Chúng ta thường nghe trên phim ảnh hai từ “Đạo tặc”. Tại sao ngày nay người ta thường gọi là kẻ trộm? Kỳ thực, trong văn hoá truyền thống thì kẻ trộm cũng có Đạo. Cùng tìm hiểu những câu chuyện sau để thấy cái “Đạo” của “Đạo tặc”.
Đạo tặc kính trọng người nhân đức
Phạm Nguyên Diễm lớn lên trong một gia đình nghèo vào triều Nam Bắc (420 – 589 sau Công nguyên). Ông sinh sống bằng nghề trồng rau. Một ngày nọ khi ra khỏi cửa, ông phát hiện có người đang ăn cắp rau trong vùng đất của mình. Ông trở về nhà và nói với mẹ. Khi bà hỏi kẻ cắp là ai, ông nói: “Con không muốn người đó thấy mặt vì lo rằng anh ta sẽ sợ hãi. Nếu con cho mẹ biết tên, xin mẹ đừng nói với ai cả.” Kết quả là cả hai mẹ con đã giữ bí mật của họ.
Có người đi qua một cái mương để ăn cắp măng mọc trong vùng đất của ông. Phạm Nguyên Diễm đã đốn một cái cây và làm một cây cầu đơn giản để kẻ cắp dễ dàng băng qua cái mương đến khu vực măng mọc. Những kẻ cắp đã cảm động trước lòng tốt và sự quan tâm của ông. Họ xấu hổ bởi việc mình làm và hoàn toàn không ăn cắp nữa. Ngôi làng sau đó không còn trộm cắp.
Lưu Hiến, một học giả của Phái quốc, thuộc tỉnh An Huy ngày nay, đã ghi chép lại những việc làm nhân đức của Phạm Nguyên Diễm để bày tỏ lòng kính trọng ông. Vào thời Tề Minh Đế và Lương Võ Đế, ông đã hai lần được mời làm quan triều đình. Vốn quen sống đạm bạc và không màng danh lợi, ông đã khước từ cả hai lời mời.
Vào thời cổ đại, tiêu chuẩn đạo đức rất cao. Đạo tặc sẽ cảm thấy xấu hổ khi được đối xử tốt và khoan hồng. Thời đó không cần phải có luật pháp.
Theo Lương thư, quyển 51, Lịch sử của những nhân vật nổi tiếng, số 45
Đạo tặc kính trọng quan thanh liêm
Những năm Càn Long triều đại nhà Thanh, huyện Sùng Đức (xưa gọi là huyện Thạch Môn), tỉnh Chiết Giang, có một viên tri huyện là Chương Thanh, xuất thân là người đọc sách, học vấn uyên thâm, làm quan thanh liêm, thanh danh cực tốt trong dân chúng. Chương Thanh đến huyện Sùng Đức đảm nhiệm chỉ có mấy năm, huyện đã trở nên an bình trật tự, dân chúng an cư lạc nghiệp, đêm không cần khóa cửa.
Lúc này, khắp huyện kế bên trộm án xảy ra liên tục, nhân tâm nhốn nháo. Bên trên có văn thư xuống, điều Chương Thanh sang huyện lân cận làm tri huyện, chỉnh đốn tình hình ở đó. Chương Thanh một mình đến huyện ấy nhậm chức, lập tức sử dụng các biện pháp nghiêm khắc kịp thời. Kể cũng lạ, từ khi Chương Thanh đến nhậm chức, đạo tặc liền im hơi lặng tiếng, không còn xảy ra vụ trộm nào nữa. Chương Thanh rất nhanh chóng chỉnh đốn cả huyện trở nên an bình hòa hợp.
Mấy tháng sau, Chương Thanh đưa người nhà đến ở cùng. Ba năm nhậm chức đã qua, Chương Thanh cùng gia quyến lên thuyền trở về quê. Dân chúng tự nguyện tụ tập tại bến để tiễn Chương Thanh. Chương Thanh từ biệt mọi người, đột nhiên trước mắt chợt lóe lên một bóng người, đôi kính cận đang mang đã không cánh mà bay. Chương Thanh chấn động, suýt nữa ngã xuống sông, may mà phu thuyền nhanh tay giữ chặt. Kính mắt không cánh mà bay, khiến Chương Thanh nghĩ mãi không lý giải được, nói rằng bị trộm mất, thì đôi kính ấy không đáng tiền, trộm nó làm gì? Nói là đánh mất, sao lại không có chút cảm giác nào cả, ông không khỏi cứ mãi lắc đầu, cảm thấy hết sức kỳ quái. Cũng may trong hành lý vẫn còn cặp kính khác, chưa đến nỗi không còn nhìn được nữa. Vì vậy, ông phất tay, bảo phu thuyền bắt đầu đi.
Buổi tối hôm đó, thuyền tạm dừng đỗ qua đêm tại một trấn nhỏ ở ranh giới của 2 huyện. Sáng sớm ngày hôm sau, Chương Thanh đột nhiên phát hiện 10 cái rương gỗ lớn đặt ở trong thuyền tất cả đều đã biến mất không còn dấu vết. Đó chính là toàn bộ gia sản, Chương Thanh không khỏi kinh hãi há miệng trợn mắt, “Bọn đạo tặc to gan lớn mật, ta chưa rời khỏi huyện, chúng đã liền nổi dậy hoành hành, còn trộm cắp ngay trên đầu ta, thật sự là ghê tởm! Như thế xem ra cặp kính bị mất hôm qua dám chắc cũng chính là bọn trộm này lấy mất”.
Làm sao bây giờ? Chương Thanh suy nghĩ: “Đám đạo tặc này trộm được rồi, chắc hẳn đã xa chạy cao bay, biết bọn chúng ở đâu mà tìm, hỡi ôi, tự dằn lòng mà quên đi vậy“. Nghĩ thế, Chương Thanh thở dài, bảo nhà thuyền rời bến.
Thuyền đi 3 ngày, rốt cục đã về đến quê hương của Chương Thanh một cách bình an. Chương Thanh nhìn phía xa xa, chỉ thấy trên bến chỉnh tề xếp đủ 10 cái rương lớn, nhìn qua thật là quen thuộc, trông giống như mấy cái rương mà mình đã bị đánh cắp. Chương Thanh cảm thấy mười phần kỳ quái, vội vàng cập bến, nhanh chân nhảy lên bờ chạy tới mà xem. Trời hỡi, quả nhiên là mấy cái rương của mình, thật là may mắn! Trên cái rương còn có một phong thư, chặn lên trên là cặp kính vốn đã không cánh mà bay lúc trước.
Chương Thanh vừa mừng vừa sợ, lúc này mở phong thư ra, chỉ thấy trong thư nói rằng:
Gửi Chương đại nhân: “Bọn tôi là một nhóm đạo tặc, vào thời ông nhậm chức, chúng tôi ái mộ thanh danh liêm khiết chính trực của ông, chưa bao giờ trộm cắp tại huyện mà ông cai quản. Nhưng là, lúc ông rời khỏi huyện có mang theo 10 chiếc rương gỗ rất lớn, không khỏi khiến chúng tôi hoài nghi không rõ ông có phải là vị thanh quan như thế hay không. Cho nên, bọn tôi đầu tiên lấy trộm đôi kính sau lại lấy trộm mấy cái rương gỗ, cũng là để cảnh báo cho ông thấy. Mở xem tất cả mấy cái rương gỗ, thấy tài sản của ông ngoài sách với sách ra, tất cả có chưa đến 32 ngân lượng. Mọi người thường nói: “Nhất Nhâm Thanh Tri Phủ, Thập Vạn Tuyết Hoa Ngân” (một viên tri phủ thanh liêm nhậm chức, cũng có được 10 vạn ngân lượng). Ông làm huyện lệnh nhiều năm, nhưng vẫn nghèo như không. Thấy rõ ông đích thực là một vị quan thanh liêm, bách tính đã không nhìn lầm ông. Bọn tôi lúc trước đã mạo phạm nhiều, thật sự xin lỗi, đặc biệt xin trả lại những vật đã lấy trộm trước kia, mong được Đại nhân bao dung tha thứ“.
Nguyên lai là như thế! Chương Thanh trong lòng cảm thán, không khỏi lẩm bẩm: “Thật là! Thực sự là đạo tặc cũng có đạo!”
Đạo tặc kính trọng người hiếu đức
Hiếu đức không chỉ khiến bách tính cảm động mà đến cả hoàng đế cũng khâm phục. Nguyên Nhân Tông Diên Hữu năm thứ 2 (năm 1315), đạo tắc Thái Ngũ Cửu bao vây Ninh Đô, khiến người dân loạn lạc, chúng đốt phá khắp nơi, giết hại quan chức, cướp bóc tài sản. Sau đó Thái Ngũ Cửu lại lôi kéo người dân, chiếm đoạt Ninh Đô (nay thuộc Ninh Hóa, Phúc Kiến, Trung Quốc).
Khi bị đạo tặc tấn công, người dân Ninh Đô đều hoảng loạn, rủ nhau lên núi tránh nạn. Khi đó có một người dân thường tên là Lai Lộc Tôn, để đi lánh nạn, đã cõng mẹ già Ngũ Thị, mang theo vợ cùng những người dân khác lên núi cao. Đạo tặc đuổi theo khắp mọi nẻo đường, người dân đều sợ hãi, chạy toán loạn. Lai Lộc Tôn vẫn kiên quyết bảo vệ mẹ mình mà không bỏ mẹ lại vì làm chậm việc chạy giặc. Khi đạo tặc muốn giết mẹ anh ta, Lai Lộc Tôn liền dùng thân mình ngăn cản, nói: “Thà các người giết tôi, chứ đừng làm hại mẹ tôi”.
Có tên đạo tặc đã cướp của vợ Lai Lộc Tôn đều bị những người khác lên án, có người nói: “Sao ngươi có thể cướp của một người con dâu hiếu thảo như thế”. Sau đó, chúng đành phái người đưa họ về nhà, để đoàn tụ với gia đình.
Sự việc này như có cánh, nhanh chóng truyền đến tai của Nguyên Nhân Tông, ông vô cùng cảm động trước lòng hiếu đức của Lai Lộc Tôn, liền đặc biệt ban thưởng hoàng phi, ca ngợi người con hiếu thảo.
Cho dù là thời hoàng đế Hán Chương Đế của Đông Hán, hay Nguyên Nhân Đế của triều Nguyên, vua đều vui mừng khi người dân của mình có lòng hiếu đức, đồng thời ban thưởng cho họ.
Người thời cổ có tiêu chuẩn đạo đức rất cao, kính Trời tín Thần, tiêu chuẩn thiện ác phổ quát là từ nội tâm của con người. Người xấu làm việc xấu vẫn có một thước đo chuẩn mực cho riêng mình. Những việc có liên quan đến vấn đề lương tâm, hoặc đối với người Đại thiện cùng với thanh quan, những đạo tặc có lương tri đều không dám xâm phạm. Đó cũng là cái đạo của kẻ “Đạo tặc” vậy.
Chân Tâm (t/h)
Tham khảo Minh Huệ
Xem thêm: