Tình trạng ô nhiễm không khí bao phủ khắp Ấn Độ, gồm thủ đô New Delhi, đang gây ảnh hưởng đến phổi của người dân và gây ra mối đe dọa ngày càng tăng đối với sức khỏe cộng đồng.
Một báo cáo lớn ngày 4-7 cho biết rằng hơn 7% tổng số ca tử vong tại 10 thành phố lớn nhất của Ấn Độ có liên quan đến ô nhiễm không khí, khiến các nhà nghiên cứu kêu gọi hành động khẩn cấp để cứu hàng chục nghìn sinh mạng mỗi năm, theo South China Morning Post ngày 4-7.
Nghiên cứu mới đây được tạp chí The Lancet Planetary Health bình duyệt, đã xem xét mức độ các hạt vi mô gây ung thư được gọi là bụi mịn PM2.5 tại các thành phố của Ấn Độ gồm Ahmedabad, Bengaluru, Chennai, Delhi, Hyderabad, Kolkata, Mumbai, Pune, Shimla và Varanasi.
Nghiên cứu cho biết, từ năm 2008 – 2019, hơn 33.000 ca tử vong/năm có thể là do tiếp xúc với PM2.5 vượt quá khuyến nghị 15 microgam/m3 của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO). Con số này chiếm 7,2% số ca tử vong được ghi nhận tại các thành phố này trong giai đoạn này.
New Delhi là nơi có tình trạng ô nhiễm không khí trầm trọng nhất và cũng là nơi ghi nhận tỷ lệ tử vong cao nhất. Khoảng 12.000 ca thiệt mạng hằng năm liên quan đến ô nhiễm không khí – chiếm 11,5% tổng số ca tử vong.
Các nhà nghiên cứu nhấn mạnh rằng ngay cả những thành phố mà ô nhiễm không khí không được coi là quá nghiêm trọng như Mumbai, Kolkata và Chennai – cũng có tỷ lệ tử vong cao.
Các nhà nghiên cứu kêu gọi thắt chặt tiêu chuẩn chất lượng không khí của Ấn Độ. Hiện tại, Ấn Độ ghi nhận mức độ bụi mịn PM2.5 trong không khí hiện tại của quốc gia này là 60 microgam/m3, cao gấp 4 lần so với khuyến cáo của WHO.
Ông Joel Schwartz, đồng tác giả của nghiên cứu và nghiên cứu sinh tại Đại học Harvard (Mỹ), cho hay việc hạ thấp và thực thi giới hạn sẽ cứu được hàng chục nghìn sinh mạng mỗi năm. Các phương pháp kiểm soát ô nhiễm hiện có và được sử dụng ở nhiều quốc gia trên thế giới cần được áp dụng khẩn cấp tại Ấn Độ.
Xem thêm:
Vụ giẫm đạp tại Ấn Độ: Số người tụ tập cao gấp 3 lần cho phép
Lũ lụt tồi tệ nhất trong 70 năm qua, Trung Quốc xả đập Tam Hiệp cứu hạ lưu
Tân Thế Kỷ *Truyền Thống – Nhân Văn – Trung Thực*