spot_img
22 C
Vietnam
Chủ Nhật,8 Tháng Chín
spot_img

6 nhân vật có tâm “đại nhẫn” sánh ngang Hàn Tín trong Tam Quốc Diễn Nghĩa

Khổng Tử viết: “Tiểu bất nhẫn tắc loạn đại mưu” (Tạm dịch: Không nhịn được việc nhỏ nhặt, tất sẽ làm hỏng việc lớn). Đạo gia cũng thường nói, nhẫn nại là bí quyết tránh xa mọi tai họa…

Cuối thời Đông Hán, thiên hạ chia 3: Tào Ngụy, Thục Hán, Đông Ngô, anh hào xuất hiện như sóng sau xô sóng trước. Có rất nhiều anh hùng làm rung chuyển trời đất, văn có Gia Cát Lượng, Tư Mã Ý, Quách Gia, Giả Hủ… võ có Quan Vũ, Trương Phi, Triệu Vân, Điển Vi, Lã Bố…

Những anh hùng được ca ngợi trong thời kỳ lịch sử đặc biệt ấy hầu như đều dựa vào một chữ “nhẫn” để hành xử trên đời và mưu cầu nghiệp lớn.

Vi sao co nhan loai 6

Điển tích “Hàn Tín chịu nhục chui háng”

Hàn Tín (khoảng 231-196 TCN) là một công thần khai quốc thời Tây Hán, là một trong những nhà quân sự kiệt xuất nhất trong lịch sử Trung Quốc, ông đã phò tá Lưu Bang lập dựng cơ nghiệp 400 năm của nhà Hán. Hàn Tín thời niên thiếu gia cảnh bần hàn, nhưng ông thường mang bảo kiếm bên mình.

Trong số những tên đồ tể ở quận Hoài Âm có một gã thanh niên muốn sỉ nhục Hàn Tín, y nói: “Mặc dù dáng vóc nhà ngươi cao lớn, nhưng cũng chỉ là một kẻ hèn nhát.” Ngay trước mặt đám đông y sỉ nhục Hàn Tín và nói: “Nếu ngươi không sợ chết, thì hãy dùng thanh bảo kiếm kia đâm ta; Nếu ngươi không dám đâm, thì hãy chui qua háng ta.” Hàn Tín nhìn chằm chằm vào đối phương hồi lâu, rồi từ từ khom lưng, chui qua háng y. Những người qua đường đều cười chế diễu Hàn Tín, cho rằng Hàn Tín là một kẻ hèn nhát.

han tin
Tranh vẽ Hàn Tín chịu nhục chui háng

Nhưng chính vì có tâm đại nhẫn to lớn như vậy, Hàn Tín đã làm nên chuyện lớn.Khi ông được phong làm Sở Vương, sau khi áo gấm về làng, ông tìm lại tên đồ tể đã nhục mạ ông thời niên thiếu, không những không giết y, mà còn phong y làm trung úy của nước Sở (trưởng công an của đô thành).

Người xưa rất xem trọng chữ nhẫn. Nên không chỉ có Hàn Tín, mà còn nhiệc bậc quân vương, anh hùng hào kiệt cũng lưu lại những câu chuyện tuyệt vời về tâm đại nhẫn.

6 nhân vật có tâm đại nhẫn phi thường sánh ngang Hàn Tín trong Tam Quốc Diễn Nghĩa

1. Tư Mã Ý

Trong thời “Tam quốc”, Tư Mã Ý được mệnh danh là “ông vua nhẫn nhịn”. Tư Mã Ý là trọng thần phò tá bốn đời quân vương nhà Tào Ngụy, thời trẻ sớm đã bị Tào Tháo coi là mầm mống đe dọa cho cơ đồ nhà Nguỵ. Khi về già, ông được Nguỵ đế Tào Duệ trước lúc lâm chung ủy thác, gửi gắm trách nhiệm quan trọng, làm phụ chính đại thần cho hoàng đế mới.

Tu ma y
Tư Mã Ý được mệnh danh là “ông vua nhẫn nhịn”. (Anh trong phim Tam Quốc Chí)

Sự “nhẫn nhịn âm thầm” trong 50 năm của ông là để chứng minh rằng bản thân mình là một trung thần trong mắt các hoàng đế nhà Nguỵ. Cuối cùng tới khi hơn 70 tuổi, Tư Mã Ý đột ngột làm binh biến, nắm lấy toàn bộ quyền lực, tái diễn lại màn kịch soán ngôi của Tào Tháo đối với nhà Hán trước kia. Đọc toàn bộ “Tam Quốc diễn nghĩa” (La Quán Trung), chúng ta thật sự thấy khâm phục Tư Mã Ý.

Ở Tư Mã Ý tập trung tài năng xuất sắc kinh thiên động địa của Gia Cát Lượng, ý chí hùng bá thiên hạ của Tào Tháo, ý chí bất khuất không ngừng không nghỉ của Chu Du, hay dáng vẻ ôn hoà, nhu mì mà mạnh mẽ của Lỗ Túc… Ông là người thật sự có thể sử dụng “thuật nhẫn chịu” để giấu mình chờ thời, không để lộ tài năng, sơ hở cho đối thủ. Đây chính là một trong những nhân vật thành công nhất thời “Tam Quốc”.

2. Tào Tháo

Trong “Tam Quốc diễn nghĩa”, hầu như Tào Tháo để lại cho người đọc ấn tượng là một con người tàn nhẫn và đa nghi. Thực ra để có thể biến Nguỵ quốc trở thành một nước hùng mạnh nhất thời Tam Quốc, ngoài việc có một tài năng chính trị và quân sự mạnh mẽ, Tào Tháo còn là người có tâm đại nhẫn và mến mộ người tài.

tao thao
Tạo hình Tào Tháo trong phim Tam Quốc diễn nghĩa

Trong “Tam Quốc diễn nghĩa” có đoạn Tào Tháo bị Nễ Hành mắng như tát nước vào mặt, cảm tưởng như muốn chết đi sống lại. Thế nhưng Tào Tháo vẫn khoan dung yên lặng với sự suồng sã làm càn của Nễ Hành, thậm chí còn đưa ông ta an toàn tới Kinh Châu với Lưu Biểu.

Khi Viên Thiệu tấn công Tào Tháo, Trần Lâm có giúp Viên Thiệu viết ba bài hịch, mắng chửi tam đại đồng đường tổ tiên nhà Tào Tháo. Thậm chí khi đọc những bài hịch của Trần Lâm, chính Tào Tháo cũng phải vã mồ hôi. Sau này, khi bắt được Trần Lâm, Tào Tháo không những tha chết mà còn để ông ta giữ chức trách quan trọng.

Đây chính là tâm đại nhẫn với khí chất cao quý của Tào Tháo. Vì vậy mà xung quanh ông mới hội tụ nhiều những văn thần võ tướng với tố chất cao giúp ông biến Tào Ngụy trở thành nước lớn mạnh nhất trong Tam Quốc.

3. Tôn Quyền

Trong “Tam Quốc Chí” (Trần Thọ), ông được đánh giá như sau: “Tôn quyền khuất thân nhẫn nhục, nhâm tài thượng kế, hữu câu tiễn chi kì, anh nhân chi kiệt hĩ. Cố năng tự thiện giang biểu, thành đỉnh trì chi nghiệp” (Tạm dịch: Tôn Quyền là người có thể nhận thức được đại cục, có thể chịu nhẫn nhục, biết cách dùng người tài để thực hiện mưu kế của mình, có thể đặc biệt giống như Việt Vương Câu Tiễn, là người xuất sắc tài ba trong những bậc anh hùng. Vì vậy ông mới có thể kiểm soát được Giang Đông, có được thành tựu và thế lực cơ nghiệp vững chắc).

ton quyen
Nhân vật Tôn Quyền trên phim

Tôn Quyền có chí hướng từ thời trẻ, khi mười tám tuổi đã lên nắm quyền lớn ở Giang Đông, thay cho anh trai là Tôn Sách qua đời. Do Tôn Quyền có tài, lại chú ý đoàn kết lực lượng nên nhanh chóng giành được uy vọng, khiến cục thế Đông Ngô ổn định giữa thời hỗn loạn. Tôn Quyền cũng thiết lập liên minh với Lưu Bị, cuối cùng giành chiến thắng trong trận Xích Bích, được ba phần thiên hạ. Sau đó, Tôn Quyền còn lấy lại được Kinh Châu (vốn bị Lưu Bị chiếm cứ), chém Quan Vũ (mãnh tướng, đồng thời là nhị đệ của Lưu Bị).

Chỉ là một thanh niên nho nhã yếu ớt, chỉ dựa vào một vùng Giang Đông có ba phần thiên hạ, chỉ bằng một chữ “Nhẫn”, sau khi giành chiến thắng ở trận Xích Bích, Tôn Quyền đã kiếm được rất nhiều lợi lộc, đường hoàng hùng cứ một phương, khiến thế cục Tam quốc trở thành “thế chân vạc” thực sự.

Năm 220 sau khi Tào Tháo đã chết, Tôn Quyền giành lại được Kinh Châu. Lúc này tình hình thực lực của Tào Ngụy đã giảm, Tôn Quyền vì để bảo toàn đất đai của nước Ngô, để kìm chân Lưu Bị, nên thậm chí đã làm việc mà dân chúng Đông Ngô đều cảm thấy mất mặt: đó là xưng thần với Tào Phi.

Mãi cho tới năm 229, Tôn Quyền mới chính thức lên ngôi, dời đô xây dựng cơ nghiệp. Tôn Quyền cũng là một trong những bậc đế vương tại vị lâu nhất, sống thọ nhất trong thời Tam quốc, đây mới chính là nụ cười thực sự cuối cùng của người đại nhẫn có tầm nhìn xa trông rộng.

4. Lưu Bị

Khi thế cục Tam quốc “chân vạc” chưa phân định rõ ràng, người không có thế lực, cũng không có gia cảnh nhất chính là Lưu Bị, chỉ dựa vào một chiếc mũ rách “là dòng dõi xa của hoàng tộc nhà Hán”. Cùng với Quan Vũ, Trương Phi, Gia Cát Lượng, Lưu Bị từng bước từng bước làm nghiêng ngả đại cục, chiếm lấy một phần ba thiên hạ, không thể không làm người khác kính phục.

sanh ngang han tin day la 6 nhan vat co tam dai nhan noi tieng trong tam quoc dien nghia 47784 3
Nhân vật Lưu Bị trong phim Tam Quốc Chí

Nguyên nhân lớn nhất giúp Lưu Bị có thể thành công là ở tính cách của ông, nằm ở “cơ mưu” của ông. Đặc điểm lớn nhất của Lưu Bị chính là sự chịu đựng âm thầm, là tâm đại nhẫn mà một người thường không nhẫn chịu được của ông. Khi chưa có thực lực giành giật Trung Nguyên, ông chỉ có thể che giấu với hình tượng là một người tốt, trọng dụng nhân tài, trọng tình nghĩa, quý trọng thuộc hạ, được lòng người. Lưu Bị từng sống nhờ sống gửi, chịu nhục chịu khổ đi nương tựa những người như Lưu Yên, Lư Thực, Lã Bố, Tào Tháo, Viên Thiệu, Lưu Biểu…

Khi đi Giang Đông cầu hôn, mặc dù biết rõ đây là âm mưu, là trò lừa gạt, trong tình cảnh gặp phải phục kích ở khắp nơi nhưng ông vẫn không thay đổi sắc mặt, vẫn độ lượng âm thầm nhẫn chịu. Cuối cùng, ông cũng có được người đẹp trong tay, lại giữ được an toàn tính mạng giữa hang hùm, miệng cọp.

5. Hán Hiến Đế

Hán Hiến Đế là người có thể nhẫn chịu một cách bất lực nhất, chua xót nhất trong “Tam Quốc diễn nghĩa”. Để có thể giữ gìn một triều Hán đang sắp suy tàn, ông đã nhẫn chịu 36 năm. Ông nhẫn chịu Hà Tiến, nhẫn chịu Đổng Trác, nhẫn chịu Tào Tháo, mất đi quý phi và nhạc phụ, cũng mất đi hoàng hậu và quốc cữu, cuối cùng vẫn bị Tào Phi bức tử, có thể nói Hán Hiến Đế là người có tâm đại nhẫn chua xót nhất!

viber image 2021 12 21 15 58 46 959
Hán Hiến Đế: Người đại nhẫn chua xót nhất

6. Giả Hủ

Giả Hủ là nhà quân sự chiến lược, là mưu sĩ nổi tiếng của Tào Tháo, cũng là bậc công thần khai quốc của nhà Tào Nguỵ. Đây cũng là mưu sĩ được Tào Tháo tin tưởng nhất. Giả Hủ là người thông minh, giỏi nhận biết tính người, nhìn thấu tâm tư người khác. Giả Hủ “liệu việc như thần” là vì luôn “biết người cũng tự biết mình”.

sanh ngang han tin day la 6 nhan vat co tam dai nhan noi tieng trong tam quoc dien nghia 47784 5
Nhân vật Giả Hủ

Sau khi đầu hàng Tào Tháo, Giả Hủ hiểu rõ thân phận địa vị mình, một người đa mưu nhiều kế luôn là đối tượng để quân chủ lợi dụng và đề phòng. Vả lại Giả Hủ cũng mang tiếng là “phản đồ”, nên có thái độ đối nhân xử thế hết sức dè dặt. Giả Hủ bắt đầu ít nói, ít khi bày mưu kế, không mấy giao du bạn bè, việc hôn nhân của con gái cũng không dám kết thân với danh môn vọng tộc. Giả Hủ khép mình rất chặt, thực sự là thông minh.

Ông là phụ tá cho Tào Tháo, ủng hộ Tào Phi, đứng hàng thứ ba trong tam công, Giả Hủ vì tuổi già sức yếu nên mất khi 77 tuổi, được truy phong là Tiêu hầu. Trong suốt cuộc đời của mình, ông đã chứng tỏ mình là một mưu sĩ giỏi, một người có cơ trí, đoán biết thời thế và là một người con có hiếu.

Dịch Trung Thiên cho rằng Giả Hủ có thể là người thông minh nhất nhà Tào Nguỵ. Nhiều mưu sĩ thời Tam Quốc có kết cục không hay, như những người bên Tào Tháo, có người chết yểu (Quách Gia), có người phản lại (Mao Giới), có người chết thần bí (Tuân Úc), có người chết oan (Hứa Du). Giả Hủ thì an nhàn vô lo, sống đến trọn đời.

Vi sao co nhan loai 6

Người muốn đạt được đại sự cần phải có chí lớn, và tâm “đại nhẫn” chính là một loại sức mạnh lớn nhất, là sự thể hiện của một loại ý chí trong khi mưu cầu cố gắng đạt được mục tiêu, những người thiện nhẫn đều có thể thành được đại sự.

Người có tâm đại nhẫn là vô song, người có tâm đại nhẫn là vô địch không gì sánh được. Con người chúng ta, những người đang nỗ lực vươn lên trong cuộc sống, có lẽ cũng nên học theo các đại nhân vật này trong “Tam quốc diễn nghĩa”, làm một người có “tâm đại nhẫn”.

Nghi Vân (Theo ĐKN, VĐH)

Cảm nhận Shen Yun: Chữ ‘Nhẫn’ của Hàn Tín trong vở diễn “Hàn Tín”

Công lao cái thế, vì sao Trần Hưng Đạo không cướp ngôi vua Trần?

Chuyện chưa kể về Thánh Gióng: Vì sao nước Nam có giặc?

Tân Thế Kỷ Truyền Thống – Nhân Văn – Trung Thực

Xem thêm

- Quảng cáo -spot_img

Xem nhiều