spot_img
24 C
Vietnam
Thứ sáu,20 Tháng chín
spot_img

Lọc ứng viên qua việc dọn cốc rỗng, vị giám đốc điều hành gây tranh cãi

Tân Thế Kỷ – Cựu giám đốc điều hành hãng Xero Australia đã gây ra một cơn bão tranh luận trên các nền tảng mạng xã hội khi chia sẻ về chiến lược tuyển dụng của mình trên một chương trình podcast.

Trong các cuộc phỏng vấn tuyển dụng, bên cạnh việc xem xét sơ yếu lý lịch, hỏi những câu thông thường về trình độ học vấn, kinh nghiệm hay mức lương mong muốn,… không ít nhà tuyển dụng đưa ra những câu hỏi tình huống để thử thách ứng viên.

Câu hỏi tình huống này được đưa ra nhằm giúp nhà tuyển dụng có thể đánh giá được ứng viên một cách chính xác nhất. Từ các câu hỏi tình huống, nhà tuyển dụng có thể dựa trên cách trả lời, xử lý của ứng viên để kiểm tra được phản xạ, tính cách thật cũng như thái độ, kỹ năng của ứng viên.

Tách cafe lọc ứng viên

Ông Innes nói trong buổi gặp gỡ ứng viên xin việc, ông thường đưa họ dạo qua khu vực bếp và mời dùng nước uống (trà, cà phê) hoặc chút thức ăn nhẹ rồi quay lại bàn phỏng vấn.

“Tôi mong đợi khi kết thúc phỏng vấn, họ sẽ mang chiếc cốc rỗng trở lại quầy bếp”, Innes nói. Trent Innes thẳng tay loại những ứng viên không chủ động dọn dẹp cốc cà phê dùng xong trong buổi phỏng vấn tuyển dụng.

“Kiến thức, kỹ năng và kinh nghiệm của ứng viên đều được xây dựng từ thái độ của họ”, Innes lý giải về quyết định tuyển nhân viên dựa vào một hành động nhỏ như thế này. Ông tin rằng bất kể họ giữ vị trí gì trong công ty, từng hành động nhỏ đều rất quan trọng.

7357862749d8fb62a2c5cc994d394210 enternews 1694539665
Trent Innes là cựu giám đốc công ty Xero Úc. Trên truyền thông, ông kể mình có một phương pháp tuyển dụng đặc biệt. – Ảnh: diendandoanhnghiep.vn

Nhưng quyết định này vấp phải nhiều ý kiến trái chiều

Những chia sẻ của Innes bỗng dưng lại nổi như cồn trên mạng xã hội như Tiktok hay Reddit. Các video chia sẻ về chương trình này đều nhận được nhiều sự quan tâm từ cộng đồng mạng.

Video trên Tiktok đạt tới hơn 24.000 lượt tương tác, bình luận ở các bài đăng trên Reddit cũng lên đến con số hàng trăm. Nhưng đa số người xem trên các nền tảng mạng xã hội này đều có ý kiến khá tiêu cực về chiến lược tuyển dụng của cựu giám đốc điều hành Xero Australia.

Họ cho rằng việc làm của Innes với ứng viên của mình là những trò mánh khóe nhảm nhí. Nhiều người cũng đồng tình rằng chiến lược của Innes không chỉ thể hiện ông là một vị sếp tồi mà còn là dấu hiệu của một môi trường làm việc độc hại.

Những người xem khá phẫn nộ với chiêu cà phê tuyển dụng, nhiều người chia sẻ rằng việc làm của Innes là quá vô lý và bất công. Do, Innes không đưa ra đủ thông tin cho ứng viên suy luận nhưng lại đánh trượt họ vì không đoán được suy nghĩ của mình.

Triết lý tuyển dụng tưởng như “vô nghĩa”

Có lẽ cộng đồng mạng chưa xem hết phần sau của chương trình, hoặc có thể họ chưa đủ bình tâm để suy nghĩ về ly cà phê của Innes, nên mới phản ứng gay gắt như vậy.

Innes nói rằng ông đang cố gắng tìm kiếm một người luôn có thái độ tốt, bất kể có phải làm công việc gì trong tổ chức kể cả công việc tầm thường nhất, thì vẫn hoàn thành một cách nghiêm túc và cẩn thận.

Khi bạn tới Xero, bạn sẽ thấy căn bếp lúc nào cũng sạch bóng,  vì mỗi cá nhân luôn ý thức được trách nhiệm của mình trong tổ chức. Tạo ra giá trị cho công ty chính là tạo ra giá trị cho chính mình. Do đó, khái niệm “tự rửa cốc cà phê của mình” ở đây có nghĩa là chủ động giải quyết các công việc, dù là nhỏ nhất.

Cựu giám đốc Xero cho biết: “Thái độ và sự chủ động, là điều một công ty đang phát triển như Xero tìm kiếm ở ứng viên. Chúng tôi muốn đảm bảo rằng những đồng đội của mình là người có thái độ tốt, luôn chủ động, có trách nhiệm trong công việc”.

Với Innes, ông cho rằng: “Nếu thiếu kỹ năng bạn có thể rèn luyện, nếu thiếu kinh nghiệm bạn có thể tích lũy. Nhưng để làm được điều đó còn phải phụ thuộc vào thái độ của bạn”

Innes cho biết, đa số các ứng viên đều đề nghị mang cốc về bếp, chỉ có một số ít người không làm như vậy.

Đây chính là một minh chứng đời thực cho quan điểm về nhân sự vẫn được nhiều người ủng hộ gần đây, đó là “Thái độ hơn trình độ”. Chỉ có điều, khi quan điểm này ứng dụng vào thực tế thì có vẻ chính các nhân sự đang “nhảy dựng” lên phản đối.

Vì sao nói thái độ quan trọng hơn trình độ?

Chuyên môn để đạt được kết quả công việc là điều quan trọng, nhưng cách đối nhân xử thế để mang đến kết quả đó còn quan trọng hơn vì liên quan mật thiết đến sự phát triển bền vững, lâu dài của cả cá nhân và tổ chức. Dù là thời đại nào thì thái độ của nhân sự luôn được doanh nghiệp chú trọng và coi trọng hơn trình độ.

Thái độ chính là tấm gương phản ánh nhân cách, đạo đức của mỗi người. Trong công việc hay bất cứ khía cạnh nào của cuộc sống, chúng ta chắc chắn sẽ không an tâm, và cũng không sẵn lòng hợp tác cùng những người đạo đức không tốt vì bên cạnh họ, ta luôn cảm thấy rủi ro rình rập, cảm thấy bản thân bị thiệt thòi.

Ngược lại, với những người có thái độ tốt, chuẩn mực, chúng ta luôn sẵn sàng và luôn mong muốn được làm bạn, làm đồng nghiệp, đối tác của họ vì ở họ có sự chính trực, chuẩn mực, và giúp ta nâng cao giá trị bản thân. Vì vậy, nếu chúng ta là người có thái độ tốt đó, ta cũng sẽ có được những điều tốt đẹp này.

Mỗi doanh nghiệp là một tập thể, mà một tập thể không thể thành công khi chỉ nhờ vào một hoặc hai cá nhân. Chính vì vậy, tuyển dụng những nhân sự có thái độ làm việc tốt, luôn hợp tác và giảm bớt “cái tôi” khi phối hợp cùng đồng đội chính là nền tảng giúp doanh nghiệp xây dựng tập thể vững mạnh.

080109996 thai do quan trong hon trinh do 2
Tuyển dụng những nhân sự có thái độ làm việc tốt, luôn hợp tác và giảm bớt “cái tôi” khi phối hợp cùng đồng đội chính là nền tảng giúp doanh nghiệp xây dựng tập thể vững mạnh. – Ảnh minh họa. – Nguồn: talentbold.com

Ngược lại, nếu tuyển dụng những nhân tố trịch thượng, hách dịch, cao ngạo, thiếu tôn trọng đồng nghiệp thì không sớm thì muộn tập thể cũng sẽ rời rạc. Nếu quản lý lại coi trọng những nhân tố đó vì thành tích mà họ mang mà không quan tâm đến môi trường làm việc chung thì những nhân sự giỏi khác cũng sẽ từ từ rời doanh nghiệp.

Trình độ là những kiến thức học hỏi được từ trường lớp, từ thực tế công việc nên hoàn toàn có thể trau dồi và nâng cao được. Trong khi thái độ lại thuộc về tố chất đã hình thành từ khi còn nhỏ, được hun đúc trong những môi trường sống khác nhau, chính vì vậy, nó trở thành quan niệm sống của mỗi người. Với vai trò người sử dụng lao động, doanh nghiệp không có đủ thời gian và nguồn lực, cũng không có trách nhiệm để thay đổi thái độ của một nhân sự.

Chính vì vậy, họ sẽ lựa chọn những ứng viên có thái độ sống và làm việc phù hợp với môi trường và văn hóa doanh nghiệp để gắn kết. Họ sẵn sàng đào tạo và tạo điều kiện để những nhân sự có thái độ làm việc tốt nâng cao chuyên môn theo thời gian.

Thông qua những chia sẻ trên đây, chúng ta đúc kết được nhiều bài học quý giá cho hành trình phát triển sự nghiệp của bản thân, cũng chính là hành trình nâng cao thái độ, nâng cao giá trị con người như: thể hiện lòng biết ơn với những gì nhận được, tôn trọng mọi người xung quanh, làm việc nghiêm túc, có trách nhiệm, chủ động học hỏi vì công việc,…

Tịnh Yên (t/h)

Hanhtrinh140x72 2

Học cách tiết kiệm tiền của người Nhật để trở nên giàu có hơn

Dịch vụ “test người yêu”, có nên thử hay không?

Tân Thế Kỷ Truyền Thống – Nhân Văn – Trung Thực

Xem thêm

- Quảng cáo -spot_img

Xem nhiều