Hãng tin Reuters hôm 4 tháng 11 dẫn hai nguồn tin cho biết, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã tổ chức các cuộc họp khẩn cấp trong tuần này với các ngân hàng thương mại để thảo luận về thanh khoản trong hệ thống vì các ngân hàng cho vay đang phải đối mặt với áp lực từ việc thắt chặt các điều kiện tín dụng và lãi suất cao hơn.
Một trong những nguồn thạo tin và muốn giấu tên vì vấn đề bảo mật cho hãng thông tấn Anh biết NHNN Việt Nam đã tổ chức ba cuộc họp với hơn một chục ngân hàng trong tuần này, để giải quyết “khó khăn” cho một số ngân hàng trong việc tiếp cận đủ thanh khoản và bàn về tiền gửi trong hệ thống.
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam không trả lời ngay yêu cầu bình luận của Reuters về các cuộc họp.
Hai nguồn tin cho Reuters biết các cuộc thảo luận với các ngân hàng tập trung vào tính thanh khoản. Một trong hai nguồn tin nhấn mạnh rằng các cuộc đàm phán cũng đề cập đến mức trái phiếu doanh nghiệp mà các ngân hàng cho vay nắm giữ trên sổ sách.
Theo Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, thị trường trái phiếu doanh nghiệp đang được các nhà đầu tư theo dõi chặt chẽ khi 375.000 tỷ đồng (tương đương 15 tỷ USD) nợ bất động sản sẽ đáo hạn vào năm 2025, và các nhà chức trách đã hạn chế tái cấp vốn trong lĩnh vực này.
Vào tháng 8 vừa qua, các chuyên gia phân tích SSI Research đã đưa ra cảnh báo về nguy cơ gia tăng rủi ro nợ xấu bất động sản tại Việt Nam khi thị trường này đang bước vào giai đoạn khó khăn, trầm lắng.
Theo các chuyên gia này, tín dụng đối với các nhà phát triển bất động sản là mối quan tâm lớn nhất liên quan đến chất lượng tín dụng của các ngân hàng vào năm 2023. Trong 6 tháng đầu năm 2022, phát hành trái phiếu từ các công ty bất động sản và xây dựng giảm 53% so với cùng kỳ năm ngoái. Vì các đợt phát hành trái phiếu thường có thời gian đáo hạn từ 1-3 năm, người ta ước tính rằng phần lớn trái phiếu bất động sản của doanh nghiệp sẽ đáo hạn trong khoảng thời gian từ năm 2023 đến năm 2024. Nếu tình hình vẫn không được giải quyết, nguy cơ nợ xấu sẽ xuất hiện.
Theo ĐKN