Hôm thứ Năm (29/12), Quân đội Mỹ cho biết, một máy bay quân sự của Trung Quốc đã áp sát một máy bay của lực lượng không quân Mỹ trong phạm vi 3 mét ở Biển Đông vào tuần trước và buộc máy bay này phải thực hiện các động tác né tránh để tránh va chạm trong không phận quốc tế.
Vào ngày 21/12, một máy bay chiến đấu J-11 của Hải quân Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) đã chạm trán với một máy bay trinh sát cỡ lớn RC-135 của Không quân Hoa Kỳ.
Theo Bộ Tư lệnh Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương (INDOPACOM) thuộc Lực Lượng Không quân Mỹ, cơ quan giám sát các hoạt động quân sự của Hoa Kỳ trong khu vực, vào thời điểm đó, máy bay Mỹ đang tiến hành các hoạt động thường lệ một cách hợp pháp trên Biển Đông trong không phận quốc tế.
INDOPACOM cho biết, máy bay chiến đấu của Trung Quốc đã thực hiện một động tác không an toàn bằng cách bay cách cánh máy bay 3m, nhưng cách mũi máy bay 6m, khiến máy bay Mỹ phải thực hiện các động tác né tránh.
“Lực lượng chung Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương của Hoa Kỳ cam kết hướng tới một khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và rộng mở. Chúng tôi sẽ tiếp tục bay, đi thuyền và hoạt động trên biển và trong không phận quốc tế với sự quan tâm thích đáng đến sự an toàn của tất cả các tàu thuyền và máy bay theo luật pháp quốc tế”, theo tuyên bố.
“Chúng tôi hy vọng tất cả các quốc gia trong khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương sử dụng không phận quốc tế một cách an toàn và phù hợp với luật pháp quốc tế”, tuyên bố của quân đội Mỹ cho biết thêm.
Video về cuộc chạm trán này cho thấy máy bay Trung Quốc bay phía trước và ở khoảng cách gần với máy bay Mỹ. Chiếc thứ hai sau đó đã né khỏi máy bay Trung Quốc để tránh va chạm.
Đài CNN đưa tin, vào thời điểm đó, có khoảng 30 người đang ở bên trong máy bay Mỹ.
Lầu Năm Góc không trả lời ngay lập tức yêu cầu bình luận từ The Epoch Times.
Quân đội Hoa Kỳ cho biết, vụ việc “phản ánh một xu hướng đáng lo ngại về các hoạt động đánh chặn nguy hiểm và không an toàn của PLA. Động thái này khiến Hoa Kỳ vô cùng lo ngại”, tờ Defense News đưa tin.
Biển Đông và Đài Loan chứng kiến sự hung hăng của ĐCSTQ
Hoa Kỳ không công nhận các yêu sách lãnh thổ đa dạng của Trung Quốc ở Biển Đông, bao gồm nhiều đảo trong khu vực. Quân đội Hoa Kỳ tiếp tục thực hiện các hoạt động như thường lệ, bao gồm các hoạt động tự do hàng hải và hoạt động đi qua khu vực.
Trong nhiều năm, Quân đội Trung Quốc luôn cố gắng đẩy các quốc gia khác ra khỏi các vùng biển tranh chấp, bao gồm cả việc xây dựng các đảo nhân tạo nhằm tuyên bố chủ quyền của nước này và tăng cường sử dụng các đơn vị dân quân biển của mình để quấy rối và đe dọa các quốc gia nhỏ hơn.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin hồi tháng 6 cho biết trong một bài phát biểu tại Đối thoại Shangri-La ở Singapore rằng, Hoa Kỳ đã “chứng kiến sự gia tăng đáng báo động về số lượng các vụ đánh chặn trên không kém an toàn và các vụ đối đầu trên biển của máy bay và tàu PLA”.
Ông lưu ý rằng, chính quyền Trung Quốc đang áp dụng “một cách tiếp cận mạnh mẽ và hung hăng hơn đối với các yêu sách lãnh thổ của mình”.
“Ở Biển Hoa Đông, đội tàu đánh cá ngày càng mở rộng của Trung Quốc đang gây ra căng thẳng với các nước láng giềng. Ở Biển Đông, Trung Quốc đang sử dụng các tiền đồn trên các đảo nhân tạo được trang bị vũ khí tiên tiến để thúc đẩy các yêu sách hàng hải phi pháp của mình”, ông Austin nói.
“Chúng tôi đang chứng kiến các tàu của Trung Quốc vi phạm các điều khoản của khu vực, hoạt động bất hợp pháp trong vùng lãnh hải của các quốc gia ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương khác”, ông cho hay.
Ông tiếp tục: “Các quốc gia ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương không nên đối mặt với sự đe dọa chính trị, ép buộc kinh tế hoặc quấy rối bởi các lực lượng dân quân hàng hải. Vì vậy, Bộ Quốc phòng Mỹ sẽ duy trì sự hiện diện tích cực của mình trên khắp khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Chúng tôi sẽ tiếp tục ủng hộ phán quyết của Tòa Trọng tài Quốc tế tại La Haye năm 2016. Và chúng tôi sẽ bay, chèo thuyền và hoạt động ở bất cứ nơi nào luật pháp quốc tế cho phép”.
Ông thừa nhận vào thời điểm đó rằng, Hoa Kỳ cũng chứng kiến “sự leo thang không ngừng của các hoạt động quân sự khiêu khích và gây bất ổn gần Đài Loan”, bao gồm “máy bay PLA bay gần Đài Loan với số lượng kỷ lục trong những tháng gần đây – và gần như hàng ngày”.
Kể từ phát biểu hồi tháng 6 của ông Austin, chính quyền Trung Quốc đã nhiều lần thực hiện các hành vi quấy rối quân sự xung quanh Đài Loan. Trung Quốc tuyên bố hòn đảo này là lãnh thổ của mình.
Quân đội Trung Quốc đã điều 71 máy bay và 7 tàu chiến áp sát Đài Loan trong 24 giờ qua nhằm phô trương lực lượng nhắm vào hòn đảo này, Bộ Quốc phòng Đài Loan cho biết hôm thứ Hai (26/12). Động thái này của Trung Quốc được cho là nhằm bày tỏ sự phẫn nộ đối với dự luật chi tiêu quốc phòng hàng năm của Mỹ, trong đó có điều khoản liên quan đến Đài Loan.
Dự luật xác định Trung Quốc là một thách thức chiến lược đối với Mỹ và cho phép Hoa Kỳ tăng cường hợp tác an ninh với Đài Loan. Theo đó, dự luật đề cập đến việc Mỹ sẽ cung cấp tới 10 tỷ USD hỗ trợ quân sự cho quốc đảo này trong 5 năm tới và mua sắm vũ khí nhanh chóng trong trường hợp nổ ra xung đột quân sự với Trung Quốc.
Theo Bộ Quốc phòng Đài Loan (MND), từ 6 giờ sáng Chủ nhật (25/12) cho đến 6 giờ sáng thứ Hai (26/12) đã có 71 máy bay và 7 tàu chiến của Quân Giải phóng Nhân dân (PLA) áp sát Đài Loan. Trong số đó, có 47 máy bay Trung Quốc đã vượt qua đường trung tuyến trên eo biển Đài Loan. Đây là ranh giới không chính thức từng được cả hai bên ngầm chấp thuận.
Đáp lại, Đài Loan đã gửi máy bay, tàu hải quân và sử dụng tên lửa trên đất liền để theo dõi máy bay và tàu của PLA.
Kể từ tháng 9/2020, Trung Quốc đã tăng cường sử dụng chiến thuật vùng xám bằng cách thường xuyên điều động máy bay tiến vào vùng nhận dạng phòng không của Đài Loan, với hầu hết các lần xuất hiện đều diễn ra ở góc tây nam. Năm 2021, tổng số lượng máy bay quân sự Trung Quốc xâm phạm vào ADIZ của Đài Loan lên tới 961 chiếc trong 239 ngày, theo MND.
Theo The Epoch Times
Huyền Anh (NTDVN) biên dịch