Tân Thế Kỷ – Đây là câu truyện ly kỳ được lưu truyền từ thời nhà Minh, được ghi chép trong sách “Giới am lão nhân mạn bút”, kể về hai chú chim hỷ thước bay tới công đường đánh trống kêu oan, và dẫn quan phủ đi bắt hung thủ.
Năm Vạn Lịch thứ 10 thời nhà Minh, Trương Hưng là người huyện Hu Di làm nghề cho thuê la, cho thuê lừa để mưu sinh. Một lần anh ta bắt được ở trong rừng một đôi chim hỷ thước, mang nhốt vào lồng. Sớm hôm sau, khi xua la đi làm, thuận tay mang theo đôi chim để bán.
Trên đường gặp một thương nhân thuê la của Trương Hưng, dự định đi về Tân Khê. Trông thấy hai con chim bị giam trong lồng, vị thương nhân sinh lòng thương xót, nên ông cởi hầu bao lấy bạc ra chuộc đôi chim rồi phóng sinh.
Túi bạc căng phồng của thương nhân làm Trương Hưng tối mắt, hắn nảy sinh tà niệm cướp đoạt. Khi hai người đi tới nơi vắng vẻ, nhân lúc thương nhân không đề phòng, Trương Hưng dùng dây thừng dắt la thắt cổ thương nhân tới chết, rồi dùng đá buộc thi thể ném xuống khúc quanh sông. Xong đổ hết tiền bạc từ túi của thương nhân sang túi mình. Tất cả những hành vi đó không một ai trông thấy.
Huyện Hu Di có một vị phán quan họ Kiều, một hôm đang trên công đường xem hồ sơ, đột nhiên có hai con chim hỷ thước bay vào, lượn mấy vòng quanh bàn, vừa bay vừa cất tiếng kêu, thanh âm bi phẫn thê thảm, như oán như trách. Kiều đại nhân vung tay áo xua chim bay đi như vô hiệu, hai con chim vẫn không chịu rời đi.
Kiều đại nhân đang do dự thì đột nhiên thấy chúng bay về phía công đường nơi đặt trống kêu oan, dùng mỏ gõ vào mặt trống, liên tục ba lần. Kiều đại nhân giật mình tự nhủ: Phải chăng dân chúng đang có nỗi oan, nên Ông Trời cho lũ chim này đến kêu oan?
Vừa nghĩ thế, ông liền thấy hai con chim gật gật đầu, hệt như chúng biết ý nghĩ của ông. Thế là Kiều đại nhân nói với đôi chim: ‘Nếu các vị có oan, hãy bay trên xà nhà ba vòng’.
Lời vừa dứt, quả nhiên đôi hỷ thước bay lượn lên xuống, vòng quanh xà nhà ba vòng. Kiều đại nhân nói tiếp: ‘Mời hai vị ngậm lệnh bài trên mỏ, ta sẽ phái hai nha dịch đi theo tới nơi có án oan’.
Đôi chim lập tức sà xuống án kỷ, ngậm lấy lệnh bài, rồi bay lên lượn xuống, vừa dẫn đường vừa có ý sợ nha dịch không theo kịp.
Bay được khoảng 30 dặm, tới bờ sông chỗ khúc quanh, hỷ thước chúi đầu xuống nước, một lúc sau mới ngẩng đầu lên, kêu lên những tiếng dị thường. Mọi người chú ý xem xét, thấy dưới sông nổi lên nhiều bọt trắng.
Nha dịch rất đỗi kinh ngạc, vội quay về bẩm báo, Kiều đại nhân đích thân đến bờ sông. Trên đường hai con chim luôn bay theo sát cạnh ông như bóng với hình.
Kiều đại nhân cho ngư phủ thả lưới vào chỗ có bọt nổi, quả nhiên vớt được một tử thi, là nam giới ước chừng tuổi ba mươi, thi thể vẫn chưa phân hủy. Tử thi bị buộc đá nặng ở lưng, có dây thừng quấn cổ.
Kiều đại nhân nói với Hỷ Thước: ‘Mời hai vị dẫn chúng tôi đi tìm hung thủ’.
Thế là hỷ thước lại như lúc trước dẫn đường cho nha dịch cùng mấy người theo sau. Tới thôn Bình Khang, cạnh gốc cây hòe lớn có một ngôi nhà tranh, trước nhà có hàng rào gai góc, hai con la được buộc trong sân.
Đôi hỷ thước bay thẳng vào trong nhà kêu vang, Trương Hưng chạy nhà ngoài xem xét. Hai con chim lập tức bay theo ngay trên đầu, liên tục kêu vang, Trương Hưng nổi giận đánh chim, hai con chim hỷ thước bay lên nóc nhà liên tục kêu không ngớt.
Nha dịch nói: ‘Hãy dắt la của ngươi đi cùng chúng ta một chuyến’.
Trương Hưng thấy sợ hãi, nha dịch trấn an: ‘Đi một lúc rồi về thôi, có thưởng tiền đó!’
Trương Hưng bèn vâng lời.
Trương Hưng bỗng nhiên nhìn thấy sợi dây thừng đeo bên hông nha dịch, trông rất quen, đột nhiên nhận ra: Đó chẳng phải là sợi thừng dắt la đã thắt cổ thương nhân kia ư? Tự biết sự tình đã lộ, hắn kinh hoàng thất sắc.
Qua thẩm vấn, Trương Hưng phải khai ra sự thật: Đã giết người cướp của, tổng cộng lấy được 40 lạng bạc. Sau đó khám nhà thu lại bạc, Trương Hưng bị kết tội.
Thi thể thương nhân được an táng phía Đông thành, đôi chim hỷ thước cũng bay tới, như cúi đầu tạ ơn, rồi lượn vòng cất tiếng kêu thương, lưu luyến không muốn rời đi.
Tự ngàn xưa đã có việc rắn hiến ngọc châu, chim sẻ ném vòng, nay có hỷ thước gõ trống kêu oan. Khi người ta làm điều ác, thường cảm thấy không có ai hay, có biết đâu gương Trời soi khắp nẻo, kẻ ác chạy đâu cho thoát!
(Nguồn tư liệu: “Giới am lão nhân mạn bút – Thần Thước minh oan” của Lý Hủ thời Minh).
Tông Gia Tú – Epoch Times
Thái Bình (NTDVN) biên dịch
Xem thêm: