spot_img
18 C
Vietnam
Thứ sáu,22 Tháng mười một
spot_img

Tư tưởng của Khổng Tử đã bị hậu thế hiểu sai như thế nào?

Tư tưởng của Khổng Tử đã bị hậu thế hiểu sai như thế nào? - Kỳ 2
Hiện nay rất nhiều người có quan điểm thiên lệch, họ cho rằng: Tư tưởng của Khổng Tử là một trong những nguyên nhân dẫn đến sự trì trệ, lạc hậu và suy bại đạo đức của con người hiện đại… (Ảnh NTDVN).

Vật đổi sao dời, 2500 năm tựa như thoáng qua trong chớp mắt… do thời đại đổi thay, ngôn ngữ và hoàn cảnh giao tiếp cách biệt, cộng thêm người đời sau hiếu sự, giải thích bừa bãi khiến cho đến thời hiện đại, tư tưởng của Khổng Tử mà mọi người lý giải so với ý nghĩa nguyên gốc đã khác hẳn rồi…

Hiện nay rất nhiều người có quan điểm thiên lệch, họ cho rằng: Tư tưởng của Khổng Tử là một trong những nguyên nhân dẫn đến sự trì trệ, lạc hậu và suy bại đạo đức của con người hiện đại. Tuy nhiên, vẫn có nhiều người tâm huyết nghiên cứu những văn bản gốc của Nho gia về Khổng Tử, để rồi từ đó có cách nhìn nhận khách quan hơn, có đạo lý và có sức thuyết phục về những tư tưởng thấm đượm giá trị nhân văn và hết sức tốt đẹp của ông.

Khổng Tử có kỳ thị phụ nữ không?

Trong “Luận ngữ – Dương Hóa” có một câu: “Khổng Tử nói: Duy phụ nữ và tiểu nhân là khó dạy bảo, gần thì vô lễ, xa thì oán hận“.

(Nguyên văn: Duy nữ tử dữ tiểu nhân vi nan dưỡng dã, cận chi tắc bất tốn, viễn chi tắc oán).

Thế là Khổng Tử bị coi là kỳ thị phụ nữ, thậm chí có người còn cho rằng Khổng Tử là người tiên phong trọng nam khinh nữ. Tuy đại đa số đều cho rằng như thế, nhất là người hiện đại lại càng cho rằng như vậy, nhưng vẫn có những người không tin vị đại Thánh nhân này lại kỳ thị phụ nữ. Do đó, dù là thời hiện đại thì vẫn có người minh oan cho Khổng Tử. Nhưng sau năm 1949, Trung Quốc Đại Lục đã chụp cái mũ “hình thái ý thức” cho Khổng Tử, do đó những tiếng nói biện hộ này cũng khó được người đời biết đến.

Trong “Luận ngữ” tổng cộng có 19 chữ “Nữ” (phụ nữ), trong đó 18 chữ đọc là “Nhữ” (anh, bạn, trò – ngôi thứ 2). Do đó có người cho rằng chữ Nữ này cũng nên đọc là Nhữ, thế nên “Nữ tử” đọc là “Nhữ tử” nghĩa là các ngươi. Cách dùng từ này quá thô, thông tục, không phải là phong thái ở một Thánh nhân cần có. Vậy chữ “Nữ” này nghĩa là “phụ nữ” như cách hiểu hiện nay chăng? Đương nhiên cũng không phải.

Cổ văn có ngữ pháp riêng của nó. Xem toàn bộ “Luận ngữ” thì kiểu câu đa phần dùng đối ngẫu. Ví như: “Quân tử chu nhi bất tị, tiểu nhân tị nhi bất chu” (Người quân tử hòa hợp, hài hòa mà không câu kết, kẻ tiểu nhân câu kết mà không hòa hợp, hài hòa); “Học nhi bất tư tắc võng, tư nhi bất học tắc đãi” (Học mà không suy nghĩ thì mê muội, suy nghĩ mà không học thì nguy hại).

Cho đến thời hiện đại, quan niệm của Khổng Tử đối với phụ nữ mà mọi người lý giải so với ý nghĩa gốc ban đầu của ông đã khác nhau một trời một vực rồi.
Cho đến thời hiện đại, quan niệm của Khổng Tử về phụ nữ mà mọi người lý giải so với hàm ý nguyên gốc của Ngài đã khác nhau một trời một vực rồi. (Ảnh: Shutterstock).

Câu: “Duy nữ tử dữ tiểu nhân vi nan dưỡng dã, cận chi tắc bất tốn, viễn chi tắc oán” cũng là một câu văn có cấu trúc ngữ pháp đối ngẫu kiểu như thế. Từ “nữ tử” và “tiểu nhân” ở đây là từ vựng có nghĩa tương tự, gần nhau hoặc tương phản. Trong “Luận ngữ” từ “nữ tử” chỉ có ở câu này, nhưng từ “tiểu nhân” thì dùng rất nhiều, như: “Quân tử hoài đức, tiểu nhân hoài thổ; Quân tử hoài hình, tiểu nhân hoài huệ” (Người quân tử chỉ nghĩ đến đức hạnh, kẻ tiểu nhân chỉ nghĩ đến đất đai. Người quân tử chỉ nghĩ đến hình pháp, pháp luật, kẻ tiểu nhân chỉ nghĩ đến lợi ích, ơn huệ); “Quân tử dụ ư nghĩa, tiểu nhân dụ ư lợi” (Người quân tử hiểu rõ về đạo nghĩa, kẻ tiểu nhân hiểu rõ về lợi ích); “Quân tử thản đãng đãng, tiểu nhân trường thích thích” (Người quân tử ngay thẳng, quang minh lỗi lạc, kẻ tiểu nhân luôn lo lắng, suy tính được mất)… Từ những câu này, chúng ta có thể thấy trong “Luận ngữ” từ “tiểu nhân” và quân tử là có nghĩa tương phản, vậy từ “nữ tử” có nghĩa gần với “tiểu nhân” thì rốt cuộc là có ý nghĩa gì?

Người dương tính gọi là nam, người âm tính gọi là nữ“, chữ “nữ” ở đây thực ra là một tính từ, nghĩa là “âm tính”, tổ hợp thành từ “nữ tử” có nghĩa mở rộng là “người nội tâm âm hiểm xảo trá“.

Như vậy “Duy nữ tử dữ tiểu nhân vi nan dưỡng dã, cận chi tắc bất tốn, viễn chi tắc oán” có nghĩa là, những người nội tâm âm hiểm xảo trá, nhân cách bỉ ổi là người khó chung sống nhất, gần gũi họ thì họ sẽ vô lễ, xa cách họ thì họ sẽ oán hận. Thế nên ý nghĩa gốc của câu này không có liên quan đến phụ nữ.

Khổng Tử không tin quỷ Thần chăng?

Bởi vì trong “Luận ngữ – Thuật nhi” có câu: “Tử bất ngữ quái lực loạn Thần” nên rất nhiều người cho rằng Khổng Tử không tin quỷ Thần, thậm chí có người còn nói Khổng Tử có tư tưởng bài xích tôn giáo.

Thế nhưng, không nói đến những điển tịch cổ đại liên quan trực tiếp đến Khổng Tử, cho dù là trong “Luận ngữ” do các đệ tử nhớ lại rồi ghi chép ra thì cũng có rất nhiều chỗ chứng minh Khổng Tử tin trong trời đất có tồn tại quỷ Thần, ví dụ: “Phi kỳ quỷ nhi tế chi, siểm dã” (Không phải quỷ (ma) nhà mình mà tế lễ thì đó là siểm nịnh); “Vụ dân chi nghĩa, kính quỷ Thần nhi viễn chi, khả vị trí hĩ” (Dốc sức khiến người dân thực hiện đạo nghĩa, tôn kính quỷ Thần và không được quá thân cận, như thế có thể gọi là có trí tuệ rồi); “Quý Lộ vấn sự quỷ Thần. Tử viết: Vị năng sự nhân, yên năng sự quỷ?” (Quý Lộ hỏi về việc thờ quỷ Thần. Khổng Tử nói: Chưa thờ nổi người (người sống), sao có thể thờ được quỷ (người chết)?). Như thế thì tại sao “Tử bất ngữ quái lực loạn Thần“?

Rất nhiều người cho rằng Khổng Tử không tin Thần, thậm chí có người còn nói Khổng Tử có tư tưởng bài xích tôn giáo.
Rất nhiều người cho rằng Khổng Tử không tin Thần, thậm chí có người còn nói Khổng Tử có tư tưởng bài xích tôn giáo. (Ảnh: Pexels).

Khổng Tử là Thánh nhân nên lẽ tự nhiên sẽ biết trong vũ trụ có vô số bí mật là những điều nhân loại không thể nào hiểu và nắm bắt được, đã như vậy thì con người nên đối đãi với những sự vật mà bản thân không hiểu rõ như thế nào? Khổng Tử nói: “Biết thì nói là biết, không biết thì nói là không biết, thì đó là trí tuệ” (Tri chi vi tri chi, bất tri vi bất tri, thị trí dã). Nhưng đối với những sự vật siêu nhiên hoặc có tính tôn giáo như “quái lực loạn Thần” thì Khổng Tử đặc biệt đề ra “Kính quỷ Thần nhi viễn chi“, và “Tử bất ngữ“. Vậy vì sao Khổng Tử muốn “viễn chi” và không đàm luận về những sự tình này?

Thế nhân thường nói, làm người phải giữ “khẩu đức”. Trong Phật giáo giảng, không được khinh mạn Tam Bảo: “Phật, Pháp, tăng”, trong đó cũng bao gồm không được dùng lời nói bất kính, phỉ báng, đàm tiếu Tam Bảo. Trong Phật giáo cho rằng, nếu con người dùng lời bất hảo đối với Phật, Phật Pháp và tăng lữ thì sẽ chịu quả báo cực lớn. Mà người tu luyện thì hiểu được trong tu luyện phải “tu khẩu”, không nói lời bất hảo như mắng chửi người, nói lời ngông cuồng, nói lời giả dối… Nếu nói những lời đó thì sẽ nhận nghiệp lực. “Tu khẩu” đương nhiên cũng không thể dùng lời bất hảo đàm luận Thần Phật và Phật Pháp…

Đến đây, chúng ta có thể đã minh bạch rồi. Đối với Thần Phật, Phật Pháp hoặc những sự vật siêu nhiên khác mà nhân loại biết cực kỳ ít ỏi, nếu mọi người đàm luận thì làm thế nào mới biết mình nói đúng hay không? Khổng Tử là Thánh nhân, những điều ông nói không thể không chính xác, nhưng môn sinh của ông, hoặc người bình thường thì không thể làm được như vậy. Người bình thường mà nói không đúng, thậm chí phạm tội khinh mạn, vì thế bị ác báo, do đó Khổng Tử dứt khoát lấy mình làm mẫu “Tử bất ngữ” (Khổng Tử không nói).

Thế nên “Tử bất ngữ quái lực loạn Thần“, ý nghĩa gốc không phải là Khổng Tử không tin những điều này, mà là không được tùy ý đàm luận những thứ đó, cũng chính là cần phải “tu khẩu” đối với những sự việc chưa biết.

Xem toàn bộ “Luận ngữ“, người viết lý giải rằng, Khổng Tử thông qua “Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí, Tín” để nói cho nhân loại biết “thủ đức” như thế nào. Mà trong “Thủ đức” thì “Tử bất ngữ” chiếm tỷ trọng rất lớn. Người tín ngưỡng tôn giáo đều biết, tội khinh mạn, nói xấu, phỉ báng Thần Phật, Phật Pháp, kinh văn và người tu luyện là tội lớn nhất trong tất cả các tội lỗi, là hành vi thất đức lớn nhất.

Đáng tiếc là một câu “Tử bất ngữ quái lực loạn Thần” thì người hiện đại quá ít người hiểu đúng, nên xã hội hiện nay có nhiều người làm những việc đại ác mà không tự biết.

“Trung dung” phải chăng là làm người ba phải ‘hòa vi quý’?

Không biết từ khi nào “Trung dung” diễn biến thành “Đạo Trung dung”, và cũng không biết từ khi nào “Đạo Trung dung” diễn biến thành từ đồng nghĩa với người ba phải ‘hòa vi quý’.

Khổng Tử nói: “Trung dung là tu đức, nó cực kỳ cao. Con người đã thiếu nó lâu rồi” (nguyên văn: “Trung dung chi vi đức dã, kỳ chí hĩ hồ. Dân tiển cửu hĩ” – Luận ngữ – Ung dã)

Vậy Trung dung là gì? Trung nghĩa là chính, không nghiêng không lệch, là chính Đạo của thiên hạ. Dung là thường hằng, là trung hòa thủ thường, là Thiên lý bất biến. Trung dung chính là hành vi phải phù hợp với Thiên lý, theo chính Đạo.

Tư tưởng Trung dung trong Nho học có vị trí cực kỳ trọng yếu, nội dung chủ yếu của nó quyết không phải là trung lập, bình thường mà người hiện đại phổ biến lý giải. Từ bản chất mà nói, Trung dung là cảnh giới tối cao của tu dưỡng Nho gia.

Lại xin có đôi lời về sách “Trung dung” trong “Tứ thư“. Tương truyền sách “Trung dung” là do cháu nội Khổng Tử là Tử Tư trước tác, là một trong những kinh điển Nho gia. Trung dung vốn không phải là một bộ sách độc lập, mà là một thiên trong “Tiểu Đới Lễ ký“. Các nhà Nho đời Tống vô cùng sùng chuộng Trung dung. Chu Hi đã viết sách “Trung dung tập chú“, đồng thời đưa vào trong Tứ thư.

Tư tưởng Trung dung trong Nho học có vị trí cực kỳ trọng yếu, nội dung chủ yếu của nó quyết không phải là trung lập, bình thường mà người hiện đại phổ biến lý giải.
Tư tưởng Trung dung trong Nho học có vị trí cực kỳ trọng yếu, nội dung chủ yếu của nó quyết không phải là trung lập, ba phải mà người hiện đại phổ biến lý giải. (Ảnh minh họa: Shutterstock).

Thế nào là quân tử? Người quân tử không phải là công cụ?

Khổng Tử nói: “Người quân tử không phải là công cụ” (Quân tử bất khí – Luận ngữ – Vi chính).

Trong những lời nói của Khổng Tử được ghi chép trong “Luận ngữ” thì từ “Quân tử” xuất hiện trên 100 lần, trong đó đại bộ phận đều là phẩm hạnh, đặc tính người quân tử trên một phương diện nào đó. Người viết cho rằng, miêu tả hoàn chỉnh nhất thế nào là người quân tử thì chính là câu “Người quân tử không phải là công cụ” (Quân tử bất khí).

Khí tức là khí cụ, dụng cụ, công cụ, bất kể là khí cụ gì thì chức năng của nó đều hữu hạn. Lâu nay câu này đa phần được giải thích rằng: người quân tử không thể chỉ có một tài một nghệ, mà phải đa tài đa nghệ. Cách giải thích này vô cùng phù hợp với nhân loại hiện đại đang chìm đắm trong thế giới vật chất. Thực ra nghĩ kỹ thì sẽ thấy, bất kể là đa tài đa nghệ như thế nào thì cũng là có giới hạn, đều là tầng thứ “công cụ”, chỉ là lớn nhỏ, nhiều ít mà thôi. Vậy thế nào là “bất khí” (không phải là công cụ)?

Nói “bất khí” thì trước tiên cần nói về “Đạo”. Trong “Luận ngữ” tuy không có ghi chép Khổng Tử nói “Đạo” là gì, nhưng có thể chứng minh “Đạo” có vị trí rất cao trong tâm Khổng Tử: “Sáng nghe Đạo, tối có thể chết cũng được rồi” (Triêu văn Đạo, tịch tử khả hĩ).

Khổng Tử lại nói, người quân tử cần “Lập chí học Đạo, bám vào đức, dựa vào nhân và vui chơi trong lục nghệ (lễ, nhạc, bắn cung, đánh xe, thư pháp, toán) (nguyên văn: “Chí ư Đạo, cứ ư đức, y ư nhân, du ư nghệ“).

Người quân tử nên cầu Đạo như thế nào? Khổng Tử nói: “Người quân tử mưu cầu Đạo chứ không mưu cầu cái ăn. Người cày vẫn thường bị đói, người học vẫn thường có tước lộc. Người quân tử chỉ lo học Đạo chứ không lo nghèo khó” (Quân tử mưu Đạo bất mưu thực, Canh dã, nỗi tại kỳ trung hĩ; Học dã, lộc tại kỳ trung hĩ. Quân tử ưu Đạo bất ưu bần).

Có thể thấy, Khổng Tử cho rằng mục đích làm việc của người quân tử không phải là ở việc mà là ở Đạo. Môn sinh của Khổng Tử là Tử Hạ thì nói: “Người trong trăm ngành nghề làm việc để hoàn thành công việc. Người quân tử học để đi đến Đạo“. Câu này đã nói rõ, hành sự của người quân tử và người trong các ngành các nghề là khác nhau, còn người quân tử hành sự là để cầu Đạo, những người thợ các ngành nghề chỉ là hoàn thành công việc của họ.

Người quân tử mưu cầu Đạo chứ không mưu cầu cái ăn. Người cày vẫn thường bị đói, người học vẫn thường có tước lộc. Người quân tử chỉ lo học Đạo chứ không lo nghèo khó
Người quân tử mưu cầu Đạo chứ không mưu cầu cái ăn. Người cày vẫn thường bị đói, người học vẫn thường có tước lộc. Người quân tử chỉ lo học Đạo chứ không lo nghèo khó. (Ảnh: Shutterstock).

Người quân tử cầu Đạo là vì mục đích gì? Vì “quân tử bất khí“. Người quân tử cầu Đạo là để nâng cao tu dưỡng đạo đức. Nâng cao tu dưỡng đạo đức thì phải dùng tu dưỡng đạo đức của mình ảnh hướng đến người khác để quy chính nhân tâm, cũng chính là cái gọi là “chính tâm, tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ“.

Thử hỏi người quân tử thông qua tu dưỡng đạo đức bản thân mà quy chính nhân tâm, khiến gia tộc hưng thịnh, quốc gia giàu mạnh, thiên hạ thái bình, lòng người hướng thiện, thế thì tài học hoặc các kỹ năng có thể đạt được mục đích này không? Đương nhiên là không được. Chỉ có sức mạnh của đạo đức mới có thể đạt được mục đích này, đó chính là “bất khí”. Thế nên câu “Quân tử bất khí” của Nho gia gần giống cảnh giới “Phật quang phổ chiếu, lễ nghĩa viên minh” của Phật gia.

Nói đến đây khiến chúng ta nhớ đến đoạn trò chuyện giữa Khổng Tử và Tử Cống như sau:

Tử Cống hỏi: Học trò là người thế nào?

Khổng Tử: Trò là công cụ (khí).

Tử Cống: Công cụ (khí) là như thế nào ạ?

Khổng Tử: Là cái hồ liễn (đồ thờ cúng, đẹp và quý).

Xem ra Tử Cống khi đó tuy có tài năng nhưng dưới con mắt của Khổng Tử thì vẫn chưa đạt đến cảnh giới “bất khí”.

Khổng Tử coi thường người chỉ thiện riêng mình. Trong “Luận ngữ – Tử Lộ“, Tử Cống hỏi: “Như thế nào thì được gọi là sĩ (quan lại, trí thức)?

Khổng Tử nói: “Hành xử có liêm sỉ, thực thi công việc ở bốn phương mà không hổ thẹn với mệnh vua thì có thể gọi là sĩ rồi.

Tử Cống lại hỏi: “Con xin hỏi tiếp theo là gì?”

Khổng Tử nói: “Tông tộc ca ngợi là hiếu, làng xã ca ngợi là đễ”.

Tử Cống hỏi tiếp: “Con xin hỏi tiếp theo là gì?”

Khổng Tử nói: “Lời nói giữ chữ tín, làm việc ắt có kết quả”.

Đối với người bình thường mà nói, thì làm được đến đây đã là vô cùng tốt đẹp rồi, nhưng đối với Khổng Tử mà nói, nếu một người tu dưỡng chỉ làm đến “lời nói giữ chữ tín, làm việc ắt có kết quả” mà chưa có ảnh hưởng giáo hóa đối với thế nhân thì cũng chỉ coi là “tiểu nhân” thôi.

Quân tử bất khí, ở đây không chỉ là nói người quân tử nên làm người thế nào, mà còn nhắc nhở những người muốn trở thành quân tử khi hành xử không được quên mục đích chân chính. Khổng Tử nói, người quân tử “Lập chí học Đạo, bám vào đức, dựa vào nhân và vui chơi trong lục nghệ”, đây chính là chuẩn mực hành vi người quân tử.

Người viết cho rằng, khi khoa cử hưng thịnh thì chính là lúc Nho giáo suy bại. Khi “đọc sách” mất đi ý nghĩa chân chính là cầu Đạo tu dưỡng mà trở thành “công cụ” cầu công danh lợi lộc thì không chỉ Nho học sa sút mà là do nhân tâm suy bại tạo thành. Giáo dục hiện đại càng sa sút hơn nữa, cái gọi là “nhân tài” hiện nay thì phải chăng cũng dưới con mắt của bậc Thánh nhân cũng chỉ là: “Trò là công cụ” mà thôi.

Lời kết

Khi hưng thịnh thì lên vòi vọi, khi suy vong thì cũng xuống vùn vụt. Sự vật từ thịnh chuyển sang suy là quy luật nội tại của bản thân vật chất. Văn hóa truyền thống Á Đông đã từng rực rỡ xưa kia thì giờ đã suy bại vì tư tưởng hiện đại thực dụng và có phần nông nổi… Nhưng suy cũng là khởi đầu của thịnh, là mở đầu của sự vật canh tân. Hiện nay trên khắp thế giới, dấu hiệu và sự phục hưng những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp đang dần trở thành một trào lưu mạnh mẽ, trở về truyền thống chính là con đường bước đến tương lai tươi sáng.

Tác giả: Thanh Nguyên – zhengjian.org.

Trung Dung (NTDVN) biên dịch

Untitled 3 01 1

 


Xem thêm

- Quảng cáo -spot_img

Xem nhiều