spot_img
21 C
Vietnam
Thứ sáu,20 Tháng chín
spot_img

Chính phủ Hà Lan sụp đổ

Tân Thế Kỷ Chính phủ Hà Lan sụp đổ – Chính phủ liên minh của Thủ tướng Hà Lan Rutte hôm 7/7 đã sụp đổ do bất đồng không thể vượt qua về cách giải quyết vấn đề người di cư. Đây cũng là vấn đề gây chia rẽ tại nhiều quốc gia châu Âu trong bối cảnh làn sóng người di cư từ Trung Đông và Bắc Phi vẫn không ngừng đổ vào khu vực này những năm gần đây. 

Khủng hoảng chính trị ở Hà Lan bùng phát do đảng bảo thủ VVD của Thủ tướng Mark Rutte thúc đẩy hạn chế dòng người xin tị nạn đến Hà Lan. Chính sách này bị 2 đảng trong liên minh chính phủ 4 đảng của ông phản đối.

chinh phu ha lan sup do do be tac ve van de nhap cu khien eu lo lang hinh anh 1
Thủ tướng Hà Lan Rutte. Ảnh: Global News.

Căng thẳng lên đến đỉnh điểm vào tuần này, khi ông Rutte yêu cầu các đảng liên minh ủng hộ đề xuất chính sách hạn chế trẻ em của những người tị nạn chiến tranh đã ở Hà Lan; với chính sách này, các gia đình phải đợi ít nhất 2 năm mới có thể đoàn tụ.

Phát biểu với báo chí tại thành phố La Hay, ông Mark Rutte thừa nhận, 4 đảng trong liên minh cầm quyền đã không thể đi đến thỏa thuận về vấn đề nhập cư sau những ngày đàm phán căng thẳng: “Di cư là một vấn đề lớn và quan trọng, cả về mặt xã hội và chính trị. Chúng tôi đã không đạt được thỏa thuận về vấn đề này và ra quyết định chung rằng liên minh đã mất nền tảng chính trị. Đó là điều vô cùng đáng tiếc, đồng thời cũng là một thực tế chính trị mà chúng ta không thể trốn tránh. Toàn bộ nội các và các nhà lãnh đạo đã trở thành một chính phủ tạm quyền. Bước tiếp theo sẽ là tổ chức các cuộc bầu cử mới.”

Liên minh cầm quyền hiện nay là liên minh thứ 4 do ông Mark Rutte lãnh đạo kể từ khi nhậm chức lần đầu vào năm 2010. Quyết định cho thấy sự chia rẽ sâu sắc về ý thức hệ đã tồn tại ngay từ những ngày ngày đầu liên minh này tuyên thệ nhậm chức cách đây hơn 18 tháng. Bất đồng lớn nhất xoay quanh kế hoạch của ông Mark Rutte siết chặt các biện pháp hạn chế đoàn tụ gia đình của người xin tị nạn.

Liên minh của ông Rutte sẽ tiếp tục với tư cách là một chính phủ tạm quyền cho đến khi một chính quyền mới được thành lập sau các cuộc bầu cử trong mùa thu tới. Việc bầu cử ra một chính phủ mới cần phải mất hàng tháng.

Hãng thông tấn ANP, trích dẫn ủy ban bầu cử quốc gia, cho biết các cuộc bầu cử sẽ không thể tổ chức sớm hơn trung tuần tháng 11/2023.

Một chính phủ lâm thời không thể quyết định các chính sách mới, nhưng ông Rutte cho biết điều đó sẽ không ảnh hưởng đến sự ủng hộ của đất nước đối với Ukraine.

BN 2 jpeg

Hà Lan là một trong những nước châu Âu có chính sách nhập cư khó khăn nhất. Đơn xin tị nạn ở Hà Lan đã tăng hơn 30% năm ngoái lên hơn 46.000 đơn và chính phủ đã dự kiến ​​con số này có thể tăng lên hơn 70.000 trong năm nay; vượt qua mức kỷ lục trước đó từng được thiết lập vào năm 2015.

Hà Lan sẽ phải đối mặt với một trong những chiến dịch tranh cử chia rẽ nhất trong nhiều năm trở lại đây. 20 đảng sẽ cạnh tranh khốc liệt để giành 150 ghế tại hạ viện. Không chỉ Hà Lan, chia rẽ chính trị liên quan tới vấn đề nhập cư cũng đang diễn ra tại nhiều quốc gia châu Âu khác. Đây cũng được dự báo là chủ đề chi phối cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu vào năm tới. Và sự sụp đổ của chính phủ tại Hà Lan sẽ là hồi chuông cảnh tỉnh cho các đảng truyền thống tại châu Âu. Hàng loạt cuộc khủng hoảng đan xen, trong đó có xung đột tại Ukraine, khủng hoảng người di cư, lạm phát, chênh lệch về tốc độ phát triển… đang thúc đẩy sự trỗi dậy của các đảng dân tuý.

Nghi Vân (t.h)

VIDEO CHỌN LỌC

Tân Thế Kỷ *Truyền Thống – Nhân Văn – Trung Thực*

Xem thêm

- Quảng cáo -spot_img

Xem nhiều