spot_img
17 C
Vietnam
Thứ sáu,22 Tháng mười một
spot_img

Bài học giáo dục từ câu chuyện Đào mẫu dạy con

Tân Thế Kỷ (TTK) – Trong cuộc sống thực tế chúng ta thường hay nghe những câu như “Nuôi mà không dạy là lỗi của người cha”, “Con nhà tông không giống lông cũng giống cánh” v.v… Những câu nói được lưu truyền này đều muốn nói cho mọi người biết rằng, sự giáo dục của cha mẹ đối với con cái là vô cùng trọng yếu.

Hôm nay chúng ta sẽ kể về Đào mẫu, người được ca tụng là một trong “Tứ đại hiền mẫu” thời Trung Quốc cổ đại. Đào mẫu là Trạm thị, mẹ của danh tướng Đào Khản thời Đông Tấn. Người đời sau ca ngợi bà là “Người làm mẹ trên thế gian có thể giáo dục con mình như Trạm thị, thì quốc gia lo gì không có người tài? Và còn lý do gì để dùng cái ác trên thế gian này?”

Chúng ta hãy cùng xem hai câu chuyện Đào mẫu dạy con sau đây:

Câu chuyện thứ nhất: Cắt tóc đãi khách

Có một lần, Phạm Quỳ và mấy người bạn thân ở cùng quận của Đào Khản đến bái phỏng hiền nhân, trên đường đi gặp tuyết rơi nhiều mà sắc trời sắp tối, bèn đến nhà Đào Khản xin ngủ lại. Tuy nhiên, Đào Khản từ nhỏ đã mất cha, gia cảnh vô cùng bần hàn, không có khả năng chiêu đãi khách nhân. Ngay khi Đào Khản đang trong tình thế bối rối, Đào mẫu nói với con trai rằng: “Trước tiên con cứ giữ khách ở lại, việc còn lại để mẹ nghĩ cách. Cho dù trong nhà không có thứ gì, làm người cũng không thể thất lễ”.

nuduc.com
Đào mẫu đã cắt tóc đổi thức ăn để tiếp đãi khách, việc này thật sự khắc sâu vào tâm trí của Đào Khản. – Ảnh minh họa. – Nguồn: nuduc.com

Trong nhà không có gạo, không có rượu và thức ăn thì làm sao bây giờ? Mẫu thân của Đào Khản liền không chút do dự cắt đi mái tóc dài của mình (thời xưa không thể tùy tiện cắt mái tóc), sau đó bán tóc cho nhà hàng xóm, lấy tiền để mua rượu và thức ăn. Trong nhà không có củi đốt sưởi ấm, bà mẹ liền chẻ cây cột trong góc nhà làm củi đốt sưởi ấm cho khách. Trong nhà không có thức ăn cho ngựa của khách, bà bèn gỡ chiếu rơm trải ở trên giường ra cắt cho ngựa ăn.

So về thứ bậc, Phạm Quỳ là bạn của Đào Khản, có thể nói là người dưới. Tuy vậy Đào mẫu đã cắt tóc đổi thức ăn để tiếp đãi khách, việc này thật sự khắc sâu vào tâm trí của Đào Khản. Vì thế sau này khi đã làm quan lớn, Đào Khản vẫn luôn ghi nhớ, dùng lòng cung kính, đạo đức tốt đẹp và lễ phép để đối đãi với bách tính.

Thành ý tiếp đãi khách của Đào mẫu đã làm cho Phạm Quỳ vô cùng cảm động, thế là bèn tiến cử Đào Khản làm Huyện lại, và được phong làm Lang Trung.

Câu chuyện thứ hai: Trả lại nguyên hũ mắm cá

Đào Khản từng làm Huyện lại ở Hải Dương, tỉnh Chiết Giang, chủ yếu quản lý ngư nghiệp. Một hôm, cấp dưới của Đào Khản đi công vụ, trên đường phải đi ngang qua quê nhà của ông. Đào Khản nhớ đến người mẹ đang sống nghèo khó ở quê nhà, liền nhờ cấp dưới mang một hũ mắm cá (cá muối) mà các huyện lại thường hay ăn gửi cho mẹ.

Không ngờ rằng, mẹ của Đào Khản đã gửi trả lại hũ mắm cá còn y nguyên cho ông, đồng thời kèm lá thư viết cho con trai rằng: “Con vừa làm một chức quan nhỏ, liền dùng việc công làm việc tư, lấy những thứ trong quan nha gửi cho mẹ. Điều này không chỉ không khiến mẹ vui, mà ngược lại khiến cho mẹ lo lắng đó!”

Đào Khản nhận được hũ mắm cá trả lại và bức thư của mẹ, thì kinh ngạc mười phần mà xấu hổ vạn phần!

Việc làm này của Đào mẫu đã để lại cho con trai một bài học vô cùng sâu sắc, đúng như một vị quan thanh liêm từng nói: “Một tơ một hạt, vẫn là danh dự tiết tháo của ta. Một li một hào, vẫn là mồ hôi nước mắt của dân. Cho đi một phân, dân được lợi một phân. Thủ lấy một văn, ta là người chẳng đáng một văn”.
Từ đó về sau, trên con đường làm quan của mình, Đào Khản luôn ghi nhớ dạy bảo của mẹ, dùng tấm lòng thanh khiết, trong sạch để làm việc, giúp dân.

Sự dạy dỗ của cha mẹ đối với con cái là vô cùng trọng yếu

Thứ quý giá nhất trong cuộc đời con trẻ là gì? Không phải là cha mẹ để lại cho con bao nhiêu tiền của, mà là cha mẹ giáo dục con như thế nào để trở thành một người có học vấn tài năng và đạo đức cao thượng. Nếu như tư tưởng của cha mẹ hạn hẹp, chỉ mưu cầu lợi ích trước mắt, thì sẽ dưỡng thành một đứa trẻ tự tư tự lợi, thậm chí là nhân cách lệch lạc từ nhỏ.

Trước đây, trên mạng có tin tức nói rằng một bé gái khoảng 10 tuổi nghe tin mẹ đã mang thai em bé, sợ ảnh hưởng đến lợi ích và địa vị của mình trong nhà, liền gào khóc rống lên, thậm chí còn đánh đấm vào bụng của người mẹ. Người mẹ chẳng những không trách cứ và giáo dục con, mà còn chiều theo cô bé đến bệnh viện phá thai.

Tuy nhiên, vì mang thai đã lớn tháng, người mẹ lại là sản phụ lớn tuổi, việc phá thai sẽ nguy hiểm đến tính mạng cho nên bệnh viện không muốn tiến hành phá thai. Bé gái không quan tâm đến an nguy của mẹ, lại gào khóc ở bệnh viện, thậm chí còn nói ra những lời đe dọa tự tử. Cha mẹ cô bé ở bên cạnh cảm thấy rất bất lực, không biết nên làm gì bây giờ.

Lúc đó tôi bèn nghĩ, đứa bé này mới 10 tuổi mà đã ngang ngược như vậy, không hiểu lễ độ, tương lai sau khi lớn lên đi ra xã hội sẽ như thế nào? Một khi gặp phải mâu thuẫn, gặp phải chuyện không vừa ý, thì cô bé sẽ lại xử lý như thế nào đây? Thật là không dám tưởng tượng đến. Và một đứa trẻ có hành vi như vậy, là do ai dưỡng thành?

Khi con trẻ còn rất nhỏ, ngây thơ và đáng yêu, cho nên rất nhiều bậc cha mẹ không nỡ trách mắng hoặc dạy dỗ trẻ, thế nhưng điều này đã làm lỡ mất thời gian tốt nhất để giáo dục con trẻ.

Hãy nhìn lại Đào mẫu ngày xưa, trong nhà mặc dù rất nghèo khó, nhưng bà đã cố gắng hết sức để chiêu đãi bạn bè của Đào Khản, dạy cho con trai thành tâm đối nhân xử thế như thế nào. Sau khi Đào Khản làm quan, bà còn trả lại hũ cá mắm, dạy bảo ông làm một vị thanh quan vì nước vì dân ra sao.

Trong quá trình giáo dục Đào Khản từ khi còn nhỏ đến khi trưởng thành, Đào mẫu luôn luôn nhắc nhở ông làm một con người có tấm lòng khoan dung, vô tư chính trực, cuối cùng Đào Khản cũng đã lập nên những chiến tích và thành công được người đời ca ngợi. Theo ghi chép của các tài liệu lịch sử, dưới sự quản lý của Đào Khản thì “bách tính cần cù sản xuất nông nghiệp, cơm áo đều no ấm, không nhặt của rơi trên đường”.

Từ hai câu chuyện kể trên chúng ta có thể rút ra được bài học ý nghĩa

Không thể giáo dục trẻ tự tư tự lợi, mà cần phải từ hành vi của cha mẹ để dạy cho con cách đối nhân xử thế, biết suy nghĩ cho người khác như thế nào.

Không thể coi nhẹ thói hư tật xấu của trẻ, cũng không thể một mực cưng chiều, cho dù một chút biểu hiện không tốt cũng phải kịp thời uốn nắn và giáo dục, để cho trẻ biết lỗi của mình mà đồng thời sửa đổi.

de tu quy giang giai 31 thumb notzip 700x366 1 700x366 1
Không thể giáo dục trẻ tự tư tự lợi, mà cần phải từ hành vi của cha mẹ để dạy cho con cách đối nhân xử thế, biết suy nghĩ cho người khác như thế nào. – Ảnh minh họa.

Cho dù trẻ bao nhiêu tuổi, hoàn cảnh sinh hoạt tốt bao nhiêu hay kém cỡ nào, đều không thể có chút lơ là trong quá trình giáo dục. Cha mẹ luôn mãi là người thầy của con trẻ.

Đào Khản học rộng, tài cao, làm người chính trực, công bằng, tuân thủ pháp tắc. Từ một trưởng quan, ông được phong làm Thái úy, Đô đốc đại tướng quân, Trường sa quận công. Ông trở thành một người tài đức, một vị quan gương mẫu trong lịch sử. Người ta nhận định rằng, hết thảy những thành tựu mà ông đạt được trong cuộc đời đều là thành quả từ cách giáo dục trí tuệ của mẹ ông – Đào mẫu.

Tịnh Yên (t/h)
Nguồn tham khảo: Epochtimes

Banner Visaoconhanloai Footer 5 1920x466 17

Mẹ Việt học cách dạy con Âu, Mỹ mà quên cẩm nang quý của ông bà mình

Bí quyết “2 chữ” giúp một gia tộc thịnh vượng 2000 năm, 600 người lưu danh sử sách, 59 tể tướng, 59 đại tướng quân

Tân Thế Kỷ Truyền Thống – Nhân Văn – Trung Thực

Xem thêm

- Quảng cáo -spot_img

Xem nhiều