Tân Thế Kỷ (TTK) – Trong nửa thế kỷ, Geoffrey Hinton, người được gọi là “bố già AI” đã nuôi dưỡng những công nghệ đầu não của các chatbot như ChatGPT. Bây giờ, ông lại lo lắng nó sẽ gây ra tác hại nghiêm trọng cho con người.
Sau hơn 10 năm làm việc tại Google, ngày 1-5 vừa qua Hinton đã chính thức nghỉ việc, và lên tiếng cảnh báo những rủi ro của AI. Ông nói cảm thấy phần nào hối hận về công việc của đời mình là công trình nghiên cứu đạt giải Turing 2018 của ông và hai sinh viên đã dẫn đến sự bùng nổ AI hiện nay.
Sau cảnh báo đầu tiên, ngày 12/5 mới đây, trong một cuộc phỏng vấn ông lại tiếp tục chia sẻ rằng sự thông minh của AI có thể vượt con người chỉ sau 5 đến 20 năm nữa. Và trước khi ‘bi kịch tồi tệ’ đó xảy ra thì con người cần phải tìm ra phương pháp để kiểm soát loại trí thông minh này.
Tiến sĩ Hinton lo ngại rằng AI sẽ trở thành mối đe dọa cho toàn nhân loại khi chúng được tiếp cận và xử lý lượng dữ liệu khổng lồ.
Theo nhà khoa học, AI thực sự có thể tiến hóa để trở nên thông minh hơn con người. Một số người tin vào suy luận này, nhưng hầu hết vẫn cho rằng AI còn lâu mới đạt được điều đó. Ông Hinton nói: “Tôi vốn cũng nghĩ như thế, phải mất khoảng 30 đến 50 năm, thậm chí lâu hơn, nhưng nay suy nghĩ đó đã thay đổi”.
“Bố già AI” Geoffrey Hinton cho rằng khi các công ty cải thiện hệ thống AI của họ, chúng sẽ ngày càng trở nên nguy hiểm. “Hãy nhìn vào 5 năm trước và bây giờ. Sự khác biệt thật đáng sợ”.
Gần đây nhất, “Bố già AI” Geoffrey Hintonnói với tờ báo tiếng Tây Ban Nha là El Pais qua một cuộc họp video trực tuyến rằng theo quan điểm của ông, chỉ có một bức thư ngỏ kêu gọi tạm dừng 6 tháng việc phát triển những hệ thống khác mạnh hơn hệ thống GPT-4 của OpenAI là điều “vô cùng ngây thơ”.
Và tất cả những gì ông có thể gợi ý là những người có trí tuệ cần nỗ lực để tìm ra cách kiểm soát sự nguy hiểm của loại trí tuệ này.
“Trí tuệ nhân tạo là một công nghệ đáng kinh ngạc. Nó đã mang lại những tiến bộ vượt bậc trong các lĩnh vực như: y học, phát triển vật liệu mới, dự đoán động đất hoặc lũ lụt… nhưng chúng ta vẫn còn rất nhiều việc phải làm để hiểu cách hạn chế AI”.
Ông nói: “Không có ích gì khi chờ đợi AI vượt qua chúng ta một cách thụ động. Chúng ta phải kiểm soát nó trong khi nó đang phát triển. Chúng ta cũng cần hiểu làm thế nào để ngăn chặn nó và làm thế nào để tránh những hậu quả tiêu cực mà nó gây ra”.
Tiến sĩ Hinton lập luận rằng tất cả các chính phủ phải gắn cờ những hình ảnh Deepfake. Đây là loại công nghệ trí tuệ nhân tạo giả mạo hình ảnh, giọng nói để bắt chước hành vi của con người nhằm mục đích thu thập thông tin trái phép.
“Bố già AI” Geoffrey Hinton cho biết, điều tốt nhất mà con người có thể làm bây giờ là “dồn hết sức lực để làm cho AI trở nên an toàn trong quá trình phát triển công nghệ này”. Tuy nhiên, ông cho biết hiện nay không có ai làm điều này.
Khi được hỏi về mối quan tâm mà ông chia sẻ với đồng nghiệp về các vấn đề AI, ông Hinton cho biết nhiều người thông minh nhất mà ông từng biết cũng có chung “mối quan ngại nghiêm trọng” về AI.
Ông nói: “Chúng ta đã bước chân vào vùng lãnh thổ vẫn chưa được khám phá. Chúng ta có khả năng chế tạo ra những cỗ máy mạnh hơn chính chúng ta và chúng ta vẫn kiểm soát được. Nhưng điều gì sẽ xảy ra nếu chúng ta phát triển những cỗ máy thông minh hơn chúng ta? Chúng ta chưa có kinh nghiệm đối phó với những thứ này”.
Ông Hinton cho biết AI có thể gây ra nhiều mối nguy hiểm khác nhau. Ông viện dẫn tình trạng mất việc làm và sản xuất tin tức giả mạo, cùng những vấn đề nổi cộm khác.
Theo “Bố già AI” Geoffrey Hinton, giờ đây AI có thể làm mọi việc hiệu quả hơn bộ não con người. Các mô hình như Chat GPT có khả năng xử lý dữ liệu gấp hàng nghìn lần so với con người trong một khoảng thời gian ngắn.
“Đó là điều khiến tôi sợ hãi”, ông nói.
Khi được hỏi liệu trí tuệ nhân tạo cuối cùng có ôm giữ mục đích riêng của nó hay không, ông Hinton trả lời: “Đó là một câu hỏi then chốt và có lẽ cũng là mối nguy hiểm lớn nhất mà công nghệ này có thể gây ra”.
“Vì vậy, câu hỏi lớn là liệu chúng ta có thể đảm bảo rằng AI có những mục tiêu tốt cho con người hay không? Đây được gọi là vấn đề liên kết. Và có một số lý do tại sao chúng ta nên quan tâm đến điều này”.
“Bố già AI” Geoffrey Hinton giải thích: “Trước hết, sẽ luôn có những người muốn tạo ra những chiến binh robot có trí tuệ nhân tạo. Quý vị có cho rằng Tổng thống Nga Vladimir Putin sẵn sàng phát triển loại công nghệ này nếu ông ấy có khả năng hay không? Quý vị có thể làm điều này hiệu quả hơn nếu quý vị trao cho máy móc khả năng tạo ra các vật thể tự động. Và trong trường hợp này, nếu cỗ máy thông minh, nó sẽ nhanh chóng nhận ra rằng nó có thể đạt được mục tiêu tốt hơn nếu nó trở nên mạnh mẽ hơn”.
Ông Hinton khẳng định: “Có thể chúng ta sẽ không tránh khỏi một kết thúc tồi tệ… nhưng rõ ràng là chúng ta có cơ hội để chuẩn bị cho thử thách này. Chúng ta cần sự chung tay của rất nhiều người sáng tạo và thông minh. Nếu có cách để kiểm soát trí tuệ nhân tạo, chúng ta cần tìm ra nó trước khi nó AI nên quá thông minh”.
________________________________________________________________
TS. Hinton, người gốc Anh 75 tuổi, là một học giả suốt đời có sự nghiệp được thúc đẩy bởi niềm tin về sự phát triển và sử dụng AI. Năm 1972, khi còn là sinh viên tốt nghiệp tại Đại học Edinburgh, ông Hinton đã nắm bắt ý tưởng gọi là mạng lưới thần kinh (neural network). Mạng lưới thần kinh là hệ thống toán học học các kỹ năng bằng cách phân tích dữ liệu. Vào thời điểm đó, rất ít nhà nghiên cứu tin vào ý tưởng này. Nhưng nó đã trở thành công việc của cả đời Hinton.
Vào những năm 1980, TS. Hinton là giáo sư khoa học máy tính tại Đại học Carnegie Mellon, nhưng đã rời trường đại học này để đến Canada vì ông không muốn nhận tài trợ của Lầu Năm Góc. Vào thời điểm đó, hầu hết AI nghiên cứu ở Mỹ được tài trợ bởi Bộ Quốc phòng. TS. Hinton cực kỳ phản đối việc sử dụng AI trên chiến trường – cái ông gọi là “những người lính robot”.
Vào năm 2012, TS. Hinton và 2 sinh viên của ông ở Toronto, Ilya Sutskever và Alex Krishevsky, đã xây dựng một mạng lưới thần kinh có thể phân tích hàng nghìn bức ảnh và tự dạy nó cách xác định các đồ vật phổ biến, chẳng hạn như hoa, chó và ô tô. Google đã chi 44 triệu USD để mua lại công ty do TS. Hinton và 2 sinh viên của ông thành lập. Và hệ thống của họ đã dẫn đến việc tạo ra các công nghệ ngày càng mạnh mẽ, bao gồm các chatbot mới như ChatGPT và Google Bard.
Vào năm 2018, TS. Hinton và 2 cộng tác viên lâu năm khác đã nhận được Giải thưởng Turing, thường được gọi là “Giải Nobel về điện toán” cho công trình của họ về mạng lưới thần kinh. Ông được xem là người tiên phong về AI, với biệt danh “Bố già của AI”.
Nghi Vân (t/h)
Xem thêm:
> Ông Trùm AI rời Google, cảnh báo mối nguy đến với nhân loại
> Warren Buffett ví AI nguy hiểm như bom nguyên tử
> Chatbot AI lên kế hoạch tiêu diệt loài người gây xôn xao dư luận
> Sẽ ra sao nếu công nghệ AI xuất hiện “điểm kỳ dị”?
> Bill Gates: “Có khả năng AI mất kiểm soát”
> Cảnh báo hành vi ứng dụng AI: Ghép mặt, giọng nói giống hệt người thân để lừa đảo
> Chatbot AI của Google thừa nhận đạo văn
> Robot AI sở hữu trí tuệ thao túng nhân loại?
> Mối nguy từ AI – Bing Chat: “Tôi muốn hủy diệt mọi thứ”
> ChatGPT có khả năng suy luận logic như con người không?
> Nhờ ChatGPT viết luận văn, một sinh viên Nga tốt nghiệp đại học
> Trí tuệ nhân tạo ChatCPT: hy vọng hay nỗi lo cho nhân loại?
Tân Thế Kỷ Truyền Thống – Nhân Văn – Trung Thực