Hôm thứ Sáu (31/03) – Anh cho biết họ đã đạt được thỏa thuận tham gia Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) gồm 11 quốc gia, bao gồm Nhật Bản và Úc. Trong bối cảnh nước này muốn tăng cường quan hệ trong khu vực và xây dựng các liên kết thương mại toàn cầu sau khi rời Liên minh châu Âu.
Thủ tướng Rishi Sunak tuyên bố – Anh đã đồng ý tham gia Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương, văn phòng của ông cho biết đây là thỏa thuận thương mại lớn nhất kể từ Brexit.
“Việc tham gia khối thương mại CPTPP đưa Vương quốc Anh trở thành trung tâm của nhóm các nền kinh tế Thái Bình Dương năng động và đang phát triển” – Thủ tướng Sunak nói trong một tuyên bố. Thủ tướng cho biết thêm rằng, thỏa thuận này đã chứng minh “những lợi ích kinh tế thực sự cho các quyền tự do hậu Brexit của chúng ta.”
CPTPP là một thỏa thuận chung nhằm loại bỏ thuế quan thương mại giữa các nước thành viên và đặt ra các quy tắc về các vấn đề như đầu tư xuyên biên giới, thương mại điện tử, sở hữu trí tuệ, doanh nghiệp nhà nước và lao động.
Các thành viên của CPTPP bao gồm Brunei, Canada, Chile, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore và Việt Nam. Anh là thành viên mới đầu tiên kể từ khi CPTPP được thành lập vào năm 2018 và là quốc gia châu Âu đầu tiên trong khối.
Hôm thứ Sáu, Bộ trưởng và đại diện của các thành viên cho biết nhóm công tác sẽ hợp tác với Vương quốc Anh “để chuẩn bị và xác minh văn kiện pháp lý về việc gia nhập, nhằm hoàn thiện quy trình một cách kịp thời.”
Anh đã đăng ký làm thành viên vào năm 2021 như một phần trong cam kết mở rộng của nước này ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, sau khi rời khỏi Liên minh châu Âu.
Với sự gia nhập của Anh, tổng sản phẩm quốc nội của các thành viên sẽ tăng từ mức 12% lên 15% GDP toàn cầu. Nhưng Anh đã có các hiệp định thương mại tự do với nhiều bên tham gia, ở các mức độ thực hiện khác nhau và việc Anh tham gia có thể là một động thái mang tính biểu tượng và chiến lược hơn là một động thái có tác động kinh tế.
Theo Reuters – tác động tổng thể của thỏa thuận thương mại này được coi là khiêm tốn. Anh cho biết thỏa thuận này sẽ cắt giảm thuế quan đối với ô tô, rượu mạnh cùng các sản phẩm từ sữa. Ngoài ra nó sẽ thúc đẩy nền kinh tế thêm 1,8 tỷ bảng Anh (2,2 tỷ USD) mỗi năm trong thời gian dài – và con số này có thể tăng lên khi nhiều quốc gia tham gia vào hiệp định.
Sally Jones, đối tác chiến lược và chính sách thương mại tại EY cho biết: “Vành đai Thái Bình Dương được dự báo sẽ phát triển nhanh gấp đôi so với châu Âu, vì vậy các doanh nghiệp Vương quốc Anh nên suy nghĩ về sự hiện diện của họ trong khu vực”.
“CPTPP làm cho điều đó trở nên dễ dàng hơn nhiều và CPTPP sẽ chỉ lớn hơn khi có nhiều quốc gia muốn tham gia.”
Anh đã đồng ý các thỏa thuận thương mại mới hậu Brexit với Úc và New Zealand, đồng thời nhất trí FTA với Nhật Bản vào năm 2020. Nước này cũng đang đàm phán với Canada và Mexico về các FTA mới, sau khi hủy bỏ các thỏa thuận thương mại trước đó với EU vào cuối năm 2020.
Hoàng Dung tổng hợp