spot_img
18 C
Vietnam
Thứ hai,25 Tháng mười một
spot_img

Chính phủ Mỹ có thể vỡ nợ vào ngày 1/6 nếu Quốc hội không tăng trần nợ công

Tân Thế Kỷ – Sau khi Bộ Tài chính Hoa Kỳ cảnh báo chính phủ có thể sẽ cạn ngân sách vào đầu tháng Sáu nếu không tăng trần nợ, Tổng thống Hoa Kỳ Biden đã ra thông báo triệu tập bốn quan chức hàng đầu Quốc hội tới Nhà Trắng vào tuần tới để thảo luận vấn đề này.

Chính phủ Mỹ có thể vỡ nợ vào ngày 1/6 nếu Quốc hội không tăng trần nợ công
Tòa nhà Quốc hội Mỹ tại Washington, DC. Ảnh: AFP

Trong một bức thư gửi Quốc hội Hoa Kỳ, Bộ trưởng Bộ Tài chính Janet Yellen cho biết cơ quan này dự tính sẽ khó có thể đáp ứng tài chính cho chính phủ vào đầu tháng 6 tới nếu Quốc hội không nâng hoặc đình chỉ giới hạn nợ trước thời điểm này.

Dự báo trên khiến chính phủ Hoa Kỳ phải đối mặt với nguy cơ vỡ nợ chưa từng có, và điều này chắc chắn sẽ làm rung chuyển nền kinh tế toàn cầu. Đồng thời làm tăng thêm tính cấp bách cho các tính toán chính trị ở Washington, nơi Đảng Dân chủ và Đảng Cộng hòa đang gấp rút chuẩn bị cho một cuộc đối đầu kéo dài nhiều tháng.

Tuần trước, Hạ viện Mỹ do phe Cộng hòa nắm đa số đã thông qua đề xuất tăng giới hạn nợ quốc gia, nhưng đi kèm với biện pháp cắt giảm mạnh chi tiêu chính phủ, song Tổng thống Joe Biden và phe Dân chủ đã phản đối biện pháp này.

Reuters đưa tin – Tổng thống Biden đã gọi điện cho Chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy (người đang có chuyến công du ngoại giao ở Jerusalem), để mời ông tham dự cuộc họp tại Nhà Trắng vào ngày 9 tháng 5. Hai nhà lãnh đạo đã không ngồi lại để thảo luận về vấn đề này kể từ tháng Hai.

Biden cũng gửi lời mời tới lãnh đạo Đảng Dân chủ Hạ viện Hakeem Jeffries, Lãnh đạo Đa số Thượng viện Chuck Schumer và lãnh đạo Đảng Cộng hòa Mitch McConnell – người đã phải ngồi ngoài cuộc vào tháng 3 trong nhiều tuần. Ông McConnell cho biết ông và Biden đã có một “cuộc trò chuyện vui vẻ” trong ngày 2/5 và nói rằng họ sẽ có nhiều cuộc nói chuyện hơn trong tương lai.

BN 1 jpeg

Các nhà lập pháp của Hạ viện Mỹ đã thông qua đạo luật về tăng trần nợ vào tuần trước, bao gồm việc tăng giới hạn nợ trong khoảng 1 năm, đồng thời giới hạn chi tiêu của chính phủ, củng cố các yêu cầu công việc để được liên bang hỗ trợ và bãi bỏ một số thành tựu lập pháp đặc trưng của Tổng thống Biden.

Ông Biden kiên quyết nói rằng ông sẽ không đàm phán về việc tăng trần nợ, nhưng sẽ thảo luận về việc cắt giảm ngân sách sau khi giới hạn mới được thông qua. Quốc hội thường kết hợp việc tăng trần nợ với các biện pháp chi tiêu và ngân sách khác.

Một quan chức Nhà Trắng cho biết, vào ngày 9/5 tới ông Biden sẽ nhấn mạnh việc Quốc hội phải hành động để tránh vỡ nợ vô điều kiện.

Lãnh đạo đa số Thượng viện Chuck Schumer thuộc đảng Dân chủ hôm thứ Hai đã bắt đầu “dọn đường” cho một cuộc bỏ phiếu dự luật đình chỉ trần nợ công 31.400 tỷ USD trong hai năm mà không cần điều kiện, ví dụ như cắt giảm chi tiêu.

Các đảng viên Cộng hòa tại Thượng viện và Hạ viện đã nhiều lần nói rằng họ sẽ không bỏ phiếu cho một biện pháp như vậy. Thay vào đó, họ ủng hộ một dự luật được Hạ viện do đảng Cộng hòa kiểm soát thông qua vào tuần trước.

Đề xuất chấp nhận nâng giới hạn nợ công thêm 1.500 tỷ USD hoặc cho đến ngày 31/3 năm sau, tùy theo điều kiện nào đến trước. Đổi lại là khoản cắt giảm chi tiêu trị giá 4.500 tỷ USD trong 10 năm.

Chính phủ Mỹ có thể vỡ nợ vào ngày 1/6 nếu Quốc hội không tăng trần nợ công
Bộ trưởng Bộ tài chính Mỹ Janet Yellen. Ảnh: Federalreserve/Public domain

Hồi tháng 1 vừa qua, Hoa Kỳ đã chạm mức giới hạn vay nợ 31.400 tỷ USD vào ngày 19. Bộ trưởng Janet Yellen trước đó đã nói với Quốc hội rằng Bộ Tài chính sẽ tiếp tục thanh toán nợ, trợ cấp liên bang và thực hiện các khoản chi tiêu khác bằng cách sử dụng các biện pháp quản lý tiền mặt đặc biệt.

Tuy nhiên, vào hôm 1/5 Bà Yellen cho biết các biện pháp đó, bao gồm đình chỉ đầu tư cho một số tài khoản chính phủ, hiện dự kiến ​​sẽ hết hiệu lực vào đầu tháng 6 tới. Bà cũng cho biết kho bạc sẽ dừng việc phát hành trái phiếu cho chính quyền tiểu bang và địa phương.

Vì vậy, nếu mức trần nợ không được nâng lên hoặc bị đình chỉ, chính phủ có nguy cơ không thực hiện được các khoản thanh toán và làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến nền kinh tế.

Vào năm 2011, một cuộc chiến trần nợ tương tự đã đưa Hoa Kỳ đến bờ vực vỡ nợ và khiến xếp hạng tín dụng hàng đầu của đất nước bị hạ bậc. Và lần này, các cuộc đàm phán có thể còn khó khăn hơn.

Hoàng Dung (t/h)

Xem Thêm:

Fed tăng lãi suất lần thứ 10 nhưng để ngỏ khả năng tạm dừng tăng lãi suất vào tháng 6

PNC, JPMorgan đặt giá thầu cuối cùng cho Ngân hàng First Republic

Tân Thế Kỷ *Truyền Thống – Nhân Văn – Trung Thực*

Xem thêm

- Quảng cáo -spot_img

Xem nhiều