spot_img
19 C
Vietnam
Thứ năm,21 Tháng mười một
spot_img

Cảnh giác với AI

Sau mùa thi tốt nghiệp THPT 2024, tôi và một số học sinh thử nhờ các “chatbot” ứng dụng AI như GPT-4o, Gemini, Claude AI giải đề Toán hoặc tiếng Anh.

ai dhhd

Sau khi các “trợ lý” này làm bài xong, chúng tôi kiểm tra lại với đáp án do Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố. Kết quả, có ứng dụng giải đúng 100%, nhưng cũng có cỗ máy chỉ đưa ra được 22% đáp án đúng.

Kiểm tra lại kết quả làm bài của AI cũng như mọi câu trả lời mà AI cung cấp là sự thận trọng cần thiết. Hầu hết ứng dụng AI hiện nay đều có câu cảnh báo người dùng xuất hiện ngay trên màn hình chính: “Tôi có thể đưa ra thông tin không chính xác, kể cả thông tin về con người, vì vậy, hãy xác minh các câu trả lời của tôi”.

Không chỉ đưa ra đáp án sai, AI cũng bị những nhà phát triển cảnh báo là có thể “sáng tạo” hình ảnh không đúng với các dữ liệu lịch sử, và thể hiện những quan điểm mang tính thành kiến, thiên vị dựa trên những dữ liệu đào tạo chưa đầy đủ. Hồi tháng 2, một số người dùng yêu cầu Gemini tạo hình ảnh của các nhà khai quốc Mỹ. Kết quả, AI cho biết vị tổng thống đầu tiên của Mỹ – George Washington – là người da màu. Sự cố nghiêm trọng này khiến Google phải tạm dừng tính năng tạo hình ảnh một thời gian.

Tuy nhiên, những gì con người phải cảnh giác với AI không dừng lại ở những vấn đề trên. Trong cuốn sách xuất bản năm 2019, “8 cách để làm chủ trí thông minh nhân tạo”, tác giả người Hàn Quốc Lee Ji-sung cho rằng có hai năng lực riêng của con người tuyệt đối không có ở AI, là năng lực đồng cảm và tưởng tượng sáng tạo. Tuy nhiên, thực tế phát triển công nghệ hai năm gần đây cho thấy khả năng sáng tạo của AI có những tiến bộ ấn tượng. AI có thể viết nhạc, vẽ tranh, làm video, viết văn, viết bài luận, làm thơ. Nhiều giáo viên tiếng Anh đã vô cùng ngỡ ngàng khi Gemini có thể dịch cụm từ “Canh gà Thọ Xương” theo hai nghĩa; nghĩa đen dịch là “Chicken soup Thọ Xương” và nghĩa văn thơ là “The crowing of the Thọ Xương rooster” (Tiếng gà gáy theo canh giờ ở làng Thọ Xương). Mới đây, trong Hội nghị toàn cầu “AI For Good” 2024 cuối tháng 5 “cô” Sophia, AI Robot được Arab Saudi công nhận quyền công dân đầu tiên năm 2017, đã biểu diễn liên tiếp hai bài hát trong sự hào hứng và phấn khích của các đại biểu tham dự.

Khi AI có thể phát triển năng lực sáng tạo, thậm chí cải thiện nó từng ngày, con người lại càng phải kiểm soát sự cả tin của mình trước những cỗ máy linh hoạt này, nếu không có thể lạc lối trong sự dẫn dắt không giới hạn của trí tuệ nhân tạo. Và rốt cuộc, để không dại khờ trước AI, người sử dụng, không có cách nào khác, phải đủ kiến thức để hoài nghi. Muốn tận dụng những cỗ máy thông minh, con người càng cần phải cập nhật tri thức và mài sắc tư duy.

AI là một hệ thống máy học, nhưng tôi nhận ra, trong quá trình sử dụng, con người cũng học được rất nhiều điều từ những “đức tính của AI”.

Thứ nhất là AI rất kiên nhẫn với người hỏi. Khi tôi yêu cầu “vẽ một bức tranh con gà trống đứng trên đống rơm gáy vào buổi sáng ở làng theo phong cách tranh Đông Hồ”, AI nhanh chóng vẽ được bốn bức tranh đầu tiên. Tiếp đó, AI sẵn sàng vẽ thêm nhiều bức tranh nữa theo yêu cầu. AI cũng cho phép cho người dùng mở rộng, cung cấp thêm yêu cầu để tiếp tục đưa ra câu trả lời với những dữ liệu mới thêm vào. Tương tác với AI, dường như chỉ có người hỏi bị mệt, còn máy móc trả lời không biết mệt. Trong quá trình này, chúng sẽ xin lỗi nếu không đưa ra được câu trả lời phù hợp, động viên người hỏi đưa thêm dữ liệu để có câu trả lời tốt hơn. Đi kèm với sự nhẫn nại, có thể nói AI cũng thể hiện “sự tử tế” mà đôi khi chúng ta không cảm nhận được nếu đi hỏi một người thật. Tôi nghiệm ra, trong cuộc sống thực bên ngoài, kiên trì, tử tế cũng là những đức tính góp phần quyết định sự thành công của con người.

Ưu điểm thứ hai con người học được từ các cỗ máy này là tinh thần liên tục học hỏi, tích lũy kiến thức từ những trải nghiệm của người dùng trên toàn thế giới theo thời gian thực. Vì thế cùng một câu hỏi, càng về sau, AI càng có thể đưa ra những câu trả lời tốt hơn. Những “phẩm chất đáng quý” của AI như khiêm tốn, kiên trì, sáng tạo và tử tế… khiến tôi, dù luôn nhắc mình phải cảnh giác với chúng, vẫn khó tránh khỏi cảm giác “phải lòng” các cỗ máy – như những người bạn đồng hành hữu dụng và dễ chịu.

Cuộc sống hiện đại vì thế thú vị hơn chăng: ta không thể từ chối AI, nhưng lại vẫn phải cảnh giác với chúng, vì AI sẽ ngày càng trở thành “người” hơn.

Theo Trần Minh Trọng, VNE

Xem thêm:

Đếm ngược thời gian: Ngày đó AI thống trị loài người?

Xem thêm

- Quảng cáo -spot_img

Xem nhiều