanh Hóa ngày nay) vua chọn được một vùng phong cảnh tươi đẹp, núi non hùng vĩ, gọi là núi Hùng Bảo Thiếu Lĩnh, tất cả có 99 ngọn (núi Ngàn Hống ngày nay).

Để tiện cho việc trị lý quốc gia, Kinh Dương Vương bèn dựng hẳn một đô thành đặt tên là Phong Châu bên núi Nghĩa Lĩnh. Một thời gian sau, khi vua đi tuần thú trở về cung điện đó ở núi Nghĩa Lĩnh thì cũng vừa lúc hoàng hậu Thần Long có mang, khắp nơi hiện điềm lành, toàn cung điện rực ánh sáng đỏ, trong trướng hương thơm ngào ngạt tỏa ra. Hoàng hậu nghỉ trong trướng ngọc khoảng một tuần (10 ngày) thì sinh ra Hoàng tử, húy là Sùng Lãm sau còn gọi là Lạc Long Quân.

lac long quan 2
Lạc Long Quân – Ảnh: Internet

Long quân bẩm sinh tư chất phi thường, tự có khí tượng Đế vương, Vua cha rất yêu quý bèn lập làm Hoàng thái tử. Lúc đó tuy đã có kinh đô mới, nhưng phần lớn thời gian cuối đời Kinh Dương Vương vẫn chỉ ngự ở cựu đô Hoan Châu. Khi Hoàng thái tử Sùng Lãm đã lớn, Vua phái ngài ra ở tại đô thành núi Nghĩa Lĩnh tại Phong Châu thay vua cha làm việc nước. Kinh Dương vương ở ngôi 215 năm, sau nhường ngôi cho Hoàng thái tử Sùng Lãm, gọi là Lạc Long Quân rồi ông đi đâu không ai biết. Cũng giống như con mình sau này đắc Đạo thành Tiên, có lẽ Kinh Dương Vương cũng như thế.

Năm sinh và thời gian trị vì của các Vua Hùng 

57034766 608260472918754 2966067237380685824 n
Các đời Vua Hùng – Ảnh: Internet

Theo các tài liệu lịch sử, chi tiết năm sinh và thời gian trị vì của 18 đời vua Hùng như sau:

  • Kinh Dương Vương, tên húy Lộc Tục, tức Lục Dục Vương, sinh năm Nhâm Ngọ (2919 trước CN) lên ngôi năm 41 tuổi, ở ngôi tất cả 86 năm, từ năm Nhâm Tuất (2879 trước CN) đến Đinh Hợi (2794 trước CN) so ngang với Trung Quốc vào thời đại Tam Hoàng (?).
  • Lạc Long Quân, húy Sùng Lãm, tức Hùng Hiền Vương, sinh năm Bính Thìn (2825 trước CN), lên ngôi 33 tuổi. Chi này ở ngôi tất cả 269 năm, đều xưng là Hùng Hiền Vương, từ năm Mậu Tý (2793 trước CN) đến năm Bính Thìn (2525 trước CN). Ngang với Trung Quốc vào thời Hoàng Đế (Ngũ Đế).
  • Hùng Quốc Vương, húy Hùng Lân, sinh năm Canh Ngọ (2570 trước CN) lên ngôi khi 18 tuổi, ở ngôi 272 năm, từ năm Đinh Tỵ (2524 trước CN) đến 2253 trước CN. Ngang với Trung Quốc vào thời Đế Thuấn, Hữu Ngu.
  • Hùng Hoa Vương, húy Bửu Lang, không rõ năm sinh, lên ngôi năm Đinh Hợi (2252 trước CN), ở ngôi tất cả 342 năm, từ năm Đinh Hợi (2254 trước CN) đến năm Mậu Thìn (1913 trước CN). Ngang với Trung Quốc vào thời Đế Quýnh nhà Hạ.
  • Hùng Hy Vương, húy Bảo Lang, sinh năm Tân Mùi (2030 trước CN), lên ngôi khi năm 59 tuổi, ở ngôi tất cả 200 năm, từ năm Kỷ Tỵ (1912 trước CN) đến Mậu Tý (1713 trước CN). Ngang với Trung Quốc vào thời Lý Quý (Kiệt) nhà Hạ.
  • Hùng Hồn Vương, húy Long Tiên Lang, sinh năm Tân Dậu (1740 trước CN), lên ngôi khi 29 tuổi, ở ngôi tất cả 81 năm, từ năm Kỷ Sửu (1712 trước CN) đến năm Kỷ Dậu (1632 trước CN). Ngang với Trung Quốc vào thời nhà Thương.
  • Hùng Chiêu Vương, húy Quốc Lang, sinh năm Quý Tỵ (1768 trước CN), lên ngôi khi 18 tuổi, ở ngôi tất cả 200 năm, từ năm Canh Tuất (1631 trước CN) đến năm Kỷ Tỵ (1432 trước CN). Ngang với Trung Quốc vào thời Tổ Ất nhà Thương.
  • Hùng Vỹ Vương, húy Vân Lang, sinh năm Nhâm Thìn (1469 trước CN) lên ngôi khi 39 tuổi, ở ngôi tất cả 100 năm, từ năm Canh Ngọ (1431 trước CN) đến năm Kỷ Dậu(1332 trước CN). Ngang với Trung Quốc vào thời Nam Canh nhà Thương.
  • Hùng Định Vương, húy Chân Nhân Lang, sinh năm Bính Dần (1375 trước CN), lên ngôi khi 45 tuổi, ở ngôi tất cả 80 năm (từ 1331 đến 1252 trước CN). Ngang với Trung Quốc vào thời Tổ Giáp nhà  n.
  • Hùng Uy Vương, húy Hoàng Long Lang, ở ngôi 90 năm, từ 1251 đến 1162 trước CN.
  • Hùng Trinh Vương, húy Hưng Đức Lang, sinh năm Canh Tuất (1211 trước CN), lên ngôi khi 51 tuổi, ở ngôi tất cả 107 năm, từ năm Canh Tý (1161 trước CN) đến năm Bính Tuất (1055 trước CN). Ngang với Trung Quốc vào thời Thành Vương nhà Tây Chu.
  • Hùng Vũ Vương, húy Đức Hiền Lang, sinh năm Bính Thân (1105 trước CN), lên ngôi khi năm 52 tuổi, ở ngôi tất cả 86 năm, từ năm Đinh Hợi (1054 trước CN) đến năm Nhâm Tuất (969 trước CN). Ngang với Trung Quốc vào thời Lệ Vương nhà Tây Chu.
  • Hùng Việt Vương, húy Tuấn Lang, sinh năm Kỷ Hợi (982 trước CN) lên ngôi khi 23 tuổi, ở ngôi tất cả 115 năm, từ năm Quý Hợi (968 trước CN) đến Đinh Mùi (854 trước CN). Ngang với Trung Quốc vào thời Lệ Vương nhà Tây Chu.
  • Hùng Anh Vương, húy Viên Lang, sinh năm Đinh Mão (894 trước CN) lên ngôi khi 42 tuổI, ở ngôi tất cả 99 năm, từ 853 đến 755 trước CN. Ngang với Trung Quốc vào thời Bình Vương nhà Đông Chu.
  • Hùng Triệu Vương, húy Cảnh Chiêu Lang, sinh năm Quý Sửu (748 trước CN), lên ngôi khi 35 tuổi, ở ngôi tất cả 94 năm, từ năm Đinh Hợi (754 trước CN) đến năm Canh Thân (661 trước CN). Ngang với Trung Quốc vào thời Huệ Vương nhà Đông Chu
  • Hùng Tạo Vương, húy Đức Quân Lang, sinh năm Kỷ Tỵ (712 trước CN), lên ngôi tất cả 92 năm, từ năm Tân Dậu (660 trước CN) đến năm Nhâm Thìn (569 trước CN). Ngang với Trung Quốc vào thời Linh Vương nhà Đông Chu
  • Hùng Nghị Vương, húy Bảo Quang Lang, sinh năm Ất Dậu (576 trước CN) lên ngôi khi 9 tuổi, ở ngôi tất cả 160 năm, từ năm Quý Tỵ (568 trước CN) đến năm Nhâm Thân (409 trước CN). Ngang với Trung Quốc vào thời Uy Liệt Vương nhà Đông Chu
  • Hùng Duệ Vương, sinh năm Canh Thân (421 trước CN), lên ngôi khi 14 tuổi, ở ngôi tất cả 150 năm, từ năm Quý Dậu (408 trước CN) đến năm Quý Mão (258 trước CN). Ngang với năm thứ 17 đời Uy Liệt Vương, đến năm thứ 56 đời Noãn Vương nhà Đông Chu Trung Quốc.

Tổng cộng là 2621 năm từ 2879 đến 258.

Lạc Long Quân và nguồn gốc “Con Rồng cháu Tiên”

Tuy Kinh Dương Vương là Vua đầu tiên của phương Nam, nhưng chính con của ông là Lạc Long Quân húy Sùng Lãm mới là vị Hùng Vương nổi tiếng nhất, là vị Vua tu luyện đắc Đạo và vị Thần cổ xưa đầu tiên khai sinh ra dòng giống Bách Việt và định lãnh thổ cho quốc gia Văn Lang thời cổ đại.

Lạc Long Quân lên nối ngôi, đổi hiệu là Hùng Hiền vương, trở thành vị Vua đầu tiên của triều đại Hùng Vương của quốc gia Văn Lang. Nhân duyên trời định đã đưa đến cho ông một người vợ vốn gốc Tiên để khai mở ra dòng giống Bách Việt sau này. Người vợ này chính là Âu Cơ, tổ mẫu của dân tộc ta. Sau khi về làm vợ Lạc Long Quân, Âu Cơ đã sinh ra cho ông những người con trai một cách thần kỳ mà sự tích còn lưu truyền đến ngày nay.

poster phim 1
Người Việt ta thực sự có nguồn gốc “Con Rồng, Cháu Tiên” – Ảnh: vietnamplus

Vốn là một Đế vương anh minh và vô cùng tôn kính Thần linh, khi đứng trước dị tượng lúc con mình sinh ra, Hùng Hiền Vương đã nhanh chóng tổ chức triều thần để làm lễ chầu lạy Thượng đế, mong Ngài chỉ bảo việc lành dữ. Thể theo lòng thành của Hiền Vương, Thượng đế đã giáng chỉ và triển hiện thần tích cho toàn thể nước Nam, chúc mừng vị chân mệnh đế vương khai mở triều đại, ban cho Ngài tất cả những thần khí sắc chỉ và vinh dự được truyền thừa triều đại dưới sự bảo hộ của Thiên thượng. Trong Hùng Vương Mộc Phả có ghi chép: 

“Ngày hôm ấy vào giờ Thân bỗng thấy một áng mây xanh từ phía Tây bay đến hội ở sân rồng điện Kính Thiên, rồi bốn vị Thiên tướng hiện ra rất kỳ lạ. Các vị tướng ấy cao hơn nửa trượng, đầu đội mũ hoa, mình mặc cẩm bào xanh, lưng thắt đai ngọc, chân đi hài sắt, nói cười đều loé hào quang lưỡi lửa. Rồi giữa các tầng mây hiện lên nhiều Thiên quan Thiên tướng. Ngọc Hoàng Thượng Đế xuống sắc:

‘Hiền chúa Nam Miên bọc rồng trăm trứng, nở ra trăm trai trị nước. Nay sai Tứ đại Thiên vương phù giúp bảo hộ. Vậy ban sắc này’”.

bai van mau lop 6 phan tich truyen thuyet con rong chau tien compressed
100 người con nở ra từ bọc trăm trứng – Ảnh: Internet

Sau này trăm con trưởng thành cũng thần kỳ như cách họ sinh ra. Thần tiên đã bảo hộ trăm con, đặt tên, sắp đặt vai vế, chọn người nối ngôi. Theo Hùng Vương Ngọc Phả ghi chép: “Bấy giờ vua lên đàn tràng khấn lễ cầu đảo lớn. Vua vừa cầu khấn xong, tự nhiên có cảm ứng, có vị Thần ở phương Tây tới. Bỗng thấy một ông già râu tóc bạc phơ đầu đội mũ Phật gấm lĩnh, mình mặc áo vải nhuộm nâu, chân đi hia, tay cầm gậy tre ra chơi chùa Hoa Long ở thôn Việt Trì huyện Bạch Hạc. Ông già rửa chân bên sông rồi ngồi nghỉ trên tảng đá phẳng trên con sông gọi là sông Nhị Hà. Hôm ấy có triều quan là Nguyên suý tiết chế tướng quân trấn thủ đô thành Phong Châu đang ngồi trên ngôi lầu bên sông. Quan Nguyên suý trông thấy ông Tiên đang xem phong thuỷ, cúi đầu nhìn xuống đáy sông, một chân ghếch lên tảng đá hình lưng rùa (Đá lưng rùa ở thôn Việt Trì huyện Bạch Hạc; chùa Hoa Long ở bên bờ sông. Nay dấu tích ông Tiên hãy còn). Quan trấn thủ bèn mời cụ già đến hỏi chuyện. Quan đem hết chân tình quốc sự bộc bạch với cụ già, mở tiệc khoản đãi rồi mời ông về điện vua trên núi Nghĩa Lĩnh. Triều quan vào tâu vua. Vua thân hành ra mời cụ già vào cung mở tiệc chúc mừng. Hiền vương hỏi:

– Tiên ông từ đâu đến ngao du phong cảnh ở đây? Nay trong nước có chuyện lạ, nhờ Tiên ông chỉ giáo cho.

Tiên ông ha hả cười vang. Hiền Vương vẫn đứng nói chuyện, hỏi Tiên ông:

– Trẫm có điềm lành sinh được trăm con trai trí tuệ thông minh thì tất cả đại khái cũng như nhau, cho nên khó đặt định danh hiệu vị thứ, cũng không biết ai anh ai em. Kính nhờ Tiên ông đặt tên, định thứ bậc giúp cho

Tiên Ông đáp:

– Ta sinh ở thời Hoàng Đế, theo học đạo Phật, ngao du nơi hải ngoại càn khôn. Trong ba ngàn thế giới ta thích đến nước Nam Miên ngắm xem phong thuỷ. Vua cho mời ta đến đây, ta có một quyển sách thần có thể bói xem mọi việc trong thiên hạ, gọi tên các vị Tiên. Huống chi quốc gia đã có thành tâm lập đàn cầu đảo, đã cầu tất ứng. Xin nhà vua thành tâm để lão vận trù một quẻ hỏi xem tiền định thế nào? ‘

Tiên Ông bèn xem mặt các hoàng tử, phân định thứ bậc anh em. Đoạn Tiên ông lấy bút giấy ra đặt tên cho một trăm hoàng tử. Viết xong, Tiên ông đặt tờ giấy lên chiếc mâm vàng. Để phân định thứ bậc anh em, Hiền vương lại gọi 100 hoàng tử đến hội ở chính điện để nhận tên đã ghi trong sách. Mọi người đồng thanh cần phải có bậc huynh trưởng đứng đầu. Rồi mọi người lại chia xếp thành hai hàng đối nhau đợi lệnh. Một người được gọi tên được lập làm Vương trừ thái tử (Thái tử nối ngôi vua), còn 99 người khác lần lượt đến trước mâm vàng nhận danh hiệu được ban. Từ đó thứ bậc anh em phân định rõ ràng, ai nấy đều vui. Xếp đặt mọi việc đã xong, Tiên ông tự nhiên biến hoá về trời. Hiền vương sai các quan thường xuyên đến chùa Từ Sơn Thiên Quang Hoà thượng cầu Phật ứng hộ.

Con Rong Chau Tien 4
Trăm con được Tiên ông đặt tên, định thứ bậc – Ảnh: Internet

Vương trừ Thái tử tục danh là Hùng Lân sau đổi là Hùng quốc vương. Các con thứ có tên là Xích Lang, Quỳnh Lang, Mật Lang, Thái Lang, Vĩ Lang, Huân Lang, Yến Lang, Tiêu Lang, Diệu Lang, Tĩnh Lang, Tập Lang, Ngọ Lang, Cấp Lang, Tiếu Lang, Hộ Lang, Thục Lang, Khuyến Lang, Chiêm Lang, Vân Lang, Khương Lang, La Lang, Tuần Lang, Tán Lang, Quyền Lang, Đường Lang, Kiều Lang, Dũ Lang, Ác Lang, Hãn Lang, Liệt Lang, Ưu Lang, Nhiễu Lang, Lý Lang, Thế Lang, Dạng lang, Tróc Lang, Sát Lang,Cốc Lang, Nhật Lang, Sái Lang, Chiểu Lang, Điềm Lang, Kiềm Lang, Trường lang, Thuận Lang, Tẩm Lang, Thai Lang, Triệu Lang, Ích Lang, gồm 50 trai theo lệnh cha. Hương lang, Thiêm Lang, Thận Lang, Văn Lang, Vũ Lang, Linh Lang, Tịnh Lang, Hắc Lang, Quản Lang, Cao Lang, Tế lang, Mã Lang, Chiếu Lang, Khang Lang, Chỉnh Lang, Đào Lang, Nguyên Lang, Miên Lang, Xuyến Lang, Yêu Lang, Thiếp Lang, Bái Lang, Tài Lang, Trừng Lang, Triệu Lang, Cố Lang, Lưu Lang, Lộ Lang, Quế Lang, Diêm Lang, Huyền Lang, Nhĩ Lang, Tào Lang, Nguyệt Lang, Sâm Lang, Lâm Lang, Triều Lang, Quán Lang, Canh Lang, Thải Lang, Lôi Lang, Thấu Lang, Việt Lang, Vệ Lang, Mãn Lang, Long Lang, Trình Lang, Tuấn Lang, Tòng Lang, Thanh Lang, gồm 50 trai theo lệnh mẹ.

Từ đó các hoàng tử đều đã có tên gọi, trưởng thành phương trưởng, ngồi chính tọa ở triều đường, vị thứ xếp trên các quan. Hiền vương bèn phong hầu riêng cõi, chia nước làm 15 bộ:

Một là Sơn Tây, hai là Sơn Nam, ba là Hải Dương, bốn là Kinh Bắc, năm là Ái Châu, sau là Hoan Châu. bảy là Bố Chánh, tám là Ô Châu, chín là Ai Lao, mười là Hưng Hoá, mười một là Tuyên Quang, mười hai là Cao Bình, mười ba là Lạng Sơn, mười bốn là Quảng Tây, mười lăm là Quảng Đông”.

Lạc Long Quân triển hiện Thần tích

Lạc Long Quân không những là một vị Hùng Vương nổi tiếng nhất, Ngài còn là một vị Thần bảo hộ cho dân tộc Việt Nam từ thời thượng cổ, triển hiện rất nhiều Thần tích. Trong đó phải kể đến: Thần tích diệt ngư tinh và hồ tinh.

Lĩnh Nam Chích Quái ghi lại Thần tích diệt Ngư tinh rằng: “Ở biển Đông có con tinh ngư xà (còn gọi là Ngư Tinh) dài hơn năm mươi trượng, chân nhiều như chân rết, biến hóa vạn trạng, linh dị khôn lường, khi đi thì ầm ầm như mưa, lại ăn được thịt người nên ai cũng sợ.Thuở ấy có hòn đá Ngư Tinh, răng đá lởm chởm cắt ngang bờ bể, ở dưới đá có hang, Ngư Tinh sống ở trong đó. Vì sóng gió hiểm trở, không có lối thông, dân muốn mở một đường đi khác nhưng đá rắn khó đẽo. Thuyền của nhân dân đi qua chỗ này thường hay bị Ngư Tinh làm hại. Đêm kia có bọn người tiên đục đá làm đường đi để cho hành nhân có chỗ qua lại. Ngư Tinh bèn hóa làm con gà trắng gáy ở trên núi. Quần tiên nghe tiếng ngỡ rằng đã rạng đông bèn cùng bay lên trời.

truyen thuyet con rong chau tien
Lạc Long Quân diệt Ngư Tinh – Ảnh: mnthachban.longbien.edu.vn

Lạc Long Quân thương dân bị hại bèn hóa phép thành một chiếc thuyền của thường dân, hạ lệnh cho quỷ Dạ Thoa ở Thủy Phủ cấm hải thần nổi sóng, rồi chèo thuyền đến bờ hang đá Ngư Tinh, giả cách cầm một người sắp ném vào cho nó ăn. Ngư Tinh há miệng định nuốt. Long Quân cầm một khối sắt nung đỏ ném vào miệng cá. Ngư Tinh chồm lên quẫy mình quật vào thuyền. Long Quân cắt đứt đuôi cá, lột da phủ lên trên núi nay chỗ đó gọi là Bạch Long Vĩ, còn cái đầu trôi ra ngoài bể biến thành con chó. Long Quân bèn lấy đá ngăn bể rồi chém nó. Nó biến thành cái đầu chó, nay gọi là Cẩu Đầu Sơn. Thân trôi ra ngoài Mạn Cầu, chỗ đó nay gọi là Mạn Cầu Thủy (còn gọi là Cẩu Đầu Thủy).

Lĩnh Nam Chích Quái còn có ghi chép về Thần tích diệt Hồ tinh của Lạc Long Quân rằng: “Xưa ở phía tây thành có hòn núi đá nhỏ, phía đông gối lên sông Lô Giang. Trong hang, dưới chân núi, có con cáo trắng chín đuôi sống hơn ngàn năm, có thể hóa thành yêu quái, thành người hoặc thành quỷ đi khắp nhân gian. Con cáo chín đuôi biến thành người áo trắng nhập vào giữa đám dân Mán cùng ca hát rồi dụ dỗ trai gái trốn vào trong hang núi. Người Mán rất khổ sở. Long Quân bèn ra lệnh cho lục bộ thủy phủ dâng nước lên công phá hang đá. Cáo chín đuôi bỏ chạy, quân thủy phủ đuổi theo, phá hang bắt cáo mà nuốt ăn. Nơi này trở thành một cái vũng sâu gọi là “đầm xác cáo” (tức Tây Hồ ngày nay). Sau lập miếu (tức Kim Ngưu Tự) để trấn áp yêu quái. Cánh đồng phía Tây Hồ rất bằng phẳng, dân địa phương trồng trọt làm ăn, nay gọi là Hồ Đỗng (hang cáo). Đất ở đây cao ráo, dân làm nhà mà ở nay gọi là Hồ Thôn (thôn Cáo). Chỗ hang cáo xưa, nay gọi là Lỗ Khước Thôn”.

ntdvn than tich nc nam p4 09

Lạc Long Quân là giống Rồng, kết hôn với Tiên nhân mà sinh ra dân Bách Việt. Sự kết hợp hoàn hảo của Rồng Tiên, giữa cao quý và bản lĩnh đến nay vẫn luôn là niềm tự hào và gắn kết gần trăm triệu dân Việt. Dẫu qua nhiều năm tháng đằng đẵng vinh nhục, nhưng một niềm tin và cội rễ văn hóa thâm sâu vẫn giữ cho chúng ta tiếng nói và dáng hình của con dân Lạc Việt như hôm nay. Nếu không phải đại công đức, tinh hóa văn hóa của Lạc Long Quân di lưu lại từ xưa thì sao có thể làm đến như vậy. Vĩ đại thay đức Long Quân.

Thời đại Hùng Vương trải qua 18 đời còn để lại rất nhiều Thần tích dường như bị “quên lãng”. Cùng chúng tôi theo dõi phần 2 để tìm về nguồn cội, nhìn lại những bài học của tổ tiên cũng như tự hào về một thời nhân – Thần đồng tại như thế.

Chân Tâm biên tập

Tham khảo từ NTDVN

Banner Visaoconhanloai Footer 5

Xem thêm:

Xem thêm

- Quảng cáo -spot_img

Xem nhiều