Từ xưa đến nay, “tôn sư trọng đạo”, “nhất tự vi sư, bản tự vi sư”,… những đạo lý này đã ăn sâu trong suy nghĩ và hành vi của mỗi người dân Việt. Nghề giáo vẫn luôn là một nghề cao quý, được kính trọng và tôn vinh trong xã hội. Bởi giáo dục là việc trọng đại, hình thành nên nhân cách, trí tuệ của mỗi người và ảnh hưởng tới nhiều thế hệ.
Ngày xưa, Đức Khổng Tử từng nói: “Làm người thì khó”. Vậy nên làm Thầy còn khó hơn, bởi Thầy dạy trò nên Người. Theo đó, Thầy là người truyền dạy luân lý đạo đức, tri thức, và các quan niệm giá trị, là người dạy dỗ các quy phạm hành vi đối nhân xử thế, và là tấm gương sáng về đạo đức. Biết tôn kính thầy thì sẽ biết quý trọng kiến thức được truyền dạy.
Trong xã hội ngày nay, vai trò quan trọng của người Thầy vẫn không thay đổi. Nhưng người thầy lại cần rất nhiều yêu cầu để bắt kịp xu thế hiện đại trong giảng dạy, mặt khác phải có những tiêu chuẩn cốt lõi để hoàn thành tốt vai trò làm “người lái đò” dẫn dắt thành công các thế hệ học trò.
1. Kiến thức sâu rộng
Người thầy khi đứng trên bục giảng cần có kiến thức sâu sắc về chuyên môn mình giảng dạy. Tùy vào chương trình giáo dục, người thầy có thể dạy một hoặc nhiều môn học, nhưng họ phải có khả tự học hỏi, tự nghiên cứu nhiều tài liệu trong nước và nước ngoài, làm phong phú chuyên môn của chính mình.
Mỗi môn học có thể liên quan tới rất nhiều kiến thức bên ngoài, chứ không chỉ có một chút kiến thức từ sách giáo khoa. Do vậy việc người thầy đào sâu nghiên cứu chuyên môn, cũng là cả một quá trình đầu tư công sức và biết bao tâm huyết, mới làm nên những trang giáo án có sức sống, không rập khuôn, không bị cũ so với thời cuộc.
2. Ứng dụng công nghệ
Đối với các phần mềm hỗ trợ giảng dạy, thiết kế giáo án điện tử..vv.. thế giới đã và đang ứng dụng rất mạnh mẽ.
Trải qua dịch Covid trong 2 năm qua, các thầy cô đã thấy được tính quan trọng của việc ứng dụng công nghệ trong giảng dạy và quản lý. Thay đổi một cách dạy truyền thống đã theo lối mòn có thể khó, nhưng khó nhất là thay đổi tư duy. Bởi chỉ có một tư duy đúng là mong muốn giúp đỡ những học trò tiếp thu bài một cách tốt nhất, một tình cảm chân thành từ trái tim, mới thúc đẩy được các thầy cô vượt qua những khó khăn hiện tại học hỏi và vươn lên.
3. Truyền cảm hứng và động lực
“Mỗi ngày tới trường là một ngày vui”, thầy cô – người cha mẹ thứ 2 của con trẻ cần tạo động lực, truyền cảm hứng cho học trò trong học tập và nghiên cứu.
Điều đó đòi hỏi thầy cô cần có tình yêu nghề nghiệp, yêu thương học sinh, có những cách tiếp cận tri thức sáng tạo. Được thầy cô chăm chút, tạo cảm hứng thì học sinh sẽ vượt qua sự nhàm chán trong học tập, dễ dàng tiếp thu kiến thức với nhiều cách khác nhau.
4. Tấm gương sáng về đạo đức, hành vi
Thầy cô giáo phải là người luôn giữ đạo đức, lời ăn tiếng nói chuẩn mực, hành vi có chuẩn tắc để học sinh noi theo. Làm bạn với học sinh để lắng nghe – chia sẻ, nhưng lại không quá xô bồ, mà vẫn giữ được sự tôn nghiêm của nghề. Không ngừng rèn luyện đạo đức, luôn bao dung, nhẫn nại, thương yêu học sinh hết mực để thành công trong công tác dạy học.
Việt Nam là một quốc từ xa xưa đã tôn trọng đạo học, có thể thấy qua nhiều di tích như Quốc tử giám. Nơi đây cũng thờ Đức Khổng Tử, người thầy mở trường tư đầu tiên để dạy con em của dân thường, mở mang đạo học mang lại nhiều thành tựu trong giáo dục. Các học trò của ông nhiều người thành đạt làm quan, làm thầy lại tiếp tục mang sứ mệnh truyền thụ đạo học, đạo làm người qua nhiều thế hệ.
Đối với giáo dục thời xưa, người thầy chính là người truyền thụ các giá trị văn hóa truyền thống, cách đối nhân xử thế cho học trò. Khổng Tử dạy học trò rất chú trọng dạy đạo đức, phân biệt đúng sai, trọng nghĩa, giữ chữ tín, yêu thương muôn người. Ông còn dùng âm nhạc để dạy học và giáo hóa dân chúng. Trong hơn 3.000 học trò, có những người đã trở thành quan lớn, học giả lớn. Ông được tôn vinh là nhà khai sáng Nho giáo, đồng thời là giảng sư và triết gia lỗi lạc bậc nhất khu vực Á Đông. Ông được tôn vinh là ” Vạn thế Sư biểu” tức là người thầy của muôn đời.
Xã hội trường tồn và ổn định khi có môi trường giáo dục tốt và tạo ra những thế hệ con người có tài có đức. Vì vậy vai trò của người thầy luôn rất quan trọng. Trong giai đoạn nào của lịch sử, người thầy cũng luôn là người truyền thụ kiến thức và các giá trị đạo đức, luân lý làm người.
Đứng trước thiện ác, đúng sai, lợi hại, mỗi người chúng ta đều phải tự đưa ra những lựa chọn đúng đắn. Đó là kết quả cuối cùng của sự học, chứ không phải việc thăng tiến, giàu sang đến đâu trong cuộc đời.
Liên Tịnh