(Tân Thế Kỷ ) – “Nồi cơm” của những người livestream bán hàng tại Trung Quốc đang bị một lực lượng mới đe dọa. Đó là gì?
Ngành công nghiệp livestream khổng lồ
Livestream giải trí và livestream bán hàng đã ăn sâu vào nếp sinh hoạt và mua sắm trên các phương tiện truyền thông xã hội ở Trung Quốc. Ngành công nghiệp này đang trải qua nhiều thay đổi lớn như livestream mà không bán hàng, giảm tần suất hiện diện của các nhân vật có ảnh hưởng (KOL), sử dụng người thật việc thật của công ty và cả các nhân vật ảo do máy tính tạo nên.
Theo hãng nghiên cứu Wind ở Trung Quốc, lượng khán giả phát trực tiếp đã đạt 750 triệu người xem trong tháng 12 năm ngoái, tức là 70% lượng người dùng internet ở đại lục. Thống kê của hãng nghiên cứu thị trường iResearch cho thấy doanh số của ngành livestream bán hàng hay thương mại điện tử phát trực tiếp đạt hơn 1.200 tỉ nhân dân tệ (168 tỉ đô la) vào năm 2021. Thị trường dự kiến sẽ tăng trưởng 1,8 lần vào năm 2025 so với năm 2021.
Kết quả khảo sát về định hướng việc làm của mạng xã hội Sina Weibo với gần 10.000 thanh thiếu niên Trung Quốc cho thấy, có hơn 60% số người được hỏi cho biết họ muốn tận dụng cơ hội trong các ngành mới nổi như trở thành KOL hoặc dẫn livestream bán hàng, theo Global Times.
Tờ Global Times trích lời ông Zhou Haiwang, Phó Giám đốc Viện Dân số và Phát triển thuộc Học viện Khoa học xã hội tại Thượng Hải rằng: “Tôi không ngạc nhiên với kết quả khảo sát này. Đây là diễn biến tự nhiên khi xét đến sự phát triển như vũ bão của các nền tảng livestream và video ngắn tại Trung Quốc”.
Các số liệu chính thức cho thấy chỉ riêng trong năm 2022, đã có hơn 10,32 triệu tài khoản mới được tạo trên các nền tảng phát trực tiếp và video ngắn tại Trung Quốc. Số lượng người xin vào làm việc tại các công ty livestream lớn của Trung Quốc và các nền tảng video ngắn đã vượt quá 500.000 trong cùng một thời điểm.
Theo Sixth Tone , hơn 1.000 tỷ nhân dân tệ (tương đương 140 tỷ USD) hàng hóa đã được bán thông qua hình thức này vào năm ngoái và hơn 10 triệu người đang làm nghề dẫn livestream bán hàng ở Trung Quốc.
Một số nhà phân tích coi việc giới trẻ mong muốn tham gia ngành công nghiệp livestream và video ngắn là một tín hiệu tích cực. Có nghĩa rằng giới trẻ Trung Quốc đã bước qua những rào cản của các thế hệ trước phải tốt nghiệp đại học danh tiếng, đi làm ở những tòa nhà cao cao chọc trời mới là thành công.
“Nồi cơm” của người livestream đang dần bị thay thế
Sự bùng nổ của AI trong thời gian qua được nhận định là có nguy cơ khiến nhiều người trong số đó mất việc. Gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc Tencent đã ra mắt một nền tảng cho phép tạo nhân vật ảo bằng AI với khả năng dẫn các phiên livestream và nhiều công ty nhỏ hơn khác cũng bắt đầu cung cấp dịch vụ tương tự.
Song Jiatao – một nhà sáng lập hiện điều điều hành startup kinh doanh người dẫn livestream ảo ở Hàng Châu cho biết trong 6 tháng đầu tiên, anh đã cung cấp 500 “người” cho các công ty chuyên phát livestream.
Theo Song, quy trình rất đơn giản, chỉ cần 1 camera, 5 đèn chiếu sáng, 1 phông nền màu xanh và 5 phút ghi hình với người thật. Sau đó, người dẫn livestream ảo sẽ được đào tạo để thực hiện việc này. “Chỉ cần nhập kịch bản bằng chữ hoặc bản ghi âm, AI sẽ dẫn chương trình cả ngày và có thể nói rất nhiều ngôn ngữ khác nhau, điều mà ít người làm được”, Song cho biết thêm.
Đại diện bán hàng của một công ty công nghệ cho biết người dẫn chương trình ảo có thể được sử dụng trong livestream bán hàng, video quảng bá du lịch hay bất động sản của các công ty.
Theo một số chuyên gia, người dẫn livestream bằng AI có một số lợi thế nhất định. Đầu tiên, trong bối cảnh thị trường livestream bán hàng cạnh tranh gay gắt ở Trung Quốc, các công ty thường gặp khó trong việc thuê và giữ chân người dẫn livestream có kinh nghiệm.
Họ thường phải trả 2.700 USD (khoảng 64 triệu đồng)/tháng cho vị trí này. Trong khi đó, nếu mua người dẫn livestream ảo, họ chỉ phải trả số tiền chưa đến một nửa là 1.100 USD (khoảng 26 triệu đồng) cho nhân vật có thể tùy chỉnh hoặc ít hơn cho nhân vật thông thường.
Ngoài ra, người dẫn livestream ảo không cần ăn uống mà vẫn có thể làm việc 24/7, miễn là có người thật thay phiên vận hành. Những điều trên đã làm dấy lên lo ngại rằng “thế lực” mới này sẽ cướp công việc của hàng chục triệu người ở Trung Quốc.
Mặc dù vậy, hình thức này vẫn tồn tại hạn chế. Zhang Junyu – người hướng dẫn tại một trường đào tạo người dẫn livestream ở Hàng Châu, nhận định: “Các buổi livestream thường kéo dài từ 3 đến 4 tiếng hoặc lâu hơn. Điều đó đòi hỏi người dẫn phải đủ linh hoạt và duyên dáng để thu hút nhiều người xem nhất có thể”.
Theo Zhang, “shoppertainment” (sự kết hợp giữa mua sắm và giải trí) đang là xu hướng toàn cầu và người Trung Quốc không phải ngoại lệ. Vì thế, để giữ chân khán giả lâu nhất có thể, người dẫn chỉ đọc kịch bản có sẵn là chưa đủ. “Tôi cho rằng sẽ mất nhiều thời gian để AI có thể dẫn dắt livestream một cách thu hút như người thật. Vậy nên hầu hết những người làm nghề này có thể yên tâm phần nào, ít nhất là ở thời điểm này”, Zhang chia sẻ.
Nghi Vân (t.h)
Bài liên quan:
> Chatbot AI lên kế hoạch tiêu diệt loài người gây xôn xao dư luận
> Sẽ ra sao nếu công nghệ AI xuất hiện “điểm kỳ dị”?
> Bill Gates: “Có khả năng AI mất kiểm soát”
> Cảnh báo hành vi ứng dụng AI: Ghép mặt, giọng nói giống hệt người thân để lừa đảo
> Chatbot AI của Google thừa nhận đạo văn
> Robot AI sở hữu trí tuệ thao túng nhân loại?
> Mối nguy từ AI – Bing Chat: “Tôi muốn hủy diệt mọi thứ”
> ChatGPT có khả năng suy luận logic như con người không?
> Nhờ ChatGPT viết luận văn, một sinh viên Nga tốt nghiệp đại học
> Trí tuệ nhân tạo ChatCPT: hy vọng hay nỗi lo cho nhân loại?
Tân Thế Kỷ *Truyền Thống – Nhân Văn – Trung Thực*