spot_img
18 C
Vietnam
Thứ hai,25 Tháng mười một
spot_img

Chuẩn bị gì cho cái Tết đúng với phong tục người Việt

Không khí tết đã về khắp ngõ phố đường quê. Đối với người Việt Nam, thì tết bắt đầu từ ngày 23 tháng chạp, tức là ngày đưa ông Táo về Trời. Vậy để chuẩn bị cho một cái tết ấm cúng theo đúng phong tục của người Việt Nam, thì chúng ta cần phải chuẩn bị những gì?

61f0ba8c957cc
Ảnh minh họa

Trong văn hóa truyền thống 4.000 năm của người Việt Nam, có rất nhiều phong tục tết truyền thống ý nghĩa, để cầu mong một năm mới mưa thuận gió hòa, gặp nhiều may mắn bình an.

Bánh chưng xanh

Ông bà ta thường nói: “Cây nêu, tràng pháo, bánh chưng xanh”. Từ lâu tết cổ truyền đã không thể thiếu đi chiếc bánh chưng xanh.

cac loai gao nep lam banh chung banh tet cuc ngon 202001090812352763
Bánh chưng xanh, món ăn lưu giữ nét đẹp của văn hóa và không thể thiếu trong mâm cơm ngày Tết của người Việt

Bánh chưng chính là một loại bánh được Thần chỉ dụ cho hoàng tử Lang Liêu – con trai Vua Hùng thứ 6, một người kính tín Thần Phật, có đức độ đã làm ra và tiến vua. Bánh gồm có gạo nếp, đỗ xanh, những sản vật hết sức quen thuộc trong đời sống lao động của người dân, lại được gói bằng lá rong, là loại lá đặc biệt vừa thơm, vừa dày dặn, gói trọn cả hương vị quê nhà.

1321138012 Banh chung banh day
Hoàng tử Lang Liêu làm ra những chiếc bánh chưng xanh vuông vức để tiến vua. Nguồn gốc của chiếc bánh chưng ngày Tết của người Việt bắt đầu từ đây. (Ảnh. cotichvietnam)

Bánh chưng đã được Vua Hùng chọn là loại bánh được dâng lên tổ tiên vào mỗi dịp lễ tết. Hoàng tử Lang Liêu nhờ vào tài năng, đức độ của mình đã được Thần Phật giúp đỡ và trở thành vị vua kế vị tiếp theo.

Cứ tết đến, tôi nhớ nhiều nhà sẽ gói bánh chưng để chung vui niềm vui đoàn tụ. Trẻ con cùng người lớn ngồi quây quần cùng nhau gói bánh chưng.

Thích nhất là lúc trẻ con được gói chiếc bánh nho nhỏ của riêng mình. Rồi cũng bỏ vào nồi và luộc. Canh bếp lửa khoảng 12 đến 14 tiếng là nồi bánh chưng sẽ chín. Lúc vớt bánh ra, hương thơm của nồi bánh tỏa khắp nhà, khiến tết ai cũng nhớ đến hương vị quen thuộc đó đến nao lòng.

Mặc dù ngày nay cuộc sống hối hả, gấp gáp, nhưng chúng ta vẫn bắt gặp hình ảnh những gia đình ở quê vẫn giữ gìn truyền thống của cha ông để lại, năm nào họ cũng gói bánh. Dù có nhiều loại bánh kẹo thời thượng, nhưng người ta không thể không có bánh chưng trong dịp tết. Bởi bánh chưng đã trở thành biểu tượng trong cái tết của người Việt.

Cây nêu trước nhà

Khắp làng quê Việt Nam còn dựng cây nêu trước nhà. Với ước mong xua đuổi tà ma, những thứ xấu để đón một năm mới vạn sự như ý.

Cây nêu ngày Tết ảnh 4
Khắp làng quê Việt Nam còn dựng cây nêu trước nhà. Với ước mong xua đuổi tà ma, những thứ xấu để đón một năm mới vạn sự như ý.

Cây nêu được dựng từ một cây tre cao gần chục mét có ngọn, có lá. Trên ngọn tre được treo đèn lồng chuông gió, hoặc dải lụa đỏ. Truyền thuyết kể rằng:

Thuở xa xưa khi mà loài quỷ còn lộng hành, đất đai, ruộng vườn đều bị chúng chiếm hết, loài người phải thuê đất mà trồng trọt rồi nộp phần lớn sản phẩm cho chúng với điều kiện quỷ sẽ lấy ngọn còn người sẽ lấy thân và gốc. Lương thực chủ yếu lúc bấy giờ là lúa vì vậy gần như người dân không có lương thực để sống.

Thấy người dân gặp nhiều khó khăn, một ông tiên trong hình hài ông lão xuất hiện và bảo với nông dân rằng hãy trồng khoai vì củ khoai ở gốc rễ và có thể ăn được. Thế rồi khi bọn quỷ biết, quỷ chuyển qua phương thức “ăn gốc cho ngọn”. Ông tiên bảo người lại chuyển sang trồng lúa. Kết quả, quỷ hưởng toàn rạ, lại hỏng ăn.

Quỷ tức tối nên mùa sau quỷ lại tuyên bố ăn cả gốc lẫn ngọn. Tiên trao cho nông dân giống cây bắp, loại lương thực có trái ở thân, ngọn và gốc chẳng có gì. Cuối cùng quỷ tức điên lên và bắt con người trả lại toàn bộ đất đai và không cho trồng trọt gì nữa.

Lúc này ông tiên cùng người dân bàn với quỷ xin miếng đất vừa bằng bóng của một chiếc áo treo trên ngọn cây tre. Bóng chiếc áo thì quả nhỏ, bọn quỷ liền đồng ý. Thế nhưng khi chiếc áo được đưa lên cao, tiên liền hóa phép cho chiếc áo lớn dần lớn dần, bóng của chiếc áo cũng dần lớn hơn xua đuổi bọn quỷ phải chạy ra biển.

Câu chuyện dựng cây nêu ngày tết cũng chính là cuộc chiến giữa thiện và ác. Cái ác chắc chắn sẽ bị tiêu diệt. Chỉ có sống biết sẻ chia, yêu thương những người xung quanh thì mới mong có được cuộc sống tốt đẹp lâu dài và may mắn.

Bữa cơm tất niên “ôn cố tri tân”

Phong tục tết của người Việt còn có bữa cơm tất niên, khi ông bà con cháu quây quần bên mâm cơm, cùng “ôn cố tri tân”, kể lại chuyện cũ và mong muốn một năm mới gia đình đoàn kết, hạnh phúc và no đủ. Bữa cơm mỗi vùng miền có thể khác nhau, nhưng các món vẫn có thịt kho tàu, bánh chưng, bánh tét, canh khổ qua, thịt gà, giò lụa…

Thuyết minh về bữa cơm tất niên - bài 1
Bữa cơm mỗi vùng miền có thể khác nhau, nhưng các món vẫn có thịt kho tàu, bánh chưng, bánh tét, canh khổ qua, thịt gà, giò lụa…

Quê hương mỗi người chỉ một, nếu ai không nhớ thì không thể lớn thành người. Quê hương là nguồn cội, là nơi con người sinh ra và lớn lên, nơi có tuổi thơ đã in dấu sâu đậm trong mỗi người. Nhắc nhở cho con cháu về truyền thống quê hương, cũng chính là nghĩa vụ và trách nhiệm của chính chúng ta, bởi chỉ có quay về truyền thống chúng ta mới có một cuộc sống tốt đẹp đúng nghĩa, an yên tự tại.

Liên Tịnh

Theo “Khát Vọng Cuộc Sống

 

Xem thêm

- Quảng cáo -spot_img

Xem nhiều