Lễ truy điệu Giang Trạch Dân được tổ chức vào ngày 6 tháng 12, chính quyền đã ra lệnh cấm toàn dân vui chơi giải trí khiến người dân bất mãn. Một số người chỉ ra rằng Giang Trạch Dân không xứng với tiêu chuẩn này. Mặt khác, phía chính phủ tuyên bố rằng sẽ không cử hành lễ tiễn biệt, và lặp lại tuyên bố này nhiều lần. Đồng thời, thi thể của Giang Trạch Dân nhiều lần bị “phơi thây” trong quan tài trong suốt, thậm chí là dưới ánh nắng (một điều kiêng kỵ trong văn hóa truyền thống Á Đông), làm dấy lên đồn đoán bên ngoài rằng cuộc chiến trong nội bộ ĐCSTQ vẫn đang tiếp diễn.
Theo thông báo của “Ban tang lễ”, lễ truy điệu Giang Trạch Dân được tổ chức tại Đại lễ đường Bắc Kinh vào ngày 6/12. Toàn dân dừng các hoạt động vui chơi giải trí và mặc niệm 3 phút, không có lễ tiễn biệt nào được tổ chức.
Về vấn đề này, một số cư dân mạng oán trách: “Con cóc chết rồi, lòng người kinh tởm”, “Đây không phải một loại thảm họa tự nhiên, tại sao người chết trong vụ hỏa hoạn ở Ô lỗ mộc tề Urumqi không được như vậy?”. “Nữ hoàng Anh qua đời cũng không thấy ai không được chơi game trực tuyến. Chính quyền Trung Quốc nghĩ mình là Thượng đế sao?”, cũng có không ít cư dân mạng đã chế giễu: “Hôm nay là một ngày tốt lành!”
Theo NTDTV, người dân Trung Quốc đại lục cho rằng Giang Trạch Dân không xứng đáng được tổ chức quốc tang.
Nghệ thuật gia đại lục Đồng Nhất Mẫn (Tong Yimin) cho biết: “Giang Trạch Dân tội ác đầy mình, trong nhiệm kỳ của mình ông ta đã làm nhiều điều xấu, rõ ràng ông ta không xứng đáng được cử hành quốc tang. Diện tích đất ông ta đã bán tương đương với 40 lần Đài Loan. Kẻ phản bội như vậy vẫn còn có người tưởng niệm! Tôi không biết mọi người lấy cái gì để tưởng niệm ông ta”.
Phan Tân Vũ (Pan Xinyu), cựu giám đốc của một công ty đại lục nói rằng: “ĐCSTQ tiếp tục duy trì quyền lực để lừa bịp nhân dân, bây giờ làm một chiếc quan tài cao cấp để kết thúc cái chết của Giang Cóc. Cái chết của Giang Trạch Dân, một kẻ phản bội và giả mạo, không còn xa với sự tan rã của ĐCSTQ”.
Các nhà bình luận chỉ ra rằng tội ác bức hại Pháp Luân Công của Giang Trạch Dân nhiều đến mức không thể viết ra hết, và ông ta sẽ bị trừng phạt ngay cả khi ông ta đã chết.
Họa sĩ đại lục Nhan Chân (Yan Zhen) nói: “Giang Trạch Dân đã phát động chiến dịch đàn áp Pháp Luân Công vào tháng 7 năm 1999. Kết quả là vô số gia đình bị bức hại, nhiều người phải ly tán, sống lưu lạc, bị giam giữ và kết án phi pháp, thậm chí còn bị mổ cướp nội tạng. Với tội ác tày trời như vậy, làm sao Giang Trạch Dân có thể chết như thế?. Tương lai cũng sẽ có ngày ông ta bị trừng phạt, cho dù chết cũng phải xuống địa ngục chịu hình phạt xứng đáng”.
Cựu nhà ngoại giao ĐCSTQ Trần Dụng Lâm (Chen Yonglin) cho rằng: “Là một đồ tể, Giang Trạch Dân đã chết một cách hèn mọn và nhục nhã. Tội ác của Giang Trạch Dân là quá nhiều để viết ra.Ttheo tôn giáo mà nói, ông ta hẳn phải bị đày xuống 18 tầng địa ngục. Cuộc đàn áp Pháp Luân Công tàn bạo của Giang Trạch Dân đã để lại vô số bằng chứng về tội ác này. Sau khi Đảng Cộng sản sụp đổ, những sự thật này cuối cùng sẽ được phơi bày ra thế giới”.
Tại lễ truy điệu Giang Trạch Dân, ông Tập Cận Bình đã khẳng định sự ủng hộ của Giang Trạch Dân đối với quyết định đàn áp sinh viên của chính quyền trung ương trong vụ thảm sát “Ngày 4 tháng 6” trong bài điếu văn của mình. Khi “cuộc cách mạng giấy trắng” quét qua đất nước cách đây không lâu, các phân tích đã chỉ ra rằng ông Tập Cận Bình lo lắng rằng những người biểu tình sẽ phát động thêm các cuộc biểu tình dưới danh nghĩa tưởng niệm Giang Trạch Dân, vì vậy ông đã nhắc nhở người dân rằng Giang Trạch Dân và chính quyền trung ương đã tham gia đàn áp phong trào sinh viên ngày 4 tháng 6.
Nghệ thuật gia Đồng Nhất Mẫn nói rằng: “Giang Trạch Dân đã có công lớn trong việc đàn áp phong trào sinh viên ở Thượng Hải vào ngày 4 tháng 6, hãm hại tổng biên tập tờ “Đạo báo tự do” và được chọn làm lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc. Sau ngày 4 tháng 6, các phần tử trí thức bị truy sát trên quy mô lớn, những người đứng đầu phong trào sinh viên bị bắt giữ và xét xử trên toàn quốc. Cuộc đàn áp tàn bạo các nhà hoạt động ủng hộ dân chủ đã bóp nghẹt phong trào dân chủ của Trung Quốc ngay từ thuở sơ khai”.
Các phương tiện truyền thông của ĐCSTQ đã công bố Giang Trạch Dân qua đời vào ngày 30 tháng 11. Do thời điểm nhạy cảm, nó được coi là một yếu tố tranh giành quyền lực trong nội bộ ĐCSTQ.
Nhà bình luận các vấn đề thời sự Đường Hạo (Tang Hao) cho biết: “Rất có khả năng họ sẽ nhân cơ hội đánh bại thế lực chống Tập do Tăng Khánh Hồng đứng đầu trong phe Giang. Người đứng đầu của họ đã chết, cây đổ bầy khỉ tan, tranh thủ thời gian chọn đội lần nữa, chớ cùng trung ương đảng đối đầu. Vì vậy, mục đích cơ bản của việc ĐCSTQ tuyên bố Giang qua đời vào thời điểm này không phải để thương tiếc Giang mà là để tận dụng giá trị còn lại của Giang để giúp ĐCSTQ phân tán nguy cơ khủng hoảng chính trị và che đậy cuộc đấu tranh của người dân, để duy trì sự ổn định của chế độ”.
Và tang lễ của Giang Trạch Dân cũng xuất hiện những sự kỳ lạ, ban đầu ĐCSTQ tuyên bố sẽ không cử hành lễ tiễn biệt, nhưng ông Tập Cận Bình đã tổ chức lễ tiễn biệt Giang Trạch Dân vào ngày 5/12. Trong đó, ông Hồ Cẩm Đào, người đã bị đưa khỏi địa điểm tổ chức lễ bế mạc Đại hội 20, cũng tham gia. Theo phân tích, có những nhân tố đấu tranh quyền lực trong đó.
Đồng thời, việc Giang Trạch Dân nhiều lần “phơi thây” sau khi chết cũng thu hút sự chú ý của dư luận. Vào ngày 1 tháng 12, thi thể của Giang Trạch Dân được đặt trong một chiếc quan tài trong suốt và được mang xuống máy bay dưới ánh nắng trực tiếp; vào ngày 5 tháng 12, sau lễ tiễn biệt, thi thể của Giang Trạch Dân được chuyển đến Nghĩa trang Bát Bảo Sơn (Babaoshan) để hỏa táng cũng trong quan tài trong suốt.
Một cư dân mạng đã đăng một video có nội dung: “Tập Cận Bình lại phơi thây Giang Trạch Dân…” Có người giải thích: “Thi thể được đặt trong một chiếc quan tài trong suốt, và phơi thây dưới ánh nắng … còn bị một số binh lính khiêng đi khiêng lại, thi thể bị phơi ra nhiều lần trước khi hỏa táng”. Có người chế nhạo nói: “Đây không phải quan tài, bên dưới còn có bốn chân đế đỡ, đây là bàn triển lãm”.
Tác giả Katherine Miller – The BL
Bản dịch theo ĐKN
Bài liên quan:
> Tại sao ông Tập nhắc đến vụ thảm sát Thiên An Môn trong đám tang Giang Trạch Dân?
> Ngày chết thật sự bị nghi ngờ, lịch sử đen tối của Giang Trạch Dân được phơi bày
> Cái chết của Giang Trạch Dân báo hiệu sự kết thúc của ‘kỷ nguyên kinh hoàng’
> “Thành tích” thật sự Giang Trạch Dân để lại là gì?
> Chuyên gia: Những tình tiết bất thường quanh cái chết của Giang Trạch Dân
> Giang Trạch Dân phạm ba trọng tội, ông Tập có thể sẽ thanh trừng gia tộc này