spot_img
19 C
Vietnam
Thứ sáu,22 Tháng mười một
spot_img

Truyền kỳ về Kinh Dương Vương – Vị Hùng Vương thứ nhất      

Kinh Duong Vuong co that su la thuy to cua nguoi Viet 1 1
Kinh Dương Vương – Ảnh: Hosodanhnhan

Triều đại Hùng Vương trải qua 18 đời Vua Hùng, đó là niềm tự hào của dân tộc Việt ta. Trong đó, phải kể đến Kinh Dương Vương. Nhờ có ông mà văn minh Thần Nông đã dung hòa vào vùng đất xinh đẹp phương Nam, tạo ra vô số Thần tích cùng một triều đại huy hoàng dài đến 26 thế kỷ.

Vua Kinh Dương Vương là ai?

Khai tổ sinh ra vị Vua đầu tiên của nước Nam ta tên là Đế Minh [chữ Hán 帝明], ông là cháu ba đời của Viêm Đế hay còn gọi là Thần Nông. Ông có một con trai đầu gọi là Đế Nghi ở phương Bắc rồi sau đó đi tuần du xuống phương nam, đến núi Ngũ Lĩnh (giới hạn ở động Bạch Hổ tỉnh Vân Nam – xưa gọi là động Xích Quỷ) thì gặp nàng Vụ Tiên thần nữ, sinh ra con đặt tên là Lộc Tục (sau lên ngôi xưng là Kinh Dương vương) ở đây. Sau đó Kinh Dương Vương lên ngôi Vua ở phương Nam, là Vua đầu tiên của triều đại Hùng Vương. 

lang kinh duong vuong 2 nemtv
Lăng Kinh Dương Vương – Ảnh: Internet

Kinh Dương Vương là vị Vua Hùng đầu tiên của dòng dõi các Vua cai trị phương Nam. Tuy không nổi tiếng như các Hùng Vương sau này, nhưng nhờ sự kết hợp của Vua và Thần Long tiên nữ mà sinh ra Lạc Long Quân với dòng máu của Rồng sau này làm tổ khai sinh dòng Bách Việt. Bản thân Vua cũng là người tu Tiên đắc Đạo, đã đặt nền móng cai trị vững chắc của một triều đại Vua chúa đều là người tu luyện, rực rỡ nhất lịch sử cổ đại, mà ánh quang huy vẫn còn lưu lại đến hôm nay.

Khiêm tốn giữ mình, nhường ngôi cho anh

Lúc bấy giờ Đế Minh đã có một con lớn là Đế Nghi đang ở phương Bắc. Sau khi lấy nàng Vụ Tiên Thần nữ thì sinh ra con thứ hai tên là Lộc Tục, sau xưng là Kinh Dương Vương. Vua thông minh thánh trí, vượt trội hơn tầm của Đế Nghi nên rất được lòng Vua cha. Vì thế Đế Minh muốn truyền ngôi báu cho Kinh Dương Vương cai quản cả thiên hạ phương Bắc và phương Nam, để làm chính thống cho muôn nước. Nhưng Kinh Dương Vương lại không phải là người tham quyền cố vị nên cố từ chối để nhường cho anh. Thế là Đế Minh quyết định lập Đế Nghi nối ngôi, cai trị phương Bắc, phong cho Kinh Dương vương làm Vua phương Nam. Nước ta lúc ấy gọi tên là nước Xích Quỷ.

IMG 0163 scaled
Đền thờ Kinh Dương Vương – Ảnh: Bắc Ninh Tv

Xích Quỷ không phải là Quỷ đỏ, nó mang nghĩa là lớn lao, thường đi với chữ Chủ để chỉ người nắm quyền lớn ở miền Nam. Xích là phần tinh hoa, tốt nhất (tự điển Thiều Chửu). Vậy nên Xích Quỷ nghĩa là nơi làm chủ cái tinh hoa của phương Nam, miền xích đạo, miền nông nghiệp lúa nước.

Định đô lập quốc, phong hậu Thần Long

Kinh Dương Vương kính tuân chỉ dụ của Vua cha, đem quân lính đi về phía nam. Trên đường ngắm xem phong thủy, chọn nơi hình thế thắng địa để đóng đô. Qua đất Hoan Châu (vùng Nghệ An Thanh Hóa ngày nay) Vua chọn được một vùng phong cảnh tươi đẹp, núi non hùng vĩ, gọi là núi Hùng Bảo Thiếu Lĩnh, tất cả có 99 ngọn (núi Ngàn Hống ngày nay).

kinh duong vuong sep amb holylandindochinecoloniale.com 1
Định đô lập quốc, phong hậu Thần Long – Ảnh: Internet

“Vùng đất này giáp biển ở cửa Hội Thốn, đường núi quanh co, đường sông uốn khúc, địa thế rồng cuộn hổ ngồi, bốn hướng cùng trông, bèn xây dựng đô thành để định nơi cho bốn phương triều cống. Từ lúc này Hoan Châu trở thành kinh đô đầu tiên của triều đại Kinh Dương Vương. Bấy giờ khí xuân ấm áp, vô vàn cảnh sắc. Kinh Dương Vương bản tính thích xem hình thế núi sông phong thuỷ bèn lên thuyền ngự tuần du hải ngoại. Du ngoạn một thời gian dài, bất giác thấy thuyền rồng đã thẳng đến hồ Động Đình. Vua sai dừng thuyền, đứng ngắm xem cảnh trời nước thì chợt thấy một thiếu nữ dung nhan tuyệt sắc từ dưới nước đi lên. Vua cho là cuộc hội ngộ hiếm có xưa nay, bèn sai quân chèo thuyền đến gần. Vua nói:

– Tiên nữ đẹp quá, nàng từ đâu đến đây?

Thiếu nữ đáp:

– Thiếp tên là Thần Long, là con gái Vua hồ Động Đình. Thiếp ở trong thâm cung cửa ngọc, từ lâu đợi bậc anh hùng. Nay gặp thiên sứ, nguyện được hầu trầu khăn.

Kinh Dương Vương vui mừng đẹp ý, bèn dắt tay thiếu nữ bước vào trong long thuyền lập tức quay trở về thành đô, lập Thần Long làm hoàng hậu.” (Hùng Vương ngọc phả)

Hanhtrinh140x72 1

Phong Châu linh địa, quốc đô muôn đời

Tuy đô thành Hoan Châu Vua mới lập xong chưa lâu, nhưng xem ra Kinh Dương Vương vẫn chưa thấy thỏa lòng vì long mạch nơi ấy dường như vẫn chưa phải là tốt nhất, chưa xứng làm kinh đô cho con cháu muôn đời sau của ông. Thế là nhà Vua lại tuần du khắp nơi để tìm kiếm mảnh đất phong thủy bảo địa chân chính để quốc tộ có thể vĩnh truyền trăm vạn đời sau.

kinh duong vuong
Phong Châu linh địa, quốc đô muôn đời – Ảnh: Internet

Trời không phụ người có đức và có lòng. Sau những ngày dài Vua tuần thú, rong ruổi xa giá xem khắp các nơi sơn xuyên, khi đến xứ Sơn Tây thì thấy một nơi địa hình đồi non chập chùng, sông đẹp núi lạ. Vua bèn tìm mạch đất, thì nhận ra khí mạch của vùng này bắt nguồn từ trên núi Côn Lôn đi xuống, khí thế hùng tráng và vô cùng quý báu. Ngọc phả Hùng Vương chép về phong thủy vùng ấy như sau:

“Qua cửa Ải, lòng sông thoát mạch, rồng đi gần xa đến núi Tụ Long tiếp với châu Thu Vật xứ Tuyên Quang, biến ra toà Kim tinh cao muôn nhẫn. Mạch đất chảy đến các làng Hạ Hoa, Thanh Ba, Sơn Vi, Tây Lan, Phù Ninh phủ Lâm Thao, rồi đến chùa Long Hoa thôn Việt Trì ở Ngã ba sông Bạch Hạc là dừng. Mạch này bên trái từ sông Lôi Hà núi đi đến đâu sông theo đến đó, qua các huyện Đông Lan, Sơn Dương, Đương Đạo, Tam Dương đột khởi núi Tam Đảo, Tả cung Tiên làm thanh long. Trùng sơn vạn thuỷ, nổi lên các dãy núi ở Lập Thạch, Bách Ngõa, Chu Diên, Thanh Tước, Ngọc Bội, Khai Quang. Phụ bên trái có các núi Châu Sơn, Sóc Sơn, Chung Sơn, Trà Sơn, Từ Sơn, Trạm Sơn, Tích Sơn, An Lão sơn thuộc xứ Kinh Bắc chầu về, dẫn đến Hải Dương, Đông Triều, Hoa Phong, Yên Tử thoát ra đến biển, Đồ Sơn tám xã làm Long đầu chầu án. Mạch bên phải từ Ba Thục, Hán Giang, Nhị Hà, Lô Giang, Thao Giang, núi chạy đến đâu sông theo đến đấy. Đến Tuyên Quang, Hưng Hoá, Thập Châu, Thanh Nguyên, Bạn Hà, Đà Hà đến huyện Bất Bạt đột khởi núi Tản Viên. Hữu cung tiên làm Bạch hổ, muôn nhánh quần sơn nổi lên ở Minh Nghĩa, Phúc Lộc, Thạch Thất,Yên Sơn, Tây Phương, Sài Sơn, Tử Trầm, hữu bật đến Chương Đức, Đại Yên, Hương Tích sơn thuộc xứ Sơn Nam. Bên phải là Na Sơn, Nam Công, Vũ Phượng sơn, Đội sơn, Điệp sơn, Nghi Dương sơn, chầu phục vào trong, chảy thoát đến núi cửa biển Thần Phù ở núi Chính Đại thuộc Ái Châu, thoát đến Chích Trợ sơn, cửa Trà Lý làm đầu hổ chầu, lấy sông Bạch Hạc làm Nội minh đường, lấy Ngã Ba Lãnh ở sông Cả thuộc huyện Nam Xương làm Trung minh đường, núi Tượng Sơn ở Nam Hải làm Ngoại minh đường. Nghìn non nâng chủ, vạn thuỷ chầu nguồn, đều hướng về ngọn tổ sơn Nghĩa Lĩnh”.

Sau khi xem xét tường tận hình thế núi sông nơi đây, Kinh Dương Vương nhận ra thế cục của đất này quý đẹp hơn đô thành cũ ở Hoan Châu, bèn lập 1 cung điện ở núi Nghĩa Lĩnh để thỉnh thoảng ngự giá đến nghỉ.

Nhường ngôi cho con, đắc Đạo thành Tiên

Để tiện cho việc trị lý quốc gia, Kinh Dương Vương bèn dựng hẳn một đô thành đặt tên là Phong Châu bên núi Nghĩa Lĩnh. Một thời gian sau, khi Vua đi tuần thú trở về cung điện đó ở núi Nghĩa Lĩnh thì cũng vừa lúc hoàng hậu Thần Long có mang, khắp nơi hiện điềm lành, toàn cung điện rực ánh sáng đỏ, trong trướng hương thơm ngào ngạt tỏa ra. Hoàng hậu nghỉ trong trướng ngọc khoảng một tuần (10 ngày) thì sinh ra Hoàng tử, húy là Sùng Lãm sau còn gọi là Lạc Long Quân.

Long Quân bẩm sinh tư chất phi thường, tự có khí tượng đế vương. Vua cha rất yêu quý bèn lập làm Hoàng thái tử. Lúc đó tuy đã có kinh đô mới, nhưng phần lớn thời gian cuối đời Kinh Dương Vương vẫn chỉ ngự ở cựu đô Hoan Châu. Khi Hoàng thái tử Sùng Lãm đã lớn, Vua phái ngài ra ở tại đô thành núi Nghĩa Lĩnh tại Phong Châu thay Vua cha làm việc nước. Kinh Dương Vương ở ngôi 215 năm, sau nhường ngôi cho Hoàng thái tử Sùng Lãm, gọi là Lạc Long Quân rồi ông đi đâu không ai biết. Cũng giống như con mình sau này đắc Đạo thành Tiên, có lẽ Kinh Dương Vương cũng như thế.

lac long quan 1
Kinh Dương Vương nhường ngôi cho con trai Lạc Long Quân và đắc đạo thành Tiên – Ảnh: Internet

Có câu: “Con người có tổ có tông, như cây có cội, như sông có nguồn”. Hy vọng người Việt ta có thể ghi nhớ nguồn cội, làm theo lời răn dạy tổ tiên, như trong văn tế Thủy tổ Kinh Dương Vương: “Chúng con – con dân nước Việt, con cháu Lạc Hồng nguyện khắc ghi công đức, trọn đạo nghĩa với đời, với Tổ; tận trung hiếu, vì nước, vì dân; tích đức, tu nhân, rèn tài, luyện chí; giữ vững kỷ cương, giương cao đạo lý; dựng nước Việt giàu đẹp văn minh cùng nhân loại hòa bình hữu nghị; nay nước Việt ta muôn thuở trường tồn với thế rồng bay sánh ngang tầm thời đại”. 

Chân Tâm (t/h)

Tham khảo NTDVN

Banner Visaoconhanloai Footer 1Xem thêm:

Xem thêm

- Quảng cáo -spot_img

Xem nhiều