Sau hơn 10 năm bất ổn với thị trường vàng, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã ban hành Thông tư 12/2023/TT-NHNN sửa đổi Thông tư 06/2013/TT-NHNN hướng dẫn hoạt động mua, bán vàng miếng trên thị trường trong nước của NHNN. Thông tư có hiệu lực từ 27/11/2023.
Theo đó, Cục Quản lý dự trữ ngoại hối Nhà nước thông báo bằng văn bản cho Vụ Quản lý ngoại hối, Vụ Tài chính – Kế toán, Sở Giao dịch và Cục Phát hành và Kho quỹ về kết quả giao dịch mua, bán vàng miếng với từng tổ chức tín dụng, doanh nghiệp sau khi ký xác nhận giao dịch.
Cụ thể, Cục Quản lý dự trữ ngoại hối Nhà nước có trách nhiệm:
– Làm đầu mối phối hợp với Vụ Quản lý ngoại hối trình Thống đốc Ngân hàng Nhà nước xem xét, quyết định tạm ngừng giao dịch, hủy quan hệ mua, bán vàng miếng với tổ chức tín dụng, doanh nghiệp.
– Phối hợp với Vụ Quản lý Ngoại hối xác định giá mua, giá bán vàng miếng (đối với trường hợp mua bán trực tiếp và đấu thầu theo khối lượng), giá sàn, giá trần (với trường hợp đấu thầu theo giá) theo phương án mua bán đã được phê duyệt;
– Thông báo bằng văn bản cho Sở Giao dịch về việc tổ chức tín dụng, doanh nghiệp vi phạm nghĩa vụ để làm căn cứ xử lý tiền đặt cọc…
Đặc biệt, Thông tư 12/2023 còn bổ sung quy định về trách nhiệm của Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng làm đầu mối trình Thống đốc cho phép, chấm dứt cho phép tổ chức tín dụng bị đặt trong tình trạng kiểm soát đặc biệt giao dịch mua, bán vàng miếng với Ngân hàng Nhà nước;
Thông báo cho tổ chức tín dụng quyết định của Ngân hàng Nhà nước về cho phép, chấm dứt cho phép giao dịch mua, bán vàng miếng; Thực hiện hoạt động thanh tra, giám sát hoạt động mua bán vàng miếng của tổ chức tín dụng, doanh nghiệp với Ngân hàng Nhà nước theo quy định.
Kể từ năm 2014, NHNN đã dừng việc dập vàng miếng SJC đưa ra thị trường với mục đích hạn chế vàng hóa. Tuy nhiên, đã xảy ra tình huống, giá vàng SJC từ đó luôn được neo cao, cao hơn hẳn giá vàng thế giới. Mức chênh lệch giữa SJC và vàng thế giới có lúc lên tới gần 20 triệu đồng/lượng.
Việc này tạo ra những dư luận ồn ào. Rất nhiều câu hỏi được nêu lên: Vì sao lại có hiện tượng chênh lệch giá giữa vàng SJC và vàng thế giới từ 15-20 triệu/lượng? Có hay không lợi ích nhóm, tiền chênh đó ai được hưởng lợi? Tại sao không xóa bỏ độc quyền sản xuất vàng miếng…
Với các quy định công khai minh bạch thị trường vàng trong Thông tư 12/2023/TT-NHNN đã tác động mạnh tới hoạt động mua bán, tích trữ vàng SJC.
Càng tiến dần đến ngày 27/11, khoảng cách giá vàng SJC và vàng thế giới càng thu hẹp. Tính đến 3/11, giá vàng ngày giá vàng SJC niêm yết ở mức 69,7 – 70,4 triệu đồng/lượng. Thương hiệu vàng Rồng Thăng Long của Bảo Tín Minh Châu đứng ở mức 59,08 – 60,03 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra).
Trên thị trường vàng thế giới, giá vàng giao ngay chốt phiên châu Á sáng 3/11 ở mức 1.983,3 USD/ounce, tương đương với 59,6 triệu đồng/lượng, ngang với giá vàng Rồng Thăng Long, thấp hơn giá vàng SJC hơn 10 triệu đồng/lượng.
Biên độ chênh lệch giá mua – bán vàng SJC cũng thu hẹp xuống chỉ còn 500.000 đồng/lượng, phản ánh nhu cầu giao dịch không cao buộc các doanh nghiệp thu hẹp giá mua – bán.
Theo một số doanh nghiệp, nhu cầu mua vàng SJC giảm vì giá kim loại quý này quá cao, trong khi vàng nhẫn, vàng trang sức 24K được chọn nhiều hơn vì diễn biến theo sát giá thế giới.
Nghi Vân (t.h)
Theo TTVN, VTC
Xem thêm:
Country Garden ‘vỡ nợ’ Trung Quốc chìm sâu hơn vào khủng hoảng
Tân Thế Kỷ Truyền Thống – Nhân Văn – Trung Thực