spot_img
19 C
Vietnam
Chủ Nhật,24 Tháng mười một
spot_img

Tỷ phú chi 8 tỷ USD làm từ thiện qua đời: Sinh ra tay trắng, cuối đời trắng tay

Tân Thế Kỷ – “Tôi thấy không có lý do gì để trì hoãn việc cho đi. Hơn nữa, cho đi khi còn sống sẽ thú vị hơn khi đã qua đời rất nhiều”.

Tỷ phú người Mỹ Charles F. Feeney, người âm thầm dành gần như toàn bộ khối tài sản trị giá 8 tỷ USD cho các hoạt động từ thiện, đã qua đời tại San Francisco, hưởng thọ 92 tuổi. Thông tin được Quỹ từ thiện Atlantic Philanthropies của ông Feeney đưa ra vào ngày 9/10 theo giờ địa phương.

Vị tỷ phú khởi xướng triết lý: “Cho đi khi còn sống”

Charles Francis “Chuck” Feeney sinh năm 1931 tại Elizabeth (bang New Jersey, Mỹ) trong một gia đình người Mỹ gốc Ireland thuộc tầng lớp lao động. Ông tốt nghiệp Trường Quản trị khách sạn thuộc Đại học Cornell (Mỹ) và cũng là người đầu tiên trong gia đình vào đại học.

Vào tháng 12/2016, sau khi quyên góp 7 triệu USD cho ngôi trường Đại học Cornell để hỗ trợ sinh viên, ông Feeney hoàn thành cam kết cho đi gần như toàn bộ tài sản trước khi qua đời. Theo The New York Times, ông Feeney chỉ giữ lại khoảng 2 triệu USD – một phần rất nhỏ trong số hàng tỷ USD tích lũy được trong hơn 60 năm.

Untitled 5
Tỉ phú Chuck Feeney. – Ảnh: IRISH TIMES

Thay vì ồn ào xuất hiện trên khắp các mặt báo vinh danh người làm từ thiện, ông Feeney cho đi một cách rất âm thầm, hầu hết đều theo hình thức ẩn danh. Rất nhiều các trường đại học, tổ chức y tế, khoa học, sáng kiến hòa bình… tại Mỹ, Việt Nam, Nam Phi, Úc, Israel, Jordan… đã nhận được sự giúp đỡ từ ông Feeney.

Theo Quỹ Atlantic Philanthropies, ông Feeney là người khởi xướng triết lý ‘Cho đi khi còn sống’ (Giving While Living). Ông tin rằng bản thân có thể tạo ra nhiều sự khác biệt khi còn sống, thay vì thành lập một quỹ từ thiện sau khi mình qua đời.

Tỷ phú Charles F. Feeney kiếm được phần lớn tài sản sau khi đồng sáng lập công ty kinh doanh hàng miễn thuế Duty Free Shoppers (DFS) vào năm 1960. Vào đầu những năm 1980, người đàn ông này đã đầu tư 35 triệu USD vào các khách sạn, bất động sản, cửa hàng bán lẻ, công ty may mặc và rất nhiều các startup công nghệ. Ở tuổi 50, ông đã sở hữu những ngôi nhà nguy nga ở New York, London, Paris, Honolulu, San Francisco…

Thế nhưng, tại thời kỳ đỉnh cao của danh vọng, ông Feeney bắt đầu nghi ngờ ‘quyền được giàu có’ của mình, theo đoạn trích trong cuốn “The Billionaire Who Wasn’t” (2007), sau đó bất ngờ rút lui khỏi các tổ chức giàu có.

Ông chuyển sang bay hạng phổ thông, mua quần áo giá rẻ và không còn lui tới những nhà hàng sang trọng nữa, thậm chí bán xe và bắt đầu di chuyển bằng tàu điện ngầm.

“Tấm vải liệm không có túi”

“Tôi không thể nghĩ ra cách sử dụng tài sản nào xứng đáng và phù hợp hơn ngoài việc cho đi và cống hiến hết mình cho những nỗ lực có ý nghĩa”, tỷ phú Feeney viết trong lá thư cam kết.

Năm 1982, ông Feeney thành lập quỹ từ thiện Atlantic Philanthropies và bí mật chuyển toàn bộ tài sản kinh doanh cho quỹ 2 năm sau đó. Vào năm 2020, quỹ này đóng cửa sau khi tuyên bố cho đi toàn bộ 8 tỷ USD. Trong thời kỳ hoạt động tích cực, Atlantic Philanthropies có hơn 300 nhân viên và 10 văn phòng toàn cầu.

Được biết, quỹ thực hiện các khoản tài trợ ẩn danh trên khắp các châu lục nhằm hỗ trợ giáo dục, chăm sóc sức khỏe, nhân quyền và nhiều mục tiêu khác. Họ cũng từng tài trợ cho việc phát triển cơ sở hạ tầng ở Việt Nam, nhiều trường đại học ở Ireland và các trung tâm y tế nhằm tìm kiếm phương pháp chữa trị bệnh ung thư và tim mạch.

Untitled 3
Ông Feeney hoàn thành cam kết cho đi gần như toàn bộ tài sản trước khi qua đời. – Ảnh: Cafef.vn

“Tôi thấy không có lý do gì để trì hoãn việc cho đi. Hơn nữa, cho đi khi còn sống sẽ thú vị hơn khi đã qua đời rất nhiều”, ông Feeney khẳng định.

Tạp chí Forbes không tiếc lời ngợi ca và gọi Charles F. Feeney là ‘James Bond của giới từ thiện’. Năm tháng cuối đời, ông chỉ chọn sống trong căn nhà thuê tại San Francisco, đeo đồng hồ 10 USD và đặc biệt thích đi xe buýt.

Những người từng có cơ hội ghé thăm ‘cơ ngơi’ của tỷ phú Chuck Feeney miêu tả không gian sống của vợ chồng ông giản dị như phòng ốc của sinh viên ký túc xá. Nội thất đơn giản, phòng khách chỉ có chiếc bàn gỗ đơn sơ để tiếp khách cùng vài bức ảnh gia đình treo trên tường. Trên bàn đặt ngăn ngắn chiếc kỷ niệm chương nhỏ ghi dòng chữ: ‘Xin chúc mừng Chuck Feeney đã quyên góp 8 tỷ USD’.

“Tôi đã học được nhiều điều và cảm thấy hài lòng khi hoàn thành được tâm nguyện. Xin gửi lời cảm ơn đến tất cả những người đã tham gia vào hành trình của tôi. Với những ai đang băn khoăn về việc ‘cho đi khi còn sống’, hãy thử nó và bạn sẽ thích”, ông Feeney nói.

Kết

Chúng ta đến thế gian để làm gì? Theo quan niệm bình thường, kém sáng suốt, thì chúng ta đến trần gian này để tìm kiếm những thực phẩm, của cải của trần gian để hưởng thụ.

Mật ngọt của trần gian này nhiều lắm. Nào giàu có, tiếng tăm, quyền lực, tình yêu, gia đình… Rồi sau đó ra đi, bỏ lại buổi tiệc đời cho những người đến sau. Bỏ lại cho người khác với rất nhiều nuối tiếc, chẳng đem theo được gì.

Trong quá trình tìm kiếm và hưởng thụ ấy, chúng ta làm những hành động gây khó khăn, khổ đau cho người khác. Có một tranh giành, bám giữ, tiêu thụ nào mà không gây tổn thương cho người khác và thiên nhiên?

Nắm lấy là một thói quen, một nghiệp của con người. Đó là một hành động thói quen chủ yếu thuộc về tâm thức. Cũng chính sự nắm lấy thuộc về tâm thức này khiến con người bị trói buộc về mặt tâm thức vào đối tượng mình nắm lấy. Càng nắm giữ nhiều thì sự lệ thuộc càng nhiều.

Cuối cùng, do không nhìn rõ những hành động của mình, con người bị lệ thuộc, bị trói buộc bởi nhiều thứ mà họ nghĩ là vĩnh viễn của họ ở trần gian này. Những thứ ấy dẫu do chúng ta làm ra đi nữa thì cũng không hoàn toàn thuộc về chúng ta. Chúng ta chỉ mượn tạm, chỉ thuê thôi, và khi ra đi qua đời khác, chúng ta phải bỏ lại tất cả.

Với người sáng suốt, họ đến với cuộc đời này mà không làm tổn hại cuộc đời. Họ đến để học thay vì cai trị, đến để cho, để cống hiến, để làm đẹp thay vì tham lam chiếm đoạt. Càng không bám chấp thì cuộc đời người ấy càng trải rộng trong tự do. Càng từ bi thì cuộc đời người ấy càng bao trùm đời sống bằng hạnh phúc.

Thế giới này là môi trường của tự do và hạnh phúc. Thế giới này là nơi để chúng ta hành hương trong tự do và hạnh phúc.

Tịnh Yên (t/h)

0 02 06 7a8e7c26263eb19895fd6e7ea5810bc4377617d6d25f58ba8ace479939bdb4e6 f8bf3e371044933a

Người Phần Lan hạnh phúc nhất thế giới nhờ những bí quyết không phải ai cũng biết

Cô gái khép lại giấc mơ hoa hậu để trở thành họa sĩ thiện nguyện

Tân Thế Kỷ Truyền Thống – Nhân Văn – Trung Thực

Xem thêm

- Quảng cáo -spot_img

Xem nhiều