spot_img
30 C
Vietnam
Thứ Bảy,27 Tháng Bảy
spot_img

Trung Quốc bất ngờ công bố gần 60.000 ca tử vong liên quan đến Covid

Trung Quốc báo cáo gần 60.000 ca tử vong liên quan đến Covid kể từ khi dỡ bỏ các hạn chế. Tiết lộ bất ngờ được đưa ra khi quốc gia này phải đối mặt với những lời chỉ trích ngày càng tăng vì cung cấp dữ liệu không đáng tin cậy về đợt bùng phát coronavirus mới nhất.

bv tq qua tai
Sự quá tải của hệ thống y tế Trung Quốc khiến nguy cơ tử vong gia tăng không kiểm soát – Ảnh: GettyImages

Truyền thông quốc tế đưa tin, Trung Quốc hôm thứ Bảy (15/1) công bố rằng họ đã ghi nhận 59.938 trường hợp tử vong liên quan đến coronavirus trong tháng, kể từ khi dỡ bỏ chính sách nghiêm ngặt “Zero Covid”. Sự thay đổi chính sách đột ngột này tại Trung Quốc đã khiến lan nhanh một đợt bùng phát được với quy mô hàng triệu người.

Tiết lộ này là lần đầu tiên được Trung Quốc đưa ra thay cho một lời thừa nhận chính thức của quốc gia này rằng làn sóng Covid hiện đang càn quét khắp đất nước và số người chết chính thức tăng đột biến.

Cho đến trước ngày 14/1, Trung Quốc đã báo cáo tổng cộng chỉ có 5.241 ca tử vong do Covid kể từ khi đại dịch bắt đầu ở thành phố Vũ Hán vào cuối năm 2019. Và chỉ có 37 người chết vì Covid kể từ ngày 7/12.

Con số này theo phía Trung Quốc cho biết là đến từ biện pháp thống kê mới theo “định nghĩa hẹp về những ca tử vong” do viêm phổi hoặc suy hô hấp do Covid gây ra. Con số gần 60.000 ca tử vong mới được công bố hôm thứ Bảy bao gồm những người mắc Covid, và cả các bệnh nền khác.

Thời gian qua, Trung Quốc đã phải đối mặt với sự chỉ trích ngày càng tăng từ các quốc gia khác và từ Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) vì đã không cung cấp dữ liệu đáng tin cậy về mức độ bùng phát dịch Covid và về số ca tử vong trên khắp đất nước, bất chấp những hình ảnh  bệnh viện quá tải, nhà xác và nhà tang lễ hoạt động hết công suất trong những tuần gần đây.

noi long han che
Sự nới lỏng chính sách đột ngột khiến người dân ít cảnh giác hơn trong khi nhu cầu đi lại tăng – Ảnh: GettyImages

Sự thiếu minh bạch đã khiến một số quốc gia, bao gồm Nhật Bản và Hàn Quốc và nhiều quốc gia khác áp đặt các biện pháp hạn chế đi lại đối với du khách Trung Quốc sau khi Trung Quốc mở cửa lại biên giới vào Chủ nhật tuần trước. 

Các chuyên gia cũng cảnh báo rằng việc hạ thấp mức độ nghiêm trọng của đợt bùng phát có thể khiến người dân trong nước thực hiện ít biện pháp phòng ngừa hơn.

Jiao Yahui, một quan chức của Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc, cho biết trong một cuộc họp báo ở Bắc Kinh, Trung Quốc đã ghi nhận 59.938 ca tử vong liên quan đến Covid-19 từ ngày 8/12 đến ngày 12/1. Con số đó bao gồm 5.503 người chết vì suy hô hấp do Covid trực tiếp gây ra và 54.435 trường hợp tử vong khác có liên quan đến các bệnh nền khác.

Bà Jiao cho biết Trung Quốc không thể công bố dữ liệu về các trường hợp tử vong liên quan đến Covid sớm hơn vì cần phải kiểm tra toàn diện báo cáo của bệnh viện. Bà nói: “Chúng tôi đã tổ chức các chuyên gia để tiến hành phân tích có hệ thống về các trường hợp tử vong, vì vậy đã mất nhiều thời gian”.

Mặc dù chưa có cơ sở để xác định trong việc thống kê các số liệu mới này Trung Quốc đã thay đổi cách thống kê các trường hợp tử vong do Covid hay vẫn dùng cách tiếp cận theo “ định nghĩa hẹp về cái chết”. Nhiều chuyên gia vẫn cho rằng con số chính thức của Trung Quốc chỉ tính những người chết vì viêm phổi hoặc suy hô hấp do Covid-19 gây ra. Trong khi đó các quốc gia khác, chẳng hạn như Hoa Kỳ và Anh, tính số ca tử vong do Covid rộng hơn.

Các chuyên gia cho biết còn quá sớm để xác định liệu Trung Quốc có thay đổi các thống kê số liệu bệnh dịch hay chiến lược ứng phó dịch hay không, nhưng họ hoan nghênh động thái cung cấp thêm dữ liệu mới này.

Jin Dongyan, nhà virus học tại Đại học Hong Kong, cho biết: “Hiện tại chúng tôi không thể đưa ra nhận định chính xác, nhưng rõ ràng nó đáng tin cậy hơn so với dữ liệu trước đó nói rằng chỉ có một số trường hợp tử vong”. “Tôi hy vọng chính phủ họ sẽ minh bạch hơn.”

Trung Quốc từ lâu đã thống kê số ca tử vong do các bệnh truyền nhiễm, bao gồm cả dịch SARS năm 2003 và cúm theo mùa. Nhưng trong đợt phong tỏa Thượng Hải vào mùa xuân năm 2022, chính quyền đã đưa ra một ngoại lệ và sử dụng một định nghĩa lỏng lẻo hơn để biện minh cho việc giam giữ cư dân trong thời gian dài. 

Trong số 588 ca tử vong do Covid-19 mà chính quyền thành phố Thượng Hải báo cáo vào thời điểm đó, một người được cho là do đau tim và những người còn lại là do “điều kiện cơ bản” hoặc “khối u”. 

Ben Cowling, một nhà dịch tễ học tại Đại học Hồng Kông, cho biết số người chết thực tế ở Trung Quốc, giống như ở mọi quốc gia, gần như chắc chắn cao hơn. Ông nói rằng Trung Quốc lẽ ra có thể cung cấp dữ liệu đáng tin cậy hơn về tỷ lệ tử vong và lây nhiễm nếu họ xét nghiệm bệnh nhân trong bệnh viện chặt chẽ hơn.

Ông Cowling nói: “Có một điều hơi ngạc nhiên là Trung Quốc có rất nhiều năng lực xét nghiệm nhưng lại không sử dụng nó để xác nhận Covid ở những bệnh nhân nhập viện”.

Dữ liệu của Ủy ban Y tế Quốc gia đã xác nhận những lo ngại từ lâu rằng dân số già của Trung Quốc sẽ bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh bùng phát vì rất nhiều người không nhận đủ liều vaccine. Trong số gần 60.000 trường hợp tử vong, 56,5% số ca có tuổi đời cao hơn 80 tuổi.

Số lượng tử vong do Covid dường như là một vấn đề chính trị đặc biệt nhạy cảm ở Trung Quốc. Bởi lẽ quyết sách chống dịch này liên quan đến những nhà lãnh đạo hàng đầu của đất nước. Những người được cho là đã kiên quyết ủng hộ chiến lược phong tỏa khắc nghiệt, cách ly và xét nghiệm hàng loạt để cố gắng ngăn chặn virus. 

Tuy nhiên, khi biến thể Omicron có khả năng lây nhiễm cao bùng phát vào năm ngoái, chiến lược “ zero covid” đã trở nên bất khả thi. Khi các ca bệnh gia tăng đều đặn trên khắp đất nước, các cuộc biểu tình đã nổ ra vào tháng 11 khi nhiều người cảm thấy mệt mỏi với các hạn chế của Covid. 

Đang trong tình trạng căng thẳng kinh tế nghiêm trọng, Trung Quốc đột ngột đảo ngược chính sách “không có Covid” mà không tạo cơ hội cho nước này dự trữ thuốc.

zero covid
“ Zero Covid” đã khiến cả đất nước Trung Quốc mệt mỏi – Ảnh: Getty Images

Giới chức Trung Quốc trong những ngày gần đây cho biết số ca nhiễm bệnh đã lên đến đỉnh điểm ở các thành phố lớn, mặc dù ngày càng có nhiều lo ngại về việc làn sóng Covid hiện tại sẽ lan đến vùng nông thôn, nơi có hệ thống chăm sóc sức khỏe yếu hơn nhiều so với các thành phố của Trung Quốc.

V.N (t/h)

Xem thêm

- Quảng cáo -spot_img

Xem nhiều