Quốc Hội Trung Quốc hôm 12/3 đã thông qua thành phần nội các mới, bao gồm 4 phó thủ tướng, 4 ủy viên quốc vụ và 26 bộ trưởng. Đáng chú ý là thượng tướng Lý Thượng Phúc (Li Shangfu), một quân nhân kỳ cựu, một nhân vật bị Mỹ trừng phạt, đã được bổ nhiệm làm bộ trưởng Quốc Phòng, thay tướng Ngụy Phượng Hòa về hưu.
Reuters trích dẫn nhận định từ nhiều chuyên gia cho rằng với quyết định bổ nhiệm này, ông Lý Thượng Phúc, 65 tuổi, một kỹ sư về hàng không vũ trụ sẽ nắm một vai trò then chốt để thực hiện các mục tiêu trung hạn do chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đặt ra, đưa Quân đội Giải phóng Nhân dân (PLA) thành một “quân đội đẳng cấp thế giới từ nay đến năm 2049”.
Năm 2016, ông Lý được bổ nhiệm làm phó tư lệnh lực lượng Chi viện Chiến lược, một đơn vị tinh nhuệ chuyên trách thúc đẩy phát triển các năng lượng không gian và chiến tranh mạng của Trung Quốc. Sau đó, ông được đề bạt làm chủ nhiệm Cục Phát triển Trang bị (CMC), một cơ quan tham mưu cho Quân ủy Trung ương do Tập Cận Bình chủ trì.
Tháng 9/2018, Lý Thượng Phúc bị đưa vào trong danh sách trừng phạt sau việc ký kết hợp đồng mua 10 chiến đấu cơ Su-35 của Nga năm 2017 và nhiều trang thiết bị khác có liên quan đến hệ thống phòng không địa đối không S-400 từ hãng Rosoboronexport của Nga.
Theo giới quan sát, việc ông Lý Thượng Phúc, một người thân tín làm bộ trưởng Quốc Phòng cho thấy Tập Cận Bình đã củng cố ảnh hưởng của mình trong quân đội. Đích thân Lý Thượng Phúc đã bổ nhiệm một người thân cận khác, ông Trương Hựu Hiệp (Zhang Youxia) làm phó chủ nhiệm của CMC.
Truyền thông thế giới nhận định, ông Lý Thượng Phúc bắt đầu một nhiệm kỳ vào lúc Washington đang nỗ lực tái lập đối thoại và liên lạc quân sự đã bị xuống cấp nghiêm trọng. Còn nhớ Bắc Kinh đã giận dữ phản ứng chuyến thăm Đài Loan của cựu chủ tịch Hạ Viên Nancy Pelosi hồi tháng 8/2022. Mặc dù vậy, trả lời báo chí trong tuần qua, phát ngôn viên Lầu Năm Góc, trung tá Marty Meiners, tuyên bố quân đội Mỹ vẫn muốn duy trì các kênh liên lạc với PLA.
Với tư cách là Bộ trưởng quốc phòng, ông Lý cũng có thể sẽ tham gia chặt chẽ vào các mối quan hệ quân sự ở châu Á, tham dự các sự kiện như các cuộc họp của các nhà lãnh đạo quốc phòng châu Á và Đối thoại Shangri-La không chính thức về an ninh ở Singapore.
Nhà phân tích an ninh Alexander Neill có trụ sở tại Singapore, một thành viên phụ trợ của tổ chức tư vấn Diễn đàn Thái Bình Dương của Hawaii, cho biết: “Tôi nghĩ rằng ông ấy đã được nâng lên vị trí này vì ông ấy đã đem lại cho Tập Cận Bình những lĩnh vực quan trọng của quá trình hiện đại hóa”.
Liên quan đến thành phần chính phủ mới, thông tín viên RFI Stéphane Lagarde tại Bắc Kinh cho biết:
“Những gương mặt mới của Quốc Vụ Viện Trung Quốc được các đại biểu họp tại Lễ đường Nhân dân sáng nay xác nhận đều không xa lạ. Họ là những người do tân thủ tướng bổ nhiệm, và hầu hết những người này là những người cộng tác lâu năm của nguyên thủ quốc gia.
Nếu như các đối thủ của Tập Cận Bình phải nghỉ hưu, thì nhiều người khác đã được đặc cách tiếp tục tại vị. Đó là trường hợp của thống đốc Ngân hàng Trung ương và bộ trưởng Tài Chính đã vượt quá tuổi hạn định, nhưng vẫn phụ trách chính sách kinh tế và tiền tệ”.
Đối mặt với sự bất mãn của xã hội, đảng Cộng sản Trung Quốc đã chọn sự ổn định và phục hồi kinh tế hậu Covid-19 là một ưu tiên. Và các nỗ lực thay đổi cơ cấu và quy định cho nền kinh tế Trung Quốc vẫn tiếp diễn.
Một ưu tiên khác cho nhiệm kỳ thứ ba của Tập Cận Bình, chính là cuộc chiến chống nguy cơ bóp nghẹt công nghệ và nhất là chống thế bá quyền của đồng đô la. Do vậy, các Bộ trưởng Nông Nghiệp và Công Nghệ vẫn được giữ nguyên chức vụ.