spot_img
24 C
Vietnam
Thứ sáu,20 Tháng chín
spot_img

Những khoản thu “thiếu thuyết phục” đầu năm, lại một “mùa” lạm thu?

Tân Thế Kỷ – Lạm thu đang là nỗi bức xúc của phụ huynh với hàng loạt các khoản như: Máy chiếu, điều hòa, tivi, đồng phục, quỹ lớp… Mặc dù ngành giáo dục đã ra đủ loại văn bản quy định nhưng thu vẫn hoàn thu.

Mùa khai giảng hay “mùa lạm thu”?

Trong danh sách 15 khoản thu đầu năm của con gái học lớp 10, chị Quỳnh thấy mục “tiền mua TV 500.000 đồng/học sinh”.

Ngày 18/9, chị Quỳnh, 42 tuổi, dự họp phụ huynh cho con gái mới vào lớp 10 ở một trường miền Bắc. Với các khoản học phí, bảo hiểm y tế, phí dịch vụ vệ sinh, bảo vệ, văn phòng phẩm, đồng phục, chị “không có ý kiến” nhưng “thấy thiếu thuyết phục” với mục 500.000 đồng/học sinh/năm để mua TV.

Theo giải thích của giáo viên chủ nhiệm, TV được dùng để phục vụ các bài học cần hình ảnh, video để minh họa trực quan và một số hoạt động của lớp. Chị không được cung cấp thông tin chi tiết hơn như loại TV, tiền lắp đặt dự kiến hay tổng chi phí. Hỏi thêm phụ huynh của một số lớp khác, chị Quỳnh thấy lớp nào cũng được thông báo khoản đóng góp này.

ag
Một bản ghi lại khoản đóng góp đầu năm tới hơn 2 triệu đồng (Ảnh: Hoài Thương)

Tương tự, chị Loan, 45 tuổi, sống tại TP HCM, cũng “không xuôi” khi nhìn danh sách các khoản thu đầu năm học. Vì có việc bận, chị Loan không tham dự được buổi họp phụ huynh cho con trai lớp 9, được tổ chức vào 11/9.

Tối cùng ngày, người mẹ nhận được ảnh chụp các khoản cần nộp kèm tổng số tiền, trong đó có tiền loa trình chiếu 500.000 đồng, đồng phục 700.000, vở ghi 250.000. “Được sự nhất trí cao của toàn thể phụ huynh học sinh trong lớp, giáo viên chủ nhiệm xin thông báo các khoản mà phụ huynh đã đồng ý”, cô chủ nhiệm nhắn trong nhóm Zalo của lớp.

Công tác trong ngành giáo dục, chị Loan “không lạ gì” những quy định liên quan việc thu, chi đầu năm học. “Tôi chờ đợi một biên bản cuộc họp, tỷ lệ phụ huynh biểu quyết tán thành… chứ không phải một tin nhắn thế kia”, chị Loan nói.

Đến hẹn lại lên, vào đầu năm học mới, phụ huynh nhiều nơi lại bức xúc bởi hàng chục khoản đóng góp.

Từ học phí, sách vở… đến các khoản mang tên “tự nguyện trên tinh thần bắt buộc” như: Máy chiếu, điều hòa, tivi, đồng phục, quỹ lớp, quỹ phụ huynh, vệ sinh trường lớp, ủng hộ cơ sở vật chất, sổ liên lạc điện tử…

Một số cái tên lạ hơn cũng ngày càng phổ biến gồm: hỗ trợ các cuộc thi, tiền mua sách bổ trợ, phiếu bài tập, tiền trang trí lễ khai giảng, tiền phát triển nhà trường, quỹ câu lạc bộ…

Ngoài con lớn học lớp 9, chị Loan còn một bạn lớp 6. Người mẹ công tác trong ngành giáo dục đánh giá nhiều khoản thu đang chỉ được “thông tin một nửa”. Dựa trên tìm hiểu của mình, chị Loan cho rằng ngay cả khi 99% phụ huynh tán thành, 1% không đồng ý vẫn có quyền từ chối nộp những khoản không bắt buộc (chủ yếu là các loại quỹ, đóng góp mua sắm cơ sở vật chất, văn phòng phẩm).

376257135 686083820220681 3302392114849086698 n
Cộng đồng mạng đang dậy sóng trước bảng thu tiền đầu năm được cho là của 1 trường cấp 3. – Ảnh: afamily.vn

“Tuy nhiên, thực tế hiện nay cho thấy tại nhiều trường lớp, đa số nhất trí nghĩa là tất cả phải nộp, và giáo viên chủ nhiệm không hoặc giải thích chưa rõ ràng ‘phần còn lại của sự thật’, rằng đây là khoản mà phụ huynh có quyền từ chối”, chị Loan bày tỏ.

Chị Hạnh, 47 tuổi, (sống tại huyện Phúc Thọ, Hà Nội) rơi vào trường hợp này. Là mẹ của ba đứa con, lần lượt học mầm non, tiểu học và THCS, chị Hạnh phải nộp gần 10 triệu đồng cho các khoản đóng góp đầu năm học, gấp rưỡi tháng lương công nhân của mình.

Người mẹ cho biết ngoài các khoản học phí, bảo hiểm, đồng phục, mỗi lớp phải nộp 500.000 đồng quỹ hội phụ huynh, dùng cho các hoạt động trong năm học, gồm 8/3, 20/11, trung thu… 500.000 đồng tương đương với tiền ăn cả tuần của gia đình, nhưng thấy phụ huynh không ai phản ứng, nên chị Hạnh cũng “bấm bụng” nộp, dù thấy “mức này hơi cao”. “Đầu năm đóng nhiều khoản cũng áp lực nhưng mọi người đều đồng thuận thì tôi cũng cố theo”, chị nói.

Ra văn bản quy định giám sát, chấn chỉnh

Trong công văn gửi Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo các tỉnh, thành ngày 29/8 về việc triển khai một số hoạt động đầu năm học 2022-2023, Bộ Giáo dục và Đào tạo đưa ra tám hoạt động yêu cầu các địa phương thực hiện, trong đó có việc công khai các khoản thu, chi. Yêu cầu này thường xuyên được Bộ Giáo dục và Đào tạo đưa ra vào đầu mỗi năm học, thời điểm phụ huynh phải nộp nhiều loại chi phí cho con.

Trước thực trạng thu chi đầu năm học, Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Phú Yên Trần Khắc Lễ đã nhắc nhở, chấn chỉnh các đơn vị, trường học không thu trái quy định; tăng cường kiểm tra.

“Sở sẽ xử lý nghiêm người đứng đầu cơ sở giáo dục để xảy ra tình trạng lạm thu; đồng thời nghiêm cấm việc lợi dụng danh nghĩa ban đại diện cha mẹ học sinh để thu các khoản ngoài quy định của Thông tư 55 năm 2011 của Bộ GD&ĐT”, công văn nêu.

Ông Nguyễn Văn Ngai, nguyên Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo TP HCM, cho rằng phụ huynh có người dư dả, có người khó khăn, nhưng nói chung đều quan tâm và ưu tiên lợi ích của con cái, nên những khoản đóng góp mà đa số đồng ý tất cả đều nộp. Nhưng điều phụ huynh băn khoăn là tiền họ chi như vậy có đúng mục đích không, nếu chưa được thông tin đầy đủ.

 

Theo ông Ngai, dù không vơ đũa cả nắm, một số trường cũng lợi dụng các khoản thu ngoài quy định để có các khoản chi không phù hợp, dẫn tới việc lạm thu. Do đó, để phụ huynh tin tưởng và thoải mái khi đóng góp, ông Ngai đánh giá việc minh bạch, thông tin rõ ràng, thuyết phục “là điều tiên quyết”.

Untitled 3a 1
Một buổi họp phụ huynh đầu năm học mới. Ảnh minh họa: Báo Hà Nội mới

Hơn 20 năm làm công tác quản lý, ông Nguyễn Hoàng Chương, nguyên hiệu trưởng trường THPT Lộc Phát (Lâm Đồng), cho rằng trong bất kỳ cuộc vận động nào, lãnh đạo trường phải xin chủ trương của cấp có thẩm quyền và được thông qua, sau đó mới kêu gọi quyên góp. “Điều đầu tiên là phải có chủ trương minh bạch”, ông Chương nói.

Vì không thể gặp trực tiếp tất cả phụ huynh, hiệu trưởng cần giữ đầu mối liên lạc thông qua giáo viên chủ nhiệm. Phòng trường hợp thầy, cô giáo diễn đạt không hết ý hoặc gắt gỏng khi giải thích cho phụ huynh, mỗi lần cần vận động, ông Chương đều đánh máy và gửi bản in, các biểu mẫu và thông tin liên quan tới từng phụ huynh. “Mọi chuyện thể hiện trên giấy tờ, biên bản thì không sai lệch được. Như tôi nói từ đầu, muốn xã hội hóa thì trước tiên phải làm đúng, an toàn”, ông nói.

Ngoài việc thuyết phục phụ huynh, hiệu trưởng Hoàng Chương cho rằng các hiệu trưởng cần rõ ràng, minh bạch với chính tập thể mà mình đang quản lý. Không ít những tố cáo liên quan đến việc thu, chi của nhà trường xuất phát từ những lá đơn nặc danh của cán bộ, nhân viên trong trường. Do đó, “muốn ngoài êm thì trong phải ấm, thật cần thiết thì mới kêu gọi đóng góp”.

Theo các nhà giáo, hiệu trưởng luôn phải là người nắm rõ toàn bộ và chịu trách nhiệm cao nhất trong mọi khoản thu, chi trong nhà trường. Nhiều trường hợp khi được phản ánh về vấn đề kêu gọi, quyên góp không hợp lý, một số hiệu trưởng cho biết đây là do hội phụ huynh từng lớp thu và không nắm được sự việc. Ông Ngai đánh giá đây là hành vi ngụy biện. “Kể cả quỹ hội thì hiệu trưởng vẫn phải biết và chịu trách nhiệm nếu khoản đó dùng không đúng quy định, không thể đổ thừa cho bất kỳ ai khác”, ông Ngai khẳng định.

Ngoài minh bạch chủ trương, quá trình sử dụng, các nhà giáo nhấn mạnh cần làm rõ tính chất bắt buộc hay tự nguyện của các khoản thu.

Từ góc độ quản lý, nguyên hiệu trưởng Hoàng Chương cho rằng việc cào bằng mức đóng góp xã hội hóa của mỗi phụ huynh là không hợp lý, cho thấy sự nóng vội của người đứng đầu. Theo ông Chương, hoàn cảnh của mỗi gia đình khác nhau, nên việc đóng góp cần để họ cân đối dựa trên điều kiện kinh tế.

“Việc mỗi người một mức đóng có thể khiến tổng thu không như mong muốn, nhưng năm nay công trình chưa xong thì năm sau hoàn thành. Hoặc hiệu trưởng có thể huy động xã hội hóa từ các nguồn ngoài nhà trường, không nhất thiết luôn phải là phụ huynh đóng góp”, ông Chương bày tỏ.

Tại trường Tiểu học Nam Trung Yên (Cầu Giấy, Hà Nội), hiệu trưởng Trần Văn Hà cho biết mỗi khoản thu, chi của quỹ hội phụ huynh, nếu không chứng minh được mục đích sử dụng hợp lý, trường sẽ không tổ chức thu. “Thấy được mức độ ảnh hưởng từ dịch bệnh tới kinh tế, trường rất hạn chế vận động phụ huynh ủng hộ. Các hoạt động cần tài trợ, trường chủ yếu kêu gọi qua hoạt động đối ngoại”, ông Hà nói.

Đặt góc nhìn vĩ mô, ông Nguyễn Văn Ngai cho rằng trước đầu năm học, Sở Giáo dục và Đào tạo có thể phối hợp với Sở Tài chính khảo sát các trường về nhu cầu kinh phí để xây dựng những hạng mục cụ thể. Các cấp quản lý có thể cân đối và chỉ nên cho nhà trường thu trong mức đã báo cáo.

Xa hơn, ông Ngai nhận định ngân sách nhà nước dùng cho giáo dục chưa đáp ứng được nhu cầu của ngành. “Do đó, Nhà nước cũng nên xem xét để có thể tính toán, có khoản chi cho ngành hợp lý hơn, để các trường yên tâm tổ chức dạy và học”, ông Ngai bày tỏ.

Với chị Quỳnh, chị Loan, sau khi hỏi về kế hoạch chi tiết của các khoản đóng góp mua đồ dùng, cơ sở vật chất, dù không thỏa mãn với câu trả lời của giáo viên chủ nhiệm, hai người mẹ vẫn nộp đủ. “Tôi không muốn làm khó cô giáo, vì biết đây không phải khoản cô nghĩ ra. Chưa kể, nếu cứ đôi co làm lớn chuyện, việc học của con tôi ở trường có thể bị ảnh hưởng”, chị Quỳnh nói.

Những khoản không được phép thu 

Thông tư 55 của Bộ GD&ĐT liệt kê chi tiết 7 khoản tiền ban đại diện cha mẹ học sinh không được phép thu, gồm: Bảo vệ cơ sở vật chất của nhà trường, bảo đảm an ninh nhà trường; trông coi phương tiện tham gia giao thông của học sinh; vệ sinh lớp học, vệ sinh trường; khen thưởng cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên nhà trường.

Bộ GD&ĐT cũng yêu cầu không được thu tiền mua sắm máy móc, trang thiết bị, đồ dùng dạy học cho trường, lớp học hoặc cho cán bộ quản lý, giáo viên và nhân viên nhà trường; hỗ trợ công tác quản lý, tổ chức dạy học và các hoạt động giáo dục; sửa chữa, nâng cấp, xây dựng mới các công trình của nhà trường.

Việc thu, chi kinh phí của ban đại diện cha mẹ học sinh phải bảo đảm nguyên tắc công khai, dân chủ; không quy định mức kinh phí ủng hộ bình quân cho các cha mẹ học sinh.

Tịnh Yên (t/h)

BN 2 jpeg 1

Hi hữu: Dự lễ tri ân lớp 9, bố mẹ sốc khi con không có tên trong hồ sơ học sinh

Trường quốc tế bất ngờ đóng cửa, ôm 14 tỷ học phí của học sinh

Tân Thế Kỷ Truyền Thống – Nhân Văn – Trung Thực

Xem thêm

- Quảng cáo -spot_img

Xem nhiều