Tân Thế Kỷ – Sở Y tế đã yêu cầu Giám đốc Trung tâm Pháp y khẩn trương tập trung kiểm tra, làm rõ những sai phạm của những người có liên quan trong vụ ” chặn xe cứu thương” vừa qua ở Đà Nẵng. Dư luận đang đặt câu hỏi, có hay không việc cán bộ nhân viên trung tâm pháp y làm gây khó khăn với người nhà nạn nhân? Có hay không việc trục lợi trên thân xác người đã mất?
Diễn tiến sự việc như sau:
Vào sáng 7/8, tại đường Võ Nguyên Giáp, TP Đà Nẵng xảy ra vụ tai nạn giao thông khiến nữ du khách 23 tuổi người Hải Dương tử vong tại chỗ.
Khoảng 20 giờ cùng ngày, người nhà du khách này đến Trung tâm Pháp y TP. Đà Nẵng (phường Khuê Mỹ, quận Ngũ Hành Sơn) để nhận bàn giao thi thể.
Ông Trần Hoàng Hà, người nhà nạn nhân, phản ánh lúc này, ông Lê Viết Dũng (y công tại trung tâm) yêu cầu người nhà chuyển 14 triệu đồng vào số tài khoản mang tên ông ta rồi mới được dẫn vào trong (Ông Dũng giải thích đó là chi phí để khám nghiệm, may thẩm mỹ và tiêm thuốc cho tử thi).
Ông Hà phản ánh với báo giới: “Chuyển tiền xong, chúng tôi thuê xe cấp cứu để đưa thi thể về Hải Dương nhưng ông Dũng ngăn lại, yêu cầu phải dùng xe cấp cứu do trung tâm đã gọi từ trước”.
Theo ông Hà, thời điểm trên, ngoài cổng trung tâm đã có một xe cấp cứu chờ sẵn. Đồng thời, hàng chục thanh niên lạ mặt qua lại, tập trung gây sức ép.
Anh Hà, kể lại, khi thấy xe cứu thương do người nhà gọi tới, ông Dũng đã ngăn cản. “Ông ấy nói tới đây thì phải dùng dịch vụ xe tại đây. Mức giá xe dịch vụ là 16 triệu đồng. Xe ngoài cấm không cho vào!”.
Phải đến hơn 0 giờ, khi công an địa phương có mặt, tình hình mới được giải quyết. Xe cấp cứu của người nhà được tiếp cận, đưa thi thể nạn nhân lên xe về quê.
Đến sáng 8/8, ông Hà đã làm đơn trình báo Công an phường Khuê Mỹ, đồng thời làm việc với lãnh đạo Trung tâm Pháp y TP. Đà Nẵng về vấn đề trên.
Lời kể từ lái xe “cứu thương 0 đồng”
Các Phóng viên cũng đã trao đổi với ông Nguyễn Đức Tuấn – trú tỉnh Quảng Ngãi, là tài xế xe cứu thương 0 đồng, người chứng kiến vụ việc và trực tiếp đưa thi thể nạn nhân về quê.
Ông Tuấn kể khoảng 23 giờ ngày 7/8, ông có mặt tại Trung tâm Pháp y TP. Đà Nẵng để hỗ trợ, đưa thi thể nạn nhân về quê miễn phí.
Khoảng 1 giờ sau, một xe cứu thương khác xuất hiện. Thấy xe ông Tuấn đậu sẵn, nhiều thanh niên lạ mặt xuất hiện, gây sức ép.
Ông Tuấn xin vào trong để chở thi thể nhưng bị nhân viên trung tâm chặn lại làm khó, yêu cầu chỉ được chở bằng xe dịch vụ với thái độ rất gay gắt.
Phản hồi từ phía Sở Y Tế TP. Đà Nẵng
Theo thông tin của Sở Y tế Đà Nẵng, đêm 7/8, “sau khi khám nghiệm tử thi, người nhà gia đình nạn nhân đề nghị và thống nhất với ông L.V.D (Lê Viết Dũng – PV), y công của Trung tâm pháp y, thực hiện tái tạo tử thi nguyên vẹn cũng như tiêm thuốc bảo quản tử thi để vận chuyển về quê. Chi phí thực hiện việc này là 14 triệu đồng, được đơn vị vận tải có phương tiện gây tai nạn chi trả và chuyển vào tài khoản của ông L.V.D.
Ngoài ra, ông L.V.D đã liên hệ với dịch vụ vận chuyển thi thể khi được gia đình nạn nhân nhờ hỗ trợ; tuy nhiên, cùng lúc này gia đình cũng đã liên hệ được xe vận chuyển khác nên dẫn đến việc có 02 xe vận chuyển cùng có mặt tại Trung tâm Pháp y.
Để hạn chế những ảnh hưởng có thể xảy ra trong khi gia đình tiến hành khâm liệm, nhập quan, là những nghi thức thiêng liêng đối với người đã mất, ông L.V.D đã đóng cửa ra vào trụ sở, tạm thời không cho xe nào vào; nhưng ông L.V.D đã có thái độ, ứng xử không phù hợp, thiếu chuẩn mực gây bức xúc cho gia đình. Đến khoảng 00 giờ ngày 8/8/2023, xe vận chuyển do gia đình yêu cầu đã đưa thi thể nạn nhân về quê an táng”.
Tuy nhiên, theo clip người nhà nạn nhân ghi lại, thời điểm xảy ra vụ việc, hai bên đã tranh cãi rất lâu trước cổng trung tâm. Ông Dũng lý giải xe dịch vụ đã hợp đồng nên gọi tới, và liên tục giải thích để người nhà nạn nhân sử dụng.
Và theo phản ánh từ người nhà nạn nhân thì phía nhân viên pháp y không hề thông báo với người nhà nạn nhân là bên trong đang tiến hành khâm liệm, nhập quan nên tạm thời không cho vào.
Về vấn đề này, ông Lê Viết Dũng ( y công) phân trần về việc không cho xe vào nhận thi thể vì không biết xe nào của ai. Lúc đó ở bên trong, các thầy đang làm lễ cúng cho nạn nhân nên không xe nào được vào.
Trung tâm không có quyền chỉ định xe cứu thương
Ông Hoàng Viết Thắng – giám định viên Trung tâm Pháp y Đà Nẵng (trưởng ca trực) – xác nhận có xảy ra sự việc xảy ra tại đơn vị. Về khoản tiền 14 triệu đồng mà ông Dũng dã nhận, theo ông Thắng giải thích, đây không phải là phí dịch vụ khám nghiệm tử thi theo như phản ánh của gia đình mà là thỏa thuận “chăm sóc và làm đẹp thi thể”.
Cụ thể, bao gồm chi phí khâu may, tắm rửa, tái tạo thân thể, tiêm thuốc bảo quản. Dịch vụ này là thỏa thuận giữa hai bên, khi có yêu cầu mới hỗ trợ. Tuy nhiên trong quá trình trao đổi làm việc, nhân viên nói không rõ ràng, khiến người nhà hiểu nhầm thành chi phí khám nghiệm tử thi.
Bác sĩ Mai Xuân Ngọc – Giám đốc Trung tâm pháp y Đà Nẵng – cho biết, dịch vụ riêng 14 triệu đồng không có trong nhiệm vụ, công tác được phân công của trung tâm pháp y. Đồng thời, khẳng định Trung tâm không có quyền chỉ định xe cứu thương.
Hiện tại UBND TP Đà Nẵng đã vào cuộc và chỉ đạo điều tra làm rõ. Phía người thân nạn nhân thì vẫn đang còn bức xúc rằng: “Liệu có hay không hành vi trục lợi trên thân xác người đã mất?”.
Hoàng Nam tổng hợp.
Tân Thế Kỷ *Truyền Thống – Nhân Văn – Trung Thực*