Tân Thế Kỷ – Câu chuyện chàng trai 29 tuổi rong ruổi khắp nơi trong 2 năm rưỡi chụp 999 bức ảnh đời thường khắp VN in tặng ngay tại chỗ, đã thu hút hơn 6 triệu lượt xem. Ít ai biết để có được ngày hôm nay, làm những điều mình thích, chàng trai này đã vượt qua rất nhiều khó khăn.
“Úi đẹp thế”, “Nhanh thế này, đẹp quá!”, “Lâu lắm rồi, từ ngày cưới tới giờ có chụp đâu”… là cảm xúc của những người nhận được bức ảnh chính mình từ chàng trai trẻ. Đoạn clip ngập tiếng cười của người cho, người nhận được lan tỏa trên các nền tảng mảng xã hội.
Lưu giữ khoảnh khắc lao động cho người nghèo
Lưu Minh Khương (SN 1994) theo học ngành Quản lý đất đai tại một trường Đại học ở Hà Nội. Nhưng với niềm đam mê cháy bỏng với những bức hình, góc ảnh, chàng trai người Tày quyết định rẽ ngang sang con đường nhiếp ảnh và dùng chính đam mê của mình để kiếm sống.
Đầu tháng 5/2021, Lưu Minh Khương dần trở thành cái tên được nhiều người tìm kiếm trên mạng xã hội Tiktok với hơn 1,3 triệu người theo dõi nhờ loạt video đầy tính nhân văn: chụp ảnh người lạ rồi tặng cho họ.
“Những người lao động vất vả thường ít nghĩ tới việc chụp 1 tấm ảnh làm kỷ niệm. Do vậy mình muốn tặng cho họ một bức ảnh “nét đẹp lao động”, vừa giúp họ có hình ảnh kỷ niệm, vừa như một cách tôn vinh công việc mà họ đang làm” – anh Khương chia sẻ.
Suốt những năm sinh viên, Lưu Minh Khương cũng là một gương mặt quen thuộc trong các hoạt động thiện nguyện như: hiến máu, mùa hè xanh, tiếp sức mùa thi…
“Do thấu hiểu nỗi vất vả của người dân những vùng khó khăn nên ngoài việc giúp đỡ gia đình, tôi đăng ký tham gia các chuyến tình nguyện để góp sức trẻ cho quê hương. Khoảnh khắc cho đi cũng là lúc tôi cảm thấy thực sự hạnh phúc khi bản thân làm được những việc có ích” – Khương nói.
Đến nay, dù nắm trong nay tấm bằng Kỹ sư Quản lý đất đai, nhưng Lưu Minh Khương lại là chủ của một công ty truyền thông, tạo việc làm cho hàng chục nhân viên. Bên cạnh đó, anh còn đứng ra thành lập một diễn đàn với hơn 6.000 thợ ảnh làm dịch vụ để vừa có thể giao lưu học hỏi, vừa giải quyết nhu cầu thị trường.
Nói về quyết định thành lập công ty và cộng đồng nhiếp ảnh của mình, Khương bộc bạch: “Tôi chỉ có một mong muốn đó là tất cả mọi người đều có thể theo đuổi đam mê, được làm những điều bản thân thực sự yêu thích. Có như vậy, mọi người mới có thể đạt được hiệu suất cao nhất trong công việc”.
Hành trình đầy cảm xúc
Dự án 999 bức ảnh đời thường khắp VN được bắt đầu từ tháng 2.2021. Trong suốt 2 năm rưỡi, anh Lưu Minh Khương (29 tuổi, sống tại Hà Nội) đã bền bỉ chụp những khoảnh khắc của cuộc sống. Anh chia sẻ: “Xác định 3 năm để đi chụp 999 bức ảnh, thực ra tôi đã chụp hơn con số đó ở mọi nơi tôi đi qua”.
Học ngành quản lý đất đai và bén duyên với đam mê chụp ảnh từ năm 2 ĐH, anh Khương cùng bạn bè tự mày mò cách chụp, góc chụp. Bắt đầu với chiếc máy chỉ 3 – 4 triệu đồng, sau này anh xác định đi theo con đường chụp chuyên nghiệp. Đi đâu chàng trai 29 tuổi cũng vác theo máy ảnh, một chiếc máy in mini và khung ảnh nên chỉ 3 phút sau khi chụp là có ảnh tặng ngay cho nhân vật.
“Bức ảnh đầu tiên tôi chụp là ông cụ cắt tóc ở quê ngày gần tết. Ông cụ hân hoan lắm. Và tôi nhận ra ai nhận được ảnh trong khoảnh khắc lao động, đời thường của mình bất ngờ cũng đều vui như vậy. Xem clip tổng hợp, người ta nói tôi cười nhiều hơn cả người được nhận ảnh. Thật vậy, công việc này mang lại quá nhiều cảm xúc, tôi có cái nhìn khách quan, nghị lực hơn trong cuộc sống từ chính câu chuyện của những người tôi đã chụp”, chàng trai tâm sự.
Vì tôn trọng nhân vật và tiêu chuẩn cộng đồng nên chàng trai trẻ không đăng ảnh của tất cả nhân vật đã chụp lên mạng xã hội. Để thực hiện dự án này, anh chàng chuẩn bị sẵn kinh phí dự trù làm quà tặng nhân vật khó khăn, đồng thời kết hợp các chuyến công tác đến khắp ba miền Bắc – Trung – Nam.
Anh hào hứng nhận xét: “Cả ba miền tôi thấy khác nhau mỗi giọng nói, còn lại ai nhận ảnh cũng giống nhau hai chữ: bất ngờ. Có người sợ tôi lừa nên phải hỏi đi hỏi lại không mất tiền mới nhận ảnh”.
Khoảnh khắc xúc động
Dự án được anh Khương chọn lọc và tổng hợp bằng clip dài 8 phút đăng trên mạng xã hội thu hút hơn 6 triệu lượt xem cùng hàng ngàn bình luận xúc động, hơn 340.000 lượt yêu thích.
Nhìn lại hành trình đã qua, anh Khương bộc bạch, để có những tấm ảnh đẹp, anh thường chụp vào sáng sớm hoặc chiều tối. Những người anh đã gặp, chụp và tặng ảnh đều là những người để lại kỷ niệm khác nhau nên anh không trả lời được câu hỏi ấn tượng với ai nhất. “Ở Hà Nội tôi khai thác nhiều nên sau này để tìm nhân vật chụp sao cho thông điệp không lặp lại thì lâu hơn. Còn ở những vùng đất mới, có nhiều cảm xúc sáng tác, tôi có thể chụp 5 – 7 nhân vật/ngày. Mỗi người đều có câu chuyện riêng, từ việc thất bại, thành công… tôi sẽ ưu tiên đăng tải các câu chuyện truyền cảm hứng, nghị lực sống đến cộng đồng”, anh nói.
Và món quà lớn nhất mà anh nhận được khi trở thành người nổi tiếng trên mạng là khi đi đến đâu đều có người mời về nhà ăn cơm, hẹn gặp gỡ, uống cà phê. Chàng trai 29 tuổi chia sẻ: “Ban đầu tôi chụp vì đam mê, lưu lại khoảnh khắc cho mọi người. Nhưng khi lan tỏa được đến cộng đồng, tôi thấy hành trình của mình không vô nghĩa”.
Ở cửa hàng hương của bà Tôn Nữ Ánh Tuyết (tên thường gọi mệ Tuyết, ngụ làng hương Thủy Xuân, Thừa Thiên-Huế) vẫn còn đặt tấm hình Khương chụp khi bà đang dọn hương để khách chụp hình. “Khương chụp xong tới tặng ảnh liền mệ vui lắm. Ai ra vô hỏi mệ cũng nói của Lưu Minh Khương chụp cho mệ”, bà bày tỏ.
Dùng kết quả để chứng minh bản thân
Để đạt được những thành công như hiện nay, ít ai biết, anh Khương phải trải qua gần 10 năm chông gai.
Lưu Minh Khương sinh ra trong một gia đình không mấy khá giả, lại thuộc diện dân tộc thiểu số tại một xã nghèo ở vùng núi Yên Thế, Bắc Giang. Ở quê của anh, nhà nào có tivi, tủ lạnh đã là khá giả lắm rồi. Do đó, việc tiếp cận một chiếc máy ảnh kỹ thuật số với anhlà điều xa xỉ.
Ngày ngày, chàng trai dân tộc Tày phải đạp xe hơn 10km đường đồi núi mới có thể đến trường. Gia đình lại hoàn toàn làm nông, do đó nguồn thu chính nuôi sống gia đình anh chỉ là mảnh vườn và vài sào ruộng.
“Không được dư dả như nhiều bạn đồng trang lứa nên ngoài việc trích từ trợ cấp của phụ huynh, tôi kiếm tiền bằng cách đi làm thêm đủ các đầu việc như: phục vụ quán ăn, quán cà phê, vận chuyển đồ…” – anh Khương kể. Cuối cùng, anh đã có thế tự sắm cho mình chiếc máy ảnh đầu tiên với giá hơn 3 triệu đồng.
Bên cạnh đó, việc không theo định hướng của gia đình khiến những bước đầu theo nhiếp ảnh của anh càng trở nên khó khăn bởi không nhận được sự ủng hộ từ bố mẹ.
“Từ khi tôi học năm 2, gia đình đã ngừng “chu cấp”. Thời điểm này, tôi mới chính thức nghiêm túc làm quen với máy ảnh nên một mặt phải tự kiếm tiền để trang trải cuộc sống, một mặt phải ra sức tìm “chỗ đứng” trong ngành nhiếp ảnh. Có như vậy, tôi mới có cơ hội theo đuổi và nuôi dưỡng đam mê” – anh Khương nói.
Bố mẹ không ủng hộ, chật vật lo kiếm tiền, kiếm “tiếng”, Lưu Minh Khương chia sẻ rằng: “Tôi như một kẻ vừa đi vừa mò đường với nhiều mông lung và khó khăn”.
May mắn thay, đến khoảng thời gian đầu năm 3, anh được tiếp cận với công nghệ thông tin, anh bắt đầu tìm cách đăng tải sản phẩm và được nhiều người biết đến hơn.
Anh cho biết thêm, sau những lần chứng kiến con trai hạnh phúc làm công việc mình yêu thích, bố mẹ cũng đã chuyển sang ủng hộ.
Vậy là, suốt 8 năm kiên trì và nỗ lực không ngừng, chàng trai người Tày dần dần chứng minh được bản thân với gia đình và những người xung quanh. Từ một thanh niên hay “thức khuya không dậy sớm”, anh Khương trở thành một tấm gương truyền động lực cho nhiều bạn trẻ đang loay hoay trên hành trình theo đuổi đam mê.
“Trên bất kỳ con đường nào cũng sẽ có những chướng ngại, nhưng bù lại, ta có được nhiều trải nghiệm đáng nhớ. Điều quan trọng là bạn phải biết mình đang ở đâu và quyết tâm theo đuổi đến cùng. Trái ngọt sẽ chờ các bạn ở phía trước” – anh Khương nhắn nhủ.
Tịnh Yên (t/h)
Câu chuyện đằng sau đám tang kì lạ ở Thái Lan được trang trí bằng mì tôm, dầu ăn, sữa gói
Phúc phần may mắn nhiều hay ít, nhìn vào bát cơm của một người liền biết ngay!
Tân Thế Kỷ Truyền Thống – Nhân Văn – Trung Thực