Làm “mẹ kế” có dễ không? Nhắc đến từ “mẹ kế”, ít ai trong xã hội chúng ta dành một tình cảm quý mến đối với vai trò này. Quan niệm “mấy đời bánh đúc có xương, mấy đời mẹ ghẻ mà thương con chồng” vốn đã ăn sâu vào quan niệm của mỗi người.
Những câu chuyện về mẹ kế chúng ta được học trong trường, đọc trong truyện, xem trên phim và cả những sự kiện mang tính xã hội như “bé gái 8 tuổi tử vong”,… đã làm hình ảnh người mẹ kế vốn không mấy tốt đẹp lại càng trở nên xấu xí. Nhưng có phải tất cả người mẹ kế đều xấu? Và vì đâu mà mối quan hệ giữa mẹ kế, con chồng ngày nay trở thành hình ảnh không mấy tốt?
Thật ra, có những câu chuyện về người mẹ kế trong văn hóa truyền thống gây cảm động sâu sắc và lưu danh trong sử sách. Không phải bất kể người mẹ kế nào cũng xấu. Then chốt nằm ở tư duy, nhận thức, tính cách và giá trị đạo đức bên trong mỗi người.
Vào thời nhà Chu, ở nước Ngụy có vị từ mẫu là con gái của Mạnh Dương, vợ kế của Mang Mão, bà sinh được ba người con trai. Vợ trước của Mang Mão có năm người con trai, họ đều không thích người mẹ kế này, cho dù mẹ kế đối với họ rất rộng lượng, họ vẫn không thích bà. Vì vậy mà mẹ kế yêu cầu ba đứa con ruột của mình không được hưởng sự đối đãi giống như năm đứa con của Mang Mão, từ trang phục, đồ ăn thức uống cho đến sinh hoạt hằng ngày đều thua kém rất xa. Mặc dù vậy, năm đứa con của vợ trước vẫn không thích bà.
Sau này, đứa con thứ ba vợ trước của Mang Mão làm trái mệnh lệnh của Ngụy vương, theo luật phải bị xử tử hình. Kế mẫu vì điều này mà sầu khổ bi thương, sớm tối gắng sức chạy vạy tìm cách giải cứu con. Có người nói với bà: “Mấy đứa con đó vốn không quý mến bà. Sao bà lại còn vất vả khổ cực vì giải cứu đứa con đó bi thương thống khổ đến vậy?” Kế mẫu nói: “Nếu như là con đẻ của tôi, cho dù nó không yêu quý tôi, tôi cũng nhất định nghĩ cách cứu nó, giúp nó tránh khỏi tai họa và trừng phạt. Hiện giờ con trai vợ trước của Mang Mão đang đối mặt với tai họa, nếu tôi không cố gắng tận lực giải cứu thì có khác nào chúng không có mẹ? Cha của chúng vì sợ chúng trở thành cô nhi nên mới lấy tôi về làm mẹ kế. Mẹ kế cũng là mẹ, nếu không yêu thương che chở cho con, vậy có được coi là “Từ” không! Chỉ yêu thương con đẻ của mình mà phớt lờ con của vợ trước, vậy có được coi là “Nghĩa” không! Không từ ái lại không nhân nghĩa, dựa vào đâu để có chỗ đứng trong thế gian? Tuy chúng không yêu quý tôi, nhưng tôi sao có thể quên hết đạo nghĩa được?”
Sau đó mẹ kế đến thuyết phục Ngụy vương, Ngụy vương kính trọng đức hạnh từ nghĩa của bà nên tha tội cho đứa con thứ ba vợ trước của Mang Mão, tha cho về nhà. Từ đó, năm đứa con vợ trước của Mang Mão đối xử với mẹ kế y như mẹ ruột, gia đình hòa hợp vui vẻ. Tám đứa con tiếp thu sự dạy bảo lễ nghĩa của mẹ kế, sau này đều trở thành quan đại phu hoặc khanh sử của nước Ngụy.
Từ mẫu là từ trong sách vở, dân gian gọi là mẹ kế, mẹ sau hoặc dì ghẻ, người ta thường nói “khó làm mẹ kế”, thực tế là khó ở chỗ mẹ kế và con của vợ trước không có quan hệ huyết thống, nhưng cũng không thể coi đây là cái cớ. Nguyên nhân thực sự là do sự bại hoại về đạo đức của con người. Như người mẹ kế trong câu chuyện trên tại sao lại có thể cải biến thái độ và suy nghĩ của năm đứa con vợ trước của Mang Mão, trở nên thành tâm thành ý coi bà như mẹ ruột, từ đó lắng nghe lời dạy bảo của bà? Chính là dựa vào “Từ” và “Nghĩa”, những điều này là phạm trù luân lý đạo đức của văn hóa truyền thống, lấy đạo đức cải biến con người, từ đó mới có thể làm cho mọi người vui vẻ kính phục.
Văn hóa truyền thống vốn mang nội hàm thâm sâu và là sợi dây vững chãi giữ gìn đạo đức con người qua bao ngàn năm lịch sử. Như tại Trung Quốc, những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp được tích lũy, gìn giữ qua 5.000 năm đã bị phá hủy hoàn toàn qua các cuộc cách mạng văn hóa của chính quyền hiện tại (ĐCSTQ). Các tư tưởng giả, ác, đấu và những thuyết vô Thần dần dần xâm chiếm, khiến con người trong tâm không còn đạo đức và luân lý nữa, chỉ có kim tiền và lợi ích. Do đó, mối quan hệ mẹ kế – con chồng cũng không còn xuất phát từ “Từ” và “Nghĩa”, cũng không có cái tâm kiên trì này.
Dùng giả, ác, đấu để xử lý các mối quan hệ giữa con người thì chỉ có thể càng mang đến kết quả tệ hại, vậy nên hiện nay các vấn đề gia đình xuất hiện không ngừng. Đừng nói đến mẹ kế, ngay cả mẹ ruột cũng có những mâu thuẫn với gia đình, con cái dường như không thể giải quyết được nữa.
Thảo My (T/h)
Tham khảo: Chánh Kiến