Sự sụp đổ của FTX có thể coi là một cái kết đầy chất thơ cho kỷ nguyên tiền dễ. Chính sách tiền dễ đã tạo nên những cơn mơ mộng, và giờ là lúc phải đối mặt với hiện thực.
Những gì bắt đầu vào năm 2008 và tiếp tục trong hầu hết 14 năm qua dường như cuối cùng cũng đi đến hồi kết. Thời đại của tiền và tín dụng rẻ đã qua.
Thật khó để hiểu thấu được ý nghĩa của điều đó. Nó sẽ ảnh hưởng đến tất cả mọi đời sống kinh doanh và tài chính cá nhân. Nó sẽ thay đổi mạnh mẽ các quyết định tài chính và cũng ảnh hưởng đến văn hóa. Nó sẽ dẫn đến sự quay trở lại với đầu tư hợp lý dựa trên giá trị và các công ty thực sự kiếm được lợi nhuận theo cách cũ.
Tôi không chỉ nói về việc sa thải nhân viên tại các Gã khổng lồ công nghệ. Nhưng đó là những điều rất thật. Amazon đang sa thải 10.000 nhân viên trong các cấp quản lý—điều mà mọi người trong các công ty ở Mỹ đều biết là những người vô dụng nhất trong bất kỳ doanh nghiệp nào. Tầng lớp này đã gia tăng vượt quá quy mô hợp lý hoàn toàn do nguồn tài nguyên dường như vô tận và giá trị cổ phiếu tăng không ngừng không dựa trên gì ngoài danh tiếng bị thổi phồng.
Những sự cắt giảm như vậy đang diễn ra ở mọi công ty lớn đã đạt đến quy mô khổng lồ. Twitter chỉ là sự khởi đầu bởi vì ngay sau đó Facebook (xin lỗi, Meta) đã công bố điều tương tự, trong khi nhiều công ty khác sống nhờ vào doanh thu quảng cáo trên internet đang gặp phải tình trạng lợi nhuận bị siết chặt khi nước Mỹ bước vào thời kỳ suy thoái nghiêm trọng (việc chúng ta đã ở trong thời kỳ này sẽ trở nên rõ ràng trong vài tháng tới).
Nó cũng ảnh hưởng đến bất động sản, với thị trường nhà ở vốn đã đóng băng. Và bất động sản thương mại tại các thành phố lớn cũng bị ảnh hưởng tương tự, cụ thể là các văn phòng vẫn chỉ lấp đầy một nửa. Thị trường thiếu người mua, giá sẽ phải giảm so với mức hiện tại, mặc dù chúng có khả năng vẫn bị thổi phồng so với định giá từ năm 2019 do lạm phát dai dẳng chỉ đang dần dịu xuống.
Vấn đề lớn ngày nay liên quan đến tỷ suất sinh lợi ở nơi an toàn nhất để cất và chuyển tiền, cụ thể là nợ của Mỹ. Trong gần một thập kỷ rưỡi nay, lãi suất ngắn hạn luôn ở mức âm. Điều này là không có tiền lệ. Nó tương đương với chính sách tiền tệ lỏng lẻo nhất có thể. Bằng cách khuyến khích vốn theo đuổi bất cứ thứ gì ngoại trừ sự an toàn, và không khuyến khích tiết kiệm dưới mọi hình thức, lĩnh vực tài chính đã nhận được một sự thúc đẩy to lớn. Nhưng điều đó cũng đúng với mọi thứ khác, bao gồm cả tiền điện tử.
Nhìn lại, có vẻ như rõ ràng là cơn sốt đối với rủi ro cao độ, thái độ bất cần đối với tốc độ mở rộng kinh doanh, môi trường thần kỳ đối với công nghệ kỹ thuật số, những tuyên bố rằng xã hội bằng cách nào đó đã xoay sở để biến sự chú ý thành hàng hóa mà không cần cam kết tài nguyên, chưa nói đến chi tiêu ngoài tầm kiểm soát của chính phủ – tất cả những điều này được hỗ trợ bởi các chính sách lãi suất bằng 0 được áp dụng sau vụ sụp đổ thị trường nhà đất gần đây nhất.
Bắt đầu của tiền dễ
Sự đổi mới có lẽ dường như không tốn kém vào thời điểm đó. Ông Ben Bernanke [cựu Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ] đã đưa ra ý tưởng này. Đẩy lãi suất về 0 để củng cố hệ thống tài chính và môi trường kinh tế vĩ mô, trong khi cùng lúc đó ngăn chặn lạm phát thông thường sẽ xuất hiện thông qua một thủ thuật kế toán. Fed sẽ trả lãi suất cao hơn thị trường cho các ngân hàng để giữ tài sản của họ tại Fed, điều này sẽ khóa các ngân hàng lại để ngăn chúng tạo ra áp lực lạm phát. Đối với sự đổi mới vĩ đại này, ông được coi là một thiên tài.
Nhược điểm của điều đó là gì? Trong một thời gian, có vẻ như không có. Tiết kiệm không hoàn toàn sụp đổ vượt quá mức trước đó đơn giản chỉ vì lạm phát đã được kiểm soát. Và dù vậy Kho bạc không phải là nơi gửi tiền để lấy lãi suất cao. Vì vậy, đã có những biến chuyển lớn đối với tiền và vốn trong suốt những năm 2010, thời điểm mà mọi thứ dường như đều có thể xảy ra cả trong lĩnh vực tài chính và chính phủ. Tỷ giá bằng 0, nhà ở có giá cả phải chăng và tín dụng dồi dào cho mọi thứ và mọi người.
Mọi đứa trẻ đều có thể đến bất kỳ trường đại học nào và tích lũy sáu con số nợ khi học lý thuyết xã hội cánh tả, và áp dụng nó ở nơi làm việc nơi các công ty lòe loẹt đang bay cao sẽ tuyển dụng họ với mức lương cao để thể hiện sự thông minh trên Slack (một công cụ trực tuyến quản lí làm việc nhóm) và nếu không thì thúc đẩy triết học thức tỉnh (thức tỉnh: có nhận thức mạnh mẽ về các vấn đề xã hội như bất bình đẳng, môi trường…). Chính trong thời kỳ này, giới học thuật rủng rỉnh tiền bạc và không còn phải lo lắng về khách hàng, vì vậy lĩnh vực này bắt đầu cuộc thanh trừng lớn những người có tư tưởng bảo thủ hoặc bất kỳ ai phản đối bất kỳ khía cạnh nào của thứ tôn giáo mới.
Điều đó cũng xảy ra trong thế giới doanh nghiệp, nơi loại bỏ những mối quan tâm lỗi thời như phục vụ khách hàng và cổ đông, thay vào đó thúc đẩy hoạt động từ thiện và liên kết với công bằng xã hội và khí hậu. Chính môi trường dồi dào vô tận này đã khuyến khích điều này đơn giản bởi vì các khả năng dường như là vô hạn và dường như không phải gánh chịu bất kỳ chi phí hay tổn thất nào.
Chính trong thời kỳ ảo tưởng này, ESG và DEI đã được những người giỏi nhất và thông minh nhất coi là mối quan tâm chính trong đời sống doanh nghiệp, và các chuyên gia tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới đã có mặt để tuyên bố rằng việc cân bằng sổ sách là không quan trọng bằng việc thể hiện đức hạnh. Phương tiện truyền thông đã hỗ trợ cơn sốt trong mỗi bước đi.
Tất cả những điều này đã có thể được thực hiện nhờ kế hoạch của ông Bernanke. Để đánh giá mức độ cấp tiến của nó, chúng ta có thể điều chỉnh tỷ lệ quỹ liên bang theo lạm phát và nhìn lại thời điểm kết thúc Thế chiến II và đánh giá. Lãi suất rất hiếm khi đi vào khu vực âm trừ những năm 1970 do lạm phát cao. Nhưng một khi vấn đề đó đã được khắc phục, lãi suất sẽ thưởng cho những người tiết kiệm và giữ tính logic về kinh tế ở vị trí hàng đầu từ những năm 1980 đến 1990. Thời kỳ này bị lên án là thời kỳ của chủ nghĩa tư bản cao bồi nhưng sự thật là tiết kiệm ở mức cao và đầu tư dựa trên giá trị là rất phổ biến. Sự thịnh vượng của những năm đó có nền tảng vững chắc hơn bất cứ điều gì sau đó.
Sau năm 2008, mọi thứ trở nên khó đoán. Chúng ta ngày càng chìm sâu hơn vào vực thẳm của lãi suất âm. Bản thân Fed đã thổi phồng bảng cân đối kế toán ở mức cao hơn hơn bao giờ hết – thực tế là nhét đầy những tài sản hoạt động kém hiệu quả vào mọi ngăn tủ và đồng thời lấp đầy cả tầng hầm.
Rõ ràng là nó không bền vững, và Fed đã lên kế hoạch cho một cuộc đào tẩu bắt đầu vào năm 2019. Nó đã không kéo dài được do các biện pháp phản ứng với đại dịch, thứ đã kêu gọi Fed làm một điều không tưởng. Nó trở nên điên rồ hơn trước. Lần này đích đến của số tiền mới bơm đã thay đổi. Thay vì cất giữ trong két lạnh, tiền mới tràn ngập đường phố như tiền nóng để tiêu ngay.
Vấn đề xuất hiện
Vấn đề của Bernanke cuối cùng cũng bộc lộ ra, 14 năm sau và theo sau những thiệt hại to lớn đối với cấu trúc kinh tế, thị trường tài chính, tầm nhìn về thời gian và nền văn hóa nói chung. Mọi thứ tồi tệ đều đã được hưởng một khoản trợ cấp tài chính khổng lồ: hệ tư tưởng doanh nghiệp giả tạo, bằng cấp giả, triết học cánh tả thời thượng, và khoa học tồi. Chính sách dường như không tốn kém của ông Bernanke đã tạo ra một thế giới xa rời thực tế.
Sau ngần ấy năm, giờ đây chúng ta thấy cái giá phải trả ở mức lạm phát không thể chấp nhận được. Fed cần chấm dứt nó bằng cách đẩy lãi suất thực lên trên 0. Điều đó sẽ đòi hỏi nhiều hơn những gì cơ quan này đã làm cho đến nay. Và để thực sự sửa chữa thiệt hại sẽ cần nhiều năm thực hiện việc khôi phục bảng cân đối kế toán, việc cải tổ lại lực lượng lao động từ công việc giả tạo sang công việc thực, và việc quay trở lại của lý tính trong thị trường tài chính và văn hóa doanh nghiệp.
Liệu ông Jerome Powell [Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ] có thực hiện được nhiệm vụ của mình không? Rất có khả năng. Ông ấy không muốn di sản của mình là một chủ Ngân hàng Trung ương đã tàn phá giá trị của đồng USD. Ông ấy muốn được nhớ đến như một Paul Volcker [cựu Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ], người đã đưa ra những lựa chọn khó khăn ngay cả khi cả thế giới đang hét vào mặt ông ấy. Phố Wall ngày nay tiếp tục hy vọng về một chút thời gian nghỉ ngơi sau cuộc chiến chống lạm phát nhưng họ đang hy vọng để mà chỉ hy vọng. Ông Powell vẫn còn một chặng đường rất dài để đi [tăng lãi suất để kiềm hãm lạm phát].
Kỷ nguyên tiền eo hẹp
Do đó, kỷ nguyên mới của tiền eo hẹp bắt đầu. Tôi không thể nghĩ ra một kết thúc đầy chất thơ nào hay hơn cho thời đại thừa thãi hơn là sự ô nhục của người đàn ông ngớ ngẩn Sam Bankman-Fried và nhóm vui vẻ gồm những kẻ bán dạo và nghiện ngập, những người đã khiến cả giai cấp thống trị tin rằng họ có một cách thức thần kỳ giúp tạo ra tiền để tài trợ cho tất cả các chương trình mà những người cánh tả cực đoan coi là thần thánh. FTX đã chết một cách nhanh chóng và đáng kinh ngạc, kéo theo những giấc mơ về một nguồn tài trợ vô hạn hoàn toàn thức tỉnh.
Quá trình chuyển đổi từ mơ mộng sang hiện thực sẽ vô cùng đau đớn, không chỉ về tài chính mà cả tâm lý đối với cả một thế hệ từng tưởng tượng rằng họ có thể sống một cuộc sống không bị ràng buộc bởi mọi chuẩn mực và quy tắc của quá khứ. Sự thật là thế giới dựa trên đồng USD đã sống trong 14 năm lừa dối. Sự thật đó sẽ là một viên thuốc khó nuốt, khó tiêu hóa hơn Adderall (một loại thuốc kích thích), khó chơi hơn Liên minh huyền thoại, nhưng lại ảnh hưởng nhiều hơn đến sự thịnh vượng bền vững về lâu dài.
Tác giả Jeffrey A. Tucker – The Epoch Times
Bảng dịch đăng theo NTDVN