spot_img
19 C
Vietnam
Thứ ba,17 Tháng chín
spot_img

‘Cha đẻ’ ngành chip Đài Loan cảnh báo toàn cầu hóa đã đến hồi kết

(KTSG Online) – Morris Chang, “cha đẻ” của ngành công nghiệp chip Đài Loan và là người sáng lập TSMC, hãng sản xuất chip lớn nhất thế giới, nhận định ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu đang đối mặt với tình hình địa chính trị thay đổi mạnh mẽ. Đồng thời, ông cảnh báo “toàn cầu hóa và thương mại tự do gần như đã chết”, khó có thể quay trở lại như trước đây.

Anh bai 1 6
Morris Chang, người sáng lập TSMC, phát biểu tại buổi lễ lắp đặt thiết bị ở nhà máy chip mà TSMC đang xây dựng ở Phoenix, Arizona hôm 6-12. Ảnh: Nikkei Asia

Ông Morris Chang đưa ra phát biểu nói trên tại một buổi lễ lắp đặt thiết bị ở một nhà máy chip của TSMC ở Phoenix, bang Arizona hôm 6-12. Ông cũng thông báo sẽ nâng tổng vốn đầu tư cho sản xuất chip ở Arizona lên 40 tỉ đô la Mỹ, thay vì chỉ 12 tỉ đô la Mỹ như cam kết ban đầu.

Nhà máy chip mà TSMC đang xây dựng ở Phoenix dự kiến đi vào hoạt động vào năm 2024. Một nhà máy chip nữa, nhà máy thứ hai ở Phoenix sẽ được TSMC triển khai trong thời gian tới và dự kiến vận hành vào năm 2026.

Buổi lễ lắp đặt thiết bị có sự tham dự của Tổng thống Joe Biden, cùng với các khách hàng lớn của TSMC bao gồm Giám đốc điều hành Apple Tim Cook và lãnh đạo của các hãng chip hàng đầu của Mỹ như Micron Technology, Nvidia, AMD. Sau khi nhà máy chip của TSMC đi vào hoạt động, Apple, AMD và Nvidia dự kiến sẽ là những khách hàng đầu tiên.

Đây là nhà máy sản xuất chip tiên tiến đầu tiên của TSMC tại Mỹ trong hơn hai thập niên qua. Ông Chang đã so sánh dự án đầu tư sản xuất chip trị giá 40 tỉ đô la Mỹ hiện tại ở bang Arizona với thời điểm TSMC xây dựng nhà máy chip đầu tiên ở Mỹ tại Camas, Washington vào năm 1995, chỉ 8 năm sau khi nhà sản xuất gia công chip lớn nhất thế giới này được thành lập.

Ông nói: “Hai mươi bảy năm đã trôi qua và ngành công nghiệp bán dẫn đã chứng kiến một sự thay đổi lớn về tình hình địa chính trị trên thế giới. Toàn cầu hóa gần như đã chết và thương mại tự do cũng gần như đã chết. Nhiều người vẫn ước mong toàn cầu hóa sẽ quay trở lại, nhưng tôi cho rằng nó sẽ không quay trở lại”.

Bình luận của Morris Chang được đưa ra trong bối cảnh ngày càng có nhiều lo ngại rằng căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc trong lĩnh vực chip đang phân chia chuỗi cung ứng công nghệ toàn cầu thành hai phe. Việc Washington kìm tỏa tham vọng chip của Bắc Kinh, gần đây nhất là các hạn chế xuất khẩu sang Trung Quốc các sản phẩm chip cao cấp và công nghệ sản xuất chip hồi tháng 10, đã khiến các công ty như TSMC ngày càng khó phục vụ khách hàng ở Trung Quốc.

Chang nói ông luôn mơ ước xây dựng một nhà máy sản xuất chip ở Mỹ vì ông được giáo dục và làm việc tại Mỹ trong nhiều thập niên. Nhưng trải nghiệm đầu tiên khi ông xây dựng nhà máy chip ở Washington đã không suôn sẻ.

Ông chia sẻ: “Tôi nghĩ đó là một giấc mơ đã thành hiện thực. Nhưng nhà máy đầu tiên gặp vấn đề về chi phí. Chúng tôi gặp vấn đề về con người, về văn hóa. Giấc mơ tưởng như đã thành hiện thực, nhưng rốt cuộc đã trở thành cơn ác mộng. Chúng tôi đã phải mất vài năm để thoát khỏi cơn ác mộng này, và tôi quyết định tôi cần phải trì hoãn giấc mơ”.

Trong những thập niên sau đó, TSMC tập trung xây dựng năng lực sản xuất chip tiên tiến tại thị trường quê nhà Đài Loan, một chiến lược giúp công ty giảm chi phí liên tục trong khi tích lũy bí quyết công nghệ của mình.

Anh bai 2 9 1
Tổng thống Joe Biden (trái) tham quan địa điểm xây dựng nhà máy sản xuất chip của TSMC ở Phoenix, Arizona hôm 6-12. Ảnh: AP

Phát biểu tại buổi lễ lắp đặt thiết bị, Tổng thống Biden đã ca ngợi việc TSMC xây dựng nhà máy chip ở Arizona là một chiến thắng đối với Mỹ trong nỗ lực thúc đẩy sản xuất chip tiên tiến ở trong nước.

Ông nói: “Nhà máy này sẽ sản xuất những con chip tiên tiến nhất trên hành tinh. Các con chip này sẽ cung cấp hiệu suất xử lý cho iPhone và MacBook. Apple đã phải mua tất cả chip tiên tiến từ nước ngoài. Giờ đây, Apple đang đưa thêm chuỗi cung ứng về quê nhà. Đó có thể là một yếu tố làm thay đổi cuộc chơi”.

Washington đã viện dẫn những lo ngại về an ninh quốc gia và các vấn đề về nguồn cung khi khuyến khích đưa hoạt động sản xuất chip về nước. Nhiều lãnh đạo trong ngành chip đồng ý rằng thời đại toàn cầu hóa đang lùi xa và việc tìm nguồn cung ứng trong nước hiện là ưu tiên hàng đầu.

Lisa Su, Giám đốc điều hành hãng chip AMD, nói với Nikkei Asia rằng tính liên tục của chuỗi cung ứng là một trong những ưu tiên hàng đầu đối với các công ty như như AMD. Bà nói: “Toàn bộ hệ sinh thái bán dẫn đã sẵn sàng tiến lên và làm việc cùng nhau. Ngành công nghiệp này đã trải qua rất nhiều khó khăn trong vài năm qua. Việc có thêm năng lực đa dạng về mặt địa lý là rất quan trọng”.

Bà cho rằng tình trạng thiếu hụt chip trong những năm qua là chưa từng có. Bà nhấn mạnh, AMD muốn bảo đảm rằng những con chip quan trọng nhất của AMD phải có chuỗi cung ứng ổn định.

Giám đốc điều hành Apple Tim Cook cũng ủng hộ ý tưởng sản xuất chip tại Mỹ dù công ty ông trong nhiều năm đã dựa vào các nhà cung cấp toàn cầu để giảm chi phí cho các sản phẩm “được thiết kế tại Mỹ” của mình, bao gồm iPhone.

Ông nói: “Trong vài năm qua, những tiến bộ mà chúng tôi đạt được với dòng chip Apple Silicon đã chuyển đổi mạnh mẽ các thiết bị của chúng tôi. Nó đã mở ra các mức hiệu suất mới, cho phép người dùng của chúng tôi làm những điều mà trước đây họ chưa từng làm được. Và giờ đây, nhờ vào sự làm việc chăm chỉ của rất nhiều người, những con chip này có thể tự hào đóng dấu ‘sản xuất tại Mỹ’. Đây là một thời điểm cực kỳ quan trọng để Mỹ mở ra một kỷ nguyên mới trong hoạt động sản xuất tiên tiến”.

Theo Nikkei Asia, Bloomberg

Xem thêm

- Quảng cáo -spot_img

Xem nhiều