Tân Thế Kỷ (TTK) – Vào thứ Sáu, Tổ chức Y tế Thế giới WHO tuyên bố chấm dứt tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu đối với COVID-19, sau hơn ba năm đại dịch này càn quét thế giới.
Ủy ban Khẩn cấp của WHO đã họp vào thứ Năm và khuyến nghị tổ chức Liên Hợp Quốc này tuyên bố chấm dứt “tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng gây quan ngại quốc tế” vì COVID-19.
Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus nói: “Vì vậy, với niềm hy vọng, tôi tuyên bố COVID-19 không còn là tình trạng khẩn cấp toàn cầu”, đồng thời cho biết việc kết thúc cảnh báo này không có nghĩa là COVID-19 đã không còn là mối đe dọa sức khỏe toàn cầu.
Trong một cuộc gọi hội nghị kéo dài để thông báo với báo chí về quyết định này, một số thành viên của WHO đã kêu gọi các quốc gia suy ngẫm về những bài học kinh nghiệm trong đại dịch.
Trưởng nhóm kỹ thuật của WHO về COVID-19 Maria Van Kerkhove cho biết: “Chúng ta không thể quên những lò hoả thiêu đó. Chúng ta không thể quên những ngôi mộ đã được đào. Không ai trong chúng ta ở đây được phép quên đi chúng”.
Theo dữ liệu của WHO, tỷ lệ tử vong do COVID-19 đã giảm sau khi chạm đỉnh với hơn 100.000 người tử vong mỗi tuần hồi tháng 1/2021 và xuống còn hơn 3.500 người tử vong vào tuần thứ ba của tháng 4/2023.
Theo WHO – Kết thúc tình trạng khẩn cấp toàn cầu đối với virus COVID-19 có thể đồng nghĩa với việc các nỗ lực hợp tác hoặc tài trợ quốc tế cũng chấm dứt hoặc chuyển trọng tâm, mặc dù nhiều người đã thích nghi với điều này khi đại dịch hạ nhiệt ở các khu vực khác trên thế giới.
Giám đốc Điều hành Chương trình Khẩn cấp của WHO – Michael Ryan cho biết: “Trận chiến vẫn chưa kết thúc. Chúng ta vẫn còn nhiều điểm yếu và những điểm yếu mà chúng ta vẫn có trong hệ thống sẽ bị các loại virus khác phơi bày. Và nó cần phải được khắc phục”.
WHO không tuyên thời điểm bắt đầu hay kết thúc của đại dịch, mặc dù tổ chức này lần đầu tiên sử dụng thuật ngữ COVID-19 vào tháng 3 năm 2020.
Ông Ryan nói: “Trong hầu hết các trường hợp, đại dịch thực sự chỉ kết thúc khi đại dịch tiếp theo bắt đầu.”
Năm ngoái, Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden tuyên bố đại dịch đã qua. Giống như một số quốc gia khác, nền kinh tế lớn nhất thế giới cũng bắt đầu dỡ bỏ tình trạng khẩn cấp trong nước đối với COVID-19. Và cảnh báo đó đã chính thức kết thúc vào ngày 11/5 năm ngoái, nghĩa là họ sẽ ngừng chi trả cho vắc xin cũng như xét nghiệm PCR hàng loạt và chuyển trách nhiệm sang thị trường thương mại.
Liên minh châu Âu cũng cho biết vào tháng 4 năm ngoái rằng giai đoạn khẩn cấp của đại dịch đã kết thúc và các khu vực khác cũng thực hiện các bước tương tự.
Ủy ban Khẩn cấp của WHO lần đầu tuyên bố Covid-19 là tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng gây quan ngại quốc tế vào ngày 30/1/2020. Quyết định này giúp thế giới tập trung các nỗ lực ứng phó mối đe dọa về y tế cũng như thúc đẩy sự hợp tác trong phát triển vaccine và các phương pháp điều trị.
Việc ban bố tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng gây quan ngại quốc tế giúp tạo ra sự đồng thuận giữa các quốc gia trong việc tuân thủ các khuyến nghị của WHO trong quản lý tình trạng khẩn cấp y tế.
Hoàng Dung (t/h)
Nguồn Reuters
Xem Thêm:
Tin Covid-19 ngày 3/5: 1.201 ca mắc mới, 121 bệnh nhân đang thở oxy
Tân Thế Kỷ *Truyền Thống – Nhân Văn – Trung Thực*