spot_img
18 C
Vietnam
Thứ hai,25 Tháng mười một
spot_img

10 thảm hoạ giẫm đạp kinh hoàng nhất trong lịch sử nhân loại

Hiện trường sau vụ giẫm đạp ở Campuchia năm 2010 (Ảnh chụp màn hình video trên internet)

Hôm qua, cả thế giới đau lòng trước cái chết của ít nhất 151 bạn trẻ trong thảm hoạ giẫm đạp ngay giữa thành phố hoa lệ Seoul, Hàn Quốc. Không bao lâu trước đó, số nạn nhân bị giẫm đạp đến chết trong trận bóng đá ở Indonesia khiến 131 nạn nhân thiệt mạng, trong đó có tới 32 trẻ em. Nhìn lại lịch sử, những thảm hoạ giẫm đạp từng diễn ra hết sức kinh hoàng, lấy đi sinh mạng hàng ngàn người…

Có rất nhiều nguyên nhân dẫn tới các thảm hoạ giẫm đạp kinh hoàng trong lịch sử nhân loại như hoảng loạn do chạy trốn trong chiến tranh, hoảng loạn tập thể trước nguy cơ bị tấn công khủng bố, chen lấn và xung đột trong các lễ hội quá đông người.

Nếu lấy quy mô thiệt hại về nhân mạng làm tiêu chuẩn để đo lường mức độ kinh hoàng trong các thảm hoạ giẫm đạp, 10 thảm hoạ giẫm đạp kinh hoàng nhất có thể liệt kê như sau (theo dòng thời gian):

  1. 29/3/1809: Khoảng 5.000 thường dân đã tử vong khi tìm đường chạy trốn trong trận đánh ở Bồ Đào Nha

Hàng ngàn thường dân Bồ Đào Nha đã tử vong khi cố gắng giẫm đạp nhau để vượt qua cây cầu Ponte das Barcas; một nỗ lực tuyệt vọng để thoát khỏi quân đội của Thống chế Soult đang tấn công Oporto trong Chiến tranh Napoléon. Cây cầu do hai mươi sà lan ghép lại đã không thể chịu được sức nặng của một lượng lớn người như vậy, và đã bị sập.

2. 18/5/2896: 1.282 người tử vong trong thảm hoạ Khodynka

Người dân khao khát nhận được quà trong lễ đăng quang của Sa hoàng Nicholas II dẫn tới chen lấn, xô đẩy và giẫm đạp lên nhau trên cánh đồng Khodynka, Moscow, Nga. Sau thảm hoạ, khoảng 1.282 xác chết được thu thập từ hiện trường, ước tính thương tích dao động từ 1.200 đến 20.000 người.

3. 30/12/1903: 602 người tử vong trong vụ cháy nhà hát Iroquois, chủ yếu do giẫm đạp vì hoảng loạn

Vụ cháy Nhà hát Iroquois xảy ra vào ngày 30/12/1903, tại Chicago, Illinois, Hoa Kỳ. Đây là vụ cháy nhà hát có số lượng người tử vong nhiều nhất trong lịch sử Hoa Kỳ. Thảm hoạ lấy đi sinh mạng của ít nhất 602 người.

4. 23/10/1942: 354 người thiệt mạng trong vụ giẫm đạp chạy trốn bom đạn ở Thế chiến II

Rất nhiều người đã thiệt mạng do giẫm đạp trong một cuộc tấn công của Bộ Chỉ huy Máy bay ném bom RAF trong Thế chiến II. Các nạn nhân đã giẫm đạp lên nhau khiến 354 người tử vong khi tranh nhau tiến vào Galleria delle Grazie, một đường hầm đường sắt được sử dụng làm nơi trú ẩn cho các cuộc không kích. Có khoảng 150 bậc thang dẫn xuống hầm trú ẩn, mọi người ngã đè lên nhau, gây ra tử vong cho hàng trăm người.

5. 3/2/1954: Khoảng 500 – 800 người hành hương đã tử vong trong thảm hoạ giẫm đạp tại Ấn Độ

Vụ giẫm đạp Kumbh Mela xảy ra năm 1954, ở Allahabad thuộc bang Uttar Pradesh, Ấn Độ. Thảm hoạ diễn ra vào ngày tắm chính của lễ Mauni Amavasya (Trăng non). Năm đó, khoảng 4–5 triệu người hành hương về Khumbl Mela để tham gia lễ hội, đây cũng là lễ hội Kumbh Mela đầu tiên sau lễ Độc lập.

Các số liệu về thảm kịch thay đổi tùy theo các nguồn khác nhau. Trong khi The Guardian đưa tin hơn 800 người chết và hơn 100 người bị thương, Thời báo Time đưa tin “không dưới 350 người bị giẫm đạp đến chết và chết đuối, 200 người mất tích và hơn 2.000 người bị thương”. Theo sách Luật và Trật tự ở Ấn Độ, hơn 500 người đã chết trong thảm hoạ.

6. 3/7/1990: Thảm hoạ đường hầm Mecca, 1.426 người tử vong

Vụ việc xảy ra bên trong đường hầm dành cho người đi bộ (đường hầm Al-Ma’aisim) dài 550m, rộng 10m dẫn từ Mecca đến Mina và Đồng bằng Arafat. Đường hầm là một phần của dự án trị giá 15 tỷ USD, được xây dựng xung quanh các thánh địa của Mecca do chính phủ Ả Rập Xê Út khởi công hai năm trước.

Thảm hoạ diễn ra khi những người hành hương đang đi để thực hiện nghi lễ ném đá vào ma quỷ (để thanh tẩy tội lỗi) lúc 10 giờ sáng. Sự việc tồi tệ sau khi lan can cầu dành cho người đi bộ bị bẻ cong, khiến bảy người rơi khỏi cầu và đè lên những người đang thoát ra khỏi đường hầm. Sức chứa 1.000 người của đường hầm đã sớm lấp đầy với 5.000 người. Thêm vào đó, với nhiệt độ bên ngoài là 44°C, hệ thống thông gió của đường hầm bị lỗi cũng là nguyên nhân dẫn đến nhiều người thiệt mạng. Một số nhân chứng tuyên bố họ tin rằng một cuộc biểu tình đang xảy ra; những người khác báo cáo rằng nguồn điện đến đường hầm đã bị cắt. Các quan chức Ả Rập Xê Út kết luận rằng sự cuồng loạn của đám đông xảy ra từ những người hành hương bị rơi khỏi lan can là nguyên nhân.

Nhiều người thiệt mạng là người gốc Malaysia, Indonesia và Pakistan. Theo một nguồn tin từ Malaysia, 80% số người chết xảy ra bên ngoài đường hầm, và 20% (khoảng 285 người) ở bên trong.

7. 31/8/2005: Thảm hoạ giẫm đạp trên cầu Al-Aimmah, 953 người chết

Vào thời điểm xảy ra vụ giẫm đạp, khoảng một triệu người hành hương đã tụ tập xung quanh hoặc đang diễu hành về phía Nhà thờ Hồi giáo Al Kadhimiya, là đền thờ của Shi’ite Imam Musa al-Kazim. Căng thẳng, mâu thuẫn gia tăng trong đám đông. Trước đó trong ngày, 7 người đã thiệt mạng và hàng chục người khác bị thương trong một cuộc tấn công bằng súng cối vào đám đông tụ tập; một nhóm nổi dậy có liên hệ với Al-Qaeda đã lên tiếng nhận trách nhiệm. Gần ngôi đền, tin đồn sắp xảy ra một vụ đánh bom liều chết khiến nhiều người hành hương hoảng sợ. Bộ trưởng Bộ Nội vụ Bayan Baqir Solagh nói rằng một người đã “chỉ tay vào một người khác nói rằng anh ta đang mang chất nổ … và điều đó đã dẫn đến sự hoảng loạn”. Người đàn ông đó được cho là đang đeo đai nổ tự sát trên cầu.

Đám đông hoảng loạn kéo đến cây cầu đã bị đóng cửa. Bằng cách nào đó, cánh cổng bị đóng lâu ngày ở đầu cây cầu của họ mở ra, và những người hành hương chạy nhanh qua. Một số người ngã xuống nền bê tông và chết ngay lập tức [bởi đám đông hoảng loạn giẫm đạp lên]. Nhiều người chết ngạt. Sức ép của đám đông khiến các lan can bằng sắt của cây cầu bị sụp đổ, hàng trăm người rơi khỏi cầu xuống sông Tigris ở độ cao 9m. Không có lối thoát cho những người đã lên cầu vì cánh cửa đầu kia của cây cầu vẫn đóng; cánh cửa đó không thể mở được từ phía những người đang hoảng loạn chạy trốn một cuộc nổ bom tự sát liều chết, nó chỉ có thể mở được từ phía bên kia.

8. 12/1/2006: Thảm hoạ giẫm đạp Hajj, 363 người tử vong

Vụ giẫm đạp có tên là thảm hoạ Hajj năm 2006 dẫn đến cái chết của 363 người hành hương vào ngày 12/1/2006 trong lễ Hajj ở Mecca. Thảm hoạ cũng tái diễn trên một cây cầu có tên Jamaraat vào khoảng 1 giờ chiều; đó là ngày thứ năm và cũng là ngày cuối cùng của lễ Hajj. Khoảng từ hai đến ba triệu người hành hương đã tham dự lễ Hajj vào năm 2006. Trước đó, vào ngày 5/1, ít nhất 76 người hành hương đã chết khi một nhà trọ bị sập ở Mecca.

Thảm hoạ xảy ra khi một vị khách hành hương vấp phải hành lý tại thời điểm hàng chục ngàn người đang hoàn thành nghi lễ ném đá tượng trưng trước khi mặt trời lặn. Tiếng hét thất thanh và nỗi sợ hãi bị đánh bom khủng bố dâng cao đã thúc đẩy hoảng loạn tập thể.

9. 22/11/2010: Thảm hoạ dẫm đạp ở Phnom Penh, 347 người chết, 755 người khác bị thương

Vụ giẫm đạp xảy ra vào cuối Lễ hội Nước kéo dài ba ngày để kỷ niệm sự kết thúc của mùa gió mùa và sự đảo ngược dòng chảy nửa năm một lần của sông Tonlé Sap. Các báo cáo ban đầu cho thấy những người tham gia lễ hội đã tập trung trên Koh Pich (còn gọi là “Đảo Kim Cương”), một vùng đất kéo dài vào Tonlé Sap, để xem các cuộc đua thuyền và sau đó là một buổi hòa nhạc. Khoảng bốn triệu người đã tham dự lễ hội.

Vụ giẫm đạp bắt đầu lúc 21:30 giờ địa phương trên một cây cầu bắc qua sông. Một số nhân chứng nói rằng mọi người đã “mắc kẹt trên cầu” vài giờ trước đó, còn nạn nhân thì không được giải phóng cho đến vài giờ sau khi vụ giẫm đạp thực sự xảy ra.

10. 24/9/2015: Vẫn là lễ hành hương Hajj hàng năm ở Mina, Mecca, Ả Rập Xê Út, thảm hoạ cướp đi sinh mạng của hơn 2.400 người

Vào ngày 24/9/2015, một “vụ đè bẹp và giẫm đạp” đã dẫn đến cái chết của hơn 2.400 người hành hương Hajj hàng năm, ở Mecca Ả Rập Xê Út, nhiều người trong số nạn nhân bị chết ngạt khiến sự kiện này trở thành thảm họa Hajj chết chóc nhất ở lịch sử. Các ước tính về số người chết khác nhau: hãng tin Associated Press đưa tin 2.411 người chết, hãng tin Agence France-Presse đưa tin 2.236 người thiệt mạng. Dựa trên tổng số các báo cáo quốc gia riêng lẻ, ít nhất 2.431 người đã chết.

Nguyên nhân của thảm họa vẫn còn đang tranh cãi. Phát ngôn viên Bộ Nội vụ Ả Rập Xê Út Mansour Al-Turki đã cố gắng giải quyết hầu hết các vấn đề liên quan đến vụ việc. Ông cho biết vào tháng 9/2015 rằng một cuộc điều tra đang được tiến hành. Cho tới nay, nguyên nhân chính xác của tình trạng quá tải dẫn đến thảm hoạ vẫn chưa được xác định.

Quang Nhật 

Bạn bình luận gì về tin này?


Xem thêm

- Quảng cáo -spot_img

Xem nhiều