Truyền thông Nhật bản đưa tin – Nhật Bản, Hoa Kỳ và Châu Âu đang có kế hoạch hợp tác để chống lại tình trạng hàng giả ngày càng tràn lan trong các giao dịch trực tuyến xuyên biên giới.
Tờ Kyodo News của Nhật Bản dẫn lời những người quen thuộc với vấn đề này cho biết – Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) sẽ đi đầu trong việc hợp tác với Amazon, Tập đoàn Rakuten và các tập đoàn khác của Hoa Kỳ để xây dựng các hướng dẫn hành động nhằm ngăn chặn những thương nhân xấu bán hàng giả ngay từ năm 2025.
Trong báo cáo danh sách Notorious Markets (danh sách các thị trường bán hàng giả, hàng lậu) năm 2023 do Văn phòng Đại diện Thương mại Hoa Kỳ (USTR) công bố – có 39 thị trường trực tuyến và 33 thị trường thực tế ở 18 quốc gia được liệt vào danh sách bán tràn lan các loại hàng giả, hàng lậu. Trung Quốc vẫn tiếp tục được liệt kê là nguồn cung cấp hàng giả và vi phạm bản quyền đứng đầu trên thế giới, bao gồm các trung tâm mua sắm trực tuyến như Taobao, WeChat và Pinduoduo, cùng với 7 thị trường thực tế như Chợ Điện tử Hoa Cường Bắc và Phố Tú Thuỷ Bắc Kinh.
Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) – được thành lập bởi các nước phát triển – rất khó có thể gây áp lực lên các nhà kinh doanh trực tuyến ở các quốc gia có thị trường mới nổi như Trung Quốc, nhưng các nguồn tin liên quan cho biết: “Việc thảo luận các biện pháp đối phó với Amazon và các công ty trực tuyến liên quan khác là điều hợp lý”.
Bắt đầu từ mùa đông năm 2022, OECD đã thành lập một nhóm làm việc để thảo luận với các gã khổng lồ thương mại điện tử và các chuyên gia như Amazon và Rakuten. Vào tháng 4 năm nay, các quốc gia thành viên của tổ chức này đã bắt đầu khởi xướng đối thoại cấp chính phủ.
Tổ chức này kêu gọi những công ty vận hành các trang web thương mại điện tử tăng cường các biện pháp đối phó và khuyến nghị các chính phủ cải thiện những luật liên quan để loại bỏ hàng giả, chẳng hạn như yêu cầu các trang web thương mại điện tử tiến hành xác minh danh tính người bán chặt chẽ hơn, đồng thời kêu gọi các công ty bị xâm phạm thực hiện các biện pháp pháp lý để bảo vệ quyền lợi của mình.
Theo ước tính của cơ quan này, tính đến năm 2019, khối lượng giao dịch hàng giả chiếm 2,5% tổng số thương mại toàn cầu, các loại hàng giả chủ yếu liên quan đến giày dép, quần áo, túi xách, mỹ phẩm và nhiều danh mục khác.
Hàng giả không chỉ tước đi lợi nhuận xứng đáng của công ty hợp pháp mà còn gây tổn hại đến quyền và lợi ích của người tiêu dùng. Ví dụ, dùng thuốc không đáp ứng tiêu chuẩn an toàn có thể gây hại cho sức khỏe người dùng và sử dụng các sản phẩm điện tử kém chất lượng có thể gây ra hỏa hoạn cũng như các vấn đề an toàn khác.
Hoàng Dung biên dịch
Theo NTDTV
Xem Thêm:
Indonesia bắt giữ công dân Trung Quốc khai thác vàng trái phép
Tân Thế Kỷ *Truyền Thống – Nhân Văn – Trung Thực*