Tân Thế Kỷ – Khi nhắc đến bình đẳng, nhiều người cho rằng đây là điều chỉ có trong xã hội hiện đại. Nhưng trong quá khứ, bình đẳng vốn luôn tồn tại và hàm chứa giá trị hết sức tự nhiên và tốt đẹp.
Ngày nay, theo những gì chúng ta được học từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, cho đến việc đọc các tác phẩm văn học hiện đại, xem những bộ phim truyền hình về thời cổ đại,… thì đều thấy rằng, xã hội của người xưa toàn sự bất công, thiếu bình đẳng, đặc biệt giữa nam và nữ, giữa các tầng lớp khác nhau trong xã hội,…
Tuy nhiên, chúng ta cũng biết rằng, trong văn hóa truyền thống, người xưa rất coi trọng sự lương thiện, lòng nhân ái và lẽ phải, cho rằng thiện lương là bản tính của con người. “Nhân chi sơ, tính bản thiện” (Con người mới sinh ra, bản tính vốn lương thiện) là điều đầu tiên trẻ em được học trong sách Tam Tự Kinh – cuốn sách giáo khoa thời cổ đại. Những điều này quả là mâu thuẫn, vì người ta không thể vừa tôn vinh giá trị đạo đức, vừa cổ xúy cho hoàn cảnh bất công. Thực hư là thế nào, chúng ta hãy cùng nhìn quá khứ, tìm kiếm những bằng chứng lịch sử và đưa ra nhận định rõ hơn.
Trong mối quan hệ vợ – chồng
Chúng ta biết rằng trong gia đình xưa thì người vợ rất lễ phép và tôn trọng chồng mình. Đây thực ra không phải là “bất bình đẳng” gì cả, mà là hành xử phù hợp với quy luật vận hành của trời đất và tự nhiên. Mỗi người đều hiểu được vị trí và vai trò của bản thân.
Điều này nghe có vẻ khá “nghiêm trọng”, tuy nhiên nói rõ ra thì lại rất dễ hiểu. Theo quan niệm truyền thống, thì trời cao đất thấp, đất luôn thuận theo trời và nỗ lực giúp trời hoàn thành sứ mệnh của trời. Để giữ cho mọi thứ bình ổn và hài hoà, vị trí của trời và đất không thể đảo lộn. Đối ứng trong quan hệ vợ – chồng, thì chồng giống như trời, là người ra quyết định lớn nhất trong nhà; vợ giống như đất, luôn hỗ trợ và sẻ chia với chồng. Chúng ta thường nghe câu “phía sau thành công của người đàn ông có bóng dáng người phụ nữ”, thực ra cũng là đạo lý này.
Người vợ ở phía sau, ở thấp hơn không có nghĩa là không được tôn trọng. Theo Thuyết văn giải tự: “Thê, phụ dữ phu tề giả dã. Tòng nữ, tòng triệt, tòng hựu”, nghĩa là: “Người vợ là người phụ nữ ngang bằng với người chồng”. Thuyết văn giải tự cũng viết rằng: “Cổ văn thê tòng quý, nữ”, nghĩa là: “Trong cổ văn thì chữ Thê (người vợ) gồm chữ Quý (quý báu) và chữ Nữ (người nữ)”. Như vậy, ngay từ bề mặt chữ thì người vợ đã được coi là ngang hàng với chồng, là người phụ nữ rất quý giá. Thực tế thì những bậc quân tử xưa cũng là những người đối xử rất tốt với vợ, rất tôn trọng vợ. Ví như Khích Khuyết dùng hai tay nhận mâm cơm vợ trao cho, liên tiếp cảm ơn rồi mới ngồi xuống ăn cơm, hay Tống Hoằng với câu nói nổi tiếng qua nhiều thế hệ: Bần tiện chi tri bất khả vong, tào khang chi thê bất hạ đường (Người bạn khi nghèo khó không thể quên, người vợ thuở hàn vi không thể bỏ được). Phụ nữ trong quá khứ được tôn trọng và lắng nghe. Họ không có địa vị thấp kém nên không cần nói đến “bình đẳng”.
Về quyền lợi trong xã hội
Chúng ta có thể cho rằng giữa vợ và chồng có tình cảm gắn bó nên chuyện tôn trọng nhau có vẻ dễ hiểu, nhưng trong xã hội xưa thì “bình đẳng” không tồn tại. Trên phim thường đưa ra những thông tin như người giàu thì có nhiều quyền lợi hơn người nghèo; các vị quan có quyền thống trị người dân một vùng; các ông vua lại càng có quyền hành tuyệt đối.
Thế nhưng cơ hội học tập và thành đạt của người dân trong quá khứ lại khá bình đẳng. Trong thời cổ đại, dù là người giàu hay người nghèo cũng có thể thông qua học tập và rèn luyện để trở thành “sĩ đại phu”, có cơ hội phát triển bản thân, đi thi làm quan. Khi tuyển chọn một người, triều đình chú trọng vào phẩm đức và tài năng của họ, vì mục đích mở khoa thi là tìm người tài có thể giúp vua quản lí đất nước, giúp nhân dân có cuộc sống hạnh phúc. Một người có tri thức và đạo đức tốt mới có thể làm tốt những việc này, nên xuất thân hay tuổi tác của họ đều không phải là yếu tố quan trọng nhất khi lựa chọn nhân tài. Vậy nên những câu chuyện như Chu Mãi Thần hay Phạm Trọng Yêm – những người có hoàn cảnh cực kì nghèo khổ nhưng nhờ học tập chăm chỉ nên trở thành quan lớn – không phải hiếm gặp mà rất phổ biến trong thời cổ đại.
Với tinh thần “lấy đức để yêu người”, trong các hoàn cảnh xã hội khác nhau, cổ nhân thường thể hiện sự thẳng thắn và bảo vệ lẽ phải. Thần tử can gián khi vua làm sai, con cái khuyên can khi cha mẹ mắc lỗi là những điều thường thấy trong quá khứ. Thời Tuỳ – Đường còn có quy định rằng chính quyền cấp dưới có quyền xem xét từ chối chiếu mệnh của vua nếu thấy không phù hợp. Có thể thấy “tự do ngôn luận” đã tồn tại khá phổ biến trong văn hoá truyền thống. Tuy được khuyến khích nói ra lời chân thật, người xưa lại dùng chữ “Lễ” để ước thúc bản thân, khi khuyên can cha mẹ hay cấp trên đều thể hiện sự tôn trọng và chừng mực; không để mình trở nên bất kính, thiếu khiêm tốn.
“Bình đẳng” thời hiện đại
Quay về với thực tại, chúng ta có thể nhận thấy rằng “bình đẳng” lại không thực sự tồn tại.
Phụ nữ hiện đại được cho là bình đẳng với nam giới, trên thực tế những thiên chức của họ như sinh con, nuôi con… là điều nam giới không thể thay thế, nhưng xã hội lại đặt lên vai họ những yêu cầu khác nữa, như “giỏi việc công sở, đảm việc nhà”.
Thay vì phân công lao động hợp lí như trong quá khứ: phụ nữ lo việc gia đình, nam giới lo việc xã hội; thì ngày nay phụ nữ phải lo cả hai, và vì quá mệt mỏi nên họ yêu cầu chồng mình cũng phải làm việc nhà cùng với mình. Chúng ta đều hiểu rằng nam giới dù có cố gắng mấy cũng không thể làm tốt việc nội trợ hay chăm sóc con cái, nên sự “bình đẳng” này thực ra là khiến con người làm những việc không phù hợp với mình, khiến phụ nữ bị “đàn ông hoá” còn nam giới thì “nữ tính hoá”. Đây có phải điều mà người ta mong đợi khi tìm kiếm sự bình đẳng?
Trong những hoàn cảnh khác, những mối quan hệ khác cũng xảy ra sự hỗn loạn tương tự. Nhiều trẻ em nhầm tưởng bình đẳng là ngang hàng, nên ăn nói hỗn hào với cha mẹ, lớn tiếng cãi lại thầy cô. Ở nơi làm việc, có những nhân viên tỏ thái độ coi thường và chống đối cấp trên để thể hiện bản thân không thua kém. Quan hệ giữa người với người trở nên căng thẳng, không còn sự hoà ái thân tình và bao dung.
Nhân Nghĩa là điều cần tìm lại
Khi người ta có thể giữ được Nhân (Nhân ái, yêu thương người khác), Nghĩa (lẽ phải, đạo lí), từ đó thể hiện ra quy phạm hành vi đúng mực (Lễ) thì mọi mối quan hệ sẽ đều trở nên tốt đẹp. Con người chung sống với nhau, điều quan trọng nhất không phải là chấp vào “bình đẳng” mà là biết cách đối xử tốt với người khác. Người thiện lương là người được tôn trọng nhất và sẽ nhận được những gì tốt đẹp nhất.
Hồng Ngọc
Bao nhiêu người trong chúng ta thật sự hiểu về “Nam tả nữ hữu”?
Người phụ nữ có thể nhẫn chịu, bao dung sẽ cảm hóa được cả gia đình
Một nhạc khúc mỹ diệu triển hiện khí chất ưu nhã của phụ nữ truyền thống
Tân Thế Kỷ *Truyền Thống – Nhân Văn – Trung Thực*