spot_img
20 C
Vietnam
Thứ sáu,22 Tháng mười một
spot_img

Bức tranh cho doanh nghiệp Việt vẫn tối màu

Tân Thế Kỷ (TTK) – Khó khăn đang bủa vây doanh nghiệp. Nếu không sớm tìm giải pháp gỡ khó, thì sẽ ảnh hưởng đến không chỉ tới “sức khỏe” của doanh nghiệp, mà của cả nền kinh tế, cả trong ngắn lẫn dài hạn.

nganh%20cong%20nghiep%20may%20mac3
Trong 4 tháng qua, có 77.000 doanh nghiệp rời khỏi thị trường (Ảnh minh họa/ttk)

Tại phiên họp tuần trước của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, ông Nguyễn Chí Dũng – Bộ trưởng Bộ Kế hoạch & Đầu tư cho hay, các doanh nghiệp Việt Nam đang đứng trước tình cảnh cực kỳ khó khăn. Trong đó đã có hơn 77.000 doanh nghiệp rời thị trường trong bốn tháng qua; một số phải “bán mình” để tránh vỡ nợ, hoặc co hẹp sản xuất, giảm nhân sự để cầm cự; nhiều doanh nghiệp lớn phải bán rẻ tài sản, những gì bán được đã bán với giá bằng nửa giá trị thực. “Việc này đáng lo ngại, nhất là với doanh nghiệp cần giữ, hỗ trợ khi người mua là nước ngoài”, ông nói.

Ông Trần Quang Phương, Phó chủ tịch Quốc hội cho biết, tại các cuộc tiếp xúc cử tri, nhiều doanh nghiệp nói họ đã dùng những “đồng tiền dự trữ cuối cùng” để trang trải. Còn ông Vũ Hồng Thanh, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội lại nhấn mạnh về “sự bào mòn, rất khó khăn” của doanh nghiệp.

Một đại diện một hiệp hội ngành sản xuất tại TP. HCM đánh giá: “Tình hình chưa bao giờ khó khăn như lúc này”. Theo ông, nhiều chủ doanh nghiệp đã phải bán nhà, tài sản riêng để cầm cự, trả lãi vay.

Theo VnExpress, nhóm có hiện tượng “bán mình” phần lớn thuộc lĩnh vực bất động sản, sản xuất – đối tượng gặp khó khăn lớn về pháp lý, dòng tiền, đơn hàng.

Giới phân tích dự báo hai năm tới là giai đoạn bùng nổ của mua bán sáp nhập (M&A) bất động sản do nhiều chủ đầu tư khát vốn, cần bán tài sản để vượt khó. Ông Neil MacGregor, Tổng giám đốc Điều hành Savills Việt Nam, cho biết đã nhận được nhiều yêu cầu tư vấn của các nhà phát triển bất động sản trong nước về lập kế hoạch thương vụ M&A và định giá giao dịch.

Bên cạnh phương án “bán mình”, nhiều doanh nghiệp chọn cách co hẹp sản xuất, giảm nhân sự, cho thuê lại nhà xưởng trống để có khoản thu nhằm cầm cự qua giai đoạn khó khăn.

Đây thực sự là điều đáng lo ngại. Không chỉ là tình trạng thiếu đơn hàng, nhu cầu yếu, dẫn đến nhiều doanh nghiệp đang phải cắt giảm lao động, cắt giảm giờ làm, mà các vấn đề về thanh khoản, dòng tiền, tín dụng cho nền kinh tế cũng đang khiến doanh nghiệp càng trở nên kiệt quệ hơn.

Trong báo cáo trình Chính phủ tại phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 4 mới đây, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đưa ra những con số rất đáng lưu tâm. Đó là khả năng huy động vốn của doanh nghiệp trở nên khó khăn hơn rất nhiều. Đó là số vốn đăng ký bình quân trên một doanh nghiệp trong 4 tháng đầu năm 2023 chỉ đạt 9,3 tỷ đồng – mức thấp nhất trong 4 tháng đầu năm kể từ năm 2018. Đó là số vốn đăng ký tăng thêm của doanh nghiệp đang hoạt động giảm tới 55,1% so với cùng kỳ năm 2022 (là tỷ lệ giảm sâu nhất kể từ trước đến nay).

Cùng với đó, tổng vốn đăng ký của doanh nghiệp thành lập mới chỉ đạt 464.970 tỷ đồng, bằng hơn 70% tổng số vốn cùng kỳ trong các năm nền kinh tế chịu ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19. Năm 2021, con số này là 627.721 tỷ đồng, còn năm 2022 là 635.282 tỷ đồng. Có đến 14/17 lĩnh vực có sự sụt giảm về vốn đăng ký mới.

tinh hinh doanh nghiep
Tình hình đăng ký doanh nghiệp năm 2022 – 2023 (Ảnh. VnExpress/ttk)

Như vậy, tình hình còn khó khăn hơn cả thời điểm Covid-19 đang diễn ra. Khó khăn đến mức, trong 4 tháng qua, đã có hơn 77.000 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, tăng 25,1% so với cùng kỳ năm 2022. Nghĩa là, bình quân mỗi tháng, có gần 20.000 doanh nghiệp phải rời bỏ hoặc tạm rời bỏ đường đua kinh doanh.

Dù trong 4 tháng qua, số lượng doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường đạt 78.871 doanh nghiệp, cao hơn con số 77.000 doanh nghiệp phải tạm dừng hoạt động hoặc giải thể, song rõ ràng, đó không hẳn là bức tranh sáng màu.

Riêng lĩnh vực bất động sản, Bộ Xây dựng cho biết quý I, số doanh nghiệp trong ngành này giải thể, ngừng kinh doanh tăng mạnh, lần lượt 30% và 61%, còn số lập mới giảm sâu, 63% so với cùng kỳ 2022. Các sàn giao dịch địa ốc cũng chung cảnh ngộ khi 30-50% phải đóng cửa, tạm dừng hoạt động so với quý cuối năm ngoái.

Nhiều khả năng, khó khăn chưa thể sớm chấm dứt, bởi lẽ, câu chuyện của nền kinh tế Việt Nam hiện không chỉ là vấn đề nội tại nền kinh tế, mà còn là câu chuyện của kinh tế toàn cầu, của suy giảm tăng trưởng và nhu cầu tiêu dùng thế giới.

Điều này dẫn tới các động lực cho đầu tư, sản xuất – kinh doanh của doanh nghiệp trong nước bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Đó cũng là lý do khiến cả sản xuất công nghiệp và xuất nhập khẩu sụt giảm trong những tháng gần đây.

Vấn đề nằm ở chỗ, tình hình phía trước chưa có dấu hiệu khả quan hơn. Ngân hàng HSBC, trong một báo cáo gần đây, nhận định rằng “chưa thấy ánh sáng cuối đường hầm” trên mặt trận thương mại. Còn dữ liệu PMI (Chỉ số Nhà quản trị mua hàng) mới nhất mà S&P Global công bố cho thấy, ngành sản xuất của Việt Nam tiếp tục suy giảm khi nhu cầu của khách hàng vẫn yếu. Chỉ số PMI tháng 4/2023 của Việt Nam vẫn nằm dưới ngưỡng 50 điểm, giảm về mức 46,7 so với 47,7 điểm của tháng 3/2023. Chỉ số này cho thấy, các điều kiện kinh doanh giảm lần thứ 5 trong 6 tháng qua, và đây là lần giảm mạnh nhất kể từ đầu năm tới nay.

Các doanh nghiệp rơi vào tình cảnh khó khăn như hiện nay, theo các chuyên gia có nguyên nhân từ suy thoái kinh tế thế giới, một phần đến từ các vấn đề nội tại.

Nghi Vân (t/h)

BN 1 jpeg 2

Xem thêm:

Giá tôm nguyên liệu lao dốc, nông dân trước nguy cơ thua lỗ

Ngành may mặc Việt Nam chật vật khi Mỹ cấm bông Tân Cương?

Bất cập gói hỗ trợ vay mua nhà ở xã hội

Tân Thế Kỷ *Truyền Thống – Nhân Văn – Trung Thực*

Xem thêm

- Quảng cáo -spot_img

Xem nhiều