spot_img
21 C
Vietnam
Thứ Năm,4 Tháng Bảy
spot_img

Chữ “Đức” ẩn chứa thiên cơ và nội hàm rất lớn

Những người lớn tuổi thường hay dặn dò con cháu như thế này: “tích đức, làm việc tốt”. Khi có người làm việc thương thiên hại lý, cổ nhân thường có câu rằng: “thất đức, tổn đức”. Vậy “đức” ấy là gì?

Người xưa có câu: “Đức phối thiên địa, thiên tất hữu chi”, có nghĩa là đạo đức của người ta mà hài hòa với trời đất thì trời đất ắt sẽ phù trợ. Phong thủy lớn nhất của đời người chính là đức, chỉ khi nào có đạo đức tốt, nhân ái, lương thiện thì hạnh phúc thật sự mới tìm đến gõ cửa.

Phong thủy lớn nhất của đời người chính là đức

Chữ “德” (đức) được tạo thành từ 5 bộ, bao gồm: “彳”, “十”, “罒”, “一” và “心”. Ý nghĩa như sau:

  • Bộ “彳” (xích) có nghĩa là bước đi chậm rãi, cũng có nghĩa là đức cần phải tích lũy lâu dài. Muốn tích đức thì cần luôn giữ thiện tâm, không phải là nhất thời hứng chí. Phúc đức là kết quả nỗ lực liên tục của cả một đời người.
  • Bộ “十” (thập) có nghĩa là nhiều, là đầy đủ, thập toàn thập mỹ, mười phân vẹn mười, ngụ ý là bất cứ lúc nào hay bất cứ nơi đâu cũng đều phải có thiện tâm, phải đức độ, khoan dung với mọi người.
  • Bộ “罒” (võng) thực chất là bộ mục (con mắt) nằm ngang, nhấn mạnh người có đức có thể nhìn thấy rõ những điều không chân chính, có thể nhận biết được đâu là đúng đâu là sai, đâu là tốt đâu là xấu.
  • Bộ “一” (nhất) là tổng thể, ý rằng người luôn có tầm nhìn bao quát, không ích kỷ, luôn chính trực, lý trí, trung thành, trong lòng không có tạp niệm, không lo lắng mới là người có đức.
  • Bộ “心” (tâm) là nói đến nội tâm, bồi dưỡng “đức” cần phải dựa vào tu ở tâm, chân tâm, thành thâm, chung tâm. “Tâm” nằm ở vị trí cuối cùng của chữ “đức” cho thấy đức là ở tận đáy lòng.

“Đức” có nghĩa là đạo đức, phẩm đức, phẩm hạnh. Những tính tốt như chân thành, kiên trì, nhẫn nại, vị tha, v.v. đều được gọi là “đức tính”. Người hay làm điều thiện, tấm lòng bao dung lại được gọi là người “đức độ”. Trong xã hội xưa kia, dù là bình dân bá tánh, quan lại hay kẻ làm vua đều phải biết “tu dưỡng đạo đức”. Điều đó đủ để thấy rằng một chữ “đức” đã gồm thâu lại tất cả những phẩm chất tốt đẹp của con người.

Do đó, “Đức” có thể được hiểu là đạo đức, là sự thăng hoa của “tâm tính” con người. Chữ “Đức” mang ý nghĩa là vươn lên tầng cao hơn, cũng là chỉ sự tinh tấn của người tu luyện, nên chữ “Đức” có mang theo bộ “彳” (bộ Xích).

Đối với một người bình thường, “Đức” nhiều hay sẽ quyết định năng lực của người đó lớn hay nhỏ, mức độ hạnh phúc cũng như tầng thứ và hướng đi trong luân hồi. Vì vậy, muốn “có được” (Đắc) thì phải có “Đức”, muốn “có được” (Đắc) thì phải “mất đi” (Thất), muốn “có được” (Đắc) thì phải “xả bỏ” (Xả), muốn “có được” thì phải nỗ lực.

Đối với người tu luyện, “Đức” nhiều hay ít sẽ quyết định mức độ khó khăn khi tu luyện, sự cao thấp của “Công” cũng như tầng thứ và quả vị có thể đạt đến.

Bên phải chữ “Đức” là “十目一心” (thập mục nhất tâm).

Trước hết, chúng ta hãy nói về chữ “一” (Nhất). Hiện tại chúng ta đều cho rằng “一” (Nhất) đơn giản chỉ là một con số. Thế nhưng thực ra, con số này rất phức tạp. Trong “Thuyết văn giải tự” có rất nhiều cách giải thích về chữ này. Nội hàm của chữ “一” này là gì?

“Duy sơ thái cực, Đạo lập ư nhất, tạo phân thiên địa, hóa thành vạn vật” (Tạm dịch là: Thái cực, Đạo tối nguyên sơ là được sinh ta từ “nhất”, sau đó tạo nên trời đất, sinh thành vạn vật).

Vì vậy, chữ “一” là tổ của vạn vật, là tổ tiên và nguồn gốc của tất cả mọi thứ. Từ “一” sinh ra âm dương, sinh ra trời đất. Nét ngang trong chữ này đã chia ra trời và đất. Ở phía trên là trời, phía dưới là đất.

Còn chữ “十” (Thập) ở đây có nghĩa là “thập phương thế giới, tứ diện bát phương” (mười phương thế giới, bốn phương tám hướng).

Thế nên mọi người sẽ thấy chữ “Đức” này rất thú vị. Trên chữ “一” là “十目” chính là chỉ rằng khắp trời đều là con mắt. Chữ tâm dưới chữ “一” là chỉ lòng người. Vì vậy mắt của Ông Trời đang nhìn vào lòng người.

Trước đây còn có những câu như: “Trên đầu ba thước có Thần linh”, “Làm chuyện trái với lương tâm ở trong phòng tối, mắt Thần lại thấy rõ như ánh điện”

Nghĩa là mắt của Ông Trời ở khắp mọi nơi, những con mắt đầy trời đang nhìn xuống mặt đất. Điều này cho thấy người xưa hiểu “Đức” là gì. Đó chính là dù có ai nhìn thấy hay bạn hay không, bạn có bị pháp luật truy xét hay không, thì hành vi của bạn đều phải tuân theo Thiên lý mới thực sự là “Đức”.

Lão Tử viết rằng: “Vạn vật mạc bất tôn Đạo nhi quý Đức“ (Tạm dịch là: muôn vật đều tôn trọng Đạo, quý trọng Đức).

Vạn vật nếu không có Đạo thì không thể sinh ra, nếu không có Đức thì không thể thành được. Vì vậy vạn sự vạn vật, trời đất và con người có thể tồn tại, phát triển đều nhờ với sự nuôi dưỡng của Đạo Đức.

Đức là một loại vật chất cao năng lượng, không nhìn thấy, không sờ được nhưng lại thực sự tồn tại. Có thể nói rằng chữ “Đức” quyết định tất cả mọi thứ của con người. Đức hạnh nhiều ít sâu cạn sẽ quyết định phúc phận và vận mệnh của con người, giống như người xưa nói rằng: “Hữu đức giả đắc” (Người có đức thì có được); “Thất đức giả thất” (Người không có đức thì mất đi).

Phúc hay họa của con người đều có liên quan mật thiết đến đức. Có đức là có phúc, không có đức thì sẽ gặp họa. Đó chính ý nghĩa thực sự của câu “Thiên đạo vô thân, thường dữ thiện nhân” (Tạm dịch là: Trời không thiên vị, thường giúp người lành).

Trong sách cổ “Thượng thư – Cao đào mô” có miêu tả có tổng cộng chín loại đức, cũng là chín tiêu chuẩn về hành vi:

“Khoan nhi lật, nhu nhi lập, nguyện nhi cung, loạn nhi kính, nhiễu nhi nghị, trực nhi ôn, giản nhi liêm, cương nhi tắc, cường nhi nghĩa”.

Tạm dịch là: Khoan dung đại lượng nhưng cũng nghiêm túc cung kính, tính tình ôn hòa nhưng lại có chủ kiến, cẩn thận tỉ mỉ nhưng cũng trang trọng nghiêm túc, có tài trị quốc nhưng cũng thận trọng, giỏi lắng nghe ý kiến của người khác nhưng cũng cương nghị quyết đoán, hành vi chính trực nhưng thái độ ôn hòa, khoáng đạt giản dị nhưng cũng chú trọng cả những việc nhỏ, cương trực nhưng cũng vẹn toàn, kiên cường dũng cảm nhưng cũng phù hợp đạo nghĩa.

Trong sách “Thượng thư – Hồng phạm” có nói về ba loại đức khác: “Nhất viết chính trực, nhị viết cương khắc, tam viết nhu khắc”.

Tạm dịch: Một là cương trực thẳng thắn, hai là lấy cứng rắn giành thắng lợi, ba là lấy mềm dẻo giành thắng lợi.

Trong quyển “Chu Lễ – Địa Quan” lại có giảng về sáu loại đức: “Tri, nhân, thánh, nghĩa, trung, hòa”.

Tri: tri thức, hiểu biết; nhân: nhân nghĩa; thánh: sáng suốt: nghĩa: chính nghĩa; trung: chính trực; hòa: khiêm hòa.

Trong sách “Luận ngữ”, Khổng Tử đã giảng đến năm loại đức: “Nhân, lễ, nghĩa, trí, tín”.

Người xưa rất kính trọng trời đất và Thần linh, có thể tuân theo Đạo và giữ gìn đức nên có đức hạnh tốt, có nhiều phúc phận.

Nhiều người hiện nay thường xem đạo đức là hư vô, nhìn nhận một cách nông cạn, cho rằng đạo đức chỉ là lý thuyết suông, chứ không có nội hàm thực sự, chỉ nói đạo đức trên miệng, chứ không thực tâm tin tưởng, không biết được nội hàm sâu sắc của đạo đức cũng như năng lượng vật chất và tinh thần to lớn của đạo đức. Do đó, người thời nay đã rời xa đạo đức, ít đức, phúc phần cũng nông cạn, gặp phải nhiều tai họa.

Nghi Vân (Theo NTDVN, Epoch Times, TTVN)

Vi sao co nhan loai 4

Xem thêm:

Cần cù đức độ, cậu bé nghèo chưa từng tham gia khoa cử trở thành quan lớn trong triều

Vì sao cổ nhân nói: Tướng do tâm sinh, cảnh tùy tâm chuyển

Vì sao lại nói “Khó nhất là tu tại gia, thứ hai tu chợ, thứ ba tu chùa”?

Tân Thế Kỷ *Truyền Thống – Nhân Văn – Trung Thực*

Xem thêm

- Quảng cáo -spot_img

Xem nhiều