spot_img
20 C
Vietnam
Thứ sáu,22 Tháng mười một
spot_img

UNESCO kêu gọi toàn cầu cấm học sinh dùng điện thoại ở trường

Tân thế kỷ – UNESCO đưa ra khuyến nghị này khi nhiều minh chứng cho thấy có mối liên hệ tiêu cực giữa việc lạm dụng thiết bị điện tử và kết quả học tập của học sinh.

Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hợp Quốc (UNESCO) ngày 26/7 công bố báo cáo Giám sát giáo dục toàn cầu 2023.

Điện thoại thông minh khiến học sinh mất tập trung vào việc học

Báo cáo dẫn kết quả một nghiên cứu về giáo dục từ mầm non đến đại học ở 14 quốc gia, cho thấy điện thoại thông minh khiến học sinh mất tập trung vào việc học. Một nghiên cứu khác chỉ ra rằng học sinh có thể mất tới 20 phút để tập trung lại vào những gì đang học sau khi bị phân tâm vì sử dụng thiết bị này. Việc sử dụng điện thoại di động quá mức cũng tác động tiêu cực đến sự ổn định cảm xúc của trẻ em.

Unesco cũng cho biết có rất ít nghiên cứu đủ sức chứng minh công nghệ kỹ thuật số mang lại giá trị gia tăng cho giáo dục. Phần lớn được tài trợ bởi các công ty đang cố gắng bán các sản phẩm kỹ thuật số.

Trong khi đó, việc loại bỏ điện thoại thông minh khỏi các trường học ở Bỉ, Tây Ban Nha và Vương quốc Anh đã giúp cải thiện kết quả học tập của học sinh, đặc biệt là những em vốn không có thành tích tốt.

Do đó, UNESCO cho rằng các quốc gia nên cấm học sinh dùng điện thoại ở trường nhằm giảm gián đoạn giờ học, nâng cao chất lượng học và bảo vệ trẻ em khỏi bị bắt nạt trên mạng.

Phải lấy con người làm trung tâm

Dựa trên phân tích về 200 hệ thống giáo dục trên toàn thế giới, UNESCO ước tính 1/4 trong số này đã cấm học sinh sử dụng điện thoại ở trường, thông qua luật hay các bản hướng dẫn. Trong đó, Pháp cấm học sinh sử dụng điện thoại trong trường từ năm 2018 và mới đây nhất, Hà Lan cho biết lệnh cấm sẽ có hiệu lực từ năm sau.

Untitled 1gn
Dựa trên phân tích về 200 hệ thống giáo dục trên toàn thế giới, UNESCO ước tính 1/4 trong số này đã cấm học sinh sử dụng điện thoại ở trường, thông qua luật hay các bản hướng dẫn. – Ảnh minh họa. – Nguồn: Tuoitre.vn

“Học sinh cần có khả năng tập trung và được trao cơ hội để học tập tốt. Khoa học đã chứng minh điện thoại là một sự xao nhãng. Chúng ta cần bảo vệ học sinh trước vấn đề này”, Bộ trưởng Giáo dục Hà Lan Robbert Dijkgraaf phát biểu hồi đầu tháng khi thông báo về lệnh cấm.

Ở Trung Quốc, giới hạn của việc sử dụng công nghệ kỹ thuật số làm công cụ giảng dạy là 30% tổng số giờ dạy. Học sinh cũng được “nghỉ mắt” thường xuyên trong thời gian đó.

Ở Vương quốc Anh, quy định sử dụng điện thoại thông minh trong trường học khác nhau, thuộc thẩm quyền của hiệu trưởng. Phần lớn trường học yêu cầu học sinh tắt điện thoại hoặc để ngoài tầm tay, chỉ sử dụng khi được giáo viên cho phép.

Báo cáo của UNESCO khẳng định toàn bộ công nghệ kỹ thuật số, bao gồm cả trí tuệ nhân tạo, phải luôn phụ thuộc vào “tầm nhìn lấy con người làm trung tâm” của giáo dục và không bao giờ thay thế được sự tương tác trực tiếp với giáo viên. Các quốc gia cần đảm bảo có mục tiêu và nguyên tắc rõ ràng khi sử dụng công nghệ trong giáo dục.

“Công nghệ phải được sử dụng nhằm nâng cao trải nghiệm học tập và vì lợi ích của học sinh và giáo viên. Hãy đặt nhu cầu của người học lên trước và hỗ trợ giáo viên”, bà Audrey Azoulay, Tổng giám đốc UNESCO, nói.

Trẻ em Việt Nam sở hữu điện thoại sớm hơn 4 năm so với trẻ em thế giới

Dẫn lại kết quả khảo sát mà Google thực hiện năm 2022, ông Khoa cho biết độ tuổi trung bình mà trẻ em Việt Nam sở hữu điện thoại là 9, còn trên thế giới là 13. Trong khi đó, nghiên cứu cho thấy khoảng 13 tuổi, trẻ mới bắt đầu tiếp cận những nội dung, hướng dẫn về an toàn trên không gian mạng.

“Trẻ em Việt Nam sở hữu điện thoại sớm hơn 4 năm so với trẻ em thế giới, nhưng trong 4 năm này, các em không được bảo vệ tốt trên không gian mạng”, ông nói.

Ông Trần Đăng Khoa, Phó cục trưởng An toàn thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết hiện Việt Nam có 24,7 triệu trẻ em (chiếm 25% dân số) và 2/3 số này dùng dùng Internet. Độ tuổi dùng Internet nhiều nhất là 14-15 (93%), kế đó là 12-13 tuổi (82%). Các em thường dùng Internet để phục vụ việc học, giải trí, kết bạn, chia sẻ thông tin và mua sắm.

Su Dung Dien Thoai
Ngoài các giải pháp về chính sách, kỹ thuật, giáo dục để nâng cao nhận thức cho các em là một giải pháp được nhấn mạnh. – Ảnh: laodong.vn

Các rủi ro mà trẻ có thể gặp trên mạng rất đa dạng, gồm tin giả, tin kích động, bạo lực, những video, hình ảnh không phù hợp, hay bị phát tán thông tin, bị lôi kéo tham gia nội dung không lành mạnh. Chưa tính đến việc học sinh có thể kém tập trung trong giờ học, đó là tình trạng thực tế.

“Internet có thể vượt qua cánh cửa an toàn của gia đình, nhà trường, nên cần có biện pháp bảo vệ trẻ”, bà Nguyễn Phương Linh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý và Phát triển bền vững nói.

Tháng 6/2021, Chính phủ phê duyệt chương trình “Bảo vệ và hỗ trợ trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng, giai đoạn 2021-2025”. Ngoài các giải pháp về chính sách, kỹ thuật, giáo dục để nâng cao nhận thức cho các em là một giải pháp được nhấn mạnh.

Bà Lê Tuệ Minh, Chủ tịch Hội đồng trường Phổ thông liên cấp Edison (Hà Nội), cho biết trường đã đưa ra bộ quy ước sử dụng mạng xã hội với học sinh. Trong đó, các em được khuyến cáo nên sử dụng ảnh đại diện, tên thật trên mạng xã hội; dùng ngôn từ văn minh, hình ảnh, video tích cực. Nếu học sinh vi phạm, tùy mức độ, trường có thể nhắc nhở hoặc xử lý theo quy định.

Bà Minh cho rằng các trường cần tăng cường tổ chức các chuyên đề giáo dục, kỹ năng sống, lồng ghép hướng dẫn sử dụng Internet an toàn trong các môn học liên quan như Công nghệ, Tin học.

Ở Việt Nam, Pháp luật không có quy định cụ thể nào về độ tuổi được mang điện thoại tới trường. Căn cứ quy định tại điều 37 Thông tư 32/2020/TT/BGDDT, học sinh không được sử dụng điện thoại di động, các thiết bị khác khi đang học tập trên lớp không phục vụ cho việc học tập và không được giáo viên cho phép.

Để phù hợp với quy định, tại một số trường học cũng đã ban hành những quy chế quản lý đảm bảo cho việc học sinh chỉ được sử dụng điện thoại trên lớp để phục vụ cho việc học tâp và có sự cho phép, giám sát, quản lý của các cán bộ, thầy cô giáo trong nhà trường.

Về phía gia đình, theo bà Nguyễn Phương Linh, phụ huynh cần giúp trẻ có kiến thức, kỹ năng để phân biệt đúng sai. Bố mẹ có thể không giỏi công nghệ bằng trẻ, nhưng cần biết các nguồn hỗ trợ, đồng hành với con khi dùng Internet. Bà Linh cũng khuyên phụ huynh và giáo viên tránh thái độ “người chỉ đạo”, mà đón nhận phản hồi và học hỏi từ con em mình.

Tịnh Yên (t/h)

BN 3 jpeg 2

Mất cơ hội tăng lương hàng trăm giáo viên bức xúc

Hơn 9.000 giáo viên công lập bỏ việc năm học 2022-2023 vì đâu?

Tân Thế Kỷ Truyền Thống – Nhân Văn – Trung Thực

Xem thêm

- Quảng cáo -spot_img

Xem nhiều