Tân Thế Kỷ – Trung tá William Rankin là một trong hai người từng rơi xuyên qua đám mây giông và sống sót để kể lại tai nạn hy hữu này.
Câu chuyện của Rankin là một trải nghiệm phi thường nhưng không kém phần đáng sợ về những gì xảy ra khi mắc kẹt bên trong đám mây, theo IFL Science. Vào ngày 26/7/1959, trung tá William Rankin và phi công yểm trợ Herbert Nolan lái máy bay phản lực F-8 Crusader về phía Nam Carolina. Họ chú ý tới một số đám mây giông lớn ở phía trên nên cẩn thận điều khiển máy bay vượt qua phía trên chúng, tới độ cao 14.300 m, tức cao hơn một chút so với đỉnh của đám mây.
Tuy nhiên, khi đang bay độ cao này, động cơ chiếc F-8 Crusader của William Rankin đột nhiên gặp trục trặc không rõ nguyên nhân và dừng hoạt động. Tình thế này buộc phi công Rankin phải tính tới phương án nhảy dù để bảo toàn tính mạng khi máy bay đang mất điều khiển.
Do không được trang bị bộ đồ chịu áp suất, Rankin không hề muốn nhảy dù ra khỏi máy bay khi nhiệt độ xung quanh đang chạm ngưỡng -50 độ C, trong khi không khí quá loãng oxy có thể khiến ông không thể thở được. Tuy nhiên, vào thời điểm 18h00 chiều cùng ngày, Rankin không có quá nhiều lựa chọn. Việc khởi động lại động cơ máy bay gặp thất bại, khiến ông quyết định thực hiện việc phóng ghế lái để thoát ly ở độ cao 14.300 mét.
Ngay lập tức, máu chảy ra từ mắt và tai Rankin do áp suất giảm đột ngột cùng với phần bụng bắt đầu chướng lên. Do mất găng tay, bàn tay của ông bị bỏng lạnh dưới nhiệt độ đóng băng, góp phần vào những vấn đề đe dọa sự sống. Rankin đã rơi vào một đám mây vũ tích chỉ với bình oxy khẩn cấp và một chiếc dù không được thiết kế để bay giữa cơn giông. Với đặc trưng là những tầng mây dày đặc phát triển theo phương thẳng đứng rất cao, mây vũ tích là loại mây duy nhất tạo ra sấm sét và mưa đá. Trong khi phần lớn đám mây không tồn tại ở độ cao quá 2.000 m, mây vũ tích có thể leo cao tới 20.000 m, tạo thành hình trụ khổng lồ.
Thay vì kéo dây dù, Rankin cài đặt áp kế để tự động mở dù khi đạt độ cao khoảng 3.048 m. Ông hy vọng có thể ra khỏi đám mây giông trước khi chết ngạt hoặc lạnh cóng tới chết. Bên trong đám mây, Rankin bị quăng quật bởi những cột gió xoáy thẳng đứng hình thành trong thời tiết như vậy. Giới khoa học biết rất ít về cơ chế bên trong đám mây giông dữ dội, nhưng khí nóng bốc lên đủ mạnh để hất văng Rankin trong khi mưa đá và sét đe dọa mạng sống của ông.
Ngay sau đó, chiếc dù của ông bung ra, khiến Rankin tin rằng mình đã rơi xuống độ cao 3.048 mét. Hóa ra, áp suất bên trong mây vũ tích vô tình kích hoạt chiếc phong vũ biểu, khiến Rankin bị nâng thẳng lên trên khi luồng gió ngược thổi vào chiếc dù của ông.
Liên tục, các luồng khí nâng lên và hạ xuống Rankin hết lần này đến lần khác, trong khi ông phải tránh những mảnh băng và nín thở khi không khí trở nên trộn lẫn nhiều với nước đến mức có thể khiến Rankin bị chết đuối.
Thật may mắn, cơn bão cuối cùng đã ‘buông tha’ Rankin, khi ông và chiếc dù của mình rơi dần xuống mặt đất, va chạm vào một cái cây và chạm đất. Sau khi kiểm tra đồng hồ, Rankin nhận ra khi đó là 18h40 chiều. Điều này có nghĩa, Rankin đã ‘lưu lạc’ trong đám mây vũ tích khoảng 40 phút.
Rankin cố gắng tìm kiếm sự giúp đỡ gần đó và đến bệnh viện vì bị tê cóng, vết thương do giảm áp suất và các vết thương nhẹ khác. Rất may mắn, trung tá phi công của quân đội Mỹ không gặp bất kì chấn thương nào gây nguy hiểm tới tính mạng, và vẫn có thể thực hiện các chuyên bay cho đến khi nghỉ hưu. Gần 50 năm sau, Rankin qua đời vào năm 2009 ở tuổi 88, sau khi viết cuốn sách The Man Who Rode The Thunder (Tạm dịch: “Người đàn ông cưỡi sấm sét”).
Nghi Vân (Theo IFL Science)
Xem thêm:
6 bằng chứng cho thấy người khổng lồ từng sinh sống trên Trái đất
Tân Thế Kỷ *Truyền Thống – Nhân Văn – Trung Thực*