Trung Quốc vừa công bố kế hoạch triệu tập phiên họp toàn thể lần thứ ba vào tháng Bảy, với nghị trình tập trung vào những cải tổ và các chiến lược kinh tế, như đã nêu trong thông cáo báo chí của Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ).
Các nhà phân tích suy đoán rằng sự suy thoái của nền kinh tế đã buộc Bắc Kinh phải nhấn mạnh lại cải cách và mở cửa, mặc dù vẫn còn những nghi ngờ về tác động thực tế xoay quanh những lời hoa mỹ mang tính chính trị như vậy.
Sự chậm trễ của phiên họp toàn thể lần thứ ba vào năm ngoái của Ban Chấp hành Trung ương của lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình, thường được tổ chức vào tháng Mười hoặc tháng Mười Một, đã khiến các nhà quan sát cho rằng nguyên nhân là do phong cách ra quyết định tập trung của ông Tập và những thách thức chưa từng có mà chính quyền ĐCSTQ phải đối mặt.
Ý nghĩa của phiên họp toàn thể lần thứ ba nằm ở vai trò của hội nghị này trong việc định hình quỹ đạo kinh tế Trung Quốc trong 5 đến 10 năm tới.
Chỉ thị của Bộ Chính trị cho biết, cải cách và mở cửa được xem là rất quan trọng trong việc thúc đẩy cải tổ kinh tế và thu hút đầu tư từ ngoại quốc.
Tuy nhiên, những thay đổi chính sách gần đây của ông Tập đã đi chệch khỏi quỹ đạo cải cách và mở cửa kéo dài hàng thập niên, thể hiện sự chuyển hướng sang cánh tả phù hợp với người tiền nhiệm, ông Mao Trạch Đông.
Ông Thẩm Minh Thất (Shen Mingshi), Phó Giám đốc Điều hành Tạm quyền tại Viện Nghiên cứu Quốc phòng và An ninh Quốc gia Đài Loan (INDSR), đặt câu hỏi liệu chủ trương cải cách và mở cửa của lãnh đạo Trung Quốc có xuất phát từ các cuộc đấu tranh quyền lực nội bộ hay mong muốn thực sự giải quyết các thách thức kinh tế của nước này.
Ông bày tỏ sự nghi ngờ của mình với ấn bản Hoa ngữ của The Epoch Times, nêu bật mối lo ngại về tác động răn đe tiềm tàng của các biện pháp an ninh quốc gia như Luật Phản gián đối với đầu tư ngoại quốc.
Biểu ngữ kinh tế
Ông Tô Tử Vân (Su Ziyun), Giám đốc Bộ phận Chiến lược và Nguồn lực Quốc phòng tại INDSR, ví cuộc họp gần đây của ĐCSTQ như một lời thừa nhận những sai lầm kinh tế trong quá khứ, thúc đẩy quay trở lại các nguyên tắc cải cách và mở cửa.
Ông xem cải cách và mở cửa là “biểu ngữ kinh tế” của ĐCSTQ và cho rằng những chuyến đi gần đây của ông Tập tới miền Tây Trung Quốc là phỏng theo chuyến công du phía Nam đầy ảnh hưởng của ông Đặng Tiểu Bình, cho thấy mức độ nghiêm trọng của những rắc rối kinh tế của Trung Quốc.
Tuy nhiên, bất chấp những lời hoa mỹ của ông Tập về cải cách và mở cửa, vẫn còn đó những nghi ngờ về việc thực hiện cải cách và mở cửa trong thực tế, đặc biệt là trước các biện pháp an ninh quốc gia nghiêm ngặt có thể ngăn cản đầu tư từ ngoại quốc.
Công cuộc cải cách và mở cửa của Trung Quốc đã bị chậm lại, thậm chí bị đình trệ do vụ thảm sát ở Thiên An Môn năm 1989. Chuyến công du của ông Đặng tới tỉnh phía nam, Quảng Đông, được cho là đã thúc đẩy một đợt mới của cái gọi là cải cách và mở cửa vào thời điểm đó.
Gần đây, ông Trần Nhất Tân (Chen Yixin), Bộ trưởng Bộ An ninh Quốc gia Trung Quốc, đã phác thảo trọng tâm của bộ trong việc chống lật đổ, bá quyền, ly khai, khủng bố, và gián điệp trên tạp chí Study Times, tờ báo chính thức của cơ sở đào tạo nội bộ cao nhất của ĐCSTQ, số ra ngày 29/04.
Ông Thẩm tin rằng ông Tập ý thức được tính cấp bách của việc tiếp tục nhiệm kỳ thứ tư. Ông cho rằng động cơ của Tập có thể xuất phát từ một cảm giác khủng hoảng khi “ông dự tính về nhiệm kỳ thứ tư tiềm năng, khiến ông ưu tiên sự ổn định hơn là cải tổ kinh tế thực sự.”
Hơn nữa, ông lập luận rằng nền kinh tế Trung Quốc có thể đang phải đối mặt với những thách thức chưa từng có mà không thể giải quyết ngay lập tức.
Ông nói, “Ông Tập vẫn sẽ dựa vào những người như Bộ trưởng Bộ An ninh Quốc gia Trần Nhất Tân để duy trì sự ổn định. Vì vậy, tính hiệu quả của những tuyên bố của Bắc Kinh về thúc đẩy cải cách và mở cửa là đáng đặt câu hỏi.”
Ông Tô cũng có quan điểm tương tự, khẳng định rằng chỉ có cải tổ chính trị thực sự mới có thể thúc đẩy sự thay đổi kinh tế có ý nghĩa và cho rằng nhóm của ông Tập đã hiểu nhầm mối liên hệ quan trọng này.
Ngoài ra, cuộc họp còn tập trung vào việc thúc đẩy “Hội nhập Đồng bằng Sông Dương Tử”, một chiến lược phát triển kinh tế quan trọng bao phủ Thượng Hải, tỉnh Giang Tô, tỉnh Chiết Giang, và tỉnh An Huy.
Bắc Kinh tuyên bố đây là một trong những khu vực có tốc độ phát triển kinh tế tích cực nhất, mức độ cởi mở cao nhất, và khả năng đổi mới mạnh nhất ở Trung Quốc, đóng vai trò chiến lược quan trọng trong tình hình chung và việc hiện đại hóa đất nước.
Tuy nhiên, ông Tô tin rằng nếu không cải tổ chính trị, thì những chiến lược kinh tế như vậy có thể tỏ ra không hiệu quả trong việc thu hút đầu tư ngoại quốc.
Ông nói: “Hiệu quả của các chiến lược kinh tế như Hội nhập Đồng bằng Sông Dương Tử phụ thuộc vào cải tổ chính trị có ý nghĩa.”
Tóm lại, phiên họp toàn thể lần thứ ba sắp tới của Trung Quốc phản ánh sự nhấn mạnh mới vào cải cách và mở cửa, tuy nhiên vẫn tồn tại những nghi ngờ về việc thực hiện chiến lược này trên thực tế trong bối cảnh những thách thức kinh tế đồng thời các biện pháp an ninh quốc gia đang được thắt chặt.
Quan điểm trong bài viết này là của tác giả và không nhất thiết phản ánh quan điểm của Tân Thế Kỷ.
Bản tin có sự đóng góp của Ninh Hải Chung và Lạc Á
Vân Du/ETViet biên dịch
Theo The Epoch Times
Xem Thêm:
Nhật Bản bên bờ vực khủng hoảng tiền tệ và lời cảnh báo dành cho Hoa Kỳ
Tân Thế Kỷ *Truyền Thống – Nhân Văn – Trung Thực*