Trong gia đình truyền thống Việt Nam, bữa cơm là khoảng thời gian để các thành viên thể hiện sự quan tâm, chia sẻ và gắn kết với nhau. Bốn ngàn năm văn hiến, tình cảm bạn bè, gia đình, họ hàng, xóm làng trong văn hoá truyền thống Việt Nam cũng được thể hiện trọn vẹn qua những mâm cơm.
Bữa cơm Việt ngày xưa
Người Việt khi nói đến bữa ăn thì vẫn quen gọi là “bữa cơm”. Vì cơm là thành phần chính trong các bữa ăn Việt. Sau đó là đến các loại rau quả dùng chung với cơm, và cuối cùng là thịt.
Người Việt xưa không có xu hướng sử dụng nhiều thịt cho bữa ăn hàng ngày, có lẽ do điều kiện kinh tế, cũng có thể là do thói quen tiết kiệm hoặc thổ nhưỡng của vùng đất. Bởi vậy mà chỉ những dịp giỗ tết, hội hè, đình đám mới có những mâm cỗ nhiều thịt.
Từ xưa, người Việt đã có thói quen khi dọn cơm vào mâm thì tất cả các món ăn đều dọn lên cùng một lúc. Điều này cũng khác với cách dùng cơm của phương Tây, dọn từng món, sau khi hết một món mới dọn món tiếp theo.
Vậy tại sao mâm cơm của người Việt lại mang hình tròn? Cũng có nhiều cách giải thích như đó là hình tượng của mặt trời, mặt trăng… nhưng có lẽ trước hết là vì tròn thì mới hợp lý, tròn nên mới gắn kết được tất cả mọi người ngồi quanh mâm. Hình tròn biểu tượng cho sự viên dung, tròn đầy của các thành viên, thể hiện một cuộc sống hòa thuận, hạnh phúc của gia đình ấy.
Bữa cơm của người Việt có hạt cơm dẻo, có sợi rau dài, có thịt thái lát nên người Việt dùng đũa để linh hoạt trong lúc ăn. Đôi đũa có vai trò quan trọng trong bữa ăn, cách cầm đũa cho khéo để gắp thức ăn không rơi cũng cần phải học. Người Việt xưa dạy: “Học ăn, học nói, học gói, học mở”, và cách cầm đũa cũng là một phần trong việc “học ăn” mà trẻ em cần phải học ngay từ tấm bé.
Thời xưa nhìn một người cầm đũa là có thể đoán được người ấy sinh trưởng trong một gia đình như thế nào, được giáo dục ra sao… Đôi đũa cũng có tiếng nói riêng của nó trong đời sống gia đình Việt, nó từng một thời là tiêu chuẩn đánh giá một con người.
Gia đình cổ truyền người Việt thường có xu hướng sống chung nhiều thế hệ. Có những gia đình tồn tại tam, tứ đại đồng đường cùng chung sống. Với tinh thần “kính trên nhường dưới”, thể hiện sự kính trọng yêu thương đối với người lớn tuổi và bao bọc, che chở cho trẻ nhỏ. Trong bữa ăn, những phần cơm mềm dẻo, những phần thức ăn ngon sẽ được mời ông bà, và để dành cho trẻ con trong gia đình.
Một bữa cơm không phải chỉ ở số lượng bao nhiêu món ăn được bày ra, mỗi món nhiều hay ít; mà quan trọng là ở sự hội ngộ đầm ấm của các thành viên trong gia đình: cùng trò chuyện về những gì diễn ra trong ngày, ôn lại chuyện ngày xưa, kể lại những kỷ niệm đáng nhớ, dạy bảo khuyên răn những điều cần học cho con trẻ vv… Điều đó gắn kết các thành viên trong gia đình với nhau, chia sẽ niềm vui nỗi buồn cho nhau. Cái ngon của bữa cơm chính là nằm ở đó.
Trong bữa ăn gia đình, người Việt biết tôn trọng nhau và thể hiện một không khí hoà đồng. Thời xưa thì cũng có những quy tắc riêng dành cho người trên người dưới, nhưng ngày nay thì chúng trở thành những quy ước tự giác không bắt buộc. Tất nhiên tuân thủ các quy ước ấy chính là thể hiện một lối sống có văn hóa. Còn khi có khách được mời tham dự vào bữa cơm trong gia đình, thì người đó bao giờ cũng được mời ngồi ở vị trí ưu tiên, được chủ nhà hết sức ân cần chăm sóc khách.
Bữa ăn gia đình và đặc biệt là bữa ăn gia đình nhiều thế hệ là một không gian văn hóa thể hiện quá trình tiếp nối và bảo lưu văn hóa khá độc đáo của người Việt. Ở đây, yếu tố văn hóa không chỉ được truyền tải qua sự đầm ấm của bữa ăn, mà còn được gìn giữ trong những khuôn phép cổ truyền.
Vị trí và tư thế ngồi dùng cơm được lưu ý rất cẩn trọng. Mọi người có bát đũa riêng cùng ngồi quanh chiếc mâm tròn và cùng gắp chung các thức ăn có trong mâm, chấm chung một bát nước chấm. Ông bà ta có câu “ăn trông nồi, ngồi trông hướng”, khi ngồi cũng cần có ý tứ. Người có tuổi thường ngồi ở chỗ được chăm chút cẩn thận nhất, với các món ăn ngon được bày khéo xung quanh.
Ngồi vào mâm rồi thì điều đầu tiên không gì khác hơn là hai tiếng “mời cơm”. Việc này là điều không thể thiếu trong bữa ăn, người ít tuổi mời những người nhiều tuổi hơn. Tuỳ theo tuổi tác của người ngồi cùng mâm mà thứ tự mời trước sau, lần lượt từ người nhỏ nhất phải mời ông bà, cha mẹ, chú bác… ăn cơm. Sau khi mời xong rồi, người lớn tuổi nhất cầm chén lên thì những người khác mới được phép cầm chén đũa của mình lên ăn.
Mỗi khi vào mâm cơm ai cũng phải biết trông trước nhìn sau, ăn bao nhiêu thì vừa. Câu nói dân gian về cách ăn: “Ăn hết bị đòn, ăn còn mất vợ” chính là để người ta chú ý tới việc ăn uống, biết nhường nhịn từng miếng ăn và biết quý trọng đồ ăn không để phí phạm.
Vì mọi người trong bữa cơm đều có quan hệ chặt chẽ với nhau, đồng thời có người lớn, kẻ nhỏ, nên trong mâm cơm mọi người luôn giữ ý tứ. Chuyện thân mật, chuyện nhà chuyện cửa, chuyện làng xóm… thì có thể nói, nhưng tối kỵ nhất là nói những chuyện căng thẳng trong bữa ăn hoặc đang ăn lại bất ngờ giao việc cho người khác khiến người ấy phải bỏ cơm đi làm.
Trong những dịp giỗ hay lễ, tết thì vị trí cao thấp của các mâm thường được phân bổ theo vai thứ trong họ hàng. Các cụ có mâm riêng, cha chú có mâm riêng, trẻ em được ngồi ở mâm dành cho trẻ nhỏ. Cỗ bàn tan, trước khi ra về mỗi người còn được lấy phần đem về cho người ở nhà. Đây là hành động thể hiện sự quan tâm của người chủ đám cỗ, người đi ăn cỗ với những người thân ở nhà.
Bữa cơm Việt ngày nay
Gia đình Việt Nam chuyển từ truyền thống sang hiện đại đã chịu ảnh hưởng từ rất nhiều yếu tố. Gia đình một thế hệ, hai thế hệ dần xuất hiện và thay thế cho gia đình nhiều thế hệ có từ trước tới nay. Điều này làm những bữa cơm gia đình ngày càng trở nên tẻ nhạt, thiếu sự gắn kết, thiếu sự quan tâm chăm sóc giữa các thành viên trong gia đình.
Chúng ta ngày càng bận rộn với công việc, kèm theo đó là những bữa cơm công sở hời hợt, làm cho bữa cơm gia đình không thể đông đủ. Các thành viên trong gia đình ít có thời giờ gặp gỡ nhau, có gia đình các thành viên đi làm xa, những bữa ăn xôm tụ đã là chuyện quá xa vời. Có khi cha mẹ ở nhà thì con cái đi học, đi làm, còn lúc con cái ở nhà thì ba mẹ đi làm, đi buôn bán chưa về. Do đó, bữa cơm gia đình đang dần bị phá vỡ và mai một dần dần.
Một bộ phận thế hệ trẻ ngày nay không còn biết đến bữa cơm gia đình là như thế nào nữa. Những món ăn đã được nấu sẵn, ai đói tự lấy ăn, ai có công việc phải đi sớm thì ăn trước, ai không có việc gì thì cứ từ từ ăn sau… Tình trạng ấy làm cho sự gắn kết trong gia đình giữa các thành viên trở nên lỏng lẻo, những bữa cơm chung của gia đình cũng ít dần.
Mặc dù, cũng còn khá nhiều gia đình vẫn duy trì được truyền thống ăn cơm chung, nhưng đáng tiếc, bữa cơm gia đình ngày nay không còn đầm ấm, không còn “no đủ tình người” như ngày xưa nữa. Bởi vì mặc dù ăn cơm chung, mặc dù thịt cá món ngon nhiều hơn, nhưng nhiều người phải ăn vội ăn vàng, ăn tranh thủ. Hoặc mỗi người chăm chăm nhìn vào phim truyền hình hay chiếc điện thoại. Mỗi người đều có những bận rộn riêng mà đánh mất bầu khí trò chuyện thân tình. Bữa cơm đơn thuần chỉ cần có để giải quyết nhu cầu vật chất sinh tồn của con người mà yếu tố tinh thần văn hóa truyền thống vốn không kém phần quan trọng dần bị lãng quên.
Người Việt đang đánh mất nét đẹp văn hóa truyền thống gần gũi bình dị nhưng vô cùng ý nghĩa này. Bản thân mỗi chúng ta cần có trách nhiệm hơn, đôi khi chỉ cần bớt chút thời gian riêng tư để có thêm những khoảnh khắc chung của gia đình có lẽ sẽ khiến chúng ta có nhiều hơn nữa những bữa ăn gia đình.
Đừng để một ngày chúng ta chạnh lòng khi nhớ ra: Rất lâu rồi mình không ăn cơm cùng cả nhà?
Minh Đăng
Xem thêm:
Từ điển cố “Triệu Hiếu tranh chết”, ngẫm chuyện quan hệ anh em xưa nay
Tân Thế Kỷ Truyền Thống – Nhân Văn – Trung Thực