spot_img
20 C
Vietnam
Thứ hai,25 Tháng mười một
spot_img

Nguy cơ khủng hoảng ngân hàng toàn cầu đã hiện rõ

Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) tại London, Vương quốc Anh vào ngày 22/09/2022. (Ảnh: ISABEL INFANTES / AFP qua Getty Images)

Có vẻ như hệ thống tài chính toàn cầu mới được cứu vớt một lần nữa khi Ngân hàng Trung ương Anh tiến hành cứu trợ các quỹ hưu trí. Khi mà ngay cả các quỹ hưu trí cũng phải đối mặt với nguy cơ mất khả năng thanh toán, thì tất cả các tổ chức tài chính khác đều nên phải dè chừng. Chịu tác động mạnh mẽ bởi sự sụt giảm giá trị của trái phiếu chính phủ, các ngân hàng ở châu Âu đang đối mặt với nguy cơ sụp đổ, và điều này có thể sẽ lan ra cả thế giới.

Hệ thống tài chính toàn cầu mới được cứu vớt một lần nữa

Trong tuần trước, chúng ta đã được xác nhận một lần nữa rằng hệ thống tài chính của chúng ta đang nằm trên bờ vực sụp đổ, khi Ngân hàng Trung ương Anh (BOE) buộc phải, trên thực tế, ban hành một gói cứu trợ cho các quỹ hưu trí của Vương quốc Anh.

Vào khoảng trưa ngày 28/09, Ngân hàng Trung ương Anh đã quay (trở lại) thị trường trái phiếu chính phủ và bắt đầu mua trái phiếu chính phủ có kỳ hạn dài hơn để ngăn chặn sự sụp đổ về giá trị của chúng, điều có thể khiến hệ thống tài chính rối loạn. Các quỹ hưu trí đã phải đối mặt với các cuộc gọi ký quỹ lớn, điều có thể đe dọa bắt các quỹ này thực thi các nghĩa vụ tài chính của mình. Sự tin tưởng vào tính thanh khoản và khả năng thanh toán của họ sẽ bị nghi ngờ bởi nhóm ngày càng mở rộng các nhà đầu tư và khách hàng.

BOE đã vào cuộc để hạn chế vòng tròn ác tính của các cuộc gọi ký quỹ mà các quỹ hưu trí phải đối mặt vì giá trị của trái phiếu chính phủ lao dốc.

Nếu không có sự can thiệp của BOE, việc các quỹ hưu trí vỡ nợ hàng loạt, với tài sản trị giá khoảng 3 nghìn tỷ USD – và do đó rất có thể là các tổ chức tài chính khác cũng vậy – có thể đã bắt đầu vào chiều hôm đó. Rõ ràng là nếu một trong những trung tâm tài chính lớn của thế giới, thành phố London, đối mặt với một cuộc khủng hoảng tài chính, thì nó sẽ lan ra phần còn lại của thế giới ngay lập tức.

Có vẻ như hệ thống tài chính toàn cầu đã một lần nữa được kéo ra khỏi bờ vực sụp đổ bởi các Ngân hàng Trung ương. Tuy nhiên, đây chỉ là một cách khắc phục tạm thời.

Sự sụp đổ tiềm tàng của ngành ngân hàng

Nguy cơ khủng hoảng ngân hàng toàn cầu đã hiện rõ
Logo của ngân hàng khổng lồ Deutsche Bank của Đức được nhìn thấy trên một trong những chi nhánh của họ ở Frankfurt am Main, miền Tây nước Đức, vào ngày 04/02/2021, khi ngân hàng này công bố kết quả sơ bộ cho năm tài chính 2020. (Ảnh: ARMANDO BABANI / AFP qua Getty Images)

Rõ ràng là một sự sụp đổ tài chính hoàn toàn đang đe dọa tất cả các nền kinh tế phương Tây, bởi vì nếu các quỹ hưu trí, thường được coi là các nhà đầu tư “nhàm chán” vì hồ sơ đầu tư tránh rủi ro của họ, đối mặt với mối đe dọa mất khả năng thanh toán, thì điều đó có thể xảy ra với bất kỳ tổ chức tài chính nào khác. Tôi cho rằng lĩnh vực ngân hàng sẽ là ngành tiếp theo có nguy cơ.

Ngân hàng là một ngành kinh doanh sự tin tưởng. Nếu sự tin tưởng vào ngân hàng hoặc vào sự hỗ trợ không giới hạn của các cơ quan chức năng dành cho ngân hàng biến mất, thì việc rút tiền hàng loạt tại ngân hàng sẽ bắt đầu.

Một trong những học giả nổi tiếng nhất về khủng hoảng tài chính, ông Gary B. Gorton, đã định nghĩa khủng hoảng tài chính trong cuốn sách “Hiểu sai về các cuộc khủng hoảng tài chính: Tại sao chúng ta không thấy chúng sắp xảy ra” là “một sự kiện mà những người nắm giữ các khoản nợ ngắn hạn do bên trung gian tài chính phát hành rút tiền đồng loạt hoặc từ chối gia hạn các khoản cho vay của họ”.

Theo ngôn ngữ thông thường, ông Gorton nói rằng trong các cuộc khủng hoảng tài chính, một số lượng lớn người nắm giữ các khoản nợ tài chính của ngân hàng, chẳng hạn như tiền gửi, muốn rút tiền mặt. Do đó có cái tên: một cuộc rút tiền hàng loạt tại ngân hàng (a bank run).

Ví dụ, trong Cuộc hoảng loạn năm 1819 ở Mỹ, mọi người đã xếp hàng dài bên ngoài các ngân hàng để đổi những công cụ cải tiến tài chính mới của họ, tiền giấy, sang tiền kim loại. Cuộc hoảng loạn năm 1819 đã đánh dấu cuộc khủng hoảng kinh tế đầu tiên ở Mỹ.

Tuy nhiên, một đợt rút tiền hàng loạt từ ngân hàng có thể không được quan sát thấy, khi các ngân hàng và tổ chức tài chính khác rút tiền hàng loạt dựa trên các khoản nợ của một ngân hàng. Ví dụ, trong cuộc khủng hoảng 2007–2008, đã có một đợt rút tiền hàng loạt trên thị trường repo, thị trường thương phiếu, và tài khoản số dư môi giới chính. Hầu hết mọi người không nhận thấy những giai đoạn đầu tiên của sự hoảng loạn này, bởi vì các công ty tài chính rút tiền hàng loạt dựa trên các khoản nợ và tài sản của các công ty tài chính khác.

Điểm chính ở đây là là, khi các khoản nợ phải trả được rút ra hàng loạt dưới bất kỳ hình thức nào, thì cuối cùng ngân hàng sẽ hết tài sản để cầm cố / bán để thực hiện các yêu cầu rút tiền, và ngân hàng sẽ sụp đổ.

Nhìn về tương lai, rủi ro lớn nhất của một đợt rút tiền hàng loạt từ ngân hàng  một cách có hệ thống rất có thể nằm ở châu Âu.

Các công ty và hộ gia đình ở châu Âu đã và đang tiếp tục bị hủy hoại bởi lạm phát hoành hành, lãi suất tăng nhanh và giá năng lượng tăng vọt. Họ đang bị tấn công từ mọi phía, và điều này rất có thể sẽ khiến nhiều người trong số họ sụp đổ về mặt tài chính.

Các ngân hàng hiện cũng đang bị ảnh hưởng bởi sự sụt giảm nghiêm trọng giá trị của trái phiếu chính phủ mà họ sử dụng làm tài sản thế chấp. Những điều này có thể dễ dàng dẫn đến các khoản lỗ chồng chất đối với các ngân hàng, có thể với tốc độ, kích thước và chiều sâu chưa từng thấy.

Tôi thấy thật khó để tưởng tượng những diễn biến này sẽ không dẫn đến một cuộc khủng hoảng ngân hàng, nếu không có sự can thiệp lớn của các chính phủ và Ngân hàng Trung ương. Và một cuộc khủng hoảng ngân hàng bắt đầu ở Châu Âu sẽ không chỉ dừng lại ở trong khu vực đó. Trong số 30 ngân hàng quan trọng mang tính hệ thống toàn cầu (G-SIB), 10 ngân hàng nằm tại khu vực đồng EUR, và chúng là đối tượng có thể bị ảnh hưởng nhiều nhất. Một cuộc khủng hoảng ngân hàng ở châu Âu sẽ nhanh chóng lan ra toàn cầu.

Làm thế nào để bạn chuẩn bị cho điều đó?

Đối phó với khủng hoảng ngân hàng

Nguy cơ khủng hoảng ngân hàng toàn cầu đã hiện rõ
Một người đàn ông đi bên cạnh chi nhánh của ngân hàng khổng lồ Thụy Sĩ Credit Suisse ở Bern, Thụy Sĩ, vào ngày 15/08/2022. (Ảnh: FABRICE COFFRINI / AFP qua Getty Images)

Một đặc điểm đặc trưng của khủng hoảng ngân hàng là nhiều ngân hàng, có thể là tất cả, sẽ đóng cửa giao dịch với khách hàng và ban hành hạn mức rút tiền. Một đặc điểm khác là sự gián đoạn trong hệ thống tài chính, đáng chú ý nhất là đối với thanh toán thẻ, do hệ thống thanh toán bán lẻ có thể dừng hoạt động đồng loạt.

Khi tôi ở Hy Lạp, vào mùa hè năm 2015 với vợ cũ của tôi, toàn bộ nền kinh tế về cơ bản chuyển sang dựa vào tiền mặt sau 2 ngày cuối tuần. Cuộc khủng hoảng ngân hàng Hy Lạp năm 2015 là do Ngân hàng Trung ương châu Âu gây ra, khi Ngân hàng Trung ương châu Âu, hoàn toàn vô trách nhiệm và có nhiều khả năng bị thúc đẩy bởi động cơ chính trị, đã chặn không cho các ngân hàng Hy Lạp tiếp cận hỗ trợ thanh khoản khẩn cấp.

Các giới hạn rút tiền mặt đã được thiết lập, các máy thẻ tín dụng “biến mất” hoặc “bị hỏng hóc” trong các nhà hàng, cửa hiệu, v.v. và cuối cùng, tiền mặt không còn xuất ra được từ các máy ATM. Các biện pháp kiểm soát vốn được ban hành và khả năng chuyển tiền ra nước ngoài của những người Hy Lạp bình thường trở nên bị cản trở nghiêm trọng. Đương nhiên, hai vợ chồng tôi có đủ tiền mặt, điều thường xảy ra khi một người đi cùng một nhà nghiên cứu khủng hoảng đến một quốc gia bị đe dọa bởi khủng hoảng.

Điểm chính là, trong các cuộc khủng hoảng ngân hàng, bạn sẽ không có toàn quyền truy cập vào các khoản tiền gửi của mình trong ngân hàng. Kết quả là, các khoản thanh toán điện tử như thẻ ngân hàng có thể trở nên vô dụng. Trong trường hợp cực đoan, tiền gửi của bạn có thể được sử dụng để tái cấp vốn cho các ngân hàng ốm yếu trong một quy trình được gọi là “bảo lãnh cứu trợ” (bail-in: cứu trợ các định chế tài chính bằng cách yêu cầu hủy các khoản nợ với các chủ nợ và người gửi tiền).

Những luật như vậy đã được đưa ra sau cuộc khủng hoảng năm 2008 và chúng được áp dụng lần đầu tiên để giải quyết cuộc khủng hoảng ngân hàng ở Síp vào năm 2013.

Về mặt kỹ thuật, mọi số tiền bạn có trong ngân hàng cao hơn ngưỡng bảo hiểm tiền gửi, một giới hạn cũng có thể không bất biến, sẽ có nguy cơ được dùng cho bảo lãnh cứu trợ trong một cuộc khủng hoảng ngân hàng.

Chúng tôi đã cảnh báo vào tháng 03/2017 rằng hệ thống tài chính toàn cầu, vốn sụp đổ trong cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, chưa bao giờ thực sự hồi phục. Chúng tôi đã lưu ý rằng hệ thống tài chính và nền kinh tế toàn cầu chỉ được duy trì bởi sự can thiệp liên tục của Ngân hàng Trung ương và chính phủ cũng như các khoản cung cấp tín dụng gần như không giới hạn. Vào ngày 28/09, chúng ta đã nhận được xác nhận cuối cùng từ BOE rằng đây thực sự là tình trạng hiện nay. 

Chúng ta đang đối mặt với một rắc rối rất nghiêm trọng.

Bài viết chỉ phản ánh quan điểm của tác giả, không nhất thiết phản ánh quan điểm của NTDVN

Tác giả Tuomas Malinen – The Epoch Times

Đăng theo NTDVN

 


Xem thêm

- Quảng cáo -spot_img

Xem nhiều