Ngày nay chúng ta thường nghe nói: “Giàu đổi bạn, sang đổi vợ”, nghe có vẻ rất thuận tai, cũng rất hợp thời, tuy nhiên xét kỹ lại thấy đó là hành động bất nhân, bất nghĩa. Trong Hậu Hán Thư – Tống Hoằng truyện có câu: “Bần tiện chi tri bất khả vong, tao khang chi thê bất hạ đường”. Nghèo hèn thì không thể quên bạn tri kỷ, người vợ từ thủa hàn vi không thể bỏ được. Gửi đến bạn vài câu chuyện sau đây của người xưa hy vọng mỗi chúng ta đều có được thu hoạch cho mình về vấn đề này.
Trực ngôn can gián, nghiêm chính từ chối việc đổi vợ
Tống Hoằng, người ở kinh đô Trường An, là đại thần thời kỳ đầu Đông Hán, nổi tiếng chính trực vì dân, làm quan thanh liêm, dám nói lời ngay thẳng. Một lần, Tống Hoằng đến gặp Quang Vũ Đế, Quang Vũ Đế ngồi ở phía trước một tấm bình phong mới, bên trên vẽ mấy mỹ nữ, Quang Vũ Đế mấy lần quay đầu sang ngắm nghía, Tống Hoằng nghiêm túc nói: “Vị kiến hảo đức như hảo sắc giả.” (Chưa thấy người nào yêu đức như yêu sắc đẹp) Quang Vũ Đế tức thì hạ lệnh cho người bỏ tấm bình phong đi, đồng thời nói với Tống Hoằng: “Nghe thấy hợp lý thì phải làm theo, đúng không?“ Tống Hoằng trả lời: “Bệ hạ đạo đức đề cao, thần vô cùng vui mừng.”
Lúc đó chị gái của Quang Vũ Đế là Hồ Dương công chúa sớm đã góa bụa, Quang Vũ Đế liền mời nàng đàm luận cùng với quần thần trong triều đình, công chúa nói: “Tống đại nhân là người uy nghiêm trọng đức, quần thần không ai sánh bằng.” Sau này Quang Vũ Đế triệu đưa Tống Hoằng đến diện kiến. Quang Vũ Đế liền kêu công chúa ngồi phía sau tấm bình phong, rồi nói với Tống Hoằng: “Ngạn ngữ có câu: ‘Quý dịch giao, phú dịch thê’ (Sang đổi bạn, giàu đổi vợ), phải vậy không?” Tống Hoằng liền đáp: “Thần nghe rằng: ‘Bần tiện chi tri bất khả vong, tao khang chi thê bất hạ đường’” (Nghèo hèn thì không thể quên bạn tri kỷ, người vợ từ thủa hàn vi không thể bỏ được.) Hoàng đế Quang Vũ quay sang phía công chúa nói: “Việc bất thành rồi.”
(Trích từ “Hậu Hán Thư, Tống Hoằng truyện”)
Có công danh không phụ nghĩa Tào Khang
Yến Anh là một nhà tư tưởng, nhà ngoại giao nổi tiếng của nước Tề, được vua Tề Cảnh Công rất coi trọng.
Một lần, Vua Tề Cảnh Công đến nhà Yến Anh làm khách. Lúc hai người đang uống rượu, Cảnh Công nhìn thấy vợ của Yến Anh đi qua, liền hỏi: “Đó là thê tử của khanh à?”.
Yến Anh trả lời: “Đúng vậy”.
Cảnh Công cười và nói: “Cô ta vừa già lại vừa xấu. Ta có một đứa con gái, tuổi còn trẻ lại xinh đẹp. Ta nghĩ chi bằng gả cho khanh”.
Yến Anh nghe xong, lập tức đứng dậy, cung kính trả lời: “Hiện giờ, vợ của thần vừa già vừa xấu, nhưng xưa kia khi nàng còn trẻ đẹp đã cùng thần chung sống lâu dài. Hơn nữa, làm vợ vốn dĩ là trao thân gửi phận cả đời, từ lúc trẻ trung xinh đẹp cho đến lúc già nua xấu xí. Vợ thần khi còn trẻ đã phó thác cuộc đời cho thần, thần đã tiếp nhận lòng tin cậy ấy. Quân Vương tuy rằng hiện giờ muốn ban thưởng, nhưng làm sao thần có thể phụ bạc lòng tin của thê tử được?”
Yến Anh bái mấy bái xin tạ ơn và từ chối Tề Cảnh Công. Tề Cảnh Công thấy Yến Anh dứt khoát, coi trọng tình nghĩa vợ chồng như vậy nên từ đó trở đi cũng không nhắc lại thêm lần nào nữa.
Có một lần, Điền Vô Vũ, vị tông chủ thứ năm của họ Điền gặp Yến Anh ở nhà một mình và gặp một người phụ nữ trong nhà bước ra, quần áo giản tiện, mái tóc đã bạc. Điền Vô Vũ chế giễu Yến Anh, nói: “Người đàn bà đó là ai vậy?”
Yến Anh trả lời: “Là thê tử của ta”.
Điền Vô Vũ nói: “Ngài là quan lớn trong triều, thực ấp điền thuế thu vào bảy mươi vạn, tại sao lại nhận bà lão này làm vợ?”.
Yến Anh trả lời: “Ta nghe nói, bỏ rơi một người vợ già là loạn đạo, thú vui lấy thêm thê thiếp trẻ tuổi là dâm đãng. Thấy sắc đẹp mà bội nghĩa, thấy phú quý vứt bỏ luân thường thì đó là nghịch đạo. Yến Anh ta làm sao có thể có hành vi dâm loạn, coi thường luân lý, đi ngược lại với lời dạy của cổ nhân như thế được?”.
Ruồng bỏ vợ, phá hủy tiền đồ và vong mạng
Khoa danh khuyết giới lục có viết về Bùi Chương, người Hà Đông, cha ở Kinh Châu làm chủ soái, có một vị tăng gọi là Đàm Chiếu tiên đoán sau này Bùi Chương sẽ có địa vị và danh vọng to lớn, thậm chí còn vượt qua cả cha hắn.
Khi Bùi Chương còn nhỏ, đã lấy Lý thị làm vợ, sau khi đi nơi khác nhậm chức, liền đem người vợ cực khổ cùng mình bao năm vứt bỏ, còn bản thân ung dung tìm tân hoan. Lý thị thấy bản thân bạc mệnh, mỗi ngày áo vải cơm rau đạm bạc, không ngừng niệm Phật đọc kinh.
Mười năm sau, Bùi Chương vô tình gặp lại vị thần tăng năm nào đã từng xem cho hắn, thấy hắn liền kinh ngạc không thôi: “Ta mười năm trước đã từng xem cho ngài, thấy rằng ngài sau này sẽ công thành danh toại, ngày sau tất phú quý, ngày hôm nay gặp lại, tất cả đều đã biến mất, này là cớ vì sao?”. Bùi Chương không giấu giếm, kể hết mọi chuyện cho thần tăng nghe. Sau khi nghe hết mọi chuyện, Đàm Chiếu nói: “Phu nhân đã qua đời, linh hồn người đã lên trên trời. Mà ngài, không lâu nữa, e rằng sẽ có đại họa giáng xuống”.
Không đến mười ngày sau, Bùi Chương bị thuộc hạ của mình ra tay giết hại, nội tạng đều bị lấy hết, không ai biết lý do đằng sau của chuyện này là gì.
Cổ ngữ nói: “Tu nghìn năm mới nên duyên vợ chồng”. Duyên phận phu thê là lời ước hẹn thiêng liêng cùng Trời Đất, nhưng thời nay nhiều người đã coi chuyện ngoại tình, “bồ nhí”, “tình một đêm” trở nên quá bình thường. Tuy nhiên, hôn nhân là được Thần an bài, cũng là lời hứa của con người với Thần linh. Nhân quả như bóng với hình, cho nên hy vọng rằng mỗi người đều có thể coi trọng đạo nghĩa, giữ vững bản thân trước cám dỗ, giữ cho hôn nhân luôn bền chặt.
Chân Tâm (t/h)
Tham khảo DKN, Minh Huệ Net
Xem thêm: