spot_img
24 C
Vietnam
Thứ sáu,20 Tháng chín
spot_img

Trường quốc tế có học phí 700 triệu bị phụ huynh vây đòi nợ hàng tỷ đồng

Tân Thế Kỷ – Những ngày qua, nhiều phụ huynh tập trung đến trước Trường Quốc tế Mỹ Việt Nam để… đòi nợ hàng tỷ đồng từ trường và chủ trường.

Cao điểm vào ngày 21/9, nhiều phụ huynh tập trung, căng băng rôn trước khu vực trường Trường quốc tế Mỹ Việt Nam (AISVN) có trụ sở tại Nhà Bè, TPHCM để đòi nợ.

Sau đó, lực lượng công an khu vực đã đến trao đổi với phụ huynh để đảm bảo an ninh trật tự cũng như làm việc với nhà trường, xác định lý do phụ huynh đến đòi tiền khi trường chậm trả theo hợp đồng và cam kết.

Ký nhiều hợp đồng vay vốn hàng tỷ đồng với phụ huynh nhưng chưa trả

Phụ huynh Ng.C.T. cho biết vào tháng 2/2018,  Trường Quốc tế Mỹ Việt Nam thông qua người đại diện pháp luật là bà Nguyễn Thị Út Em, Chủ tịch HĐQT trường ký hợp đồng vay vốn của anh, tổng số tiền hơn 5 tỷ đồng, lãi suất 0%.

Đổi lại, hai con anh được hỗ trợ học tập, đào tạo miễn học phí trong thời gian học chính khóa tại trường. Theo hợp đồng, trường sẽ trả lại số tiền vay khi con anh kết thúc học tại trường hoặc chuyển trường.

ut em 525
Phụ huynh căng băng rôn yêu cầu chủ trường trả nợ. Ảnh: PHCC

Tuy nhiên, khi con anh T. đã hoàn thành thủ tục chuyển trường từ lâu, quá thời hạn thanh toán, qua nhiều buổi làm việc với trường và cả bà Út Em, trường vẫn không hoàn trả lại khoản tiền đã vay nói trên.

“Trường cam kết bằng công văn sẽ trả gói đầu tư của tôi từ ngày 19/3-30/6/2023 thành 4 đợt nhưng nhiều tháng chờ đợi tôi vẫn không nhận được tiền. Sau đó bà Út em cam kết qua biên bản làm việc sẽ trả cho tôi thành 3 đợt từ 15/7-15/9 nhưng đến nay tôi vẫn không nhận được bất cứ đồng nào”, anh T. bức xúc.

Không chỉ anh T. mà nhiều phụ huynh khác cũng cho trường này vay vốn hàng tỷ đồng theo chương trình hoàn lại học phí như vậy.

Theo hợp đồng này, phụ huynh sẽ đóng một khoản tiền lớn gọi là đầu tư hoặc cho vay vốn với số tiền hàng tỷ đồng, đổi lại phụ huynh sẽ không phải đóng học phí trong quá trình con theo học tại trường.

Theo hợp đồng, trường sẽ trả lại số tiền vay từ phụ huynh khi trẻ kết thúc chương trình tại trường hoặc hoàn thành thủ tục chuyển trường.

Anh T. cho biết, một người bạn của mình còn cho trường vay số tiền lên đến 8 tỷ đồng thông qua nhiều hợp đồng vay. Vậy nhưng, đến nay, phụ huynh này chỉ nhận được số tiền là 250 triệu đồng, mọi cam kết hoàn trả từ bên vay đều không được thực hiện.

Còn trường hợp chị K. cho trường vay 4 tỷ đồng bằng hợp đồng vay vốn cùng cam kết hoàn trả trong vòng 60 ngày khi con chị học xong hoặc hoàn tất thủ tục chuyển trường. Đến nay, việc trả tiền theo hợp đồng này đã không được bên vay thực hiện, đến nay chị vẫn không lấy lại được tiền.

Untitled 2 1
Phụ huynh cầm theo băng rôn yêu cầu chủ trường và trường trả nợ theo hợp đồng (Ảnh: PHCC).

Theo các phụ huynh, gần đây mọi liên hệ qua nhiều kênh với Chủ tịch HĐQT trường và trường đều không thực hiện được. Họ nhiều lần đến tận trường, tìm đến nhà nhưng đều không thể gặp. Chưa kể, khi phụ huynh đến trường muốn gặp bà Út Em và nhà trường để trao đổi còn bị bảo vệ chặn không cho vào.

Được biết, anh T. và một số phụ huynh cũng đã gửi đơn tố cáo về sự việc lên Sở GD&ĐT TPHCM.

Thông tin ban đầu từ đại diện Trường Quốc tế Mỹ Việt Nam, trường sẽ làm việc với từng phụ huynh cùng kế hoạch đưa ra lộ trình hoàn tiền cho phụ huynh trong thời gian 2 năm.

Trường có học phí đắt đỏ bậc nhất TP. HCM

Trường Quốc tế Mỹ Việt Nam được thành lập vào năm 2006. Đây là một trong những trường phổ thông có học phí đắt đỏ bậc nhất ở TP. HCM. Theo công bố, học phí năm học 2023-2024 của trường này dao động từ 280 triệu đồng đến mức cao nhất 725 triệu đồng/năm.

Untitled 1acv
Học phí năm học 2023-2024 tại Trường Quốc tế Mỹ Việt Nam (Ảnh: Website nhà trường).

Mức học phí trên chưa tính hàng loạt các khoản phí khác như phí hồ sơ đầu vào, phí ghi danh, phí chương trình phát triển Anh ngữ… lên đến cả trăm triệu đồng.

Theo lời giới thiệu trên website của trường, từ năm 1997, bà Út Em đã bắt đầu tìm hiểu mô hình giáo dục quốc tế cho học sinh Việt Nam. Bà Em thành lập AISVN vào tháng 8/2006, với tầm nhìn một trường quốc tế phổ thông liên cấp, từ cấp mẫu giáo đến lớp 12, không giới hạn về số lượng học sinh là người Việt Nam, hoạt động theo tiêu chí phi lợi nhuận.

AISVN được thiết kế trên khuôn viên rộng 6,5 hecta tại Nhà Bè và đã có gần 1.300 học sinh theo học, trong đó 90% học sinh là người Việt Nam và số còn lại thuộc 21 quốc tịch khác. Trường cũng đã có kế hoạch mở rộng khuôn viên trường thêm 7 ha.

Trước đó, theo thông tin từ Tạp chí điện tử VIETTIMES, CTCP Giáo dục Quốc tế Mỹ AIS (AIE) được thành lập vào giữa tháng 10/2018, địa chỉ trụ sở đặt tại xã Long Thới, huyện Nhà Bè, TP.HCM. Ngành nghề kinh doanh chính của công ty này là giáo dục tiểu học.

Ngoài AIE, bà Nguyễn Thị Út Em còn đứng tên tại một số doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực giáo dục khác. Theo tìm hiểu, AISVN được khởi công xây dựng vào năm 2009 với tổng vốn đầu tư khoảng 90 triệu USD, chủ đầu tư thời điểm đó được xác định là Công ty TNHH Quản trị Tài nguyên Tri thức (Tài nguyên Tri thức). Đây cũng là doanh nghiệp mà bà Út Em cùng hai cổ đông họ Hồ của AIE góp vốn thành lập.

Còn theo Cổng thông tin tài chính – chứng khoán Vietstock, ngày 26/1/2022, Giáo dục quốc tế Mỹ AIS đã phát hành 250 tỷ đồng lô trái phiếu AIECH2223001 kỳ hạn 18 tháng, đáo hạn ngày 26/7/2023. Lãi suất cố định 11.5%/năm. Tổ chức lưu ký là CTCP Chứng khoán Bảo Việt.

Tuy nhiên, đến ngày 26/7/2023, Công ty gia hạn thời gian tất toán lô trái phiếu trên thêm 6 tháng, đến 26/1/2024, đồng thời lãi suất điều chỉnh từ 11.5% lên 12%/năm. Tổng mệnh giá còn đang lưu hành là 200 tỷ đồng.

Ngoài lô trái phiếu trên, Giáo dục quốc tế Mỹ AIS còn lô AIECH2224002 phát hành ngày 8/9/2022, kỳ hạn hai năm, đáo hạn vào 8/9/2024. Tổng giá trị theo mệnh giá gần 318 tỷ đồng, lãi suất cố định 10.5%/năm.

Giáo dục Quốc tế Mỹ AIS thành lập ngày 15/10/2018, ngành nghề kinh doanh chính về giáo dục tiểu học. Vốn điều lệ ban đầu 50 tỷ đồng với ba cổ đông sáng lập là bà Nguyễn Thị Út Em (Chủ tịch HĐQT kiêm người đại diện pháp luật) sở hữu 90%, ông Hồ Quang Trung sở hữu 9.9%, ông Hồ Quang Tri 0.1%. Đáng chú ý, chỉ 10 ngày sau khi thành lập, Giáo dục quốc tế Mỹ AIS đã nâng vốn điều lệ lên tới 1 ngàn tỷ đồng, gấp 20 lần, cơ cấu cổ đông không được tiết lộ.

Tịnh Yên (t/h)

BN 2 jpeg 3

Hé lộ mức “hoa hồng” từ dạy “tăng cường” trong trường học

Đồng phục giá nửa triệu một bộ, nhưng “thua áo vài chục ở chợ”, ai được lợi?

Tân Thế Kỷ Truyền Thống – Nhân Văn – Trung Thực

Xem thêm

- Quảng cáo -spot_img

Xem nhiều