spot_img
23 C
Vietnam
Thứ bảy,28 Tháng chín
spot_img

Hơn 50.000 học sinh lớp 1 có thể bị lưu ban

Tân Thế Kỷ – Hơn 105.700 học sinh tiểu học, trong đó một nửa là lớp 1, bị xếp loại chưa hoàn thành chương trình, có thể bị đúp. Thông tin được đưa trong báo cáo Hội nghị tổng kết năm học của Bộ Giáo dục và Đào tạo ngày 20-21/7.

Theo chương trình mới, hơn 50.000 học sinh “không hoàn thành” lớp 1

Năm học vừa qua, toàn quốc có hơn 9,2 triệu học sinh tiểu học, tăng hơn 470.000 em so với năm học trước. Đây cũng là năm ngành Giáo dục thực hiện chương trình mới đến lớp 3. Lớp 4 và lớp 5 vẫn học theo chương trình cũ.

Theo chương trình mới, việc đánh giá học sinh lớp 1,2,3 dựa vào thông tư 27, gồm bốn mức: Hoàn thành xuất sắc, Hoàn thành tốt, Hoàn thành và Chưa hoàn thành. Với học sinh lớp 4 và 5, có ba mức đánh giá: Hoàn thành tốt, Hoàn thành và Chưa hoàn thành.

Kết quả, cả nước có hơn 105.700 học sinh tiểu học bị đánh giá ở mức thấp nhất, chiếm gần 1,2% tổng số. Trong đó, gần 52.500 em là học sinh lớp 1. Con số này ở khối lớp 2,3,4 dao động 13.000-18.000, riêng lớp 5 thấp nhất – hơn 5.100 em.

Dù không đưa ra con số các năm trước, báo cáo của Bộ cho rằng “cách đánh giá mới phản ánh thực chất chất lượng giáo dục trên bình diện toàn quốc”.

Theo quy định, những học sinh này sẽ được giáo viên bồi dưỡng trong dịp hè. Nếu đã được hướng dẫn, giúp đỡ mà vẫn chưa đủ điều kiện hoàn thành chương trình lớp học thì giáo viên lập danh sách báo cáo hiệu trưởng để kiểm tra, đánh giá. Qua đó, hiệu trưởng quyết định học sinh lên lớp hay lưu ban.

Untitled 2mn

Bộ Giáo dục và Đào tạo cho hay chương trình giáo dục phổ thông mới (2018) có một số môn học mới ở cấp tiểu học và yêu cầu dạy học hai buổi mỗi ngày nên việc chuẩn bị đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý và cơ sở vật chất còn nhiều khó khăn.

Tuy nhiên, tỷ lệ trung bình học sinh mỗi lớp đạt 32, ổn định so với năm học trước. Toàn quốc có hơn 404.000 giáo viên tiểu học, tỷ lệ trung bình giáo viên mỗi lớp là 1,41, cơ bản đủ để thực hiện dạy học hai buổi một ngày. Các địa phương cũng ưu tiên bố trí giáo viên có năng lực, chuyên môn nghiệp vụ để dạy học lớp 1,2,3 theo chương trình mới.

Đặc biệt, năm đầu triển khai môn Tiếng Anh bắt buộc với lớp 3, cả nước có 99,97% số lớp 3 được học. Với môn Tin học, tỷ lệ 100%.

Năm tới, bậc tiểu học sẽ triển khai chương trình mới với lớp 4. Bộ yêu cầu các tỉnh tiếp tục nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý; xây dựng kế hoạch tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng để có đủ giáo viên, đảm bảo chất lượng dạy học các môn học theo chương trình.

Các nhà trường cũng cần chú trọng chuẩn bị đội ngũ giáo viên dạy lớp 5 trong năm học 2023-2024, nhất là giáo viên dạy học môn Ngoại ngữ và Tin học.

Phụ huynh cho con học trước lớp 1 cả năm

Chị Dinh là một trong nhiều phụ huynh cho con học trước chương trình lớp 1. Trong nhóm phụ huynh có con sinh năm 2017 với hơn 240.000 người trên Facebook, chủ đề học tiền tiểu học, học sớm được bàn luận sôi nổi.

Theo Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, năm học 2023-2024, số học sinh vào các lớp đầu cấp đều tăng so với năm trước. Riêng lớp 1, thủ đô có khoảng 155.600 học sinh, tăng hơn 11.000. Ở nhiều tỉnh, thành, tình trạng cũng tương tự. Sĩ số theo quy định ở tiểu học là 35 học sinh/lớp, nhưng ở một số khu vực thành thị, con số này lên tới 40, thậm chí 50.

Ngoài ra, học sinh lớp 1 hiện theo chương trình phổ thông mới (chương trình 2018), được đánh giá là “nặng” hơn trước kia.

hoc sinh lop 1 2805 1689871539
Học sinh lớp 1 trường Tiểu học Thăng Long, quận Ba Đình, Hà Nội, ngày 22/8/2022. Ảnh: Giang Huy

Lo lớp đông, con không theo kịp chương trình thay đổi, chị Nguyễn Hồng Linh ở Hưng Yên cho con học tiền tiểu học từ tháng 5 năm ngoái. Con trai chị hiếu động, không tập trung, chị kèm ở nhà không được.

“Cô có kỹ năng sư phạm sẽ dạy con đúng cách hơn. Con học một tuần 5 buổi, mỗi buổi 2 tiếng”, chị Linh kể. Sau mỗi buổi, cô giao bài về nhà, viết thêm 1-2 mặt giấy, tập đọc, tập đếm, tập làm Toán. Con chị bây giờ biết cộng trừ trong phạm vi 20, đánh vần được. Người mẹ nhận định như vậy đủ hành trang để con vào lớp 1.

Chị Phạm Thanh Hương ở quận Cầu Giấy, Hà Nội, cũng yên tâm vì sau 4 tháng học kèm 1:1, con trai chị đã học xong sách tiếng Việt tập 1, đọc tạm ổn. “Cô nói con đã đủ kiến thức vào lớp 1, nên nghỉ học thêm”, chị Hương cho hay. Dù vậy, vì cho rằng con viết chữ chưa đẹp, làm Toán còn chậm, nên chị Hương đang tự kèm thêm.

Thầy Đào Chí Mạnh, Hiệu trưởng trường Tiểu học Hội Hợp B, Vĩnh Phúc, nói việc phụ huynh cho con học trước lớp 1 khá phổ biến. Cô Lương Ngọc Anh, giáo viên lớp 1, trường Tiểu học Times School, Hà Nội, cũng nhận thấy nhiều em đã đọc và làm tính thành thạo trước khi vào học. Những trẻ chưa học, chưa thuộc chữ cái có thể bị thiếu tự tin.

Theo các chuyên gia, các lớp tiền tiểu học, nếu có chỉ nên chuẩn bị tâm thế vào lớp 1, ôn lại những nội dung được dạy ở mầm non, học tư thế ngồi, cách cầm bút… chứ không học trước chương trình lớp 1.

“Nếu học kiến thức trước thì vào lớp 1 các con dễ bị nhàm chán vì đã biết hết. Về mặt điểm số, kiến thức, cha mẹ có thể thỏa mãn nhưng con có thể sẽ rơi vào tình trạng học trước, đến sau”, thầy Đào Chí Mạnh, Hiệu trưởng trường Tiểu học Hội Hợp B, Vĩnh Phúc, nói.

Bị chỉ trích vì cho con học sớm, đánh mất tuổi thơ của con, chị Dinh bỏ ngoài tai tất cả. Chị tin rằng có sự chuẩn bị trước vẫn hơn. Thay vì tập đọc, viết gấp rút trong 1-2 tháng, tại sao không để con quen và ngấm dần trong khoảng thời gian dài hơn.

“Ít ra bây giờ mẹ con tôi cũng đủng đỉnh, không phải thấp thỏm việc con có đọc, viết được không”, chị nói.

Theo bạn thì việc cho con học trước chương trình lớp 1 có cần thiết hay không, khi mà số học sinh có thể lưu ban lớp 1 năm trước rất cao?

Tịnh Yên (t/h)
Nguồn: Vnexpress.net

BN 3 jpeg

TP. Đà Nẵng chi hơn 400 tỷ đồng miễn học phí cho học sinh năm học 2023-2024

Dạy con phải bắt đầu từ đâu?

Tân Thế Kỷ Truyền Thống – Nhân Văn – Trung Thực

Xem thêm

- Quảng cáo -spot_img

Xem nhiều