Theo tiết lộ, tờ thông báo trên quy định rõ, nếu người chết có bệnh nền thì căn bệnh nền đó phải được coi là nguyên nhân tử vong chính; nếu bác sĩ cho rằng cái chết hoàn toàn là do virus SARS-CoV-2 thì nhất định phải báo cáo lên cấp trên, sau đó cấp trên sẽ bố trí hai lớp chuyên gia để “trao đổi kỹ lưỡng”; sau khi được sự chấp thuận của các chuyên gia thì mới có thể xác nhận là tử vong do COVID-19.
Reuters tiết lộ hôm thứ Ba (17/1) rằng, họ đã tìm thấy bằng chứng cho thấy chính quyền Trung Quốc cố tình che giấu số người chết vì COVID-19.
Hôm qua (17/1), Reuters cho hay, có bằng chứng cho thấy chính quyền Đảng Cộng sản Trung Quốc đã cố tình hạ thấp và che giấu số người chết vì dịch bệnh ở nước này thông qua các hoạt động “không dấu vết”.
Theo bài báo, trong thời kỳ đỉnh điểm của dịch bệnh gần đây, một bác sĩ tại một bệnh viện tư nhân ở Bắc Kinh đã nhìn thấy một thông báo in trên giấy trong phòng cấp cứu. Trong đó viết rõ, yêu cầu bác sĩ “cố gắng tránh” điền suy hô hấp do COVID vào cột nguyên nhân tử vong trong giấy chứng tử.
Theo tiết lộ, tờ thông báo trên quy định rõ, nếu người chết có bệnh nền thì căn bệnh nền đó phải được coi là nguyên nhân tử vong chính; nếu bác sĩ cho rằng cái chết hoàn toàn là do virus SARS-CoV-2 thì nhất định phải báo cáo lên cấp trên, sau đó cấp trên sẽ bố trí hai lớp chuyên gia để “trao đổi kỹ lưỡng”. Sau khi được sự chấp thuận của các chuyên gia thì mới có thể xác nhận là tử vong do COVID-19.
Ngoài ra, còn có 6 bác sĩ từ các bệnh viện công trên khắp Trung Quốc cũng xác nhận trong một cuộc phỏng vấn với Reuters rằng, họ đã nhận được chỉ thị bằng miệng là cố gắng không quy nguyên nhân cái chết cho COVID-19, và họ nhận ra rằng đây là chính sách của bệnh viện nơi họ làm việc. Trong số này, một số bác sĩ cho biết các chỉ thị và thông báo liên quan đến từ “chính phủ”, nhưng không ai biết nó đến từ cơ quan chính phủ nào.
Bài báo giải thích rằng, ở Trung Quốc, một khi các chỉ thị nhạy cảm về mặt chính trị như vậy được truyền đạt, thông thường sẽ áp dụng cách làm “thi hành chính sự không dấu vết”, tức là không để lại dấu vết và không để lại hồ sơ.
Một bác sĩ tại một bệnh viện công lớn ở Thượng Hải nói với Reuters: “Kể từ khi lệnh phong tỏa được dỡ bỏ vào tháng 12 [năm ngoái], chúng tôi đã ngừng nhận định xem các trường hợp tử vong có phải do COVID-19 hay không, vì làm như vậy hầu như không có ý nghĩa gì, hầu hết mọi người đều có kết quả xét nghiệm dương tính”.
Ông Michael Baker, một học giả về sức khỏe cộng đồng tại Đại học Otago ở New Zealand, cho biết: “Hầu hết các quốc gia đều phát hiện rằng, phần lớn các trường hợp tử vong do dịch bệnh là vì nhiễm virus, chứ không phải do mắc các bệnh nền kết hợp với nhiễm virus, nhưng các trường hợp tử vong được Trung Quốc báo cáo phần lớn (90%) là do mắc COVID-19 kết hợp với các bệnh khác. Nó cho thấy Trung Quốc vẫn đang báo cáo thấp, báo cáo không đầy đủ các trường hợp tử vong trực tiếp do dịch bệnh”.
Hôm thứ Hai (16/1), Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết họ đã khuyến nghị Bắc Kinh giám sát các trường hợp tử vong vượt mức có liên quan đến COVID-19 để cung cấp cho tổ chức này một bức tranh toàn cảnh hơn về tác động của số ca mắc mới tăng vọt tại nước này.
WHO đã đưa ra tuyên bố này khi trả lời câu hỏi của Reuters về sự bùng phát ở Trung Quốc vào hôm thứ Hai. Tổ chức này cũng nhấn mạnh rằng, việc giám sát các trường hợp tử vong vượt mức là đặc biệt quan trọng “trong thời điểm các ca bệnh gia tăng đột biến khiến hệ thống y tế bị quá tải”.
Trước đó, các chuyên gia của WHO đã công khai chỉ trích chính quyền Bắc Kinh vì không giải thích rõ quy mô của dịch bệnh tại Trung Quốc cho tổ chức này. Đồng thời kêu gọi chính quyền Trung Quốc cung cấp cho WHO dữ liệu thống kê xác thực và đáng tin cậy về các ca bệnh nặng và ca bệnh tử vong. Sau đó, giới chức Trung Quốc đã công bố dữ liệu mới về số người chết do COVID hôm 14/1, với gần 60.000 người tử vong kể từ khi lệnh phong tỏa được dỡ bỏ vào tháng 12/2022.
Mặc dù dữ liệu do chính quyền Bắc Kinh cung cấp đã cao hơn nhiều lần so với con số trước đó, nhưng các chuyên gia y tế quốc tế vẫn cho rằng số người chết thực tế trong đợt dịch bệnh lần này ở Trung Quốc đã bị đánh giá thấp nghiêm trọng. Các chuyên gia đã thúc giục Bắc Kinh công bố dữ liệu trình tự gene hoàn chỉnh của loại virus đang lưu hành ở Trung Quốc, để tiện theo dõi trong trường hợp SARS-CoV-2 xuất hiện biến thể mới.
Theo NTD tiếng Trung
Đông Phương (NTDVN) biên dịch