spot_img
20 C
Vietnam
Thứ hai,25 Tháng mười một
spot_img

Chữ Hiếu qua câu chuyện xưa và bài học cho hôm nay

 

qa2vnm 20181005 than tien giup nguoi con hieu thao chua benh cho me de lai loi tien doan phi thuong 1150 1
Trăm điều thiện chữ Hiếu đứng đầu – Ảnh minh hoạ: baophunu

Tân Thế Kỷ – Người xưa dạy: Bách Thiện, Hiếu vi tiên, nghĩa là trăm cái thiện Hiếu đứng đầu. Hiếu thuận là căn bản của đạo làm người. Để trở thành người quân tử, thành bậc nhân đức, thì bước đi đầu tiên là phải làm tròn chữ Hiếu. Cùng nhìn lại một số câu chuyện về chữ Hiếu của người xưa trong lịch sử để học hỏi cho ngày hôm nay.

Người con hiếu thảo cứu mẹ và cả làng thoát khỏi nạn binh đao

Vào thời nhà Thanh, tại Huyện Ân thuộc tỉnh Sơn Đông có một người con hiếu thảo họ Ngô. Ông từ nhỏ đã mất cha, hơn nữa bản thân lại câm điếc. Gia cảnh bần hàn, nên ông phải gánh nước thuê cho một gia đình trong thành cách nhà mấy dặm. Tiền công kiếm được ông đều đưa hết cho mẹ, không dám hoang phí một đồng. Mọi người trong thôn đều kính trọng phẩm hạnh của ông, gọi ông là Ngô hiếu tử. 

Ngô hiếu tử dù câm điếc, nhưng ông lại rất thông minh, có thể hiểu được ý mẹ từ cử chỉ tay và biểu cảm trên khuôn mặt. Bởi vậy người mẹ thường dùng cách này để giao tiếp với con trai. 

Ngô hiếu tử hàng ngày đều ú ớ xin mẫu thân cho biết bà muốn ăn gì, sau đó vào trong thành mua về. Nếu 4 ngón tay xếp thành một vòng tròn, thì là một chiếc bánh lớn. Nếu ngón tay cùng nhau che lấy cổ tay thì là màn thầu. Ngón tay chếch hình chữ bát thì là bánh sủi cảo, lòng bàn tay đưa thẳng ra thì là cá, rủ xuống như xách đồ thì là thịt…

Mẫu thân ông tuổi cao, lại lắm bệnh, ăn uống đã ít lại chậm khiến ông càng thêm yêu thương mẹ. Khi nói chuyện với người quen, ông thường dùng cử chỉ tay để nói với họ rằng mẹ ông ăn rất ít, ông nhíu mày trông rất khổ sở.

Có những lúc mẹ ăn được nhiều và ngon miệng, ông vui sướng ú ớ với mẹ như đang hát. Ông giang tay nhảy múa, mô phỏng động tác của diễn viên trên sân khấu để mẹ vui. Khi gặp người quen ông ú ớ muốn nói cho mọi người biết rằng mẹ ông ăn rất nhiều, với khuôn mặt đầy hân hoan. 

ntdvn tran thieu mai 24 hieu tang sam
Ngô Hiếu Từ không ngại vất vả chỉ mong mẹ được vui – Ảnh minh hoạ: Internet

Người con hiếu thảo họ Ngô đã 50 tuổi, nhưng trước giờ chưa bao giờ bất kính với mẹ. Mỗi khi trời lạnh, ông dùng cơ thể làm ấm chăn cho mẹ, sau đó khom lưng nằm ở chân giường chờ mẹ ngủ say mới lặng lẽ vào chiếc giường bằng cỏ của mình ngủ.

Hàng năm đến mùa hè, trước cửa nhà ông treo chiếc chiếu sậy làm rèm. Ông để mẫu thân ngủ trên chiếc sạp trúc, còn mình thì cởi trần ngủ ở trước cửa nhà để muỗi đốt mình, tránh chúng đốt mẫu thân. 

Điều kỳ lạ là nhà người con hiếu thảo này ở gần cánh đồng hoang, theo lẽ thường mùa hè muỗi rất nhiều, nhưng nhà ông lại không có con muỗi nào. Mọi người trong vùng đều cho rằng tấm lòng hiếu thuận của ông đã cảm động tới Thần linh nên mới xảy ra kỳ tích này.

Vì gia cảnh nghèo khó, không ai chịu gả con gái cho Ngô hiếu tử. Bản thân ông thấy mình khiếm khuyết, lại có mẹ già nên tuyệt nhiên cũng không nghĩ đến chuyện lấy vợ. Mẹ ông thường nói với mọi người rằng: “Thà tôi có một cậu con trai câm hiếu thuận, còn hơn có một cô con dâu lưỡi dài ngỗ nghịch”. 

Một hôm, Ngô hiếu tử đang gánh nước thì gặp công tử nhà họ Mai của huyện  n với quần áo đẹp đẽ quý phái đi tới. Không may nước bắn vào quần áo của công tử. Công tử lớn tiếng nạt nộ, hạ nhục ông. Ông lại ú ớ như muốn xin lỗi, không phản kháng những lời nhục mạ.

Lúc này có người chạy đến, vòng tay xin công tử thứ lỗi nói rằng: “Công tử đừng nổi giận, đây là vị Ngô hiếu tử nổi tiếng”. Mai công tử bèn hỏi chuyện về Ngô hiếu tử. 

Sau khi nghe câu chuyện Mai công tử cảm thấy kính trọng Ngô hiếu tử, từ phẫn nộ cậu trở nên vui vẻ. Cậu còn mượn 5 xâu tiền nơi Ngô hiếu tử làm việc để tặng cho ông. Ông kiên quyết từ chối không nhận. Quản gia thấy vậy giơ ngón tay vô danh vốn là ngón tay đại diện cho mẹ lên. Ngô hiếu tử thấy vậy, hiểu rằng Mai công tử thương ông có mẹ già, nên đã tặng ông. Ông quỳ xuống đất bái tạ, ú ớ chỉ lên trời dưới đất, vô cùng cảm kích.

Mẫu thân nhìn thấy con mang về nhiều tiền, kinh ngạc hỏi chúng từ đâu đến. Hiếu tử ú ớ dùng ngón tay vẽ vẽ, nhưng không rõ chữ. Mẫu thân e rằng ông vì nghèo khó mà lầm lạc đi trộm cắp, bèn dò hỏi khắp nơi, nhưng không ai biết số tiền ấy ở đâu ra. 

Mẫu thân nổi giận trách mắng, ông quỳ xuống, bà nói: “Thà ta có một cậu con trai gánh nước tàn tật, chứ ta cũng không muốn có một đứa con sinh tà tâm đi trộm cắp!”. Bà chống gậy đích thân đến gia đình nơi ông làm việc, hỏi người nhà ấy, mới biết rằng số tiền này được Mai công tử tặng. Lúc này bà vừa đi vừa niệm Phật quay về.

Mặc dù cả đi lẫn về chỉ có hơn 5 dặm đường, nhưng vì tuổi cao sức yếu, đi lại khó khăn, nên rất lâu sau thân mẫu Ngô hiếu tử mới về đến nhà. Tới nơi bà vẫn thấy đứa con mình quỳ đấy, không nhúc nhích. Bà mỉm cười, an ủi con trai, ông lau khô nước mắt, vừa cười vừa nhảy múa như một đứa trẻ. Tình cảnh lúc đó thực khiến mọi người xung quanh kính phục, ai nấy đều mừng thay cho ông.

Huyện lệnh huyện Ân biết chuyện, tặng Ngô hiếu tử một bức hoành phi ca ngợi sự hiếu thuận của ông. Nhưng ông cho rằng mình chưa đủ tốt, nên khóc lóc không nhận. Người trong thôn kính phục ông, do vậy đã treo tấm hoành phi trên cổng con đê của thôn trang, coi như niềm vinh dự của mọi người trong thôn.

Sau này loạn quân Niệp tạo phản chạy tới vùng, suýt chút nữa trong vùng có nạn binh đao. Tuy nhiên khi loạn quân nhìn thấy tấm hoành phi của hiếu tử, lập tức chắp tay nói: “Đây là quê hương của hiếu tử, không được kinh động đến ông ấy”. Sau đó họ muốn được nhìn phong thái của hiếu tử, bèn tới dưới thành nói rằng: “Nếu chịu để Ngô hiếu tử lên thành, để chúng ta nhìn một lần, chúng ta sẽ lập tức rút quân”.

Bấy giờ Ngô hiếu tử không hiểu việc lắm, chỉ biết trong vùng có nạn, nên luôn quanh quẩn bên thân mẫu để bảo vệ mẹ, hai tay vung vẩy không muốn rời đi. Quân Niệp được biết hiếu tử không muốn gặp họ, chẳng bao lâu sau cũng tự động rời đi. Mọi người trong thành nhờ ân đức của hiếu tử mà thoát khỏi nạn binh đao. 

Hiếu kính cha mẹ, Thần Linh bảo hộ và kính nể

Nữ hiếu kinh viết: “Con gái phụng sự cha mẹ chồng, kính như cha ruột, yêu như mẹ ruột. Tuân thủ được là nghĩa, chấp hành được là lễ. Gà vừa gáy sáng, chuẩn bị đồ rửa mặt súc miệng. Đông ấm hạ mát, sớm thăm tối viếng, kính với người nhà, nghĩa với người ngoài, giữ lễ giữ tín mà thực hành được”. 

het long hieu thuacca3n voi mecca3 chong co con dau khien troi cao cam dong thumb
Hiếu thuận với cha mẹ Thần linh kính nể bảo hộ – Ảnh minh hoạ: Internet

Húc Thăng, anh họ của Kỷ Hiểu Lam kể rằng: Có một người phụ nữ ăn xin nọ, cô ấy rất hiếu thảo với mẹ chồng. Có lần cô ấy đói đến nỗi ngã bên lề đường nhưng vẫn cố giữ bát thức ăn vừa xin được để không bị rơi vãi. Cô lẩm bẩm: “Mẹ chồng chưa được ăn!”

Một vài người tới giúp cô ấy và hỏi chuyện ra sao. Người phụ nữ ăn xin nói rằng trước khi đi ăn xin cùng mẹ chồng, cô chỉ làm những việc phụ sau lưng mẹ, lắng nghe lời mẹ chồng sai bảo. Một đêm, họ cùng nhau ngủ qua đêm dưới mái hiên của một ngôi miếu cổ. Giữa đêm, họ nghe tiếng giận dữ của ai đó trên mái: “Các ngươi thật đốn mạt! Sao không tránh người phụ nữ hiếu thảo kia? Các ngươi khiến cô ấy bị âm khí làm cho nóng lạnh từng hồi, đầu óc nhức nhối quay cuồng!” Sau đó cô nghe thấy một giọng khác phân trần: “Tại lúc đó con phải làm việc khẩn cấp quá nên không rõ ai đã ở đó.” Sau đó cô lại nghe giọng nói đầu tiên trở nên nghiêm trọng hơn: “Thật ngu ngốc! Phàm là bề tôi trung thành và con cái có hiếu, trên đầu đều có hào quang mấy thước tỏa sáng. Các ngươi bị mù hay sao mà không thấy?” Sau đó cô nghe một loạt tiếng roi quất và la hét. Phải một lúc lâu sau âm thanh mới lắng xuống.

Ngày hôm sau, khi người phụ nữ và mẹ chồng vào làng thì nghe nói có một người phụ nữ thôn quê bị gió xoáy tấn công khi đang mang đồ ăn tới đồng ruộng. Đầu cô ấy vẫn còn đau nhức. Khi nhắc tới người phụ nữ đó, ai cũng ca ngợi đạo đức và lòng hiếu thảo của cô. Người phụ nữ ăn xin này cảm thấy rất xúc động vì điều này. Kể từ đó, cô chăm sóc mẹ chồng với tất cả tấm lòng thành. Như Lâm Tắc Từ từng nói: “Bất hiếu cha mẹ, thờ Thần vô ích” nghĩa là: Nếu không hiếu thuận với cha mẹ, thì dẫu thờ phụng Thần linh như thế nào đi nữa cũng không có tác dụng. 

Lòng hiếu thảo được hồi báo

Có câu ngạn ngữ rằng “Cao bất thành, đê bất tựu”, ý nói là việc lớn nhỏ đều làm không xong. Có người việc lớn làm không nổi, việc nhỏ lại không muốn làm, cuối cùng lại chẳng làm nên trò trống gì. Cũng có người không thích câu nệ tiểu tiết, cho rằng những việc nhỏ vốn dĩ không ảnh hưởng đến đại cục chung nên sẽ lơ đãng không tự ước thúc bản thân. Kỳ thực qua những việc nhỏ, chúng ta mới thấy được bản tính chân thật của một người, vì những việc nhỏ luôn yêu cầu sự kiên trì và bền bỉ, phải kiên nhẫn trong thời gian dài mới có thể làm được.

qa2vnm 20181005 than tien giup nguoi con hieu thao chua benh cho me de lai loi tien doan phi thuong 1150 1 1
Lòng hiếu thảo sẻ được hồi báo – Ảnh minh hoạ: Internet

Trong “Thế thuyết tân ngữ” có một câu chuyện về sự kiên trì, hiếu lễ như sau: Trần Di người quận Ngô, là người vô cùng hiếu thuận với cha mẹ. Mẹ anh thích ăn cơm cháy. Trần Di vốn dĩ giữ chức “Chủ bạ” trong quận, là người chuyên giải quyết sổ sách văn thư. Mỗi ngày, khi đến quận sở làm việc Trần Di đều mang theo một cái túi nhỏ, mỗi khi nấu cơm anh đều dành ra một ít cơm cháy, khi về nhà thì lấy ra cho mẹ ăn. Sau này khi giặc Tôn Ân tiến vào chiếm cứ quận Ngô, quan nội sử trong triều là Viên Sơn Tùng lập tức xuất binh chinh phạt. Lúc đó Trần Di đã dồn được vài đấu cơm cháy, vì tình hình có biến nên không kịp đem cơm về nhà cho mẹ, bèn chỉ biết mang cơm cháy cùng ra chiến trận. Hai bên khai chiến, Viên Sơn Tùng bại trận, quân đội tán loạn, phải chạy trốn đến núi sâu đầm lầy, không có thức ăn, rất nhiều binh lính đã chết đói, chỉ duy nhất một mình Trần Di nhờ ăn cơm cháy mà sống sót. Lúc đó mọi người biết chuyện đều cho rằng điều này là hồi báo cho lòng hiếu thảo thuần hậu của Trần Di đối với mẹ mình.

Người Trung Quốc có câu rằng: “Cha mẹ nằm giường bệnh lâu ngày thì khó có đứa con nào còn hiếu thảo nữa”. Hiếu thuận với cha mẹ xem ra thì vô cùng đơn giản, nhưng cần làm được kiên trì, bền bỉ mới là có hiếu thực sự. Xem qua thì cách hành xử của Trần Di trong câu chuyện trên chỉ là một việc nhỏ: thu lượm cơm cháy cho mẹ sau mỗi ngày nấu cơm, nhưng có thể kiên trì thực hiện một cách không gián đoạn thì thực sự rất khó. Điều này cũng giống như đạo lý “tích tiểu thành đại”, “nước chảy đá mòn”!

Trên đây chỉ dẫn ra một vài câu chuyện về chữ Hiếu nhưng có lẽ cũng đáng để chúng ta học tập và suy ngẫm về đạo làm con. Ngày nay, đạo đức trượt dốc, giá trị của chữ Hiếu không còn ở vị trí ban đầu. Mối quan hệ hài hoà giữa người với người đã bị phá huỷ. Con người quay sang chống lại lẫn nhau và tranh đấu vì lợi ích cá nhân. Dù vậy, quy luật ở hiền gặp lành, ở ác gặp dữ vốn là tiêu chuẩn vẫn quyết định mọi thứ. Mỗi người nếu biết hiếu thuận chắc chắn sẽ được hồi báo bằng phúc phận.

Chân Tâm t/h

Banner Visaoconhanloai Footer 5 1920x466 5

Xem thêm:

Tân Thế Kỷ *Truyền Thống – Nhân Văn – Trung Thực*

Xem thêm

- Quảng cáo -spot_img

Xem nhiều